Đất Hà Bình
Nằm bên Quốc lộ 1A, vùng đất Hà Bình (Hà Trung) vừa sôi động trong nhịp phát triển của cuộc sống hiện đại mà vẫn mang nét dáng của làng quê truyền thống. Trên đất Hà Bình, có nhiều làng với tuổi đời hàng trăm năm.
Tại Di tích đình làng Phú Vinh hiện còn lưu giữ 21 sắc phong qua các triều vua trong lịch sử.
Từ TP Thanh Hóa đi theo hướng Bắc, qua thị trấn Hà Trung là đến đất Hà Bình. Quốc lộ 1A chạy qua “chia đôi” Hà Bình thành hai phần Đông - Tây với những làng riêng biệt. Nơi đây, có sông Chiếu Bạch chảy qua. Chiếu Bạch được biết đến là con sông đào có từ thời nhà Trần - nối liền sông Hoạt với sông Lèn, chảy qua địa phận nhiều xã trên địa bàn huyện Hà Trung. Khi xưa, từ sông Chiếu Bạch, thuyền bè có thể xuôi ra sông Lèn, lên sông Mã hay “ngược” cầu Cừ để “gặp” sông Hoạt...
Nằm ở khu vực trung tâm của đất Tống Sơn xưa (Hà Trung ngày nay), Hà Bình được biết đến là vùng đất cổ có con người đến cư ngụ, lập làng từ rất sớm. Trong số 7 làng hiện có trên đất Hà Bình, có đến 5 làng có lịch sử hình thành hàng trăm năm về trước, như: Nội Thượng, Đông Trung, Xuân Áng, Thịnh Vinh, Nhân Lý. Mỗi làng truyền thống ở Hà Bình lại mang nét văn hóa riêng.
Nằm ở phía Nam Hà Bình là làng Nhân Lý - còn được biết đến với tên gọi cổ xưa: Xa Ly. Theo các cụ cao niên trong làng kể lại, Xa Ly được hiểu theo nghĩa là làng “phên dậu” ở cách xa tư dinh của Thái úy Lý Thường Kiệt khi ông trấn thủ ở Châu Ái. Còn theo sách Lịch sử Đảng bộ xã Hà Bình: “Thời nhà Lý, làng Xa Ly là khu vực hậu cần của Lý Thường Kiệt. Minh chứng là ở núi Sau, nơi cư dân của làng sinh sống đã đào thấy cả một sơ đồ bằng đất nung. Qua sơ đồ, có thể dự đoán các vị trí cất giấu vàng bạc và quân lương... Năm Minh Mạng thứ 2, làng Xa Ly được đổi tên là làng Nhân Lý”.
Giáp làng Nhân Lý là Xuân Áng. Phía Đông làng Xuân Áng là dãy núi Cồ, phía Tây có sông Chiếu Bạch bao quanh, trước làng lại có cánh đồng rộng lớn, tạo nên thế đất phong thủy tốt tươi. Người Xuân Áng vẫn thường tự hào: “Đi ra thiên hạ cũng nhiều/ Trở về lại thấy làng Thiều phú nghi” (Xuân Áng trước đây có tên là Thiều Áng, người dân vẫn thường gọi là làng Thiều).
Thuở xa xưa, người Xuân Áng chủ yếu tụ cư quây quần dưới chân núi Cồ. Về sau, các dòng họ từ dưới chân núi Cồ dời nhà ra giáp sông Chiếu Bạch để sinh sống. Cùng với đó còn có người dân từ các vùng khác cũng về Xuân Áng để quần cư, xây dựng cuộc sống.
Từ Xuân Áng, qua sông Chiếu Bạch là sang đến làng Nội Thượng. Trong đó, nửa thế kỷ trước, Nội Thượng được sáp nhập bởi làng Yên Nội và làng Thượng. Làng Yên Nội còn được biết đến với tên An Nội, còn làng Thượng là Kiên Lão Thượng.
Phía Đông làng Thượng có sông Chiếu Bạch. Truyền ngôn làng Thượng kể rằng, vào thời nhà Trần, có một người họ Cao, tên Tuấn làm quan trong triều. Khi ông qua vùng đất này thấy thế đất tốt nên đã chiêu dân lập nên xóm làng... Sau khi mất, ông được người dân lập đền thờ phụng và thường gọi là “Cao Tuấn hiển ứng tôn thần”.
Còn Yên Nội thì có lịch sử lập làng muộn hơn. Tương truyền, đây là quê ngoại của một viên quan thời Lê Trung hưng. Vì lập được công lớn trong cuộc chiến với nhà Mạc nên ông được vua Lê ban cho tước Quận công. Về già, ông về đây sống, giúp dân lập nên làng An Nội. Tưởng nhớ công ơn của vị Quận công, sau khi ông mất, người dân đã lập đền thờ và tôn ông làm Thành hoàng làng.
