(vhds.baothanhhoa.vn) - Thực hiện chủ đề chuyển đổi số (CĐS) quốc gia năm 2025 “CĐS toàn dân, toàn diện, toàn trình để tăng tốc, bứt phá phát triển kinh tế số (KTS)”, tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển KTS dựa trên các nền tảng công nghệ, kỹ thuật số và internet.

Đẩy mạnh phát triển kinh tế số

Thực hiện chủ đề chuyển đổi số (CĐS) quốc gia năm 2025 “CĐS toàn dân, toàn diện, toàn trình để tăng tốc, bứt phá phát triển kinh tế số (KTS)”, tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển KTS dựa trên các nền tảng công nghệ, kỹ thuật số và internet.

Đẩy mạnh phát triển kinh tế số

Công ty TNHH Thực phẩm & TMDV Lê Gia (Hoằng Hóa) là một trong những doanh nghiệp tiên phong trong chuyển đổi số doanh nghiệp.

KTS bao gồm các hoạt động như thương mại điện tử, dịch vụ tài chính trực tuyến, tiếp thị số, sản xuất kỹ thuật số, các dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông (ICT)... Mục tiêu của KTS là tăng cường hiệu quả, tính cạnh tranh và sự kết nối trong kinh doanh và xã hội bằng cách sử dụng các công nghệ số để tạo ra giá trị mới và cải thiện các quy trình truyền thống, qua đó giúp tăng năng suất lao động, tăng sức cạnh tranh của các ngành, các sản phẩm góp phần thúc đẩy phát triển KTS.

Chủ động, linh hoạt ứng dụng các ưu điểm của CĐS và coi đây là cơ hội để nâng cao sức cạnh tranh, tăng năng suất lao động và hiệu quả sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đang chủ động tham gia vào nền KTS.

Mỗi ngày cơ sở sản xuất nem chua Khánh Hiền, xã Tế Thắng (Nông Cống) bán ra thị trường gần 5.000 chiếc nem các loại. Khách mua hàng không chỉ trong xã, trong huyện, mà còn mở rộng trong tỉnh và cả các tỉnh ngoài nhờ sự trợ giúp của công nghệ khi quảng bá sản phẩm trên các nền tảng internet và cốt lõi là chất lượng sản phẩm đảm bảo.

Anh Nguyễn Đình Khánh, chủ cơ sở sản xuất nem chua Khánh Hiền cho biết: “Chúng tôi đang quảng bá sản phẩm trên các nền tảng như

facebook, zalo, tiktok và cả chạy quảng cáo trên google. Những đợt chạy quảng cáo thì doanh số tăng lên gần 50% do khách hàng ở các tỉnh ngoài biết đến sản phẩm của chúng tôi để đặt hàng”.

Nhờ áp dụng công nghệ số, internet và sự lan tỏa của tinh thần CĐS mà những nông sản đặc trưng của các địa phương đã được nhiều người biết đến nhiều hơn. Hiện nay, Thanh Hóa có khoảng 600 đơn vị sản xuất, chế biến, kinh doanh nông sản thực phẩm, sản phẩm OCOP tham gia quảng bá giới thiệu và bán hàng trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội với trên 1.000 sản phẩm các loại. Người nông dân đã không còn phụ thuộc vào thương lái mà có thể tự mình tìm kiếm khách hàng, tìm đầu ra cho sản phẩm, mở rộng thị trường, giao dịch không dùng tiền mặt...

Sự gia tăng của các giao dịch mua bán trên internet, hay thanh toán số góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền KTS. Hiện nay, các địa phương trên địa bàn tỉnh đang nỗ lực tuyên truyền, khuyến khích và hỗ trợ người dân tham gia vào nền KTS.

