Chủ động phòng ngừa, bảo vệ người lao động
An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) không chỉ là điều kiện bảo đảm sức khỏe cho người lao động mà còn là yếu tố then chốt trong phát triển bền vững của mỗi doanh nghiệp. Trong bối cảnh rủi ro nghề nghiệp ngày càng đa dạng, việc đánh giá, nhận diện nguy cơ và chủ động triển khai các biện pháp phòng ngừa là yêu cầu cấp thiết, không thể lơ là hay đối phó hình thức.
Đảm bảo an toàn vệ sinh lao động trong quá trình bảo trì máy móc tại Nhà máy điện Lam Sơn.
Nhận diện rủi ro để hành động sớm
Ngay từ đầu năm, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Kế hoạch số 13/KH-UBND để tổ chức triển khai công tác ATVSLĐ, trong đó giao nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ngành, địa phương và doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, các đơn vị đã chủ động xây dựng kế hoạch riêng phù hợp với lĩnh vực, quy mô và đặc thù sản xuất của mình. Đặc biệt, các cơ quan như Sở Nội vụ, Liên đoàn Lao động tỉnh, Sở Y tế, Sở Công Thương... đã đóng vai trò điều phối, hướng dẫn kỹ thuật; đồng thời, tổ chức các đợt kiểm tra liên ngành nhằm rà soát, phát hiện và xử lý kịp thời các yếu tố nguy hiểm tại nơi làm việc.
Bên cạnh đó, để việc nhận diện nguy cơ đi vào thực chất, tỉnh đã chú trọng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ phụ trách ATVSLĐ tại các doanh nghiệp. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh tổ chức được 355 lớp huấn luyện ATVSLĐ với sự tham gia của 27.451 lượt người, trong đó có hơn 5.700 người lao động làm việc trong môi trường nguy hiểm và hơn 1.100 cán bộ chuyên trách công tác ATVSLĐ tại doanh nghiệp. Việc huấn luyện được thực hiện theo đúng nhóm đối tượng, từ người quản lý, cán bộ kỹ thuật đến công nhân trực tiếp sản xuất, bảo đảm mỗi người lao động đều được trang bị kiến thức cơ bản về phòng ngừa rủi ro và kỹ năng xử lý sự cố.
Song song với huấn luyện, các doanh nghiệp trên địa bàn đã chủ động tổ chức 266 cuộc tự kiểm tra, phát hiện 128 nguy cơ rủi ro, nhằm phát hiện các điểm nguy cơ ngay trong dây chuyền sản xuất. Đồng thời, bổ sung 53 quy trình làm việc an toàn, hoàn thiện hệ thống nội quy, bảng cảnh báo, sơ đồ thoát hiểm... theo hướng rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực hiện.
Không chỉ dừng lại ở doanh nghiệp lớn, các địa phương cũng đẩy mạnh quản lý ATVSLĐ ở khu vực phi chính thức, làng nghề, cơ sở nhỏ lẻ, nơi người lao động thường ít được tiếp cận với thông tin và dễ gặp rủi ro cao. UBND cấp xã, phường được yêu cầu bố trí cán bộ phụ trách theo dõi công tác ATVSLĐ, tổ chức kiểm tra định kỳ các cơ sở kinh doanh nhỏ, đồng thời phối hợp với công đoàn và tổ chức xã hội để tuyên truyền lưu động, phát tờ rơi, treo pano, băng rôn trên các tuyến đường, khu công nghiệp và cụm sản xuất.
Trong Tháng hành động ATVSLĐ, đã có 255 tin, bài, phóng sự được phát sóng, hơn 19.000 ấn phẩm thông tin được phát hành; 136 chiến dịch thi đua được phát động với sự tham gia của hơn 41.000 người... Con số này cho thấy sự chuyển biến tích cực trong tư duy “phòng ngừa là then chốt”, thay vì xử lý sự cố khi đã xảy ra.
