(vhds.baothanhhoa.vn) - Theo thống kê của Sở Giao thông - Vận tải, trên địa bàn tỉnh có 50 bến thủy nội địa đang hoạt động, chủ yếu được dùng để tập kết cát, sỏi, kinh doanh xăng dầu và sửa chữa phương tiện thủy; có 52 bến khách ngang sông trên địa bàn 16 huyện, thị xã, thành phố.

Để những chuyến đò bình an

Theo thống kê của Sở Giao thông - Vận tải, trên địa bàn tỉnh có 50 bến thủy nội địa đang hoạt động, chủ yếu được dùng để tập kết cát, sỏi, kinh doanh xăng dầu và sửa chữa phương tiện thủy; có 52 bến khách ngang sông trên địa bàn 16 huyện, thị xã, thành phố.

Để những chuyến đò bình anBến khách ngang sông xã Cẩm Thành (Cẩm Thủy) phục vụ nhu cầu đi lại của người dân thôn Bèo Bọt.

Tròng trành những chuyến đò sang sông

Lên công tác ở Mường Lát, để vào những bản khó khăn, xa xôi nhất như Tà Cóm, Cánh Cộng, Cá Giáng của xã Trung Lý, đi đò qua sông Mã là con đường ngắn nhất, nhanh nhất. Dẫu đã được mặc áo phao, nhưng ngồi trên con đò bé nhỏ giữa mênh mông sông nước khiến người đi không khỏi lo lắng, bất an. Theo những người dân nơi đây, cán bộ vào bản làm việc, khách đến thăm bản hay người dân, học sinh muốn sang huyện, xuống xã đi làm, đi học thì cũng đành chấp nhận đi đò qua sông để rút ngắn thời gian. Mùa khô đi đò còn đỡ vất vả, chứ mùa mưa bão, nước sông dâng thì đi đò là việc mạo hiểm. Xã Trung Lý có 15 bản, trong đó có 11 bản có đồng bào dân tộc Mông sinh sống, ở các bản xa nhất như Tà Cóm, Cá Giáng, Cánh Cộng, Pá Búa… thì người dân chủ yếu đi lại, giao thương qua những chuyến đò.

Theo thống kê của UBND huyện Mường Lát, hiện nay trên tuyến giao thông đường thủy nội địa huyện Mường Lát có 11 bến đò ngang sông Mã thuộc địa bàn các xã Trung Lý, Mường Lý. Những bến đò nơi đây chủ yếu tự phát, do người dân mở để phục vụ nhu cầu đi lại của bà con ở các bản khó khăn, dọc khu vực sông Mã. Đến nay cả 11 bến vẫn chưa được cấp giấy phép hoạt động. Dẫu biết là nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông trên những chuyến đò, nhưng chính quyền địa phương vẫn phải chấp nhận để bến tiếp tục hoạt động, bởi nếu đình chỉ thì ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân. Thời gian qua, Công an huyện Mường Lát đã phối hợp với Đồn Biên phòng Trung Lý, công an các xã: Mường Lý, Trung Lý, Tam Chung; Ban Quản lý đường thủy nội địa; Nhà máy Thủy điện Trung Sơn tiến hành phổ biến, tuyên truyền các quy định, văn bản của pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường thủy; tổ chức cho 11 chủ phương tiện bến đò ngang ký cam kết về việc chấp hành các quy định của pháp luật khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Được biết, Mường Lát là địa phương có số lượng bến đò hoạt động trên sông Mã nhiều nhất tỉnh. Để đảm bảo an toàn giao thông đường thủy, UBND huyện Mường Lát tiếp tục chỉ đạo chính quyền các xã Trung Lý, Mường Lý hoàn thiện hồ sơ, các thủ tục, quy định mở bến…để được cấp phép hoạt động các bến khách ngang sông.

Về huyện Cẩm Thủy, chúng tôi có mặt tại bến đò Bèo Bọt, xã Cẩm Thành. Nhiều người dân thôn Bèo Bọt đang ngồi chờ đò sang để về nhà. Xã Cẩm Thành có 8 thôn, riêng thôn Bèo Bọt có 87 hộ, 380 nhân khẩu, nằm biệt lập bên kia sông Mã nên mọi hoạt động đi lại, giao thương đều phụ thuộc vào... đò. Chủ đò là anh Cao Ngọc Hoan, là Trưởng ban công tác mặt trận, tổ trưởng tổ an ninh thôn Bèo Bọt. Bến đò Bèo Bọt đã được cấp phép hoạt động. Vào giờ cao điểm, nhu cầu người dân, học sinh đi lại đông nên đò vẫn phải chở quá số người quy định. Về lâu dài, người dân thôn Bèo Bọt mong mỏi có một cây cầu để thuận lợi cho việc đi lại, giao thương, buôn bán.

