Nâng cao hiệu quả giáo dục giới tính cho học sinh miền núi
Giáo dục giới tính cho học sinh, đặc biệt là học sinh khu vực miền núi sẽ giúp các em nhận thức nhiều hơn vấn đề về giới tính, từ đó phòng tránh tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống... Tuy nhiên, khó khăn vẫn còn.
Tiểu phẩm về “bình đẳng giới” của học sinh Trường PTDTBT THCS Phú Xuân (Quan Hóa). (Ảnh đơn vị cung cấp)
Đã có nhiều câu chuyện buồn liên quan đến vấn đề giới tính ở học sinh. Điều này càng thể hiện rõ hơn với một số trường khu vực miền núi. Đã có học sinh bỏ học để đi... “lấy chồng” khi chỉ mới 13, 14 tuổi. Cũng có những học sinh bán trú trốn khỏi trường bằng cách “vượt tường” để đi tìm bạn khác giới... Ở Trường Phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) THCS Phú Xuân (Quan Hóa), một số năm về trước vẫn xảy ra tình trạng tảo hôn ở học sinh và hiện nay, vẫn có những học sinh trốn khỏi ký túc xá vào ban đêm... Hay ở Trường Phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) THCS Lang Chánh (Lang Chánh), trước đây, tại khu ký túc xá, học sinh vẫn có mặt vào đầu buổi tối nhưng đến 22h, khi nhà trường điểm danh lần nữa thì học sinh đã vắng mặt... không lý do. Những trường hợp này thường xảy ra ở học sinh lớp 9.
Vấn đề đặt ra, khi nhà trường phát hiện thì sẽ xử lý như thế nào? Hoặc nhắc nhở hoặc viết bản kiểm điểm, nặng hơn là đuổi học.
Thực tế, giáo dục giới tính cho học sinh, đó là vấn đề nhạy cảm. Đối với giáo viên, sự giảng giải không khó nhưng khó ở chỗ là cách truyền đạt ra sao để thuyết phục được học sinh. Theo chia sẻ của cô giáo Hoàng Thị Thơ, giáo viên dạy môn Ngữ văn Trường PTDTNT THCS Lang Chánh thì quả thực, việc mang đến cho học sinh thông tin về giới tính không dễ. Cô cho biết: “Khi nói về vấn đề giới tính, là liên quan đến bình đẳng giới, đến sức khỏe sinh sản vị thành niên hoặc về tình yêu, tình dục, học sinh cứ cười rúc rích. Các em rất ngại chia sẻ. Tôi là thành viên tổ tư vấn tâm lý của nhà trường nhưng cũng rất ít khi có học sinh tìm đến để được tư vấn về những nội dung liên quan đến giới tính”.
Truyền thông về chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục vị thành niên tại Trường THCS Thành Trực (Thạch Thành). (Ảnh đơn vị cung cấp)
Đưa nội dung giáo dục giới tính vào nhà trường là cần thiết. Giáo dục giới tính đó như bài học về đạo đức, về điều chỉnh hành vi, cảm xúc và biết ứng phó với những tình huống xấu... Mặc dù đã được nhà trường đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền về giáo dục giới tính nhưng đối với học sinh miền núi, ở các em vẫn còn nhiều khó khăn. Theo thầy giáo Nguyễn Danh Kiên, Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Phú Xuân (Quan Hóa) thì: “Bản thân phụ huynh còn hạn chế trong nhận thức. Họ cho rằng, gái cũng như trai, chỉ cần học đến lớp 8, lớp 9 là có thể đi lấy chồng, lấy vợ. Bản thân học sinh, có những em còn chưa thực sự coi giáo dục giới tính là hành trang cần thiết...”.
Ở Trường PTDTBT THCS Phú Xuân, việc giáo dục giới tính cho học sinh thường được lồng ghép với các môn học như Giáo dục công dân hay phân môn Sinh học... Ngoài ra, nhà trường còn có câu lạc bộ: “Thủ lĩnh của sự thay đổi” mà ở đó cũng có đề cập đến nội dung giáo dục giới tính... Còn ở Trường PTDTNT THCS Lang Chánh, thầy giáo Lê Văn Linh, Phó Hiệu trưởng cho biết: “Ngoài việc lồng ghép với các tiết dạy chính khóa, ngoại khóa hay sinh hoạt lớp ký túc xá, nhà trường còn tổ chức sân khấu hóa, viết bài tìm hiểu về giới tính...”.
Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã tổ chức truyền thông về giáo dục giới tính cho 40 trường học của 4 huyện miền núi. Với hình thức trao đổi trực tiếp, truyền tải nội dung một cách cụ thể, sinh động, buổi truyền thông đã giúp các em học sinh nhận thức được các vấn đề về thay đổi sinh lý, tâm lý tuổi dậy thì cũng như những kiến thức cần thiết về chăm sóc sức khỏe sinh sản lứa tuổi vị thành niên, thanh niên. Bên cạnh việc cung cấp kiến thức, các em học sinh còn được tham gia trao đổi, thảo luận cũng như bày tỏ ý kiến, quan điểm cá nhân liên quan đến vấn đề giới tính... “Qua những buổi truyền thông này, sẽ rèn cho học sinh kỹ năng sống tốt hơn và gia đình, thầy cô cũng có thêm kiến thức để cùng đồng hành với con của mình, với học sinh của mình. Buổi truyền thông sẽ giúp học sinh hạn chế nguy cơ xâm hại tình dục, nguy cơ mắc phải các bệnh lây nhiễm qua quan hệ tình dục, mang thai ngoài ý muốn...”, bác sĩ CKI Lê Thị Nguyên, Trưởng khoa Sức khỏe sinh sản, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho biết.
Vi An
{name} - {time}
-
2024-12-04 09:38:00
Giáo dục truyền thống lịch sử - văn hóa trong trường học
-
2024-12-03 13:51:00
Chông chênh sự học bên bờ sông Mã
-
2024-11-29 15:34:00
Trường THCS thị trấn Bến Sung - điểm sáng của ngành giáo dục Như Thanh
Vì tương lai trẻ em vùng cao
Đại học Sydney xem xét tăng cường cơ chế liên kết đào tạo với đối tác Việt Nam
Khánh thành “Trường đẹp cho em” tại điểm Trường mầm non thôn Yên Bình, xã Yên Khương
Sửa đổi, bổ sung quy định về mở ngành đào tạo trình độ đại học, thạc sỹ, tiến sỹ
Phát triển thư viện điện tử trong trường học
Xây dựng chính sách toàn diện cho nhà giáo: Bài học kinh nghiệm quốc tế
Dự kiến siết chỉ tiêu xét tuyển sớm trong tuyển sinh đại học
Xã hội hóa xuất bản sách giáo khoa: Thành tựu của đổi mới toàn diện giáo dục
Đội tuyển Việt Nam tỏa sáng tại Robothon Quốc tế 2024