(vhds.baothanhhoa.vn) - Thiếu giáo viên, thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, lại thêm phần lớn học sinh là người dân tộc thiểu số, việc dạy và học tiếng Anh ở các huyện miền núi trong tỉnh đang gặp nhiều khó khăn.

Dạy và học tiếng Anh ở miền núi: Bộn bề khó khăn

Thiếu giáo viên, thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, lại thêm phần lớn học sinh là người dân tộc thiểu số, việc dạy và học tiếng Anh ở các huyện miền núi trong tỉnh đang gặp nhiều khó khăn.

Dạy và học tiếng Anh ở miền núi: Bộn bề khó khănGiáo viên môn tiếng Anh của Trường Tiểu học thị trấn Lang Chánh I giải đáp những thắc mắc của học sinh trong giờ học.

Thiếu giáo viên, thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, lại thêm phần lớn học sinh là người dân tộc thiểu số, việc dạy và học tiếng Anh ở các huyện miền núi trong tỉnh đang gặp nhiều khó khăn.

Vượt qua quãng đường gần 25km từ trung tâm thị trấn Cành Nàng (Bá Thước), chúng tôi có mặt tại Trường Tiểu học Văn Nho. Nhà trường có 489 học sinh với 19 lớp học, trong đó có 1 điểm lẻ với 125 học sinh. Dù đã triển khai từ nhiều năm qua, nhưng với 98% học sinh là người dân tộc thiểu số, không có phòng học ngoại ngữ, thiếu trang thiết bị,... nên nhà trường gặp nhiều rào cản trong việc dạy tiếng Anh.

Giáo viên tiếng Anh Nguyễn Thùy Dung, Trường Tiểu học Văn Nho, cho biết: Học sinh trong trường chủ yếu là con em đồng bào dân tộc thiểu số nên phát âm tiếng Anh gặp rất nhiều trở ngại. Bên cạnh đó, trình độ học sinh không đồng đều, năng lực học sinh thấp, còn rụt rè trong giao tiếp nên việc tiếp cận và học tiếng Anh lại càng khó khăn hơn.

Thầy giáo Trương Văn Long, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Văn Nho, cho biết: "Hiện nhà trường có 19 lớp, nhưng chỉ có 1 giáo viên tiếng Anh. Vì vậy, nhà trường chỉ sắp xếp dạy học môn ngoại ngữ cho học sinh các khối 3, 4, 5, còn khối 1 và khối 2 chưa thể thực hiện được. Nhiều năm qua, nhà trường có kế hoạch hợp đồng giáo viên dạy ngoại ngữ, nhưng khan hiếm người có chuyên môn đáp ứng yêu cầu, nhà trường đành phải chờ đợi sự phân bổ giáo viên từ cấp trên.

Ông Hà Tự Nhiên, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Bá Thước, cho biết: Hiện nhiều trường học trên địa bàn huyện đều thiếu phòng học, trang thiết bị tối thiểu phục vụ cho việc học tiếng Anh như đài, băng, đĩa CD, máy chiếu đa năng, tivi. Huyện Bá Thước cũng đang thiếu 12 giáo viên tiếng Anh, trong khi đó một bộ phận giáo viên năng lực ngoại ngữ và năng lực giảng dạy còn hạn chế… Vì vậy, dẫn tới chất lượng dạy môn ngoại ngữ của huyện còn nhiều hạn chế.

“Trong thời gian tới, huyện tập trung xây dựng đội ngũ, bồi dưỡng, nâng cao năng lực giáo viên bộ môn tiếng Anh. Tham mưu cho UBND huyện đề xuất với UBND tỉnh tuyển dụng thêm giáo viên ngoại ngữ. Tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất hạ tầng, trang thiết bị dạy và học môn ngoại ngữ. Chỉ đạo các nhà trường đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của phụ huynh về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc học môn tiếng Anh. Qua đó, góp phần từng bước nâng cao chất lượng dạy và học bộ môn này”, ông Hà Tự Nhiên cho biết thêm.

Tương tự, huyện Lang Chánh, còn thiếu giáo viên tiếng Anh ở 2 cấp: tiểu học và THCS. Vì vậy, ở nhiều trường, giáo viên tiếng Anh phải “căng mình” dạy học để đáp ứng đúng phân phối chương trình. Điều này đã ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học của các nhà trường.

Ông Lê Minh Thư, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Lang Chánh, cho biết: Năng lực học tiếng Anh của phần lớn học sinh trên địa bàn còn chưa cao, phụ huynh ít có kiến thức ngoại ngữ để dạy thêm cho con, hoàn toàn trông chờ vào việc học ở trên lớp. Thiếu giáo viên, thiếu trang thiết bị dạy học đã ảnh hưởng tới chất lượng dạy và học môn tiếng Anh. Huyện Lang Chánh còn thiếu 15 giáo viên tiếng Anh. Thời gian tới, với Chương trình Giáo dục phổ thông mới, môn Ngoại ngữ là môn học bắt buộc từ lớp 3. Do đó, phòng GD&ĐT đã tham mưu cho UBND huyện tiếp tục tuyển dụng, bồi dưỡng giáo viên để đáp ứng yêu cầu.

Theo thống kê của Sở GD&ĐT, khu vực miền núi hiện có 593 giáo viên tiếng Anh. Trong đó, có 253 giáo viên tiếng Anh cấp tiểu học, 225 cấp THCS, 115 cấp THPT. Theo Thông tư 16/2017/TT-BGDĐT, các huyện miền núi đang thiếu 132 giáo viên. Ông Nguyễn Văn Dĩnh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, cho biết: Giáo viên dạy tiếng Anh ở khu vực miền núi được đào tạo bằng nhiều hình thức khác nhau nên chất lượng không đồng đều. Năng lực ngoại ngữ của đội ngũ giáo viên chưa đáp ứng được yêu cầu của Bộ GD&ĐT là phải đạt chuẩn khung năng lực châu Âu. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho việc dạy học và giáo viên dạy ngoại ngữ đang thiếu cũng là nguyên nhân dẫn tới việc dạy và học chưa đạt kết quả cao.

Ông Nguyễn Văn Dĩnh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, cho biết thêm: Trong thời gian tới, ngành GD&ĐT tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc rà soát, đánh giá, điều chỉnh, bổ sung kịp thời việc tổ chức sắp xếp lại điểm trường, lớp học gắn với phương án bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên; chuẩn bị tốt các điều kiện về hạ tầng, trang thiết bị dạy học; tăng cường tập huấn, bồi dưỡng giáo viên; tuyển dụng giáo viên tiếng Anh… Qua đó, nâng cao chất lượng dạy và học môn tiếng Anh ở miền núi, góp phần thực hiện thành công Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2020-2025”.

Bài và ảnh: Xuân Cường



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]