“Ðâu cần bộ đội có, đâu khó có bộ đội”: Canh giữ biển đảo, cứu nạn giữa trùng khơi
Họ là hiện thân của lòng hy sinh, sự dũng cảm trong thời bình, là điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi bám biển, để những chuyến tàu luôn “cá bạc đầy khoang”. Họ là những chiến sĩ biên phòng “canh nơi biển cả, giữ đảo xa nơi tiền tiêu”...
Thiếu tá Trịnh Tứ Vượng (bên trái) cùng đồng đội trao đổi với ngư dân sau một chuyến ra khơi trở về.
Hy sinh thầm lặng
Dịp cuối năm cũng là thời điểm công việc của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng (ĐBP) Sầm Sơn bận rộn nhất. Ngoài việc tuần tra, kiểm soát giữ vững chủ quyền, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật trên biển, họ còn tập trung hỗ trợ ngư dân trong những chuyến biển. Không khí bận rộn ấy khiến cuộc chuyện của chúng tôi với Thiếu tá Trịnh Tứ Vượng, Đội Phòng, chống ma túy và Tội phạm luôn bị ngắt quãng bởi những công việc đường đột phát sinh. Anh nói, mình quen rồi, luôn có những tình huống, công việc phát sinh, buộc cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng phải nhanh chóng xử lý, nhất là giải quyết thủ tục liên quan đến ngư dân. Bởi với anh, việc hỗ trợ, bảo vệ an toàn sức khỏe, tính mạng và tài sản của Nhân dân trên biển đã là một mệnh lệnh của người lính. Rồi anh kể về một kỷ niệm đã qua vốn khắc sâu trong tâm trí đến tận bây giờ.
Đó là vào một đêm cuối năm 2016 trời lạnh căm căm, anh nhận lệnh cùng đồng đội ra khơi ứng cứu một tàu cá cùng 10 ngư dân gặp nạn trên biển. Tuy nhiên, do yếu tố khách quan, tàu chuyên dụng của đơn vị không thể xuất bến, anh đã phải linh hoạt sử dụng bè mảng của ngư dân, hướng thẳng ra vùng biển có người bị nạn cần cứu hộ.
Giữa biển đêm dữ dội của sóng to, gió lớn, bè mảng rất khó tiếp cận con tàu và ngư dân bị nạn. Trước tình huống ấy, chẳng nghĩ suy ngần ngại, anh và đồng đội đã buộc dây thừng vào người, đầu dây còn lại buộc vào bè mảng rồi bơi bộ một mạch về phía con tàu và ngư dân gặp nạn. Sau nhiều giờ bì bõm giữa biển đêm lạnh thấu xương, toàn bộ 10 ngư dân gặp nạn đã được cứu sống.
Anh bộc bạch: “Nhận được những lời cảm ơn trong nước mắt của những ngư dân được cứu sống, tôi và đồng đội xúc động vô cùng. Những tình cảm chân thành ấy đã động viên và cổ vũ, tiếp thêm sức mạnh để chúng tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình”.
Anh Trịnh Tứ Vượng sinh ra ở phường Trung Sơn, đã 29 năm đeo quân hàm xanh, trong đó có 6 năm anh được làm nhiệm vụ và giúp đỡ bà con Sầm Sơn quê mình. Chừng ấy năm đi qua, anh cũng chẳng nhớ mình đã tham gia cứu nạn, cứu hộ, hỗ trợ bao nhiêu ngư dân. Chỉ biết rằng, anh nhớ rõ đặc điểm vùng biển mình làm nhiệm vụ và rất giàu kinh nghiệm thực tiễn trong xây dựng, thực hiện phương án cứu hộ, cứu nạn với từng trường hợp cụ thể.
Theo anh Vượng, khó khăn lớn nhất trong công tác cứu hộ, cứu nạn là thời tiết, nhất là vào mùa mưa bão. Mùa cuối năm này, trên biển thường có sương mù che phủ, sóng đập vào mạn tàu rất mạnh, chỉ cần một sơ suất nhỏ sẽ khiến tình hình trở nên phức tạp và việc xác định vị trí tàu gặp nạn vô cùng khó khăn. Việc cứu nạn đòi hỏi phải nhanh, chính xác và phán đoán đúng tình huống xảy ra tiếp theo để đưa ra phương án ứng cứu kịp thời.
Anh chia sẻ: “Đã khoác trên mình bộ quân phục, mỗi cán bộ, chiến sĩ đều xác định phải đặt lương tâm và trách nhiệm công việc lên trên hết. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành. Khó khăn nào cũng vượt qua. Kẻ thù nào cũng đánh thắng”.
“Về hưu không cho về nhà”
Trước năm 2019, phần nhiều tàu thuyền khai thác hải sản của huyện Hoằng Hóa không lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá. Có trường hợp lắp thiết bị giám sát nhưng chủ tàu vẫn vi phạm vùng khai thác, tự tắt, vô hiệu hóa thiết bị giám sát... Điều này không những tiềm ẩn nguy cơ bị bắt, nguy hại đến tài sản, sức khỏe của ngư dân mà còn là lý do khiến Ủy ban châu Âu (EC) chưa xem xét gỡ “Thẻ vàng” cảnh cáo ngành thủy sản Việt Nam.
