Sửa đổi, bổ sung quy định về mở ngành đào tạo trình độ đại học, thạc sỹ, tiến sỹ
Bộ Giáo dục-Đào tạo sửa đổi, bổ sung Thông tư 02/2022/TT-BGDĐT về mở ngành đào tạo, làm rõ quy định “ngành phù hợp” ở trình độ tiến sỹ, thạc sỹ; điều kiện mở ngành đào tạo trình độ thạc sỹ, tiến sỹ.
(Ảnh minh họa: Thanh Tùng/TTXVN)
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư 16/2024/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 02/2022/TT-BGDĐT quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo, đình chỉ hoạt động của ngành đào tạo trình độ đại học, thạc sỹ, tiến sỹ. Thông tư có hiệu lực từ 5/1/2025.
Bổ sung quy định về giảng viên
Về đội ngũ giảng viên, Thông tư bổ sung quy định giảng viên chủ trì xây dựng, tổ chức thực hiện chương trình đào tạo và giảng viên chủ trì giảng dạy chương trình đào tạo phải là giảng viên cơ hữu không quá tuổi nghỉ hưu tối đa theo quy định của Chính phủ về nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập.
Hằng năm, các giảng viên này trực tiếp giảng dạy trọn vẹn một số học phần bắt buộc hoặc hướng dẫn chính luận văn thạc sỹ, luận án tiến sỹ trong chương trình đào tạo.
Bổ sung quy định ngành phù hợp ở trình độ tiến sỹ, thạc sỹ
Thông tư bổ sung quy định ngành phù hợp ở trình độ tiến sỹ, thạc sỹ đối với một số ngành đào tạo trình độ thấp hơn phải đáp ứng một trong số các yêu cầu sau:
Cùng tên với ngành đào tạo hoặc đáp ứng quy định trong chuẩn chương trình đào tạo do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.
Trường hợp chưa có chuẩn chương trình đào tạo của lĩnh vực, nhóm ngành tương ứng, phải có căn cứ khoa học và thực tiễn, được Hội đồng khoa học và đào tạo của cơ sở đào tạo xác định là ngành có nền tảng chuyên môn gần nhất đối với ngành đào tạo, được phần lớn người tốt nghiệp ngành đào tạo lựa chọn khi học lên trình độ cao hơn; được Bộ Giáo dục và Đào tạo xác nhận dựa trên ý kiến của Hội đồng tư vấn chuyên môn do Bộ Giáo dục và Đào tạo thành lập.
Ngành phù hợp ở trình độ tiến sỹ đối với một ngành đào tạo cùng trình độ phải đáp ứng một trong các yêu cầu sau:
Cùng tên với ngành đào tạo hoặc đáp ứng quy định trong chuẩn chương trình đào tạo do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.
Trường hợp chưa có chuẩn chương trình đào tạo của lĩnh vực, nhóm ngành tương ứng: có căn cứ khoa học và thực tiễn được Hội đồng khoa học và đào tạo của cơ sở đào tạo xác định là ngành có cùng nền tảng chuyên môn và thuộc cùng nhóm ngành với ngành đào tạo; được Bộ Giáo dục và Đào tạo xác nhận dựa trên ý kiến của Hội đồng tư vấn chuyên môn do Bộ Giáo dục và Đào tạo thành lập.
Sửa đổi, bổ sung điều kiện mở ngành đào tạo trình độ thạc sỹ, tiến sỹ
Thông tư 16 cũng sửa đổi, bổ sung điều kiện mở ngành đào tạo trình độ thạc sỹ, tiến sỹ. Theo đó, về điều kiện mở ngành đào tạo trình độ thạc sỹ bổ sung quy định có kinh nghiệm trong tổ chức đào tạo, nghiên cứu khoa học liên quan tới ngành đào tạo, đáp ứng một trong các điều kiện sau:
Ngành đào tạo trình độ thạc sỹ là ngành phù hợp đối với một ngành đã đào tạo và cấp bằng ở trình độ đại học; trong 5 năm gần nhất, số giảng viên quy định tại khoản 1, Điều 5 đã có ít nhất 2 năm kinh nghiệm trực tiếp giảng dạy trên 50% số học phần trong chương trình đào tạo, đồng thời đã công bố tổng số ít nhất 20 bài báo, báo cáo khoa học trên các tạp chí khoa học được Hội đồng Giáo sư nhà nước tính điểm cho ngành đào tạo, với vai trò là tác giả đứng đầu hoặc tác giả liên hệ.
Đối với điều kiện mở ngành đào tạo trình độ tiến sỹ, Thông tư 16 sửa đổi, bổ sung quy định có kinh nghiệm trong tổ chức đào tạo, nghiên cứu khoa học liên quan tới ngành đào tạo, đáp ứng một trong các điều kiện sau:
Ngành đào tạo trình độ tiến sỹ là ngành phù hợp đối với một ngành đã đào tạo và cấp bằng ở trình độ thạc sỹ; trong 5 năm gần nhất, số giảng viên quy định tại khoản 1, Điều 6 đã tham gia hướng dẫn 5 luận án tiến sỹ thuộc ngành đào tạo được bảo vệ thành công (tại một cơ sở đào tạo khác); đồng thời, đã công bố tổng số ít nhất 50 bài báo, báo cáo khoa học trên các tạp chí khoa học được Hội đồng Giáo sư nhà nước tính điểm cho ngành đào tạo, với vai trò là tác giả đứng đầu hoặc tác giả liên hệ.
Cùng với đó, cơ sở đào tạo cần đạt các tiêu chí của chuẩn cơ sở giáo dục đại học áp dụng cho cơ sở đào tạo tiến sỹ bao gồm tỷ lệ giảng viên toàn thời gian có trình độ tiến sỹ; tỷ trọng thu từ các hoạt động khoa học và công nghệ (trừ các cơ sở đào tạo thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an); số lượng công bố khoa học và công nghệ tính bình quân trên một giảng viên toàn thời gian./.
Theo TTXVN
{name} - {time}
-
2024-12-07 11:07:00
Cần có sự phân loại đạo đức theo từng bậc học
-
2024-12-07 08:00:00
Nhớ một thời Trường Văn hóa Quân đội
-
2024-11-27 09:44:00
Phát triển thư viện điện tử trong trường học
Xây dựng chính sách toàn diện cho nhà giáo: Bài học kinh nghiệm quốc tế
Dự kiến siết chỉ tiêu xét tuyển sớm trong tuyển sinh đại học
Xã hội hóa xuất bản sách giáo khoa: Thành tựu của đổi mới toàn diện giáo dục
Đội tuyển Việt Nam tỏa sáng tại Robothon Quốc tế 2024
Việt Nam có 2 trường đại học lọt bảng xếp hạng khoa học liên ngành
Nhiều điểm mới quan trọng trong dự thảo quy chế tuyển sinh đại học từ 2025
Thận trọng với đồ ăn vặt trước cổng trường
Cô giáo cuộc đời tôi...
Đã cao quý, càng thêm cao quý