Đi thật xa để trở về...
Tết đến xuân về, lòng người lại rộn ràng những nhịp đập yêu thương, hướng về mái ấm thân quen. Và đối với Lâu Văn Vinh, sinh năm 1992, ở bản Pù Toong, xã Pù Nhi (Mường Lát) hiện đang lao động tại Hàn Quốc, thì càng đi xa, cảm xúc trở về càng đặc biệt, đi thật xa cuối cùng chỉ để trở về trọn vẹn và no ấm hơn.
Lâu Văn Vinh chụp ảnh cùng gia đình.
Tết tha hương
Không khí mùa này ở Mường Lát có cái lạnh se sắt của mùa đông thêm chút nắng hanh hong khô đất trời, sưởi ấm vạn vật làm chồi nụ cũng bắt đầu lú nhú trên cành. Vinh gọi điện về lúc mẹ đang khơi khơi đám lửa, khều khều ra những củ sắn thơm lừng, ngồi xuýt xoa mẹ bóc lớp vỏ cháy sém; mẹ Vinh nói bâng quơ: “Biết tết nào cả nhà mới đoàn viên đông đủ”. Vinh để ý thấy những dấu chân chim đã hằn nhiều trên khuôn mặt khắc khổ, mái tóc sợi bạc nhiều hơn sợi đen, chợt nhận ra thời gian trôi nhanh quá, mẹ đã già và yếu đi rất nhiều, giống như những cái tết xưa sum vầy lâu rồi chưa trở lại...
Gọi điện về cho anh trai Lâu Văn Phía nghe nhạc tết xập xình, ngó lại lịch mới biết đã gần tới tết rồi! Tết truyền thống hằng năm của người Mông diễn ra trước thời điểm Tết Nguyên đán và kéo dài trong một tháng. Những năm gần đây, hiểu được chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc thực hiện nếp sống mới, đồng bào dân tộc Mông huyện Mường Lát đã đồng lòng ăn chung một Tết Nguyên đán với đồng bào cả nước. Vinh bắt anh bật cam để xem nhà sắm được gì rồi. May quá, đã có cành đào. Vinh nhìn xuýt xoa “Cành đào đẹp anh nhỉ!”. Vậy là Vinh yên tâm, cứ có cành đào trong nhà là có tết. Dù bố không còn nhưng anh em Vinh vẫn giữ gìn văn hóa tết cổ truyền của dân tộc mình. Vinh khoe với anh: “Bên này, em cũng đặt được hai cái bánh chưng của một chị người Việt. Em ăn trong vài ngày - Tết của em đấy".
Tết, cái từ gọi lên nghe mà náo nức và rạo rực, nó gợi nhớ về sự no đủ hơn ngày thường, đó là điều chắc chắn nhất với những đứa trẻ bản Mông. Dù đói, dù nghèo, tết trong gia đình đồng bào Mông nhất định sẽ có miếng thịt gác bếp, miếng bánh dày giã tay và miếng thịt gà đen bóng mỡ, béo ngọt. Tết rộn rã reo vui theo chân những đứa trẻ từ trên những đỉnh núi xuống chợ sắm tết. Đám trẻ con nhảy cẫng lên vì mừng rỡ, cứ ôm lấy cái bộ quần áo mà hít hà, mà khen lấy khen để như chưa từng có mùi hương nào có thể thơm đến vậy. Cái náo nức đó thổi bay sự lo toan đang trĩu trên gương mặt bố mẹ của bọn trẻ.
Lâu Văn Vinh trong trang phục truyền thống đón tết tại nhà ở bản Pù Toong (Mường Lát).
3 năm rồi Vinh không được tận hưởng cái tết quê nhà. Năm 2022, Vinh là một trong hai người dân tộc Mông đầu tiên của huyện Mường Lát đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) ở Hàn Quốc. Mang theo khát khao sang nước khác sẽ có việc làm và thu nhập ổn định, Vinh lao vào làm việc. Một thân một mình bon chen nơi đất khách quê người, kiếm được đồng tiền cũng “trày da tróc vảy”. Mỗi sáng, Vinh phải dậy từ lúc 5 giờ để nấu đồ ăn sáng và chuẩn bị cả bữa trưa mang theo. 8h sáng vào làm, 9h tối Vinh mới trở về nhà. Vinh chia sẻ: “Nếu ở Việt Nam mình cố gắng mười thì ở đây mình phải nỗ lực hàng trăm, hàng ngàn lần. Mình không dám nghĩ đến chuyện đi chơi, nghỉ ngơi vì ở đây ai cũng tận dụng quỹ thời gian triệt để làm thêm kiếm tiền. Ở Hàn Quốc, với một công việc bình thường, nếu chăm chỉ thì mỗi tháng mình có thể kiếm được 30 - 60 triệu tiền Việt Nam, bằng cả năm mình làm ở quê”.
