(vhds.baothanhhoa.vn) - Rằm tháng Tám hay còn gọi là Tết Trung thu vẫn được xem là một trong những ngày lễ tết quan trọng trong đời sống văn hóa của người Việt. Đến ngày này, người Việt lại tổ chức làm bánh, rước đèn, ngắm trăng, phá cỗ, múa lân... tất cả những mỹ tục ấy đã khảm sâu vào tâm thức mỗi người. Và đằng sau nét đẹp truyền thống của Tết Trung thu được lưu truyền, là truyền thuyết, lý giải thú vị về văn hóa Việt Nam.

Để hiểu hơn về một nét đẹp văn hóa truyền thống

Rằm tháng Tám hay còn gọi là Tết Trung thu vẫn được xem là một trong những ngày lễ tết quan trọng trong đời sống văn hóa của người Việt. Đến ngày này, người Việt lại tổ chức làm bánh, rước đèn, ngắm trăng, phá cỗ, múa lân... tất cả những mỹ tục ấy đã khảm sâu vào tâm thức mỗi người. Và đằng sau nét đẹp truyền thống của Tết Trung thu được lưu truyền, là truyền thuyết, lý giải thú vị về văn hóa Việt Nam.

Để hiểu hơn về một nét đẹp văn hóa truyền thốngTết Trung thu, cùng với rước đèn thì mâm cỗ thường được tạo bởi các loại bánh, trái với hình thù các con vật.

Như tên gọi - Tết Trung thu, đó là thời điểm giữa mùa thu, khi ấy mặt trăng sáng nhất, tròn nhất và dĩ nhiên là đẹp nhất. Và vì thế, mà trong đêm Trung thu, mọi người thường tụ họp để ngắm trăng, bình trăng.

Thậm chí, từ việc ngắm nhìn ánh trăng đêm Trung thu, người xưa còn có thể đoán định được nhiều chuyện liên quan đến mùa vụ và đất nước. Tương truyền, nếu trăng sáng vằng vặc, là điềm báo sẽ có một vụ mùa bội thu; nếu trăng màu vàng, tằm sẽ nhả nhiều tơ. “Ta có thể đọc trong các sách cổ rằng khi mặt trăng chuyển sang màu xanh hay màu lam, thì sẽ có nạn đói. Nếu trái lại, trăng ngả sang màu vàng, thì cả nước sẽ sống thái bình và đức hạnh. Đêm ấy, nếu ta nhận thấy một chiếc mũ phía trên mặt trăng, thì thế gian sẽ vui vẻ... Khi trong nước có một mưu toan nổi loạn, hay trên thế giới có những dấu hiệu một cuộc chiến tranh sắp nổ ra, thì người ta có thể nhận thấy trăng có vuốt và có răng” (sách Hội hè lễ tết của người Việt).

Vậy nhưng, Tết Trung thu từ đâu mà có? Và những biểu tượng, hình ảnh, trò chơi trong Tết Trung thu mang ý nghĩa gì?

Theo học giả Nguyễn Văn Huyên - một nhà nghiên cứu uy tín trong thế kỷ XX, tác giả sách Hội hè lễ tết của người Việt, vào đêm Trung thu mặt trăng tròn và sáng rực rỡ khiến con người thấy thích thú ngắm nhìn với tất cả sự mạnh mẽ, uy nghi của mặt trăng. Còn các nhà nho, nghệ sĩ uống rượu, làm thơ ca ngợi vì tinh tú đẹp theo gương Đường Minh Hoàng trị vì ở Trung Quốc vào thế kỷ thứ VIII. Không phủ nhận sự ảnh hưởng của văn hóa Hán đối với người Việt, song học giả Nguyễn Văn Huyên cũng cho rằng: “Những kỷ niệm về Minh Hoàng chỉ mới có gần đây... Ta không được quên rằng, tất cả các lễ hội của người Việt cũng như của người Trung Quốc đều theo mùa, nghĩa là chúng có liên hệ với sự tiếp nối của thời gian”. Điều này khẳng định, Tết Trung thu đã có từ xa xưa. Và ông lý giải: Trong ý thức dân gian, nhờ có nhiều truyền thuyết từ nhiều thế kỷ, rồng có vai trò hàng đầu trong điều tiết các cơn mưa để tạo nên những vụ mùa tốt tươi - nguồn gốc của hòa bình, xã hội ổn định. Điều này gắn liền với nền nông nghiệp lúa nước của người Việt: “Mùa xuân, người ta đôi khi mang rồng đi trong các đám rước thần. Nó phải đóng góp cho sự thành công của vụ lúa chiêm. Nhưng hội rồng thực sự là vào Trung thu. Nó phải bảo vệ các vụ gặt lớn tháng Mười. Đêm rằm tháng Tám, người ta long trọng rước rồng qua các phố, đi trước là những lá cờ ngũ sắc, những đèn lồng hình hoa quả, tôm cá hay những vật quý...”.