Đến thời nhà Nguyễn, có người họ Lê tên Duy Hiền về đây mua lại bãi đất lớn ở đầu làng Kiên Lão Thượng và đưa dân làng “xuống núi”, lập nên làng Yên Nội (mới). Sau khi mất, người họ Lê cũng được dân làng lập miếu thờ cạnh đình làng, vẫn thường gọi là miếu Quan Già. Đáng tiếc, đến nay ở làng Nội Thượng, các đền, miếu, đình... đều đã không còn, chỉ được nhắc đến trong những chuyện kể của các bậc cao niên.
Trong số các làng truyền thống ở Hà Bình, Đông Trung rộng lớn hơn cả. Làng kéo dài đến 3 km, chạy bao quanh các chân núi Chùa, núi Mừng (rú Mưng), núi Nẩn. “Làng được hình thành từ xa xưa với nhiều phong tục, tập quán đặc trưng, âm sắc của tiếng nói cũng có phần khác với người dân của các làng khác trong xã. Làng có truyền thống cách mạng sớm nhất của xã Hà Bình ngày nay và của cả tổng Nam Bạn xưa kia” (sách Lịch sử Đảng bộ xã Hà Bình).
Đông Trung được biết đến với tên gọi cổ xưa là làng Ba Chìa. “Căn cứ vào bia Huệ Nghĩa Điền được lập năm 1645 thì làng Đông Trung lúc ấy có 2 làng và một giáp... Đến thời Tự Đức, giáp Hương Mông, làng Đông, làng Trung được sáp nhập lại lấy tên làng Đông Trung” (sách Lịch sử Đảng bộ xã Hà Bình).
Cổng làng Nội Thượng trên đất Hà Bình.
Cũng như nhiều làng Việt truyền thống, xưa kia ở các làng trên đất Hà Bình đều có sự hiện hữu của nhiều công trình kiến trúc gắn liền với đời sống văn hóa, tín ngưỡng của người địa phương. Đáng tiếc, trải qua thời gian, nhiều di tích đã không còn... Thật may, trên địa bàn xã Hà Bình hiện có 3 di tích đã được xếp hạng là chùa Ban Phúc (làng Đông Trung), đình làng Phú Vinh và nhà thờ họ Đinh (làng Xuân Áng).
Ghé thăm đình làng Phú Vinh, tôi gặp ông Nguyễn Hà Tuyên, Bí thư chi bộ thôn Thịnh Vinh (làng Phú Vịnh và Thịnh Thôn sáp nhập thành Thịnh Vinh) cũng đang có mặt tại đây. Vị bí thư thôn trăn trở: “Đình làng Phú Vinh có lịch sử lập dựng lâu đời, hiện tại đình còn lưu giữ 21 sắc phong qua các triều vua. Tuy nhiên, vì một số nguyên do, đình làng Phú Vinh trước đây từng nhiều lần hư hỏng, xuống cấp, đã được người dân đóng góp kinh phí trùng tu. Những năm gần đây, đình làng tiếp tục xuống cấp, người dân rất mong có sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, ngành chuyên môn để di tích đình làng Phú Vinh được trùng tu kịp thời nhằm gìn giữ di sản văn hóa ông cha”.
Về việc gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống trên địa bàn xã Hà Bình, ông Đinh Văn Huynh, Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết: “Là vùng đất cổ, Hà Bình cũng là một trong những địa phương có nhiều làng truyền thống. Bên cạnh sự tương đồng, mỗi làng lại có những tập tục, nét văn hóa và cả niềm tự hào riêng. Những năm qua, người dân các làng ở Hà Bình đặc biệt chú trọng đến việc giữ gìn bản sắc văn hóa, trong đó rõ nét nhất chính là phong trào xây dựng cổng làng. Hiện nay, có 4/7 làng ở Hà Bình đã có cổng làng. Người dân quê dù đi muôn phương mưu sinh, về đến quê hương, bước qua cổng làng sẽ lại thấy lòng bình yên...”.
Bài và ảnh: Trang Bùi
{name} - {time}
-
2024-11-17 11:58:00
Đổi thay trên đất Quý hương nhà Nguyễn
-
2024-11-15 09:41:00
Về đền Thổ Khối nghe chuyện dân gian
-
2024-01-24 10:25:00
Điểm đến Việt Nam được du khách châu Á chuộng nhất dịp Tết Nguyên Đán
Về Bái Giao nghe chuyện danh sĩ Lê Khắc Tháo
Theo chân Michelin thưởng thức 5 quán ốc không thể bỏ qua khi tới Việt Nam
Về Đông Cao, làng văn hóa đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa
Vịnh Hạ Long và Sa Pa lọt tốp 7 điểm đến thịnh hành thế giới của TripAdvisor
Lượng tìm kiếm quốc tế về du lịch Việt Nam “vượt mặt” nhiều quốc gia
Về đất Kẻ Chè
Việt Nam là điểm đến an toàn, hấp dẫn bậc nhất châu Á mùa du lịch 2024
Thăm đền thờ Mai An Tiêm, ông tổ của nghề trồng dưa hấu
Lên thăm Mường Đòn