(vhds.baothanhhoa.vn) - Để dạy con trẻ kỹ năng sống không phải là chuyện ngày một ngày hai, cũng không quan trọng học ở đâu. Vấn đề chính là mỗi phụ huynh có sẵn sàng đặt trẻ vào không gian mới, buộc chúng thử thách với những hoạt động mới.

Dạy trẻ kỹ năng sống

Để dạy con trẻ kỹ năng sống không phải là chuyện ngày một ngày hai, cũng không quan trọng học ở đâu. Vấn đề chính là mỗi phụ huynh có sẵn sàng đặt trẻ vào không gian mới, buộc chúng thử thách với những hoạt động mới.

Dạy trẻ kỹ năng sống Lớp học thanh nhạc của thầy giáo Xuân Sang giúp trẻ tự tin và vui vẻ hơn.

Từ trong chính gia đình...

Thực trạng ở nhiều gia đình trẻ hiện nay, do bố mẹ bận đi làm, trẻ em nghỉ hè buộc phải ở nhà một mình tự chơi, hoặc vùi đầu vào sách vở. Biết là sẽ thiệt thòi cho con, nhưng vì công việc mưu sinh, nhiều bố mẹ trẻ đành lực bất tòng tâm. Thế nhưng, đã có nhiều biện pháp chăm sóc, giáo dục trẻ em trong dịp hè có hiệu quả mà bố mẹ có thể áp dụng, vừa giúp trẻ thêm một số kỹ năng cơ bản, vừa để những ngày hè không trôi đi vô nghĩa, thiếu sự vui tươi, bổ ích.

Chị Thu Hà (SN 46B, Lê Nhân Tông, phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa), cho biết: Nhà chị có 2 cậu con trai, một chuẩn bị lên lớp 7 và một lên lớp 4. Nghỉ hè, chị phân công rõ từng phần việc: Bạn nhỏ nấu bữa trưa, bạn lớn trực bữa tối. “Thực ra, chúng tôi phân công như thế nhưng các cháu cũng chỉ nấu một số món cơ bản như luộc rau, nấu canh, rán đậu, hay tráng trứng... Chủ yếu để dạy các cháu thêm kỹ năng và chia sẻ công việc với bố mẹ, giúp đỡ nhau trong sinh hoạt chung, hạn chế thời gian xem tivi, điện thoại”.

Chị Nguyệt, anh Thự (SN 48/42 Đại lộ Lê Lợi, phường Tân Sơn, TP Thanh Hóa) người làm việc ở Khách sạn Sao Mai, người lao động tự do, đều đi từ sáng đến tối mới về, trong khi thu nhập không đủ chi thêm thuê người giúp việc. Để con ở nhà không yên tâm, hai vợ chồng quyết định đưa về quê với ông bà từ đầu mùa hè. Tối đến, khi xong hết mọi công việc, chị gọi video call hỏi thăm con. “Bố tôi nói, bọn nhỏ bây giờ quá thiệt thòi. Hầu hết cây cỏ trong vườn nhà ở quê đều xa lạ, những con chuồn chuồn, cào cào, châu chấu, hạt lúa... chúng đều không biết. Đến quả chuối ăn hàng ngày nhưng cây chuối cũng không biết. Bố không biết ép các cháu học gì lắm thế mà những cái cơ bản, thân thuộc thì không biết đến. Chính những câu nói ấy làm tôi phải suy nghĩ lại, thời gian để các con học bài rất nhiều, nhưng thời gian để các cháu gần ông, gần bà không phải lúc nào muốn cũng được. Vì thế, mùa hè bọn trẻ được học tập kỹ năng trồng cây và chăm sóc động vật với ông bà. Chúng gọi đây là mùa nhuộm da”.

Còn chị Thịnh Xuân (Lô 69, Mặt bằng quy hoạch 1131, phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa), có 2 con gái, cháu lớn năm nay vào lớp 10, cháu nhỏ học lớp 7, nhưng cả ngày chỉ biết mỗi việc cắm nồi cơm điện vào 10 giờ sáng và 5 giờ chiều. Vậy nên, trong kỳ nghỉ hè, chị yêu cầu các cháu làm những công việc thường xuyên trong nhà: phơi, gấp quần áo, nhặt rau, quét nhà, lau nhà... Sau mỗi ngày, chị chấm điểm, và quy ra tiền thưởng 2.000 đồng/người/việc. Chị cho biết, có tiền bỏ lợn mỗi ngày, bọn trẻ hào hứng hơn hẳn trước đây. Không muốn thua kém nhau, các cháu đều cố gắng và nghĩ thêm việc để làm. “Từ suy nghĩ kiếm tiền rất khó do phải làm nhiều việc, dần dần chúng sẽ hình thành kỹ năng tiết kiệm tiền. Bắt đầu từ những cái nhỏ để hình thành nhiều kỹ năng thích ứng với cuộc sống là mong muốn của các ông bố bà mẹ, trong đó có vợ chồng tôi”, chị Xuân chia sẻ.

