(vhds.baothanhhoa.vn) - Trong hân hoan niềm vui bắt đầu một năm mới - một “nhịp” mới của thời gian, người Việt lại hòa mình vào những cuộc “hành hương”, đi lễ - trẩy hội. Để rồi trong những bước chân du xuân mang theo niềm vui, là cả ước vọng, mong cầu điều tốt lành, may mắn... Và đi lễ, vui hội ngày xuân đã trở thành nét đẹp văn hóa “khảm sâu” vào đời sống tinh thần người Việt.

Đi lễ đầu năm - ước vọng ngày xuân

Trong hân hoan niềm vui bắt đầu một năm mới - một “nhịp” mới của thời gian, người Việt lại hòa mình vào những cuộc “hành hương”, đi lễ - trẩy hội. Để rồi trong những bước chân du xuân mang theo niềm vui, là cả ước vọng, mong cầu điều tốt lành, may mắn... Và đi lễ, vui hội ngày xuân đã trở thành nét đẹp văn hóa “khảm sâu” vào đời sống tinh thần người Việt.

Đi lễ đầu năm - ước vọng ngày xuânTrong không khí xuân căng tràn nhựa sống, con người cũng “nương” theo đó mà du xuân trẩy hội.

Sau những ngày đông lạnh giá, Tết Nguyên đán về cũng là thời điểm bắt đầu mùa xuân - đánh dấu sự trở mình hồi sinh vạn vật. Trên cành cây trơ trọi khẳng khiu trút lá hôm nào, những mầm xanh đang đâm lộc nảy chồi. Và dưới đồng làng, màu xanh mạ non đã phủ kín ruộng... Trong không khí mùa xuân của đất trời căng tràn nhựa sống, con người cũng “nương” theo đó mà vui xuân - mong điều tốt lành.

Trong “dặm dài” hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, cùng với hành trình tranh đấu, dựng xây, những thế hệ ông cha xưa cũng không ngừng sáng tạo, vun đắp nên những giá trị văn hóa đậm đà bản sắc Việt. Đó là những công trình kiến trúc văn hóa, tín ngưỡng tâm linh; những lễ hội và cả những điểm đến danh thắng mang vẻ đẹp “non sông tốt tươi” được tạo tác bởi “bàn tay” tạo hóa... Tất cả cùng hòa quện, tạo nên một không gian văn hóa Việt đẹp và linh thiêng. Và không gian ấy như rực rỡ, đẹp hơn trong những ngày xuân đang về.

Trong niềm vui xuân, người Việt lại nối chân nhau đi lễ - trẩy hội, thưởng ngoạn cảnh sắc thiên nhiên, cùng nhau tìm về nguồn cội... với sự thành kính, biết ơn và cả niềm tin tín ngưỡng, tâm linh gửi gắm.

Cũng như bao làng quê Việt, quê tôi có cây đa đầu làng, mái đình cổ kính, chùa làng tĩnh lặng và đền thờ uy nghiêm. Người dân quê tôi luôn đề cao sự học, yêu lao động, không ngừng vươn lên trong cuộc sống. Nhưng đời nối đời, những thế hệ người dân quê tôi luôn hằng tin rằng, cuộc sống của mình được bình an, mùa màng bội thu cũng một phần nhờ có sự “phù trợ” của các vị thần linh. Đó có thể là vị thành hoàng làng uy dũng năm xưa từng theo vua đi đánh giặc ngoại xâm, đến khi giặc tan, người cũng theo đó mà “hóa”. Nhưng công lao của ngài thì được vua và dân làng nhớ mãi. Vì thế ngài được vua phong phúc thần, ban sắc cho dân làng thờ phụng hương khói quanh năm. Để rồi trải qua gần cả nghìn năm, mỹ tục thờ thành hoàng làng của người dân làng tôi đến nay vẫn được duy trì.

Mẹ tôi là người phụ nữ chất phác và tín tâm. Vì thế, sau những ngày tết rộn ràng, khi việc đồng áng cũng tạm xong xuôi, mẹ tôi lại sắm sửa lễ vật dâng cúng. Bà dẫn chị em tôi vào nhà thờ dòng họ, ra đình làng, rồi dạo bước vào ngôi chùa làng ẩn mình dưới tán cây thị cổ thụ. Đến mỗi điểm di tích, bà lại dặn dò: Vào nhà thờ họ để các con biết nguồn cội, ông bà tổ tiên của mình; ra đình làng để hiểu rằng quê hương, bản quán của mình được bảo trợ bởi vị thành hoàng làng uy dũng, mỗi người dân quê vẫn luôn biết ơn ngài.

