(vhds.baothanhhoa.vn) - Để loại hình bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện được đông đảo người dân tham gia hơn nữa, góp phần đảm bảo các chính sách an sinh xã hội, cần sự vào cuộc quyết liệt hơn từ các cấp ủy, chính quyền và cơ quan chức năng. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Thanh Hóa đã có cuộc trao đổi với những người trong cuộc.

Của để dành: Cần có giải pháp đồng bộ

Để loại hình bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện được đông đảo người dân tham gia hơn nữa, góp phần đảm bảo các chính sách an sinh xã hội, cần sự vào cuộc quyết liệt hơn từ các cấp ủy, chính quyền và cơ quan chức năng. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Thanh Hóa đã có cuộc trao đổi với những người trong cuộc.

Của để dành: Cần có giải pháp đồng bộ

Ảnh minh họa.

ÔNG NGUYỄN THẾ SỢI, PHÓ GIÁM ĐỐC BHXH TỈNH THANH HÓA: Đẩy mạnh các biện pháp vận động, tuyên truyền

PV: Xin ông cho biết, thời gian qua, để nâng cao tỷ lệ người tham gia BHXH tự nguyện, BHXH tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện những giải pháp gì?

Ông Nguyễn Thế Sợi: BHXH tỉnh Thanh Hóa xác định nhiệm vụ phát triển người tham gia BHXH tự nguyện là một trong những mục tiêu trọng tâm. Trong thời gian qua, được sự quan tâm chỉ đạo của BHXH Việt Nam, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, BHXH tỉnh, BHXH các huyện, thị xã, thành phố đã tham mưu UBND cùng cấp ban hành Quyết định thành lập và Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), BHXH tự nguyện, từ đó xây dựng kế hoạch cụ thể để thực hiện chỉ tiêu phát triển người tham gia tới từng xã, phường, thị trấn. Bên cạnh đó, BHXH tỉnh cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền; mở rộng, đào tạo, phát triển hệ thống đại lý thu BHXH đến tận xã, phường, thị trấn, giao chỉ tiêu đến từng đơn vị, cá nhân.

Trong tình hình dịch bệnh COVID-19, BHXH tỉnh đã sử dụng truyền thông một cách hiệu quả thông qua mạng xã hội. Ngoài cổng Thông tin điện tử, đơn vị thành lập Zalo Official và Fanpage để đa dạng hình thức truyền thông. Đẩy mạnh tuyên truyền trực quan bằng tờ rơi, linh hoạt tổ chức hội nghị tuyên truyền BHXH tự nguyện bằng hình thức trực tuyến qua Google Meet, chia các nhóm nhỏ để đến từng hộ gia đình tuyên truyền, vận động.

BHXH tỉnh còn đơn giản hóa mọi thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, giao dịch điện tử, đa dạng các hình thức, phương thức nhận hồ sơ, trả kết quả, thu tiền đóng, chuyển tiền đóng vào quỹ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người tham gia BHXH tự nguyện. Đồng thời giao chỉ tiêu cho BHXH các huyện, thị xã, thành phố phát triển người tham gia BHXH tự nguyện. Thông qua phong trào thi đua sẽ kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân tiêu biểu...

PV: Và những nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới là gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Thế Sợi: Trong thời gian tới, BHXH tỉnh Thanh Hóa tiếp tục phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, cơ quan thông tấn, báo chí, cấp ủy, chính quyền các cấp, đặc biệt là Bưu điện tỉnh Thanh Hóa đẩy mạnh công tác truyền thông với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, hiện đại. Qua đó, giúp người dân, người lao động hiểu rõ quyền, lợi ích của việc tham gia BHXH nói chung và BHXH tự nguyện nói riêng.

Ngoài ra, chúng tôi sẽ tiếp tục đề xuất, kiến nghị hoàn thiện hệ thống pháp luật về BHXH để tăng tính hấp dẫn, thuận lợi hơn nữa cho người tham gia. Trong đó sẽ đề xuất, kiến nghị: sửa đổi quy định về điều kiện, thời gian đóng BHXH tự nguyện để được hưởng lương hưu, kết hợp với điều chỉnh cách tính hưởng lương hưu; quy định điều chỉnh tăng và linh hoạt hơn về sự hỗ trợ của Nhà nước cho người tham gia BHXH tự nguyện, nhất là đối tượng người nông dân, người lao động phi chính thức không thuộc hộ nghèo, cận nghèo để tăng mức độ hấp dẫn, khuyến khích tăng số người tham gia BHXH tự nguyện;...

