(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Là địa phương có tiềm năng lớn cả về tự nhiên, văn hóa, con người và những yếu tố khác, song du lịch của huyện Thường Xuân đến nay vẫn chưa được quan tâm đầu tư tương xứng, phát triển để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Để du lịch Thường Xuân phát triển tương xứng với tiềm năng

(VH&ĐS) Là địa phương có tiềm năng lớn cả về tự nhiên, văn hóa, con người và những yếu tố khác, song du lịch của huyện Thường Xuân đến nay vẫn chưa được quan tâm đầu tư tương xứng, phát triển để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Từ tiềm năng đến thực trạng

Thường Xuân là huyện miền núi có vị trí địa lý thuận lợi, có nguồn tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng. Đặc biệt, các danh lam, thắng cảnh của địa phương hầu hết còn hoang sơ, môi trường trong sạch là điều kiện thuận lợi để phát triển thành một khu du lịch sinh thái rừng quy mô lớn.

Trong đó với những nguồn tài nguyên có lợi thế như: Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, Khu Danh thắng Hồ Thủy lợi – Thủy điện Cửa Đạt, quần thể Cây di sản Sa Mu, Pơ Mu (ở xã Bát Mọt)…

Cây pơ mu trên 1.000 năm tuổi tại KBTTN Xuân Liên.

Thường Xuân còn có hệ thống các hang, động, thác đẹp, nhiều di tích lịch sử văn hóa như di tích lịch sử Địa điểm Hội Thề Lũng Nhai, hòn Mài Mực, Di tích lịch sử Văn hóa và Danh lam Thắng cảnh đền thờ Cầm Bá Thước và bà Chúa Thượng ngàn…

Vùng đất phía Tây xứ Thanh này được biết đến là nơi có lễ hội Cửa Đạt nổi tiếng thu hút hàng chục vạn lượt du khách tham quan dâng hương hàng năm, ngoài ra còn có các lễ hội như lễ hội Nàng Han (đã được phục dựng), lễ hội dâng Trâu trắng tế trời Pú Pen (chưa được khôi phục), các trò chơi, trò diễn dân gian như tung còn, tó lẹ…

Các làng nghề truyền thống cũng là một trong những thế mạnh trong phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch cộng đồng. Hiện nay, trên địa bàn huyện có thể phát triển các làng nghề như: dệt thổ cẩm, đan lát, thủ công mỹ nghệ, mộc…

Là huyện miền núi đa phần là đồng bào dân tộc Thái sinh sống, do vậy ở vùng đất nơi đây gắn liền với nét sinh hoạt văn hóa và ẩm thực độc đáo của đồng bào dân tộc Thái có thể kể đến như cơm lam, cá nướng, canh uôi, các loại chẻo, đồ chấm… các món ăn được chế biến công phu từ các nguyên liệu tự nhiên, sẵn có.

Đặc biệt nơi đây còn được tự nhiên ưu đãi với các loại đặc sản như: cá mướn, cá xứt mũi, cá thiết lình, cá lăng, cá leo, lợn cỏ, gà đồi... hiếm nơi nào có được.

Những năm qua, việc kinh doanh khai thác du lịch của Thường Xuân chủ yếu qua các loại hình như: Du lịch tâm linh, tín ngưỡng, tập trung tại Khu di tích lịch sử Văn hóa và Danh lam thắng cảnh đền thờ Cầm Bá Thước và Bà Chúa Thượng ngàn, Cửa Đặt, đền Cô... thu hút chủ yếu vào mùa lễ hội đặc biệt là 2 tháng đầu năm âm lịch.

Sản phẩm hàng hóa chưa hấp dẫn, hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch chưa hiệu quả. Các loại hình dịch vụ phục vụ hoạt động vui chơi giải trí tại các khu vực phát triển dịch vụ du lịch chưa có.

Do vậy, ngành du lịch chiếm tỷ trọng thấp trong cơ cấu kinh tế của huyện, lượng du khách hàng năm đến với Thường Xuân, bình quân tăng 7% -10%/năm, chủ yếu là khách đi lễ hội đầu năm. Số lượt khách lưu trú ít, chỉ chiếm khoảng 6% -7%/tổng số lượt khách đến tham quan.

Để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Ông Cầm Bá Huyến - Trưởng Phòng VH-TT huyện Thường Xuân cho biết: Để du lịch huyện Thường Xuân phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế, huyện đã ban hành Nghị quyết và đề án phát triển du lịch huyện Thường Xuân giai đoạn 2016 – 2020, định hướng đến năm 2025.

Phát huy văn hóa truyền thống là một trong những hướng đi của du lịch Thường Xuân (Ảnh: Thúy Hòa)

Trong đó nhấn mạnh những giải pháp hàng đầu như: Tập trung xây dựng quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết phát triển du lịch trên địa bàn, từ đó xây dựng kế hoạch đầu tư các dự án cho từng thời kỳ. Tạo cơ sở để thu hút, sử dụng và khai thác có hiệu quả các nguồn lực đầu tư vào các khu, điểm du lịch của huyện. Trước mắt tập trung xây dựng quy hoạch các khu du lịch trọng điểm gồm: Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 các phân khu chức năng thuộc khu du lịch sinh thái bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, Lòng hồ Cửa Đặt; khu di tích lịch sử văn hóa địa điểm Hội thề Lũng Nhai; khu di tích lịch sử văn hóa Địa điểm đền thờ Cầm Bá Hiển; Làng du lịch cộng đồng Thanh Xuân, làng Vịn. Quy hoạch hệ thống các di tích lịch sử, văn hóa như cụm di tích đền Phốc Quát, Điện Nhất, Điện Nhị xã Xuân Dương; Đền Bạch Y Công chúa thị trấn; Miếu Tông xã Xuân Cẩm...

Huyện cũng xây dựng cơ chế khuyến khích phát triển du lịch, huy động các nguồn lực đầu tư; nghiên cứu, ban hành, tạo điều kiện tốt nhất khuyến khích đầu tư, phát triển du lịch; huy động nguồn hỗ trợ, tài trợ của các tổ chức, cá nhân: Tài trợ, tham gia góp vốn, ủng hộ đầu tư, xây dựng, tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Huy động mọi nguồn lực, các thành phần kinh tế, kêu gọi các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư có kinh nghiệm, có khả năng tài chính mạnh đầu tư phát triển kinh doanh du lịch vào huyện.

Tăng cường và có sự đổi mới mạnh mẽ công tác tuyên truyền, giới thiệu và quảng bá hình ảnh đặc trưng trên các phương tiện thông tin đại chúng như: Báo, đài phát thanh truyền hình, trên các website, hội chợ, triển lãm... về các sản phẩm đã có hoặc đang xây dựng như: du lịch tâm linh, lễ hội; du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng. Mặt khác, liên kết với các công ty du lịch lữ hành trong tỉnh xây dựng các tuyến liên kết nội tỉnh.

Với những giải pháp nêu trên, mục tiêu của huyện trong những năm tiếp theo là phát triển du lịch theo hướng bền vững, khai thác, sử dụng hiệu quả các tiềm năng du lịch hiện có gắn với bảo tồn, trùng tu, tôn tạo, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện. Phát triển các điểm du lịch mới, đầu tư xây dựng các điểm du lịch chất lượng cao. Phấn đấu đến năm 2020 đưa du lịch huyện Thường Xuân nằm trong tốp những điểm đến hấp dẫn của tỉnh.

Ngọc Huấn



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]