Nhưng rồi, sống trong cuộc đời này, điều quan trọng nhất với mỗi người chẳng phải là bình an - sống một cuộc đời an nhiên, tâm an, lòng thanh thản. Vậy nên, bao năm qua, trong những bước chân đi lễ ngày xuân, mẹ tôi không quên dẫn chị em tôi ra ngôi chùa làng, cùng nhau chắp tay trước ban thờ Phật. Lớn lên rồi tôi mới hiểu, trước đức Phật từ bi, cửa chùa rộng mở, dẹp bỏ những âu lo, lòng người tự khắc thấy nhẹ nhàng hơn.

Đi gần rồi đi xa. Sau khi chu toàn việc đi lễ gần nhà, mẹ tôi lại theo các bà, các mẹ trong bản hội đi du xuân - trẩy hội ở những địa điểm xa hơn. Từ “lên rừng” với những Đền Nưa - Am Tiên, Phủ Na, rồi lại “xuống biển” thăm đền Cô Tiên, đền Độc Cước... Và lần nào đi về, mẹ tôi cũng không khỏi trầm trồ: “Quê hương mình đẹp quá, thật nhiều di tích, điểm đến”. Để rồi sau những chuyến du xuân ấy, mẹ tôi trở về cuộc sống thường ngày, làm bạn với ruộng đồng, đan lát... mang theo niềm tin tâm linh rằng Phật, thánh đã thấu tỏ được lời khấn nguyện, chỉ cần bản thân cố gắng chăm chỉ làm lụng thì chắc chắn sẽ có cuộc sống no đủ.

Và tôi không nghĩ bà mê tín, đó là sự tín tâm. Bởi suy cho cùng, mỗi người sống trong cuộc đời này, chẳng có gì sai khi chúng ta tìm cho mình một “điểm tựa” tâm linh. Cùng với việc thờ cúng ông bà tổ tiên, thì đi lễ đầu xuân, gửi gắm niềm tin tâm linh vào đấng thiêng liêng cũng là lẽ tự nhiên.

Không phải ngẫu nhiên mà mùa xuân còn là mùa của lễ hội. Hàng trăm lễ hội lớn nhỏ diễn ra trong dịp xuân về. Mỗi lễ hội ví như một “câu chuyện” của niềm vui lẫn niềm tin, của cá nhân và cả cộng đồng. Và trong lễ hội dĩ nhiên không thể thiếu đi văn hóa lễ hội.

Đi lễ đầu năm - ước vọng ngày xuânNgười dân đi lễ ngày xuân để gửi gắm những mong cầu.

“Như bất kỳ một thành tựu văn hóa nào, văn hóa lễ hội thể hiện phong cách sống, kiểu sống, kiểu nhận thức về nhân sinh, vũ trụ... Nói cách khác lễ hội thể hiện cá tính văn hóa của một miền, một làng, một xứ, một nhóm người. Hiểu như thế thì ở Thanh Hóa có một kho tàng văn hóa lễ hội - văn hóa lễ hội đặc trưng xứ Thanh mà ngày nay dấu ấn của nó vẫn còn in đậm trong cộng đồng cư dân của mỗi tộc người... Với nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống đã mang lại cho xứ Thanh sự đa dạng và phong phú về lễ hội truyền thống, như một nét rất riêng của văn hóa vùng đất này” (sách Lễ hội xứ Thanh, tập 1).

Tuy nhiên thẳng thắn nhìn nhận, chúng ta đã từng có những hình ảnh chưa đẹp tại không ít lễ hội dịp đầu năm. Từ việc nhét tiền vào tay tượng như một “hành vi” hối lộ Phật, thánh, đến chuyện chen lấn, xô đẩy, cướp lộc trong lễ hội... Những hình ảnh chưa đẹp ấy, đã ít nhiều làm ảnh hưởng đến ý nghĩa và nét đẹp vốn có của lễ hội.

Nhìn nhận về việc du xuân, đi lễ - trẩy hội đầu năm và văn hóa lễ hội nói chung, TS Phạm Văn Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Thanh Hóa, chia sẻ quan điểm: “Du xuân, đi lễ đầu năm là nhu cầu tự thân, nét đẹp văn hóa tốt đẹp của người Việt nói chung. Thông qua lễ hội, con người gửi gắm những ước vọng, mong cầu chính đáng và tốt đẹp. Đi lễ - lễ hội mùa xuân là sinh hoạt văn hóa tinh thần đặc sắc, biểu thị cho truyền thống uống nước nhớ nguồn. Cũng từ lễ hội, sự gắn bó, cố kết cộng đồng càng sâu sắc hơn. Sẽ có những vấn đề chưa đẹp, chưa đúng còn tồn tại trong một số lễ hội song không phải vì thế mà chúng ta phủ nhận ý nghĩa của lễ hội nói chung. Vấn đề là phải làm thế nào để nhân lên những giá trị tốt đẹp của lễ hội, làm thế nào để “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”... Và theo tôi, đó là câu chuyện không chỉ ở ý thức của người dân mà cả trách nhiệm của ngành chuyên môn, chính quyền địa phương”.

Bài và ảnh: Thu Trang



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]