Không để an toàn lao động chỉ là hình thức
Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2025 với chủ đề “Tăng cường đánh giá, nhận diện nguy cơ, rủi ro và chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo ATVSLĐ tại nơi làm việc” đã tạo đà thúc đẩy mạnh mẽ việc nhận diện nguy cơ trong toàn hệ thống. Các doanh nghiệp triển khai đồng loạt các hoạt động truyền thông, thi tìm hiểu pháp luật, thi tay nghề ATVSLĐ với sự tham gia của hàng chục nghìn công nhân, người lao động.
Người lao động yên tâm sản xuất trong môi trường làm việc an toàn. (Trong ảnh: Công nhân Công ty TNHH MTV X20 Thanh Hóa trong ca cản xuất) - Ảnh minh họa.
Tuy nhiên, vẫn còn không ít nơi tổ chức Tháng hành động một cách hình thức. Một số đơn vị vẫn xem việc đánh giá nguy cơ rủi ro là nhiệm vụ “phụ”, làm cho có, thậm chí chưa từng tổ chức tự kiểm tra định kỳ. Đáng lo hơn, 6 tháng đầu năm 2025, toàn tỉnh xảy ra 14 vụ tai nạn lao động, làm 12 người chết và 3 người bị thương. Các vụ tai nạn chủ yếu xảy ra ở lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng, khai thác đá, xây lắp, những nơi tiềm ẩn nhiều rủi ro nhưng còn thiếu quy trình kiểm soát an toàn nghiêm ngặt.
Để nâng cao hiệu quả trong công tác bảo đảm vệ sinh lao động, tỉnh ta đang từng bước thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giám sát và truyền thông, góp phần giảm thời gian xử lý văn bản, tăng độ chính xác trong tiếp nhận thông tin và đặc biệt giúp các chính sách ATVSLĐ được truyền tải nhanh chóng, đồng bộ đến từng cơ sở sản xuất. Cùng với chuyển đổi số, nhiệm vụ trọng tâm đặt ra là nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về ATVSLĐ tại cấp cơ sở. Thực tế cho thấy, nguy cơ mất an toàn lao động thường tập trung ở những đơn vị sản xuất nhỏ lẻ, lao động tự do, khu vực phi chính thức, nơi mà công tác kiểm tra, giám sát còn lỏng lẻo do thiếu nhân lực chuyên trách. Do đó, việc tăng cường vai trò của UBND cấp xã, phường trong theo dõi, hướng dẫn và kiểm tra định kỳ là hết sức cần thiết. Việc bố trí cán bộ phụ trách công tác ATVSLĐ tại địa phương không chỉ giúp kịp thời phát hiện, xử lý nguy cơ mà còn xây dựng được mạng lưới cảnh báo sớm từ cơ sở.
Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở tháng hành động thì chưa đủ mà vấn đề ATVSLĐ cần được xem là một quá trình liên tục, đồng bộ và toàn diện. Không thể coi đó là nhiệm vụ riêng của cơ quan chức năng hay công đoàn, mà phải trở thành một phần của văn hóa doanh nghiệp, nơi mà mỗi người quản lý, mỗi công nhân đều có ý thức tự bảo vệ mình và cộng đồng xung quanh.
Bài và ảnh: Trần Hằng
{name} - {time}
-
2025-07-25 19:00:00
Dự báo thời tiết đêm 25 ngày 26/7/2025
-
2025-07-25 15:00:00
Bản tin Tài chính – Thị trường 25/7/2025
-
2025-07-25 14:56:00
Trung tâm phục vụ hành chính công cấp xã: “Chuẩn hóa để vận hành ổn định, thông suốt
Công tác chuẩn bị Triển lãm thành tựu đất nước phải hoàn thành trước ngày 15/8
Khi học sinh đi học muộn...
Thiêng liêng hai chữ “đồng bào”
Nghĩa tình tháng 7 (Bài 1): “Trở về” đất mẹ
Hiểu rõ về cấp độ gió bão, áp thấp nhiệt đới
Dự báo thời tiết hôm nay 24/7/2025
Dự báo thời tiết đêm 23 ngày 24/7/2025
Bản tin Tài chính – Thị trường 23/7/2025
Tre làng xứ Thanh - Dáng đứng kiên cường