Đến các trung tâm đào tạo kỹ năng sống

Nhà văn hóa Thiếu nhi TP Thanh Hóa luôn là địa chỉ quen thuộc để các phụ huynh gửi gắm con em trong những ngày hè. Dù gặp không ít khó khăn do dịch COVID-19 bùng phát, nhưng vào đầu kỳ nghỉ hè này Nhà văn hóa Thiếu nhi TP Thanh Hóa vẫn cố gắng duy trì dạy 16 bộ môn (thời điểm trước ngày 10-7). Giám đốc Phạm Thị Lệ Hằng cho biết: “Những năm trước đây, trẻ nhỏ tới Nhà văn hóa Thiếu nhi thành phố học rất đông, chúng tôi không đủ chỗ để dạy vì địa điểm còn đi thuê, chật chội. Thanh Hóa hiện đang là địa phương kiểm soát tốt dịch COVID-19, nhưng nhiều phụ huynh vẫn băn khoăn, e dè. Vì thế, số lượng trẻ đến với nhà văn hóa chỉ khoảng 1/4 so với trước khi có dịch. Cụ thể, những năm dịch chưa bùng phát, chỉ tính riêng thời điểm nghỉ hè, Nhà văn hóa Thiếu nhi thành phố tuyển sinh và đào tạo gần 1.000 học sinh/năm, nhưng năm 2021, tính đến thời điểm này chỉ trên 200 em tham gia. Càng ngày phụ huynh càng quan tâm hơn đến việc học kỹ năng của con trẻ. Khi các con được học nhiều kỹ năng thì các con mạnh dạn hơn, tự tin hơn, bởi trẻ nhỏ là đối tượng luôn thích hoạt động”.

Rõ ràng, việc giáo dục kỹ năng sống sẽ có hiệu quả hơn khi các em được sinh hoạt tập thể, được tiếp xúc với môi trường khác. Chính vì thế mà thay vì tự tổ chức những nhóm học nhỏ, nhiều bố mẹ đã lựa chọn đưa con đến các nhà văn hóa, trung tâm ngoại ngữ, trung tâm kỹ năng sống để con được giao lưu với các bạn mới.

Đến lớp học thanh nhạc của thầy giáo Xuân Sang ở Nhà văn hóa Thiếu nhi TP Thanh Hóa vào đầu kỳ nghỉ hè này, chúng tôi được biết có rất nhiều cháu nhỏ khoảng 5-6 tuổi tham gia. Trong đó có nhiều cháu ở xa thành phố, như em Lê Công Minh Sơn ở xã Đông Khê (Đông Sơn), em Tú Linh ở xã Đông Thịnh (Đông Sơn)... Thầy Xuân Sang chia sẻ: “Không riêng gì tôi, rất nhiều thầy cô giáo ở các môn đàn, thanh nhạc, nhảy zumba, khiêu vũ thể thao, mỹ thuật, trong thời điểm các cháu nghỉ học do dịch COVID-19, chúng tôi vẫn lên lớp dạy, giao bài để các cháu luyện tập và trả bài bằng hình thức online. Mong muốn giúp các cháu không bị quên kiến thức, vì thế mà tất cả các hoạt động này được giáo viên dạy không thu phí”.

Để dạy con trẻ kỹ năng sống không phải là chuyện ngày một ngày hai, cũng không quan trọng học ở đâu. Vấn đề chính là mỗi phụ huynh có sẵn sàng đặt trẻ vào không gian mới, buộc chúng thử thách với những hoạt động mới. Chỉ có sự va chạm cụ thể mới khiến đứa trẻ tự hình thành kỹ năng. Dịch COVID-19 mang theo rất nhiều hệ lụy về kinh tế, xã hội, nhưng cũng chính là cơ hội để mỗi một thành viên gia đình nhìn nhận lại sự quan tâm chia sẻ dành cho nhau. Đặc biệt hơn, các ông bố, bà mẹ có thêm thời gian trong việc xây dựng, hình thành và cùng con bắt đầu phát triển nhiều kỹ năng, từ những điều nhỏ nhất.

Bài và ảnh: huyền Chi



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]