(vhds.baothanhhoa.vn) - Độc giả Lê Thanh Hải hỏi: “Lâu nay tôi thường nghe các cụ nói câu “Đẽo đòn gánh đè vai” với ý là tự mình làm khổ mình, làm khó cho mình. Nhưng gần đây tôi thấy có bản khác là “Đẽo đòn gánh, đòn gánh đè vai” xuất hiện trong bài “Chữ và nghĩa: Đẽo đòn gánh, đòn gánh đè vai” của PGS-TS Phạm Văn Tình (báo Thể thao Văn hóa - 17/1/2024).

Đẽo đòn gánh đè vai

Độc giả Lê Thanh Hải hỏi: “Lâu nay tôi thường nghe các cụ nói câu “Đẽo đòn gánh đè vai” với ý là tự mình làm khổ mình, làm khó cho mình. Nhưng gần đây tôi thấy có bản khác là “Đẽo đòn gánh, đòn gánh đè vai” xuất hiện trong bài “Chữ và nghĩa: Đẽo đòn gánh, đòn gánh đè vai” của PGS-TS Phạm Văn Tình (báo Thể thao Văn hóa - 17/1/2024).

Đẽo đòn gánh đè vai

Tác giả Phạm Văn Tình dẫn “Từ điển Tục ngữ Việt” của Nguyễn Đức Dương: “Đẽo ra cái đòn gánh lại hay bị những cái đòn gánh ấy đè lên vai. Hay dùng để than phiền về một tình cảnh hết sức trớ trêu nhưng lại gặp ở đời: Làm việc tốt, việc phải lẽ ra phải được nhớ ơn, nhưng trái lại, phải hứng lấy bao tai vạ”, và phân tích “Như vậy, chuyện cái đòn gánh đã được “ẩn dụ hóa” để nói sang chuyện cuộc đời. Cũng bởi, trong cuộc sống, ta hay gặp những trường hợp như thế. Người làm việc tốt, đem lại lợi ích, điều hay, điều thiện, điều lành cho người khác nhưng tiếc thay, chính họ lại nhận về mình điều dở, điều không hay, thậm chí sự rủi ro, tai họa”.

Tiếp theo, tác giả Phạm Văn Tình trích dẫn phân tích của Việt Chương (Từ điển Thành ngữ, Tục ngữ, Ca dao Việt Nam) “Nghĩa bóng của câu này là, ở đời có của nhưng chưa chắc đã được sống nhờ của. Cũng như kẻ có con, tưởng là được nhờ con, nhưng không ngờ chính con cái lại có đứa là gánh nặng cho mình”, sau đó phân tích và chứng minh thêm: “Không chỉ có con cái trở thành gánh nặng cho bố mẹ (ăn chơi lêu lổng, hư hỏng, làm điều xấu, làm mất thể diện, thậm chí hủy hoại thanh danh, đem tai họa cho bố mẹ) mà còn có thể những đối tượng khác. Học trò được thầy dạy dỗ, dìu dắt nhưng phản thầy, làm xấu mặt thầy. Nhân viên cấp dưới được thủ trưởng nâng đỡ, trọng dụng, cất nhắc nhưng không xứng đáng, mất tư cách và còn có kẻ xấu tính “phản thùng”, liên kết với người khác làm mất đoàn kết nội bộ để hại chính “sếp” (vốn là ân nhân, giúp đỡ mình)...” (hết trích).

Vậy xin chuyên mục “Cà kê chuyện chữ nghĩa” cho biết trong hai câu “Đẽo đòn gánh đè vai” và “Đẽo đòn gánh, đòn gánh đè vai”, thì câu nào là đúng?

Trân trọng cảm ơn”.

Trả lời: Về mặt văn bản, thì câu “Đẽo đòn gánh đè vai” xuất hiện trong nhiều thư tịch cổ, như Nam âm sự loại (Vũ Công Thành - 1925), Tục ngữ phong giao (Nguyễn Văn Ngọc - 1928). Một số cuốn sách xuất bản gần đây như Tục ngữ chọn lọc (Vương Trung Hiếu), Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam (nhóm Vũ Dung) có ghi nhận bản này. Và đúng như độc giả Lê Thanh Hải đã nói, câu “Đẽo đòn gánh đè vai” xưa nay được dùng với nghĩa là tự chuốc lấy khó khăn vất vả, mình làm khổ, làm khó cho mình; đồng nghĩa với câu “Mua dây buộc mình”, “Bắt bọ bỏ tai mình”,...

Với câu “Đẽo đòn gánh, đòn gánh đè vai” thì chúng tôi chỉ thấy xuất hiện trong một số từ điển và công trình sưu tầm xuất bản muộn hơn như Tục ngữ phong dao (Nguyễn Can Mộng - 1936), hay Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam (GS Nguyễn Lân), hay Từ điển tục ngữ Việt (Nguyễn Đức Dương), Từ điển thành ngữ, tục ngữ - ca dao (Việt Chương) mà PGS-TS Phạm Văn Tình đã dẫn.

Theo chúng tôi, bản gốc ban đầu là “Đẽo đòn gánh đè vai”, với nghĩa tương tự như câu “Mua dây buộc mình”, và bản này sát với nghĩa đen hơn. Sau này xuất hiện thêm dị bản “Đẽo đòn gánh, đòn gánh đè vai”, mang một nghĩa khác. Như vậy, trong trường hợp này thì hai bản “Đẽo đòn gánh đè vai” và “Đẽo đòn gánh, đòn gánh đè vai” là hai thành ngữ mang hai nghĩa khác nhau, tồn tại độc lập, nên chúng ta không bàn đến chuyện đúng sai ở đây.

Mẫn Nông (CTV)



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]