Bà Bùi Thị Tịnh, Phó Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng, UBND huyện Cẩm Thủy cho biết: Hiện nay trên địa bàn huyện có 2 bến khách ngang sông Mã đang hoạt động đó là bến Bèo Bọt, xã Cẩm Thành và bến Cẩm Vân, xã Cẩm Vân. Ngày 24-3-2023, HĐND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 377/NQ-HĐND về chủ trương dự án đầu tư xây dựng cầu Cẩm Vân. Ngày 12-5-2023, UBND huyện Cẩm Thủy cũng đã ban hành quyết định công bố hoạt động bến khách ngang sông xã Cẩm Thành. Thời gian qua, huyện Cẩm Thủy đã tăng cường công tác tuyên truyền, phối hợp liên ngành kiểm tra hoạt động bến khách ngang sông, đảm bảo an toàn giao thông đường thủy.

Nỗ lực vì sự bình yên sông nước

Theo thống kê của Sở Giao thông - Vận tải, trên địa bàn tỉnh có 50 bến thủy nội địa đang hoạt động, chủ yếu được dùng để tập kết cát, sỏi, kinh doanh xăng dầu và sửa chữa phương tiện thủy; có 52 bến khách ngang sông trên địa bàn 16 huyện, thị xã, thành phố. Hiện vẫn còn một số bến khách ngang sông chưa được cấp giấy phép hoạt động, hầu hết nằm ở các huyện miền núi, điều kiện cơ sở hạ tầng còn hạn chế và chủ yếu phục vụ dân sinh, không mang tính chất kinh doanh.

Để những chuyến đò bình anBến khách ngang sông xã Cẩm Thành vừa được công bố quyết định hoạt động trong tháng 5-2023.

Sông Mã chảy qua địa bàn các huyện Mường Lát, Quan Hóa, Bá Thước, Cẩm Thủy, Vĩnh Lộc, Yên Định, Thiệu Hóa, Hoằng Hóa, TP Thanh Hóa và TP Sầm Sơn của tỉnh Thanh Hóa với tổng chiều dài 217,2km. Hiện nay có 28 bến thủy nội địa trên sông Mã được cấp phép hoạt động, có 21 bến khách ngang sông, trong đó còn 11 bến chưa được cấp phép hoạt động. Nguyên nhân do chưa có kinh phí đầu tư xây dựng các hạng mục tại bến đáp ứng đủ các tiêu chí để cấp phép; vẫn còn tình trạng người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường thủy nội địa chưa có chứng chỉ chuyên môn theo quy định.

Để đảm bảo an toàn giao thông đường thủy nội địa, hàng năm, Sở Giao thông - Vận tải đã xây dựng kế hoạch, triển khai kiểm tra công tác quản lý, cấp phép hoạt động bến khách ngang sông tại các huyện, thị xã, thành phố. Sở đã có nhiều văn bản đề nghị Công an tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông tại các bến khách ngang sông, bến thủy nội địa. Trong đó, tập trung kiểm tra, xử lý phương tiện đang hoạt động nhưng không có đăng kiểm, đăng ký, phương tiện hết hạn đăng kiểm, phương tiện không trang bị áo phao, cục nổi cứu sinh, người lái phương tiện không có chứng chỉ chuyên môn, bến thủy nội địa, bến khách ngang sông chưa được cấp phép. Đoàn kiểm tra liên ngành, Ban An toàn giao thông tỉnh tiến hành kiểm tra công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa trước mùa mưa bão. Đồng thời duy trì và thực hiện có hiệu quả cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước”, mô hình “Văn hóa giao thông đường thủy”; cấp phát hàng nghìn áo phao, cục nổi cho chủ phương tiện; mở các lớp đào tạo, cấp bằng, chứng chỉ chuyên môn cho người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường thủy nội địa; cấp phát hàng nghìn tờ rơi, áp phích tuyên truyền an toàn giao thông đường thủy cho các ngành, địa phương, đơn vị, người dân, góp phần nâng cao ý thức gương mẫu, tự giác chấp hành Luật Giao thông đường thủy nội địa.

Bài và ảnh: Thảo Nguyên



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]