Chuyện những người làm đẹp phố phường
Với những công nhân vệ sinh môi trường (thuộc Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Thanh Hóa) hay thường gọi công nhân quét rác, để mưu sinh họ không quản ngày đêm, nắng mưa, hiểm nguy rình rập, hằng ngày cần mẫn, chịu khó có mặt trên những con đường khói bụi, đông xe cộ qua lại để quét, thu gom, xử lý rác thải bẩn, độc hại để làm đẹp phố phường...
Công nhân môi trường thuộc Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Thanh Hóa dọn rác khu vực Đình Hương, phường Đông Cương (TP Thanh Hóa).
Trong cuộc sống, ai cũng có một lý do để tìm cho mình một nghề, song tựu trung lại cũng vì hai chữ “mưu sinh”. Đối với những công nhân môi trường chuyên quét dọn, thu gom, xử lý rác thải, công việc họ chọn lại khá khó nhọc, đôi khi có sự hy sinh lợi ích của bản thân. Đặc biệt, trong bối cảnh xã hội càng hiện đại, thì dường như càng vất vả hơn khi hằng ngày phải tiếp xúc với những túi rác, nhất là những túi rác bẩn, độc hại, chưa kể trực tiếp chạm vào, rồi xử lý chúng đưa đến nơi chứa rác tập trung. Dẫu vậy, vượt qua sự mặc cảm, tự ti về công việc, những con người thầm lặng ấy như những chú ong thợ chăm chỉ hăng say, cần mẫn không quản ngày đêm, nắng mưa làm sạch phố phường.
Theo chân chị Nguyễn Thị Hà (47 tuổi, phường Đông Thọ, TP Thanh Hóa) công nhân Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Thanh Hóa, chúng tôi mới thấu hiểu được sự nhọc nhằn, vất vả của họ. Hơn 24 năm gắn bó với nghề, đối với chị đó không chỉ đơn thuần vì “cơm áo, gạo tiền” mà còn là niềm vui, khao khát muốn giữ cho lề đường, hè phố luôn sạch đẹp. Chị kể, ngày mới vào nghề, ai cũng phản đối, nhưng khi mình đã xác định thì phải yêu nghề, có trách nhiệm mới gắn bó lâu dài được. Ai làm nghề này cũng vậy, mùa hè thì nóng nực, chân tay luôn đổ mồ hôi, quần áo lấm lem bụi bẩn do tiếp xúc thường xuyên với mùi hôi tanh của rác, bụi bẩn đường phố. Trong khi mùa đông thì lạnh thấu xương nhưng vẫn phải làm việc, đó là chưa kể những ngày mưa dông, sấm chớp. Để bảo vệ sức khỏe, ngoài chiếc áo phản quang, chổi tre, xẻng, chị Hà còn trang bị thêm một số đồ bảo hộ khác, như: ủng, bao tay, khăn bịt mặt, mũ và đèn đội đầu. Cái nghề nó vất vả là vậy, nhưng giờ cao tuổi rồi, chuyển sang việc khác rất khó.
Tuy nặng nhọc, vất vả nhưng công nhân môi trường vẫn luôn nhiệt tình, cần mẫn với công việc đã chọn.
Đi dọc các tuyến đường trên địa bàn TP Thanh Hóa, trung bình cứ cách hơn 400m lại có một tốp công nhân môi trường tay cầm chổi cặm cụi, lúi húi nhặt nhạnh, quét dọn từng cọng rác. Chị Lê Thị Dung, công nhân Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Thanh Hóa, cho biết: Theo quy định với công nhân quét rác thường làm việc theo ca kíp, hầu như không có ngày nghỉ. Đặc biệt, trong những ngày lễ, tết, lượng rác thải nhiều nên càng vất vả hơn và phải tăng giờ làm để xong công việc mới được về nhà. Những ngày nắng ráo còn đỡ, chứ vào ngày mưa, đặc biệt là ảnh hưởng của cơn bão số 3 vừa qua, rác thải ùn ứ khối lượng nhiều, ngấm nước, vừa thêm bẩn, thêm nặng nên có mệt nhọc hơn ngày thường đôi chút. Chị em dù mang găng tay nhưng thỉnh thoảng vẫn bị những mảnh chai, mảnh nhọn đâm vào tứa máu. Chưa kể, một số tuyến phố có kinh doanh đồ ăn, rác thải nhiều nên dù mới quét dọn sạch sẽ lúc đêm, sáng hôm sau đã ngập rác.