Cánh cửa mở ra no ấm
Về mặt địa lý, khoảng cách từ huyện Mường Lát sang Hàn Quốc khoảng 3.000 cây số, nhưng “khoảng cách thật sự” mà Vinh phải vượt qua lớn hơn thế rất nhiều. Bước qua thói quen sống khép kín, sợ xa gia đình và điều kiện kinh tế khó khăn không đủ trang trải chi phí ban đầu, Vinh không chỉ đang viết nên câu chuyện cổ tích của chính mình, mà còn truyền cảm hứng, khát vọng đổi đời đến bà con dân bản. Lâu Văn Vinh tâm sự: “Đi thật xa để trở về - chính là câu nói mà mình luôn tâm niệm trong lòng. Mình đi làm tích cóp kinh tế, hoàn thiện bản thân rồi về quê phát triển. Lúc đó có tiền, làm ăn cái gì cũng dễ. Hiện tại, cuộc sống của gia đình mình mấy năm nay đã ổn hơn xưa nhiều. Hết nợ rồi. Công việc rất tốt, cũng vững vàng hơn. Giờ thì mình nghĩ tới chuyện “xây nhà” của mình thôi”.
Một góc chợ phiên ở Mường Lát.
XKLĐ đang được xem là một trong những hướng đi hiệu quả trong công tác giảm nghèo đối với bà con vùng đồng bào các dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó có huyện biên giới Mường Lát. Thực tế cho thấy, những xã có tỷ lệ XKLĐ cao như: Quang Chiểu, Mường Chanh và thị trấn Mường Lát đã minh chứng cho thấy tính hiệu quả rõ rệt. Tính riêng xã Quang Chiểu đã có hơn 300 người đi XKLĐ tập trung chủ yếu ở các thị trường như: Nga, Romania, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan. Lượng kiều hối mà người lao động địa phương gửi về qua các năm từ 70 đến 80 tỷ đồng. Có vốn bà con đã mạnh dạn đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển chăn nuôi. Bên cạnh đó, nhiều hộ dân còn mở rộng kinh doanh, buôn bán các mặt hàng dịch vụ, tạo thêm công ăn việc làm tại chỗ. Nếu như năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo của xã chiếm hơn 60%, thì đến cuối năm 2024, giảm xuống còn 20,7%; thu nhập bình quân đầu người hiện đạt trên 35 triệu đồng/năm.
Đặc biệt, nguồn vốn từ XKLĐ tạo nên phong trào xung phong thoát nghèo ở huyện Mường Lát. Từ năm 2020 đến nay, toàn huyện đã có hàng trăm lá đơn xin ra khỏi hộ nghèo, tập trung nhiều ở các xã, thị trấn có tỷ lệ người đi XKLĐ cao như: Quang Chiểu, Mường Chanh, Trung Lý... Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo của huyện liên tục giảm qua các năm. Năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm còn hơn 25%, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 29 triệu đồng. Đó cũng là căn cứ để năm 2023 huyện Mường Lát giảm dần việc xin gạo cứu trợ, năm 2024 là năm đầu tiên sau gần 30 năm thành lập huyện, Mường Lát không còn phải xin gạo cứu đói mùa giáp hạt từ tỉnh. “XKLĐ không chỉ mang lại thu nhập cho người dân trong huyện, mà còn giúp họ thay đổi tư duy, kỹ năng lao động. Những người lao động sau khi trở về địa phương sẽ tiếp tục đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội, mang lại no ấm cho gia đình và cộng đồng”- ông Triệu Minh Xiết, Phó Bí thư Huyện ủy Mường Lát phấn khởi cho biết.
Qua trao đổi với Lâu Văn Vinh, tôi lại nghĩ đến câu hát trong bài “Đi để trở về” của Phan Mạnh Quỳnh: “Đời người dù nơi cách xa mang nhiều vai gánh trĩu nặng/ Thì quê hương yêu thương luôn dang cánh tay/ Đi để trở về...”. Cuộc đời chúng ta sẽ có biết bao nhiêu chuyến đi, chuyến đi nào cũng sẽ có những lý do riêng của nó, được này được kia, chẳng chuyến đi nào giống chuyến đi nào. Nhưng ngẫm ra, có lẽ các chuyến đi lại đều giống nhau ở chỗ sẽ cho chúng ta cơ hội để quay về. Và càng đi xa, cảm xúc trở về càng đặc biệt, đi thật xa hình như cuối cùng chỉ để trở về, trọn vẹn và no ấm hơn.
Bài và ảnh: Tăng Thúy
{name} - {time}
-
2025-01-15 06:30:00
Dự báo thời tiết 15/1: Bắc Bộ và Thanh Hóa tiếp tục duy trì rét đậm
-
2025-01-14 14:53:00
Hành khách cần lưu ý gì khi đi lại máy bay dịp Tết Ất Tỵ 2025?
-
2025-01-13 17:54:00
Nhộn nhịp phố gốm, sứ những ngày cận Tết
Các ngành học được miễn học phí 100%
Người Mông tiên phong thoát nghèo ở Pa Búa
Vượt núi mang ấm no về bản
Dự báo thời tiết 13/1: Bắc Bộ, Thanh Hóa ngày nắng nhưng vẫn rét đậm
Chữa lành
Nhịp cầu nối những bờ vui (Bài 3): Mơ một nhịp cầu
Dự báo thời tiết 12/1: Thanh Hóa không mưa, trời rét đậm
Bỏ phố về quê “làm bạn” với tre, trúc
Đề phòng cháy, nổ từ các thiết bị điện trong gia đình thời điểm cận Tết