Đầu năm đi lễ chùa
Du xuân, đi lễ chùa đầu năm là nét đẹp trong văn hóa người Việt. Dịp đầu xuân các điểm du lịch tâm linh nổi tiếng của Thanh Hóa luôn thu hút đông đảo du khách đến dâng hương, cầu bình an và kết hợp với du xuân. Đây cũng là cao điểm của mùa du lịch tâm linh trong năm.
Cửa Đặt (Thường Xuân) điểm du lịch tâm linh nổi tiếng của Thanh Hóa.
Khu Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh (Thọ Xuân) từ lâu đã trở thành một điểm du lịch tâm linh nổi tiếng được người dân địa phương và du khách xa gần tìm đến hành hương kết hợp du lịch mỗi dịp tết đến, xuân về. Hiện tại, khu di tích không chỉ tôn tạo những công trình của triều đại Nhà Hậu Lê mà còn lưu giữ những câu chuyện truyền thuyết về một triều đại phong kiến được coi là hưng thịnh bậc nhất trong lịch sử Việt Nam. Tất cả những điều đó đã tạo sức hút ngày càng lớn cho Lam Kinh, thu hút ngày càng đông du khách đến tham quan, tìm hiểu, khám phá và nhất là du xuân vào đầu năm mới.
Chị Hồ Thị Hà, một du khách đến từ Hà Nội chia sẻ: Đi lễ cúng, hành hương đầu năm là một hoạt động mang tính chất văn hóa dân gian đã trở thành thói quen của mỗi người, với mong cầu gia đình bình an. Ngoài ra, chuyến du xuân đầu năm cũng là dịp để gia đình có cơ hội vui chơi cùng nhau, tạo năng lượng cho một năm lao động tiếp theo.
Ông Nguyễn Xuân Toán, Trưởng Ban Quản lý Khu Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh, cho biết: “Phục vụ Nhân dân và du khách trong dịp Tết cổ truyền, ban quản lý khu di tích phối hợp với các đơn vị, địa phương tổ chức nhiều hoạt động tại khuôn viên di tích, như: Viết câu đối, cho chữ đầu xuân tại Đền thờ vua Lê Thái tổ, lễ hội khai xuân (ngày 4 tháng Giêng), trưng bày triển lãm ảnh, Lễ hội Trung túc vương Lê Lai với các trò chơi, trò diễn dân gian, lễ hội rước kiệu (ngày 8 tháng Giêng)... Đặc biệt, từ ngày 10 - 13/2 (tức ngày 1 - 4 tết), khu di tích sẽ miễn phí vé cho du khách đến tham quan, dâng hương, du xuân”. Được biết, trong dịp Tết Quý Mão 2023, khu di tích đã đón khoảng 80.000 lượt khách du lịch.
Thiền viện Trúc Lâm (TP Thanh Hóa) thu hút khách dịp đầu năm.
Đền Sòng (thị xã Bỉm Sơn) một trong những ngôi đền linh thiêng, độc đáo nhất xứ Thanh cũng là điểm hành hương, du xuân nổi tiếng của nhiều du khách. Ngôi đền thờ Thánh mẫu Liễu Hạnh, được dân gian ca tụng rằng “Đền Sòng thiêng nhất xứ Thanh”, bởi vậy ngay từ mùng 1 tết đã có khách đến dâng hương. Theo Ban Quản lý đền Sòng, những ngày đầu năm đền đón tiếp lượng du khách đông hơn khoảng 50% so với ngày thường (đông nhất là khoảng từ ngày mùng 1 - 4 tết). Trong đó, có nhiều khách phương xa, đi theo đoàn.
Tại TP Thanh Hóa, một điểm du lịch tâm linh nổi tiếng, Thiền viện Trúc Lâm Hàm Rồng là nơi du xuân yêu thích của nhiều du khách. Nằm trong vùng danh thắng Hàm Rồng, Thiền viện Trúc Lâm có vẻ đẹp bề thế, cầu kỳ, với nhiều công trình như chính điện, nhà tổ, nhà khách, nhà sinh hoạt đạo tràng, lầu chuông, lầu trống, vườn hoa... Từ khi khánh thành và đưa vào sử dụng, với kiến trúc chùa đậm bản sắc văn hóa Việt, Thiền viện Trúc Lâm Hàm Rồng đã và đang là điểm đến văn hóa tâm linh hấp dẫn, lý tưởng không chỉ của Phật tử mà còn là điểm nhấn đặc biệt trong bức tranh du lịch TP Thanh Hóa. Vì thế, những ngày đầu xuân, nhiều du khách gần xa đã đến dâng hương, cầu nguyện và chiêm ngưỡng vẻ đẹp hài hòa nơi đây.
Hàng năm, từ mùng 1 tết, Thiền viện Trúc Lâm đã có khách đến vãn cảnh, từ mùng 4 tết trở đi khách ngày càng đông. Ngoài việc dâng hương, vãn cảnh đẹp, Thiền viện Trúc Lâm xây dựng các tiểu cảnh tết xưa để du khách check-in, viết chữ thư pháp, bán đồ lưu niệm đầu năm lấy may...
Viết thư pháp, một hoạt động văn hóa được yêu thích tại các điểm du lịch tâm linh.
Đáp ứng nhu cầu du khách, các điểm du lịch tâm linh nổi tiếng của Thanh Hóa như Đền Cửa Đặt (Thường Xuân), suối cá Cẩm Lương (Cẩm Thủy), Đền Độc Cước, Cô Tiên (TP Sầm Sơn), Phủ Na (Như Thanh), Am Tiên (Triệu Sơn)... triển khai đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, tổ chức hoạt động vui chơi, văn hóa, miễn phí vé vào cửa... Xây dựng thêm nhiều tiểu cảnh gắn liền với không khí tết, tổ chức các trò chơi dân gian, cuộc thi tìm hiểu về văn hóa lịch sử. Đồng thời, phối hợp với các lực lượng chức năng xây dựng phương án đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng cháy, chữa cháy, an toàn thực phẩm để du khách có chuyến du xuân an toàn, với những trải nghiệm thú vị.
Mỗi dịp đầu xuân năm mới, nhu cầu du xuân, đi lễ chùa của người dân lại tăng cao. Các điểm di tích, du lịch tâm linh trong toàn tỉnh luôn trong tình trạng rất đông du khách. Theo báo cáo của Hiệp hội Du lịch lữ hành Thanh Hóa, đến nay đã có khoảng 3.000 lượt khách đăng ký các tour du lịch trong dịp Tết Giáp Thìn, tập trung chủ yếu vào các tour du lịch tâm linh.
Bài và ảnh: Vân Anh
{name} - {time}
-
2024-11-23 09:09:00
Lần đầu trưng bày bức chân dung quý hiếm của danh họa Caravaggio
-
2024-11-23 08:52:00
Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vì tương lai bền vững
-
2024-02-17 14:49:00
Bảo tồn lễ hội truyền thống trên địa bàn Như Xuân
Xem lễ hội bơi chải truyền thống đầu xuân
“Mùng một tết cha, mùng hai tết mẹ, mùng ba tết thầy”
Tết về dựng cây nêu
Khai hội Chùa Mèo
♦ Sự kiện văn hóa – thể thao – giải trí ngày 15/2/2024
Hôm nay (15/2 - mùng 6 tháng Giêng) khai hội chùa Hương
Hoà mình vào Lễ hội Nàng Han xã Vạn Xuân
Thị xã Nghi Sơn: Sôi nổi trò chơi, trò diễn dân gian nấu cơm thi
Một số nghi lễ trong dịp Tết cổ truyền