Phút nghỉ ngơi hiếm hoi của công nhân môi trường.
Với nhiều người, họ vẫn nghĩ lao công làm nghề quét rác đơn giản, nhưng để cầm cây chổi dài và nặng quét hàng cây số trên các con đường, vừa quét vừa phải đẩy theo xe chở đầy rác thì không hề dễ dàng. Vào những ngày nghỉ lễ, tết, hay thời khắc đón giao thừa, khi mọi người, mọi nhà nhộn nhịp chuẩn bị sắm sửa, quây quần bên mâm cơm gia đình, thì những công nhân môi trường vẫn miệt mài quét dọn làm sạch, đẹp cho những con đường, ngõ phố. Và nếu không chú ý, cũng ít ai biết được rằng, ngoài công việc vất vả ấy, họ còn phải đối mặt với những hiểm nguy rình rập. Một số công nhân làm ca đêm, quét rác trên đường, đoạn ngõ cụt, hẻm vắng thường gặp phải một số thanh niên nồng nặc mùi rượu, đối tượng nghiện hút, biến thái... mỗi lần như vậy chị em trong đội ai nấy cũng run rẩy, lo sợ. Nhưng rồi, làm lâu cũng có kinh nghiệm, nên thường chủ động trong mọi tình huống...
“Công ty hiện có khoảng gần 300 lao động tham gia quét, thu gom, xử lý rác thải, chủ yếu là phụ nữ, chia làm 25 tổ, trung bình mỗi tổ gần 10 thành viên, người ít nhất cũng vài năm. Đặc thù công việc vất vả, nặng nhọc, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng về sức khỏe, tâm lý, song họ vẫn kiên trì, nhiệt huyết, luôn cố gắng hoàn thành tốt công việc được giao. Hằng năm, để đảm bảo công nhân vệ sinh môi trường yên tâm làm việc, cũng như hạn chế nguy cơ tai nạn, đơn vị luôn quan tâm, cấp phát đầy đủ bảo hộ lao động. Thường xuyên cải tiến mẫu quần áo bảo hộ lao động, kỹ thuật công nghệ, áp dụng cơ giới hóa vào công tác thu gom, vận chuyển rác thải. Các chế độ tiền lương, bảo hiểm được thực hiện đầy đủ, tạo động lực giúp mọi người gắn bó với công việc hơn...”, bà Tống Thị Thọ, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Thanh Hóa, cho biết.
Bài và ảnh: Trung Lê
{name} - {time}
-
2024-11-23 15:59:00
“Nghiện” học, “nghiện” việc
-
2024-11-23 15:51:00
Người tổ trưởng tổ công nghệ số cộng đồng tiên phong, tích cực
-
2024-09-20 10:47:00
Đồn Biên phòng Bát Mọt với phong trào “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”
Phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong xây dựng nông thôn mới
Chuyện về tờ giấy khai sinh
[WOW! THANH HOÁ] Ngắm hàng cây di sản hơn trăm tuổi độc nhất xứ Thanh
Bản tin Tài chính 20/9: Giá vàng tăng mạnh, đồng USD thế giới quay đầu giảm sau động thái cắt giảm lãi suất
Góp phần giữ vững an ninh rừng
Bản tin Tài chính 19/9: Giá vàng giảm mạnh sau chạm đỉnh cao nhất mọi thời đại
Dự báo thời tiết 19/9: Thanh Hoá có mưa to, đề phòng sạt lở đất
Người dân huyện Mường Lát giao nộp súng tự chế cho bộ đội biên phòng
Thị xã Bỉm Sơn khắc phục ô nhiễm môi trường, xây dựng đô thị xanh - sạch - đẹp