Đất cổ Kẻ Lao
Nằm bên sông Mã, “dựa lưng” vào núi, đồng ruộng tốt tươi, làng Đan Nê xã Yên Thọ (Yên Định) còn được biết đến với tên gọi Kẻ Lao (Khả Lao, Đan Nãi...) - một trong những làng Việt cổ được lập dựng từ thời các vua Hùng dựng nước. Đi qua dặm dài thời gian, trở về vùng đất cổ, còn đó những dấu tích văn hóa, lịch sử được lưu truyền, gìn giữ, trở thành niềm tự hào của đất và người Kẻ Lao.
Lễ hội đền Đồng Cổ xã Yên Thọ đang được đề xuất với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Kẻ Lao, Khả Lao, Đan Nãi và giờ đây là Đan Nê - những tên gọi định danh của vùng đất cổ bên bờ sông Mã hẳn đã không còn xa lạ với nhiều người. Không chỉ có lịch sử lập dựng hàng nghìn năm về trước, nơi đây còn “phát tích” truyền thuyết về Đồng Cổ Đại vương - vị thần “hộ quốc” thời Lý.
Về vùng đất cổ Kẻ Lao - nay là làng Đan Nê, sách Địa chí huyện Yên Định dẫn theo sử sách, viết: “Kẻ Lao nay thuộc làng Đan Nê, xã Yên Thọ. Trong Tam Thai thắng tích của Lam Kiều Nguyễn Dật Sảng còn có tên gọi là Khả Lao. Kẻ Lao là một làng Việt cổ được hình thành vào thời đại các vua Hùng. Làng trước nằm ở khu đồng nhỏ bờ Hón, sau chuyển vào phía Tây - Nam bám vực dọc sông Mã”.
Thông qua các tài liệu sử sách và nghiên cứu, Tiến sĩ Phạm Văn Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Thanh Hóa cho rằng: “Đan Nê vốn là một làng Việt cổ truyền được hình thành dưới thời các vua Hùng dựng nước - tương ứng với thời kỳ phát triển của văn hóa Đông Sơn, cách ngày nay gần 3.000 năm, lúc đầu có tên gọi là Kẻ Lao. Cư dân của những làng tiểu nông này có nguồn gốc từ các cư dân Việt cổ đích thực; họ chính là chủ nhân của nền văn minh Việt cổ ở đồng bằng sông Mã, đã góp phần vào quá trình hình thành nên bộ Cửu Chân trong đất nước của các vua Hùng”.
Trải qua gần 1.000 năm Bắc thuộc, Kẻ Lao vẫn tồn tại và phát triển. Sau đó, vào khoảng đầu thời Lý, thì vùng đất cổ được biết đến với tên gọi giáp Đan Nãi. Và đến thời Lê, Nguyễn, Đan Nãi được đổi tên thành Đan Nê (Đan Nê thượng và Đan Nê hạ). Tên gọi Đan Nê tồn tại cho đến ngày nay.
Kẻ Lao là một làng Việt cổ khá đặc biệt. Đó không chỉ bởi sự xuất hiện từ rất sớm, mà còn cả bởi quá trình hình thành, phát triển của làng vẫn luôn “gắn bó” với dặm dài phát triển của dân tộc, với các triều đại. Cái tên Kẻ Lao, Khả Lao và sau này là Đan Nê trở nên nổi tiếng, đi vào sử sách.
Như nhận định của nhà nghiên cứu lịch sử Phạm Tấn: “Vùng đất Đan Nê (Kẻ Lao, Đồng Cổ) trong trường kỳ mấy ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta luôn được xem là một vị trí trọng yếu trên địa bàn xứ Thanh. Đây là nơi đầu mối giao thông thủy, bộ với sông Mã và con đường cổ Bắc - Nam đi qua; là nơi, ở thế kỷ X, Lê Hoàn đã khởi đào con kênh từ Đồng Cổ (Đan Nê) đến Bà Hòa để tạo ra con đường bình Chiêm một cách nhanh chóng, thuận lợi nhất. Vì vậy mà từ thời Tiền Lê đến Lý - Trần - Lê, mỗi lần từ Thăng Long vào đất phương Nam, quân của triều đình (cả thủy, bộ) bao giờ cũng phải dừng lại vùng đất Kẻ Lao để chỉnh đốn, củng cố lực lượng rồi mới kéo quân tiến đánh kẻ thù. Và như các sử sách cũ ghi chép thì quân sĩ của các triều từ Tiền Lê đến Lý - Trần - Lê mỗi lần dừng chân, hạ trại ở đây đều được thần Đồng Cổ linh ứng, phù hộ nên đều đánh thắng quân thù”.