Trong đám rước đêm Trung thu, đi sau rồng là sư tử với cái đầu được đan bằng tre, dán giấy, nối vào đấy một tấm vải dài màu đỏ. Bằng những điệu múa rồng và sư tử như vậy, người xưa hy vọng có thể tạo ra những trận mưa tốt lành, từ đó có được cuộc sống no đủ, phồn thịnh.

Cũng theo học giả Nguyễn Văn Huyên, thói quen quan sát mặt trăng vào đêm Trung thu đã tạo ra trong trí tưởng tượng dân gian cả một thế giới huyền diệu, gắn với những truyền thuyết về chàng Cuội, chị Hằng Nga, về thỏ, về cóc, về ông Tơ bà Nguyệt... Không chỉ vậy, dẫn theo tín ngưỡng dân gian, ông cho rằng: “Chính bằng những sợi chỉ tơ hồng mà ông Tơ ràng buộc các cặp vợ chồng tương lai. Ông Tơ càng buộc họ chặt, họ càng xích lại gần nhau, càng yêu nhau”.

Để hiểu hơn về một nét đẹp văn hóa truyền thốngMỗi dịp Trung thu, bánh nướng, bánh dẻo luôn được người Việt yêu thích.

Trung thu - tết ngắm trăng, còn là dịp để trai gái bày tỏ tình cảm của mình. Trong ngày này, các cô gái để thể hiện tài năng, sự khéo léo của mình trước các chàng trai, đã làm đủ đồ vật với bột, giấy và hoa quả, rồi cả hình những tôm, cá, voi... Những chiếc bánh dẻo, bánh nướng tiêu biểu cho mặt trăng với đàn thỏ, con cóc hay con rồng cuộn quanh vì tinh tú lớn.

Sách Việt Nam phong tục của tác giả Phan Kế Bính, viết: “Ban ngày làm cỗ cúng gia tiên, tối đến bày cỗ thưởng nguyệt. Đầu cỗ là bánh mặt trăng và dùng nhiều thứ bánh trái, hoa quả, nhuộm các màu sặc sỡ xanh, đỏ, trắng, vàng. Con gái hàng phố thi nhau trổ tài khéo léo, gọt thành các thứ hoa nọ hoa kia, nặn bột làm con tôm, con cá coi cũng đẹp... Trẻ con tối hôm ấy, dắt díu nhau từng đàn từng lũ, đám thì nhảy vô, đám thì kéo co, đám thì bắt cái hò khoan, đám thì rước đèn, rước sư tử, trống thanh la đánh váng cả đường, tiếng reo hò, tiếng đùa ầm ĩ”.

Không chỉ vậy, với hình ảnh cá chép soi mình trong ánh trăng dưới đáy nước trong trẻo trong tiết Trung thu... người xưa còn liên tưởng đến sự thành công, đỗ đạt. Phải chăng vì thế, ở Tết Trung thu, người xưa bày lên bàn dành cho trẻ con những hình ảnh trạng nguyên, tiến sĩ... nhằm gửi gắm mong muốn, hy vọng về sự thành công trên con đường học hành, khoa cử.

Với sự nghiên cứu, tìm tòi, chiêm nghiệm, đúc kết, học giả Nguyễn Văn Huyên nhìn nhận: “Tết Trung thu, trong một quá trình diễn biến lâu dài của tư tưởng và phong tục đã trở thành ngày hội lớn của tuổi trẻ, trong đó trai gái gặp gỡ nhau và hát đối đáp giữa các đám đông và dưới ánh trăng. Họ trao cho nhau những quà tặng gồm quạt, vòng tay là những vật làm tin. Họ cùng nhau nhai trầu, là thứ ở nước này có giá trị giao ước... Những lời thề thốt được trao đổi trịnh trọng trước ánh trăng, rực rỡ xuất hiện uy nghi như một vị thần chứng giám... Trung thu ở Việt Nam đã trở thành một ngày tết mang tính chất phức tạp thú vị, đến nỗi cũng như tất cả các lễ hội có đặc tính dân gian khác, nó làm cho ai cũng quan tâm và sung sướng, bất kể họ thuộc giai tầng nào hay lứa tuổi nào. Thoạt tiên được coi là ngày lễ của người làm ruộng chỉ lo lắng đến các vụ thu hoạch của mình, nó đã được những quan niệm mới và ước vọng mới của xã hội làm trẻ lại, trở nên sinh động...”.

Đi qua thời gian, với sự thay đổi, phát triển của xã hội. Tết Trung thu của người Việt vẫn được lưu giữ, bảo tồn, là nét đẹp văn hóa mang nhiều ý nghĩa.

***(Bài viết có tham khảo, sử dụng nội dung trong các sách Hội hè lễ tết của người Việt và Việt Nam phong tục).

Bài và ảnh: Khánh Lộc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]