(vhds.baothanhhoa.vn) - Văn hóa là hồn cốt, là gương mặt của dân tộc. Lễ hội dân gian vừa mang yếu tố văn hóa lịch sử, vừa mang tính cách của cộng đồng bản địa. Sức sống của các lễ hội dân gian cũng chính là tình yêu của Nhân dân đối với di sản, là sự trân trọng và kết nối văn hóa từ quá khứ đến hiện tại và tương lai.

Đa dạng sắc màu lễ hội dân gian dân tộc Việt Nam

Văn hóa là hồn cốt, là gương mặt của dân tộc. Lễ hội dân gian vừa mang yếu tố văn hóa lịch sử, vừa mang tính cách của cộng đồng bản địa. Sức sống của các lễ hội dân gian cũng chính là tình yêu của Nhân dân đối với di sản, là sự trân trọng và kết nối văn hóa từ quá khứ đến hiện tại và tương lai.

Đa dạng sắc màu lễ hội dân gian dân tộc Việt Nam

Cuốn sách “54 sắc màu lễ hội dân gian dân tộc Việt Nam” là sự nỗ lực đáng trân trọng của nhóm tác giả có công sưu tầm biên soạn và hệ thống các lễ hội đặc sắc của cộng đồng 54 dân tộc anh em trên dải đất hình chữ S - Việt Nam.

Là một hoạt động văn hóa rất đặc trưng, lễ hội là sinh hoạt văn hóa dân gian hầu như có mặt ở khắp mọi miền đất nước. Hiện nước ta có gần 9.000 lễ hội, trong đó có hơn 7.000 lễ hội dân gian cổ truyền. Các lễ hội trải rộng khắp đất nước trong cả bốn mùa: xuân, hạ, thu, đông. Song nhiều nhất là mùa xuân, bởi mùa xuân là mùa khởi đầu cho một năm, mùa sinh sôi vạn vật cây cỏ.

Cuốn sách “Sắc màu lễ hội dân gian 54 dân tộc Việt Nam” được ví như một bức tranh thổ cẩm đa sắc; dệt nên từ những tinh túy lễ hội văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc mọi miền Tổ quốc.

Theo nghiên cứu của nhóm tác giả: Lễ hội dân gian Việt Nam bao giờ cũng hướng tới một đối tượng thiêng liêng cần suy tôn là “nhân thần” hay “nhiên thần”. Đó chính là hình ảnh hội tụ những phẩm chất cao đẹp nhất của con người, giúp con người nhớ nguồn cội, hướng đến những điều thiện và nhằm tạo dựng một cuộc sống tốt lành, yên vui.

Ở khái niệm chung nhất, nhóm tác giả đã cùng thống nhất: lễ hội dân gian chính là được tổ chức nhằm tôn vinh người có công với nước với cộng đồng; thờ cúng thần thánh, biểu tượng có tính truyền thống và các hoạt động tín ngưỡng dân gian khác tiêu biểu cho những giá trị tốt đẹp về truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức văn hóa.

Trước khi đi vào giới thiệu những nét văn hóa đặc sắc trong các lễ hội dân gian ở cả 3 miền, tác giả đã có sự khảo cứu về quy mô, ý nghĩa, và tìm ra nét đặc trưng của lễ hội dân gian từ cấu trúc, thời gian, không gian và nghi thức tổ chức.

Đúng là trung tâm của lễ hội thường hướng đến các vị thần. Đó có thể là những người có thật hoặc là huyền thoại và truyền thuyết. Họ chính là biểu trưng cao nhất cho tinh thần và ý chí của người Việt ở khắp mọi miền Tổ quốc. Đó là những anh hùng chống giặc ngoại xâm, những người khai phá vùng đất mới, tạo dựng nghề nghiệp; những người chống chọi với thiên tai, trừ ác thú; những người chữa bệnh cứu người, những nhân vật truyền thuyết đã chi phối cuộc sống nơi trần gian, giúp con người hướng thiện.

Lễ hội là dịp trọng đại, là cuộc sống thứ hai của người Việt - một cuộc sống được thắp lên bởi ước mơ và khát vọng muôn đời; kết nối cả cộng đồng bởi những điều tốt đẹp và cao cả, cũng như tràn đầy năng lượng tích cực lạc quan.

Đó là lễ hội Lồng tồng của người Tày khát vọng một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu; là lễ hội nhảy lửa của người Pà Thẻn huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang thể hiện niềm tin tín ngưỡng nguyên thủy sơ khai vào thế giới thần linh và thế lực siêu nhiên. Lễ hội Gầu Tào truyền thống của người Mông là lời cảm ơn thần linh sau khi đã cầu xin thuận lợi vấn đề con cái, sức khỏe. Lễ hội Roóng Poọc của người Giáy ở Lào Cai cảm ơn thổ địa, cầu cho ngô lúa tốt tươi, chăn nuôi phát triển, bản làng trù phú.

Có những lễ hội còn mang ý nghĩa nhịp cầu kết duyên cho đôi lứa trong làng bản như lễ hội Hạn Khuống của người Thái ở Yên Bái. Trai gái đến đây để hát giao duyên, vừa cảm tạ trời đất, vừa bày tỏ tình cảm rồi thử tài, đặng ưng nhau và nên duyên vợ chồng. Những lễ hội ấy bao năm qua đã sống cùng dân tộc Việt, giờ đây đã trở thành di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, được lớp lớp thế hệ sau trân trọng và giữ gìn.

Mỗi miền đều có lễ hội tiêu biểu đặc sắc. Miền Bắc nổi tiếng với hội Lim, hội Gióng, nức lòng với Lễ hội Đền Hùng giờ đã trở thành quốc giỗ. Miền Trung có lễ hội cầu ngư, lễ hội đua thuyền trên sông Kiến Giang... Nam Trung bộ có lễ hội Tháp Bà Ponagar, lễ hội Katê của người Chăm... Đồng bào Tây Nguyên có các lễ hội: lễ cơm mới, lễ hội cồng chiêng, lễ cúng máng nước của người Xơ teng. Các lễ hội đặc sắc của Nam bộ như Tết Nguyên tiêu của người Hoa ở Nam bộ, lễ hội Nghing Ông - Cần Giờ; lễ hội vía Bà Ngũ Hành; Lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam; Hội đua bò Bảy Núi.

Dẫu có sự khác biệt về thời gian và không gian tổ chức, song các lễ hội dân gian các dân tộc Việt Nam đều có một điểm chung: bày tỏ niềm kính ngưỡng cầu mùa, tôn thờ thánh, thần. Do vậy các nghi lễ, nghi trình quan trọng thường được tổ chức tại địa điểm linh thiêng; diễn ra theo một trình tự chặt chẽ. Nếu phần lễ nghiêng về nội dung tạ ơn thì phần hội lại thiên về các ước vọng và mô tả thói quen sinh hoạt, lao động sản xuất của chính cộng đồng nơi đó.

Không quá mà nói rằng, bức tranh thổ cẩm đa sắc ấy khiến thế hệ hôm nay và mai sau thêm trân quý và tự hào về một dải giang sơn hùng vĩ, nên thơ với những sắc màu văn hóa vừa đa dạng vừa nhất quán. Như một mạch ngầm văn hóa xuyên qua không gian và thời gian, sách cần được bổ sung vào tủ sách của mỗi gia đình Việt hôm nay như lớp phù sa bồi đắp thêm tri thức, làm phong phú thêm đời sống tinh thần.

Nguyễn Hường (CTV)



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]