Tiếp tục thực hiện chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa CĐS, UBND huyện Hoằng Hóa đã ban hành công văn để đôn đốc và chỉ đạo các đơn vị triển khai thực hiện. Toàn huyện có 763/763 (100%) doanh nghiệp được tiếp cận và ứng dụng các nền tảng số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; huyện có 41/41 sản phẩm OCOP đã được đưa lên sàn thương mại điện tử và được gắn mã QR truy xuất nguồn gốc; 95 sản phẩm lợi thế đã được quảng bá, tiếp thị và bán hàng trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội.

Huyện Yên Định đã triển khai thanh toán không dùng tiền mặt trong các trường học, cơ sở giáo dục, bệnh viện, cơ sở y tế và trong hoạt động chi trả chính sách an sinh xã hội...; triển khai mô hình thanh toán hóa đơn điện tử không dùng tiền mặt, như: thanh toán các khoản phí, lệ phí bằng quét mã QR khi giao dịch tại bộ phận một cửa, các khu chợ và các hộ kinh doanh; hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất, kinh doanh đưa các sản phẩm đặc thù, sản phẩm thế mạnh, các sản phẩm OCOP lên các sàn thương mại điện tử để quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Đến nay, huyện đã có 38 sản phẩm OCOP được đưa lên quảng bá, giới thiệu trên môi trường mạng, trong đó có 30 sản phẩm OCOP được đưa lên các sàn thương mại điện tử.

Đẩy mạnh phát triển kinh tế số

Anh Nguyễn Đình Khánh, chủ cơ sở sản xuất nem chua Khánh Hiền (Nông Cống) đang đóng hàng gửi cho khách.

Theo số liệu từ Đội Thuế khu vực Thiệu Hóa – Yên Định, hiện tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ của huyện Yên Định đạt khoảng 24%; 100% doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số; tỷ lệ nhân lực lao động KTS trong lực lượng lao động chiếm khoảng 4,10%; tỷ trọng KTS đạt 20% GRDP.

Với sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, ngành, sự nỗ lực vào cuộc của các cấp chính quyền, doanh nghiệp, người dân... KTS bước đầu đã đóng góp vào sự phát triển kinh tế của tỉnh, tỷ trọng đóng góp KTS của tỉnh trong tổng quy mô nền kinh tế đạt 10,74%. Việc phát triển KTS đã thay đổi cơ bản nhận thức, cách làm truyền thống của doanh nghiệp, người dân, hộ gia đình về tiêu thụ sản phẩm trên không gian số, sàn thương mại điện tử, qua đó mở rộng không gian tiêu thụ sản phẩm.

Toàn tỉnh có 100% các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, các thương nhân kinh doanh xăng dầu, 80% trung tâm thương mại, siêu thị đã sử dụng hóa đơn điện tử có mã số của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền nhằm chống thất thu thuế, thất thu ngân sách. Bên cạnh đó, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa CĐS được quan tâm thực hiện, 100% doanh nghiệp được tiếp cận và ứng dụng các nền tảng số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; 6.500 doanh nghiệp đạt mức độ CĐS theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông, đạt 40,62%, tăng 14,82% so với năm 2023; năm 2024, tổng số doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn tỉnh là 615 doanh nghiệp (gấp 1,86 lần so với năm 2023).

Nghị quyết 06–NQ/TU/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về CĐS tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đặt ra mục tiêu đến hết năm 2025, KTS sẽ chiếm 20% trở lên trong GRDP của tỉnh, để đạt được mục tiêu đề ra, Thanh Hóa đang chú trọng phổ cập định danh số, thanh toán điện tử, hóa đơn điện tử, chữ ký số và chứng thực chữ ký số; quan tâm phát triển doanh nghiệp công nghệ số, đẩy mạnh ứng dụng CĐS trong doanh nghiệp; phát triển thương mại điện tử, khu công nghệ thông tin tập trung ngành bán dẫn và điện tử, CĐS các khu công nghiệp, hoạt động nông nghiệp có thương hiệu, giá trị cao gắn với phát triển du lịch, thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn...

Bài và ảnh: Linh Hương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]