(vhds.baothanhhoa.vn) - Đã trở thành nét văn hóa truyền thống, những ngày đầu năm người Việt lại nô nức du xuân trẩy hội với ước mong bao điều tốt đẹp. Vậy nhưng, trong nhịp chảy trôi và sự phát triển của cuộc sống hiện đại, xung quanh câu chuyện về một nét đẹp văn hóa là những trăn trở, luận bàn.

Đi lễ đầu xuân

Đã trở thành nét văn hóa truyền thống, những ngày đầu năm người Việt lại nô nức du xuân trẩy hội với ước mong bao điều tốt đẹp. Vậy nhưng, trong nhịp chảy trôi và sự phát triển của cuộc sống hiện đại, xung quanh câu chuyện về một nét đẹp văn hóa là những trăn trở, luận bàn.

Đi lễ đầu xuânGiữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống trong việc du xuân đi lễ đầu năm cần ý thức cao của mỗi người dân.

Bước sang năm mới, trong tiết xuân ấm áp và căng tràn nhựa sống, không chỉ cây cối đâm chồi nảy lộc mà lòng người cũng xốn xang ước vọng. Nhà nhà, người người, có ai lại không mong ước một năm mới bình an, hạnh phúc, mọi chuyện hanh thông, vạn điều như ý. Và người ta tin rằng, ngoài sự cố gắng nỗ lực của bản thân, thành tâm khấn nguyện cầu mong đấng tối linh “hiện hữu” trong đời sống tín ngưỡng tâm linh của cha ông ta tự ngàn vạn đời nay để được che chở, phù trợ cũng là điều cần thiết. Mang theo niềm tin ấy, mỗi độ xuân sang, người dân lại náo nức trở về các địa điểm tâm linh đi lễ trẩy hội. Du xuân trẩy hội cầu mong điều tốt đẹp là nhu cầu của đời sống tinh thần - lại như sự thôi thúc từ sâu trong tâm thức mỗi người.

Mẹ tôi, một người phụ nữ chân quê vốn quen với ruộng đồng, cũng không dư dả về vật chất. Vậy nhưng, mỗi độ tết đến xuân về, bên cạnh việc chăm lo cho ban thờ gia tiên, mẹ tôi cũng dành thời gian sắm sửa đi lễ. Bà đi lễ ở nhà thờ dòng họ, rồi ra đình nơi người dân quê tôi tôn thờ vị thành hoàng làng uy linh và không quên quay trở về ngôi chùa nhỏ dâng hương lên Phật, thánh. Lễ vật dâng cúng mẹ tôi chuẩn bị vốn không cầu kì, có đĩa xôi đồ từ lúa nếp nhà trồng, đĩa bánh nếp làm kiểu truyền thống, dăm ba loại hoa quả theo mùa và lần nào cũng thế, vừa sắp lễ mẹ tôi thường nói: “Lễ bạc tâm thành”.

Có lần bố tôi hỏi mẹ cầu xin gì khi đi lễ, bà bảo: “Tôi cầu cho gia đình mình được ấm êm, hòa thuận, mọi người yêu thương nhau; cầu mong có sức khỏe để vượt qua khó khăn; cầu cho mùa màng tốt tươi… Chỉ cần như thế là đủ”. Lại có lần mẹ nói với chị em tôi, con người sống trên đời không mê tín nhưng nên có đức tin, bởi đức tin sẽ giúp mỗi người sống có “đạo” hơn. Có đức tin, sẽ hiểu việc thờ cúng ông bà tiên tổ, những người đã khuất chính là đạo lý “uống nước nhớ nguồn”; có đức tin, khi ghé thăm, chiêm bái các địa điểm tâm linh cũng chính là cách bày tỏ lòng biết ơn với đấng tiền nhân… Chuyện đi lễ của ông bà, cha mẹ và cả chúng ta hôm nay như một nét đẹp văn hóa được trao truyền qua những thế hệ.

Cuộc sống ngày càng đủ đầy, vì thế mà chuyện du xuân đi lễ trẩy hội của người dân cũng khác hơn, không còn “bó hẹp” trong các không gian làng quê nơi mình sinh sống. Những đoàn người nối chân nhau đi gần, đi xa, lên rừng xuống biển… và các di tích tín ngưỡng dịp đầu xuân năm mới trở nên thật nhộn nhịp, đông vui. Quện tỏa trong không gian tâm linh là mùi khói nhang và sự thành kính cùng niềm tin của người đi lễ, tất cả khiến cho mọi thứ trở nên thật trang nghiêm, linh thiêng, hướng con người đến những điều tốt đẹp.