BHXH tỉnh cũng chú trọng nâng cao chất lượng phục vụ, xây dựng môi trường làm việc năng động, nghiêm chỉnh chấp hành nội dung quy chế và đạo đức công vụ của cán bộ BHXH cũng như đội ngũ đại lý thu BHXH...

ÔNG PHẠM VĂN ĐẠT, PHÓ CHỦ TỊCH UBND HUYỆN NGỌC LẶC: Nâng cao vai trò của cấp ủy, chính quyền cơ sở

PV: Là huyện còn gặp nhiều khó khăn, Ngọc Lặc đã nỗ lực như thế nào để phát triển số người tham gia BHXH tự nguyện, thưa ông?

Ông Phạm Văn Đạt: Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền huyện Ngọc Lặc xác định phát triển BHXH tự nguyện là một nhiệm vụ quan trọng cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Vì vậy, UBND huyện đã chỉ đạo, các xã, thị trấn, tổ chức đoàn thể phối hợp chặt chẽ với cơ quan BHXH để đưa BHXH tự nguyện vào cuộc sống. Thành lập Ban Chỉ đạo phát triển BHXH, BHYT toàn dân, duy trì giao ban hàng quý đánh giá tình hình, kết quả thực hiện công tác BHXH, BHYT nói chung, BHXH tự nguyện nói riêng để có những chỉ đạo kịp thời, sát đúng với tình hình thực tiễn. Đồng thời giao chỉ tiêu cụ thể, hàng năm cho các xã, thị trấn, coi đây là tiêu chí thi đua, đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ trong năm. Bên cạnh đó, Ngọc Lặc cũng giao BHXH huyện - cơ quan thường trực ban chỉ đạo, chủ động kết nối triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó, chú trọng tuyên truyền trực tiếp tại thôn, khu phố...

Nhờ đó, công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn huyện đã đạt được những kết quả khả quan với 2.772 người tham gia. Kết quả này so với các huyện miền xuôi còn khiêm tốn, nhưng đó là sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị huyện Ngọc Lặc.

PV: Đại dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực đến đời sống Nhân dân, việc phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện sẽ gặp nhiều khó khăn. Xin ông cho biết, huyện Ngọc Lặc đã đề ra giải pháp gì trong thời gian tới?

Ông Phạm Văn Đạt: Trong thời gian tới, huyện Ngọc Lặc tiếp tục huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc phát triển BHXH tự nguyện. Chỉ đạo các xã, thị trấn phối hợp chặt chẽ với BHXH huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức để người dân nhận thức đầy đủ tính nhân văn của BHXH tự nguyện và sẵn sàng tham gia. Thực hiện kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm ở những xã, thị trấn không hoàn thành nhiệm vụ trong việc phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện...

BÀ LÊ THỊ THỦY, ĐẠI LÝ THU BHXH XÃ THẠCH BÌNH (THẠCH THÀNH): Cần điều chỉnh chế độ thụ hưởng BHXH tự nguyện

PV: Là người trực tiếp gặp gỡ tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện trong thời gian dài, theo bà, vì sao người lao động tự do vẫn chưa mặn mà với loại hình bảo hiểm này?

Bà Lê Thị Thủy: Có thể khẳng định, BHXH tự nguyện mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, giúp nhiều lao động tự do có điều kiện được hưởng lương hưu, có thẻ BHYT. Tuy nhiên, người tham BHXH tự nguyện chỉ được chi trả hai chế độ hưu trí và tử tuất, trong khi người lao động tham gia BHXH bắt buộc còn được chi trả thêm ba chế độ, đó là ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Bên cạnh đó, thu nhập người dân còn thấp, không ổn định, nhiều người chưa hiểu hết về lợi ích khi tham gia BHXH tự nguyện. Đây chính là những nguyên nhân khiến người lao động tự do chưa mặn mà với loại hình bảo hiểm này.

Theo tôi, Nhà nước cần tăng chế độ thụ hưởng cho người tham gia; điều chỉnh cách tính hưởng lương hưu, tăng tính hấp dẫn, thu hút người dân tham gia BHXH tự nguyện. Bản thân người lao động tự do khi đang còn tuổi lao động, hãy tự lo cho mình bằng cách dành một phần thu nhập của mình tham gia BHXH tự nguyện, chuẩn bị tốt cho cuộc sống khi tuổi xế chiều.

Nguyễn Xuân (thực hiện)



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]