Nhắc đến Kẻ Lao xưa và Đan Nê nay, người ta nhớ đến vùng đất gắn liền với huyền tích về thần Đồng Cổ. Truyền thuyết kể rằng, khi vua Hùng tiến xuống phương Nam đánh dẹp giặc xâm lược, đại quân của nhà vua đã theo đường sông Mã, đến bến Trường Châu (nay thuộc làng Đan Nê) thì đêm xuống. Bấy giờ, thấy nơi đây có núi Khả Lao (còn gọi là núi Tam Thai) phong cảnh yên bình nên đã dừng chân hạ trại nghỉ ngơi. Đêm đến, vua Hùng mộng thấy vị thần núi đến xin có trống đồng, dùi đồng để giúp vua đánh giặc. Cho là điều kỳ lạ song ngày hôm sau, nhà vua vẫn cho người chuẩn bị những binh khí như trong giấc mộng. Quả nhiên, những ngày tiếp theo, ở trận chiến với giặc đang hồi cam go thì trên không trung bỗng nổi lên âm vang trống đồng, kiếm kích khiến kẻ xâm lược hồn bay phách tán, không đánh mà lui. Không quên ơn thần giúp đỡ, thắng trận trở về nhà vua đã phong thần là “Đồng Cổ đại vương”, cho lập đền thờ thần ở núi Tam Thai đất Kẻ Lao.
Không gian cảnh quan đất cổ Kẻ Lao nay là làng Đan Nê từ trên cao nhìn xuống.
Song có lẽ, huyền tích về thần Đồng Cổ Đại vương được “khắc họa” rõ nét nhất là vào thời Lý. Bấy giờ, Thái tử Phật Mã vâng lệnh vua cha đi đánh giặc Chiêm Thành đã dừng chân đóng quân ở núi Tam Thai. Đêm xuống, Thái tử cũng mộng thấy một vị thần tay cầm bảo kiếm xưng là thần núi Đồng Cổ và cùng đi theo để đánh giặc lập công. Sau khi bình định được giặc, về qua đây đã làm lễ tạ ơn thần. Đến khi về kinh đô Thăng Long, lên ngôi chưa được bao lâu, trong bộn bề việc triều chính, nhà vua lại thấy vị thần nhân núi Đồng Cổ mộng báo về việc “tam vương mưu phản”. Nhờ đó mà có sự chuẩn bị trước nhằm ứng phó. Cảm ơn thần giúp đỡ, vua Lý Thái tông đã phong cho vị thần núi Đồng Cổ là quốc thần, đồng thời cho dựng đền ở kinh đô Thăng Long thờ tự.
Cách trung tâm TP Thanh Hóa chỉ khoảng một giờ chạy xe, du khách sẽ đến vùng đất cổ Đan Nê. Nơi có dòng sông Mã uốn quanh - bến Trường Châu huyền thoại, có núi Tam Thai, có đền Đồng Cổ hiển hiện đẹp như một bức tranh sơn thủy hữu tình của bậc danh họa xưa. Sông núi bao quanh, lại có hồ bán nguyệt rộng lớn nước xanh ăm ắp... tạo nên “bức tranh” vừa cổ kính, linh thiêng mà đẹp vô cùng. Ta thầm cảm ơn tạo hóa khéo léo “sắp đặt” và lớp lớp tiền nhân đã nương theo đó mà dựng xây, vun đắp. Không gian, cảnh sắc ấy đẹp hơn, ấn tượng hơn mọi lời giới thiệu mà ta đã được nghe.
Dẫn chúng tôi tham quan di tích, ông Trịnh Trọng Tấn, người làng Đan Nê trông coi di tích đền Đồng Cổ nói: Núi Tam Thai và đền Đồng Cổ là niềm tự hào cũng là “điểm tựa” tâm linh của người dân Đan Nê. Mỗi năm vào dịp lễ hội đền Đồng Cổ (14, 15 tháng 3 âm lịch) là dân làng, con cháu xa gần lại tề tựu về khu di tích thành kính tổ chức lễ hội. Trong lễ hội, ngoài các nghi thức tế lễ thì phần hội sôi động với các trò chơi dân gian như đua thuyền rồng trên hồ bán nguyệt; chơi bài điếm; cờ cây; kéo co...
Ông Lê Phi Cường, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Thọ cho biết thêm: “Kẻ Lao xưa và Đan Nê ngày nay là làng Việt cổ lâu đời, trong đó điểm nhấn là không gian văn hóa núi và đền Đồng Cổ đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia. Với những giá trị văn hóa đậm nét được lưu giữ và khôi phục, hiện nay chính quyền địa phương đang phối hợp với các cấp, ngành để đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa lễ hội đền Đồng Cổ vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”.
(Bài viết có tham khảo, sử dụng nội dung trong sách Địa chí huyện Yên Định; tài liệu tại Hội thảo Khoa học lịch sử hình thành, phát triển làng cổ truyền Đan Nê...).
Bài và ảnh: Khánh Lộc
- 2024-09-28 09:49:00
Để du lịch Thạch Thành trở thành điểm đến hấp dẫn
- 2024-09-27 08:01:00
Trên đất cổ Ðồng Pho
- 2024-08-09 07:00:00
[WOW! THANH HOÁ] Bí ẩn ngôi đền thờ pho tượng bán thân trên dãy núi Trường Lệ
Mù Cang Chải lọt tốp 25 điểm đến mang vẻ đẹp siêu thực đáng kinh ngạc
Có một Pù Luông bình yên ở Lang Chánh
Lâm Phú, điểm du lịch tiềm năng
Điểm dã ngoại, check-in “hot” ở Hậu Lộc
Về thăm Kẻ Ngói
Khách quốc tế đến Việt Nam tăng 51% trong 7 tháng năm 2024
Hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng ở thác Cánh
Việt Nam đón gần 10 triệu lượt khách du lịch quốc tế trong 7 tháng năm 2024
Làng Vĩnh Gia: Giữ gìn hồn cốt văn hóa