Trung tá Nguyễn Văn Ngọc theo dõi, giám sát vị trí tàu cá hoạt động trên biển.
Nhằm giảm thiểu những hành vi vi phạm pháp luật trên biển, cùng ngư dân an toàn vươn khơi bám biển, năm 2022 ĐBP Hoằng Trường đã thành lập mô hình “Tổ giám sát cộng đồng phòng, chống khai thác IUU” (chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định). Là thành viên tích cực của mô hình, những năm qua Trung tá Nguyễn Văn Ngọc đã tham mưu đề xuất, thực hiện nhiều cách làm sáng tạo, nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của ngư dân trong khai thác, đánh bắt thủy, hải sản cũng như hành động quyết liệt hơn để chống khai thác IUU.
Trung tá Nguyễn Văn Ngọc đã không quản ngại đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng, phối hợp với người thân, dòng họ, chính quyền địa phương vận động thuyền viên, chủ tàu cá thực hiện đúng các quy định khi đánh bắt hải sản. Đặc biệt, trong những đợt cao điểm đấu tranh chống khai thác IUU, Trung tá Ngọc đã phối hợp cùng đoàn thể địa phương đổi mới cách thức tuyên truyền để ngư dân dễ hiểu và thấy được trách nhiệm của mình cùng cả nước gỡ “Thẻ vàng” của EC.
Sinh ra và lớn lên tại xã vùng biển Hoằng Trường, anh Ngọc hiểu nỗi khó nhọc của ngư dân đánh bắt ngoài khơi xa, nguy hiểm khôn lường. Có thiết bị giám sát hành trình được kết nối liên tục, chẳng những là việc làm có lợi cho đất nước mà còn giúp ngư dân được ứng cứu kịp thời khi chẳng may gặp nạn trên biển. Vì vậy, trong công tác xử lý vi phạm, anh không để tình cảm chi phối. “Đã không ít lần, tàu thuyền người thân trong gia đình vi phạm quy định đánh bắt hải sản ngoài khơi, họ có đến nhờ vả, nhưng khi không được thì sẵn sàng buông lời hù dọa, thách thức. Họ còn đe dọa tôi về hưu sẽ không cho về nhà”, Trung tá Ngọc vừa cười vừa tâm sự.
Với sự nỗ lực, sáng tạo của mình, Trung tá Ngọc đã đóng góp vào thành công chung của đơn vị. Đến nay, 100% các tàu cá trên 15m tại địa bàn đơn vị quản lý tham gia hoạt động khai thác hải sản được kiểm soát và không tự ý ngắt kết nối thiết bị giám sát hành trình. Tại Đại hội Thi đua Quyết thắng toàn quốc giai đoạn 2019-2024 tổ chức tháng 9 vừa qua tại Hà Nội, “Tổ giám sát cộng đồng phòng, chống khai thác IUU” của ĐBP Hoằng Trường đã trở thành mô hình cấp đồn duy nhất được trưng bày phục vụ đại biểu tham quan, học tập kinh nghiệm.
Ngoài là hạt nhân tích cực chống khai thác IUU, Trung tá Nguyễn Văn Ngọc còn tham gia cùng đồng đội hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, bảo vệ chủ quyền, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật trên biển.
Với những người lính như Thiếu tá Vượng, Trung tá Ngọc... không nhiệm vụ nào lớn hơn là bảo vệ an toàn sức khỏe, tính mạng và tài sản Nhân dân. Và để làm tròn nghĩa vụ cao đẹp ấy, họ chẳng từ nan, dù là đêm đông lạnh giá, hay giữa trùng dương sóng dữ...
Bài và ảnh: Phong Vân
{name} - {time}
-
2024-12-22 08:03:00
“Ðâu cần bộ đội có, đâu khó có bộ đội”: Thắm đượm nghĩa tình quân dân
-
2024-12-22 07:30:00
Dự báo thời tiết 22 /12: Bắc Bộ ngày nắng nhẹ, sáng sớm có sương mù, trời rét
-
2024-12-20 07:30:00
Dự báo thời tiết 20/12: Nhiệt độ xuống thấp vào đêm và sáng sớm, ngày có nắng
Bản tin Tài chính 20/12: Bao giờ giá vàng sẽ bước vào giai đoạn “ngủ đông”?
Đào tạo nghề góp phần giảm nghèo bền vững tại Như Thanh
Hiệp hội Chữ thập Đỏ quốc tế hỗ trợ trên 25,5 tỷ đồng cho nạn nhân bão Yagi
Xây dựng thế hệ thanh niên Việt Nam yêu nước, khát vọng, sáng tạo, tiên phong
Thường Xuân phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số
Phát hiện một loài thực vật dị dưỡng không có diệp lục tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên Xuân Liên
Mường Lát: Nỗ lực chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả
[REVIEW OCOP] Bí quyết làm nên hương vị đậm đà của mắm tôm Ông Náo
Dự báo thời tiết 19/12: Bắc Bộ duy trì trạng thái rét đậm về đêm và sáng sớm