Dĩ nhiên, đã gọi du xuân - đi lễ trẩy hội thì không chỉ hạn hẹp trong câu chuyện “cầu cúng”. Đó còn là dịp để con người giao hòa với cảnh sắc thiên nhiên, từ đó thêm yêu vẻ đẹp quê hương, đất nước. Và “khí thế” xuân ấy như “tiếp” thêm sức mạnh tinh thần để mỗi người nỗ lực hơn trong cuộc sống của chính mình. Hiểu như vậy để thấy rằng chuyện du xuân - đi lễ dịp đầu năm là niềm tin cũng là nhu cầu tinh thần chính đáng của mỗi người.

Dẫu vậy, mỗi dịp đầu xuân năm mới, câu chuyện đi lễ của người Việt lại kéo theo nhiều luận bàn. Là bởi nét đẹp văn hóa truyền thống đang bị những hành động, hình ảnh chưa thực sự đẹp làm ảnh hưởng.

Ghé thăm những di tích tâm linh dịp đầu xuân, nhiều người không khỏi cảm thấy khó hiểu bởi cảnh tượng tiền được người đi lễ “dắt” khắp nơi. Dù đã có những thùng công đức, hòm dầu đèn, vậy nhưng tiền vẫn cứ được “vô tình hay cố ý” đặt lên ban thờ rồi “gửi vào tay thánh, tượng phật”. Không rõ, mục đích của việc đặt tiền bừa bãi ấy là gì?! Nhưng rõ ràng, về mặt cảm quan và cả góc nhìn văn hóa, những hình ảnh đó hoàn toàn không đẹp. Thậm chí, không ít người còn cho rằng, việc đặt tiền lễ vào “tay thánh, tượng phật” chính là sự “hối lộ” bất kính và tầm thường hóa chốn tâm linh. Vậy nhưng đáng buồn, chuyện đặt tiền “không đúng nơi” vẫn cứ diễn ra ở không ít chốn thiêng tâm linh suốt nhiều năm.

Chưa kể, ở nhiều di tích vì quá đông khiến người đi lễ chen chúc dâng hương, tranh nhau khấn vái lộn xộn; rồi tình trạng một số người lợi dụng lễ hội, niềm tin tâm linh của người dân để trục lợi, kiếm lời… hay câu chuyện oang oang kêu cầu khấn vái của nhiều người giữa không gian chốn thiêng tâm linh khiến người xung quanh… ngao ngán. Thiết nghĩ, đến các chốn thiêng tâm linh, có ai không mong muốn sự tĩnh lặng, an yên! Vậy nhưng, chính sự “vô ý” và ích kỷ của không ít người đã làm cho xúc cảm du xuân đi lễ của nhiều người trở nên tồi tệ. Dẫn ra như vậy để thấy rằng, mỗi chúng ta dù chỉ với hành động tưởng chừng nhỏ đều có thể gây ảnh hưởng không nhỏ đến không gian - không khí chốn thiêng tâm linh. Vậy nên, việc điều chỉnh hành vi của mình cho phù hợp - có văn hóa lễ hội là điều thực sự cần thiết.

Chia sẻ quan điểm về văn hóa đi lễ đầu xuân, ông La Đức Mậu, một người dân ở làng Cổ Bôn, xã Đông Thanh (Đông Sơn) cho biết: “Du xuân đi lễ là nhu cầu chính đáng của mỗi người dân. Bản thân tôi và gia đình mỗi dịp đầu xuân năm mới vẫn thường tổ chức các chuyến du xuân đến các địa điểm di tích lịch sử, tín ngưỡng tâm linh trong và ngoài tỉnh. Những chuyến du xuân ấy vừa thỏa mãn nhu cầu tâm linh vừa là đi chơi để “tạo” năng lượng tích cực sau một năm làm việc vất vả, từ đó có “khí thế” cho năm mới nhiều nỗ lực. Việc du xuân đi lễ cũng tùy nhu cầu của mỗi người. Tuy nhiên, nếu quá đặt nặng vấn đề “cầu cúng” sẽ khá… mệt mỏi, vô tình giảm đi ý nghĩa của việc du xuân”.

Tiến sĩ Phạm Văn Tuấn, nguyên Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa (nay là Trung tâm nghiên cứu Lịch sử và Bảo tồn Di sản Văn hóa Thanh Hóa) nhìn nhận: Khi đến chốn tâm linh hay bất cứ di tích lịch sử văn hóa thì việc công đức là điều bình thường. Đó là sự đóng góp một phần tiền bạc để công tác quản lý, trùng tu, trông coi di tích ngày một tốt hơn. Tuy nhiên, việc đặt tiền tùy tiện, lộn xộn lại không nên, dễ gây việc hiểu lệch lạc. Đáng buồn, nhiều người đi lễ vẫn chưa ý thức được điều đó. Theo tôi, để thay đổi thói quen chưa tốt này, rất cần sự tuyên truyền tích cực trên các phương tiện thông tin đại chúng và cả sự nhắc nhở của các ban quản lý di tích, không nên vì những “cái lợi nhỏ” mà làm ảnh hưởng, đánh mất ý nghĩa lớn.

Bài và ảnh: Khánh Lộc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]