(vhds.baothanhhoa.vn) - Dạy con hướng về cội nguồn

Dạy con hướng về cội nguồn

Dạy con hướng về cội nguồn

Gia đình anh Minh thường xuyên đưa các con về quê, tạo sự gắn kết, tình cảm giữa thế hệ trước và thế hệ sau. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Cây có cội, nước có nguồn

Tháng nào, gia đình anh Nguyễn Trọng Minh ở phường Đông Thọ (TP Thanh Hóa) cũng về quê nội hoặc ngoại. Đấy như một thời gian biểu cố định, dù bận bịu công việc, anh chị cũng phải thu xếp về thăm bố mẹ ở quê, các con được chơi với ông bà. Theo chia sẻ của anh Minh: “Thay vì đi du lịch xa, gia đình đi du lịch gần nhà. Chúng tôi vẫn nói đùa với nhau như thế. Quê tôi ở huyện Vĩnh Lộc, trước nhà có cánh đồng rộng, mỗi lần về, các con thường được cô, chú đưa ra đồng để biết thêm về cây lúa, cây khoai, con trâu, con bò. Quan trọng là mỗi lần trở về, sẽ tạo sự gắn kết, tình cảm nhiều hơn giữa các thành viên trong gia đình, họ hàng, giúp các con luôn nhớ về quê cha, đất tổ”.

Cây có cội, nước có nguồn, hướng về cội nguồn không chỉ là trách nhiệm mà đó còn là đạo nghĩa. Dạy cho con trẻ biết yêu thương, trân trọng và tự hào về quê hương cũng chính là giữ được nếp nhà. Tuy nhiên, có đôi khi, giữa những bộn bề cuộc sống đã vô tình khiến một số gia đình quên những sự trở về như thế. Câu chuyện mà chị Tú Vinh ở phường Phú Sơn (TP Thanh Hóa) chia sẻ đáng để suy ngẫm. Dù đã lập gia đình hơn 10 năm nhưng chưa một lần chị Vinh cho các con của mình về quê ngoại ở thị xã Nghi Sơn chơi. Chị nhớ lại: “Tôi cũng không hiểu vì sao, có thể do bố tôi ở TP Thanh Hóa đã mất, ông bà cố ngoại của các cháu ở quê thị xã Nghi Sơn cũng không còn, rồi luấn quấn công việc, nên đã không thể làm tôi nhớ. Trong một lần, khi chú ruột ra TP Thanh Hóa làm giỗ cho bố tôi, các con mới hỏi, chú là ai, chú ở đâu đến. Khi ấy, tôi mới giật mình là đã quên một thứ quan trọng đó là không cho con biết mặt quê thì làm sao con phân biệt được đâu người lạ, đâu họ hàng”.

Sự vô tình để lại những tổn thương và đáng sợ nhất chính là thế hệ sau lại không tường tận, thậm chí không biết về nguồn gốc, quê quán của mình, thì đó là lỗi lớn của cha mẹ với con cái.

Quê hương mỗi người chỉ một

Ai cũng có một quê hương. Đấy là nơi “chôn rau cắt rốn”, là tình, là nghĩa... Dạy con hướng về nguồn cội, dễ hay khó còn tùy thuộc vào thái độ, trách nhiệm của người lớn. Sự ứng xử của cha mẹ đối với nguồn cội như thế nào thì đó cũng chính là tấm gương phản ánh để tạo sự gắn bó cho con cái...

Dạy con hướng về cội nguồnLuôn tạo cho con có cơ hội được tiếp xúc với người thân, họ hàng... là cách để giáo dục nguồn cội. Ảnh: VIỆT ANH

Thực tế hiện nay, do tác động của môi trường sống, hoàn cảnh sống nên nhiều gia đình không có mối liên hệ giữa các thế hệ với nhau, cha mẹ chưa có vai trò đối với việc kết nối giữa con và ông bà, quê hương. Vì vậy nhiều đứa trẻ không biết được mối quan hệ của mình với họ hàng như thế nào... Theo cô giáo Lê Thị Thanh Huyền, giáo viên môn Lịch sử, Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi (TP Thanh Hóa) thì cần phải có sự kết nối bền vững qua các thế hệ. Cô giáo Huyền cho rằng: “Hãy tạo cho con có cơ hội được tiếp xúc với người thân, họ hàng, đơn giản như nếu ra đường để biết mặt nhau còn chào hỏi..., và rộng hơn là hãy tìm hiểu về địa phương mình sinh sống. Hướng về cội nguồn, nhớ về quê hương là bày tỏ thái độ, nhân cách sống. Cha mẹ phải có trách nhiệm làm điều này với con cái của mình và ngược lại, con cái cũng phải có ý thức, nhận thức để sống tốt, ý nghĩa hơn”.

Còn nhớ, tại buổi gặp mặt Kiều bào dự Chương trình “Xuân quê hương năm 2022”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã xúc động, phát biểu: “Tiếng gọi nơi chôn rau cắt rốn, tiếng gọi của mẹ cha, tiếng gọi của những kỷ niệm, của những bữa cơm đạm bạc, của tiếng ve, tiếng dế, của đường làng, góc phố, những nếp nhà thân thương, những gian nan vất vả khi có chiến tranh, đất nước còn nghèo, của những đóng góp, cống hiến cho quê hương, đất nước...dẫn lối chúng ta về quê. Cội nguồn Việt Nam luôn hiện hữu trong mỗi trái tim người Việt dù ở đâu trên trái đất này. Quê hương mỗi người chỉ một”.

Khi con trẻ được dạy về gốc gác của bản thân tức là đã được dạy về sự tự trọng và tự tôn để trẻ nhận thức được rằng: Ai cũng có quê hương, nguồn cội.

Vi An



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]