Cùng con “lều chõng” mùa thi
Họ là những người đã cùng con, cùng cháu từ nơi trập trùng núi cao xuống trung tâm TP Thanh Hóa ôm giấc mộng sĩ tử trong Kỳ thi vào lớp 10 THPT Chuyên Lam Sơn năm học 2024 - 2025.
Trước cổng trường thi luôn có hàng dài phụ huynh đón đợi thí sinh.
Trong hàng dài người đợi thí sinh trước cổng Trường THPT chuyên Lam Sơn những ngày diễn ra kỳ thi (từ 22 - 23/5), chẳng hôm nào chị Lò Thị Dăng (sinh năm 1982) vắng mặt.
Từ xã biên giới Tam Lư (Quan Sơn), vượt hơn 160 cây số xuống phố, hôm nào cũng thế, chị khắc khổ trong bộ quần áo đã cũ, lúc vạ vật cạnh tường rào, lúc đứng trước cổng trưởng, nhưng đôi mắt vẫn đau đáu hướng về phía trường thi.
Chị Lò Thị Dăng đợi con tại cổng Trường THPT Chuyên Lam Sơn.
Hết giờ thi, gặp lại con, chị không hỏi nhiều về kết quả làm bài, mà thường hỏi con hôm nay muốn ăn gì...
Chị kể: “Những ngày trước khi thi cháu đã căng thẳng rồi. Tôi không muốn cháu căng thẳng thêm”. Nói rồi chị rơm rớm nước mắt.
Chị Dăng kể, Hà Linh con gái đầu của chị học giỏi, đủ điều kiện thi vào Trường THPT chuyên Lam Sơn. Được thầy cô giáo động viên, dù cuộc sống khó khăn, nhưng vợ chồng chị vẫn quyết tâm cho con xuống phố đi thi. Nhưng cách đây hơn 1 tháng, chồng chị không may bị đột quỵ rồi mất sớm, khiến cháu bị sốc nặng. Cháu bỏ hẳn ôn tập và không muốn thi nữa.
“Nhưng cháu đã đăng ký nguyện vọng rồi, tôi nuốt nước mắt vào trong để động viên con đi thi. Cầu mong anh ấy phù hộ cho con đi thi đạt kết quả tốt nhất, đậu vào Trường THPT Chuyên Lam Sơn để có thêm cơ hội học tập tốt hơn”, chị Dăng đưa tay gạt nước mắt lăn trên gò má.
Chị Dăng động viên con gái sau buổi thi.
Để đảm bảo điều kiện tốt nhất cho đứa con gái đầu lòng đi thi, chị đã phải bắt xe khách xuống TP Thanh Hóa trước 2 ngày kỳ thi để tìm nơi ở, ăn uống... Sau mỗi ngày thi, chị chẳng dư dật mua những “sơn hào hải vị” để tẩm bổ cho con trong ngày thi căng thẳng. Có chăng chỉ là những câu chuyện vui, chuyện cười để con gái khuây khỏa, vơi đi những căng thẳng mùa thi.
Song, với Hà Linh, đó lại là món quà quý giá, có ý nghĩa nhất của người mẹ dành cho cháu trong những ngày đã qua.
Trước cổng trường thi luôn có những phụ huynh đợi con trong nỗi hồi hộp, lo âu.
Những ngày diễn ra Kỳ thi vào lớp 10 Trường THPT chuyên Lam Sơn năm học 2024 - 2025 thời tiết khá mát mẻ, nhưng chẳng xua tan đi được nỗi lo âu, hồi hộp của người làm bố, làm mẹ cùng con “lều chõng”. Con đã vào thi, dù có môn kéo dài hơn 2 giờ đồng hồ, nhưng chẳng mấy người rời cổng trường.
Trong kỳ thi này, ở huyện Mường Lát có 7 thí sinh tham gia thi. Dẫu biết khả năng thi đậu vào ngôi trường THPT chất lượng cao bậc nhất tỉnh là rất khó khăn, nhưng vì con em mình, những phụ huynh nơi vùng biên giới xa xôi vẫn chắt góp chi tiêu, dành dụm tiền nong đưa con xuống phố. Như anh Cao Đình Kiều (sinh năm 1975) ở thị trấn Mường Lát chẳng hạn. Dù làm thợ xây, nhưng đã cùng con ở phố một ngày trước kỳ thi.
“Cháu có nguyện vọng thi vào chuyên Toán. Mấy hôm nay kết quả làm bài không như mong muốn, nên cháu buồn. Tôi cũng chẳng vui. Bạn bè gọi điện mời đi uống bia, tôi chẳng có tâm trạng để uống. Nhưng thương con, tôi chẳng để điều đó thể hiện ra bên ngoài để cháu khỏi bị áp lực vì gia đình”, anh Kiều bộc bạch.
Thí sinh rời trường thi.
Miệng nói thế, nhưng chẳng hôm nào anh Kiều vắng mặt ở cổng Trường THPT Hàm Rồng, nơi con anh tham gia thi. Đêm trước trằn trọc vì lo âu, hồi hộp, anh trở lại phòng trọ yên tĩnh để nghỉ ngơi, nhưng chẳng tài nào chợp được mắt. Thành ra, nơi cổng trường thi, anh hết ngồi quán nước rồi lại ra gốc cây. Thi thoảng anh vẫn đưa đôi bàn tay thô ráp đầy những vết bong tróc vì hồ vữa xoa lên đôi mắt thâm quầng cho đỡ buồn ngủ, đợi con hoàn thành bài thi.
Anh Kiều bộc bạch: “Dẫu kết quả thi của con thế nào, có thể người khác sẽ chê bai vì điểm thấp, nhưng tôi sẽ không buồn. Vì đơn giản thôi, sự học là trên hết. Chỉ có học mới thoát được nghèo”. Nói rồi, anh Kiều lại đưa ánh mắt mỏi mệt nhìn về phía trường thi.
Bà Nguyễn Thị Vinh (bên trái) trong khu nội trú Trường THPT Chuyên Lam Sơn.
Những ngày qua, khu nội trú của Trường THPT Chuyên Lam Sơn đông đúc hơn khi có thêm thí sinh và phụ huynh từ huyện xa tá túc. Xa nhất thì ở Mường Lát, tiếp đó là Quan Hóa, Bá Thước, gần hơn là Ngọc Lặc, Như Xuân, Như Thanh...
Khi sĩ tử vào phòng thi, những phụ huynh ở lại đó, dù trò chuyện, nói cười, nhưng sự lo âu còn hằn rõ trong đôi mắt. Chỉ có bà Nguyễn Thị Vinh (sinh năm 1952), bà nội của thí sinh Nguyễn Phương Thảo ở thị trấn Mường Lát vẫn thường nói cười vui vẻ.
Bà nói, do công việc của bố mẹ cháu bận, nên bà phải đưa cháu xuống phố. Kể cả cách đây ít lâu, trong kỳ thi học sinh giỏi THCS cấp tỉnh năm học 2023 - 2024, bà cũng đưa Phương Thảo xuống phố và cháu đạt giải khuyến khích môn Ngữ văn. Bà cười: “Cháu học tốt, nên bà chẳng phải lo lắng. Mà mình lo lắng thì các cháu cũng không làm bài tốt hơn được”.
Bà Vinh hỏi han cháu nội của mình sau môn thi cuối cùng của Kỳ thi vào lớp 10 THPT chuyên Lam Sơn.
Kể cả lúc đứng ở cánh cổng khu nội trú đợi thí sinh, bà Vinh cũng rôm rả với đủ thứ chuyện trên rừng dưới biển. Và chính sự vô tư, vui vẻ của bà cũng giúp nhiều phụ huynh bớt được nỗ âu lo.
Phụ huynh đón con tại Hội đồng thi Trường THPT Đào Duy Từ.
Kỳ thi vào lớp 10 THPT Chuyên Lam Sơn đã đi qua, gương mặt phụ huynh mỗi người mỗi vẻ, nhưng những sự trăn trở, lo âu cùng con “lều chõng” ấy đã làm bền chặt, gắn kết, thắp sáng thêm tình mẫu tử, tình cảm ấm áp gia đình. Và rồi quy luật sẽ chẳng trừ ai, sẽ có cháu đậu, cháu trượt, có niềm vui, nỗi buồi, sự tiếc nuối, nhưng với tôi, họ đã là những người chiến thắng, đang góp phần bồi đắp thêm truyền thống hiếu học xứ Thanh...
Đỗ Đức
{name} - {time}
-
2024-11-21 16:29:00
Giải mã bí ẩn về vùng "tam giác tử thần” trên gương mặt mỗi người
-
2024-11-21 15:39:00
Nét đẹp nghề cói trên vùng đất Nga Sơn
-
2024-05-23 07:30:00
Bản tin Tài chính 23/ 5: Giá vàng quốc tế giảm mạnh, trong nước tăng không đều
“Hỗn loạn” thị trường sữa giả và “xách tay” không rõ nguồn gốc
Xã Hải Ninh xây dựng phường đạt chuẩn đô thị văn minh
Hội Cựu chiến binh huyện Vĩnh Lộc khánh thành nhà “Nghĩa tình Cựu chiến binh”
[Infographics] - 8 khoản phụ cấp giáo viên được nhận từ 1/7/2024
Khi “con trâu là đầu cơ nghiệp” của người Mông
Ngược núi đi tìm học trò
Nỗi buồn Sa Lắng
Tháng 5... nhớ Bác
Mỗi người dân là một “đại sứ” quảng bá quê hương