(vhds.baothanhhoa.vn) - Nhằm góp phần bổ sung một cách tiếp cận khoa học về địa chính trị, địa chiến lược trong việc duy trì và mở rộng không gian chiến lược cho an ninh và phát triển của đất nước hiện nay và trong thập niên tới, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách “Địa chiến lược Việt Nam tầm nhìn 2030: Những vấn đề lí luận, thực tiễn và thích ứng chính sách” do PGS. TSKH Trần Khánh biên soạn.

Địa chiến lược Việt Nam tầm nhìn 2030

Nhằm góp phần bổ sung một cách tiếp cận khoa học về địa chính trị, địa chiến lược trong việc duy trì và mở rộng không gian chiến lược cho an ninh và phát triển của đất nước hiện nay và trong thập niên tới, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách “Địa chiến lược Việt Nam tầm nhìn 2030: Những vấn đề lí luận, thực tiễn và thích ứng chính sách” do PGS. TSKH Trần Khánh biên soạn.

Địa chiến lược Việt Nam tầm nhìn 2030

Ngay trong lời nói đầu, tác giả khẳng định: Việt Nam là một nước ở khu vực Đông Nam Á, là thành viên của ASEAN, nằm ở phía Tây trên bờ Thái Bình Dương, nơi nhạy cảm chiến lược cả về địa chính trị và ý thức hệ trong quan hệ quốc tế, nhất là trong quan hệ với Mỹ và Trung Quốc. Trong bối cảnh thế và lực, tầm ảnh hưởng đang gia tăng, Việt Nam đang vươn lên trở thành một cường quốc tầm trung. Do vậy, việc đánh giá, tổng kết thực tiễn địa chiến lược của Việt Nam, tìm hiểu kinh nghiệm địa chiến lược của Việt Nam và kinh nghiệm địa chiến lược của một số nước láng giềng cũng như dự báo tác động của môi trường địa chính trị, kinh tế và trật tự thế giới, trước hết là khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang thay đổi tác động đến Việt Nam, từ đó nhận diện xu thế, bản chất của quá trình trên, góp phần gợi ý chính sách cho việc mở rộng không gian chiến lược của nước nhà đến năm 2030 và xa hơn, là việc làm cấp thiết.

Phần thứ nhất với tên gọi “Cơ sở lý luận về địa chiến lược và vai trò của nó trong hoạch định chính sách phát triển quốc gia”, tác giả đã nêu rõ hướng nghiên cứu của mình đó là: địa chiến lược là một cách tiếp cận đặc thù, một đối tượng nghiên cứu của khoa học chính trị chuyên nghiên cứu về sự vận động của không gian chiến lược là một công cụ cho hoạch định và thực thi chiến lược, chính sách phát triển quốc gia, nhất là trong quan hệ đối ngoại.

Theo đó, các thành tố cấu thành địa chiến lược quốc gia bao gồm: không gian (không gian địa - vật lý và không gian mạng); quy mô dân số, cơ cấu dân cư và truyền thống đối ngoại; bối cảnh thời cơ quốc tế; tư duy tầm nhìn mục tiêu lợi ích chiến lược và khát vọng phát triển của quốc gia. Trong đó, thành tố thứ 4 là tư duy, tầm nhìn, khát vọng là yếu tố then chốt tạo dựng nên không gian chiến lược cho an ninh, phát triển của quốc gia, là thành tố có nhiều biến động nhất trong các thành tố cấu thành địa chiến lược quốc gia.

Trong phần thứ hai của sách được mang tên “Thực tiễn địa chiến lược Việt Nam hiện nay và kinh nghiệm vận dụng địa chiến lược của một số nước trong khu vực”, tác giả phân tích khá kỹ sự đổi mới trong nhận thức và hành động đối ngoại của Việt Nam nhất là trong việc theo đuổi chính sách đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động tích cực hội nhập và có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế từ khi đổi mới (từ năm 1986). Tiếp đó, phần ba là một số dự báo xu hướng biến động địa chính trị khu vực châu Á - Thái Bình Dương và tác động đến Việt Nam trong thập niên tới. Trong đó nêu rõ nhiều kịch bản xoay quanh vai trò của các siêu cường và các nước còn lại của thế giới với nhiều biến động.

Phần thứ tư là thích ứng địa chiến lược của Việt Nam đến năm 2030. Ở phần này tác giả nhận định: kinh nghiệm lịch sử cho thấy, mỗi khi lãnh đạo quốc gia biết khai thác, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, linh hoạt điều chỉnh chính sách theo thời cuộc, nhất là theo xu hướng vận động của thế giới, đặc biệt là có mục tiêu, ý chí và tầm nhìn chiến lược rõ ràng, triển khai một cách mạnh mẽ thì không gian an ninh và phát triển, vị thế của quốc gia đó không chỉ được duy trì mà còn mở rộng.

Một trong những đóng góp nổi bật của công trình đó là tác giả đã đưa ra các khuyến nghị xác đáng về việc khai thác lợi thế, giảm thiểu bất lợi của biển đảo nhất là biển Đông, lãnh thổ và biên giới đất liền; nhanh chóng xác lập và mở rộng chủ quyền trong không gian mạng; củng cố và mở rộng không gian chiến lược trong đối ngoại.

Sách của tác giả PGS. TSKH Trần Khánh được nghiên cứu từ góc nhìn địa chiến lược chính là một công cụ để nhận diện, dự báo, hoạch định và thực thi chiến lược, chính sách phát triển quốc gia, trước hết là trong quan hệ đối ngoại.

Napoleon Bonaparte hơn 200 năm trước đã nói rằng: “Biết được địa lý của một quốc gia, người ta sẽ biết được tất cả về chính sách đối ngoại”. Kinh nghiệm thêm một lần nữa cho thấy, độ nông sâu, tính bền vững của không gian chiến lược của một quốc gia không chỉ phụ thuộc cái vốn ban đầu là địa lý mà quan trọng hơn chính là từ tác động của tư duy chiến lược, chính sách phát triển quốc gia của giới cầm quyền và sự tương tác với bên ngoài, bối cảnh quốc tế. Vấn đề còn lại của Việt Nam lúc này, đó là: Tạo ra sức mạnh tổng hợp quốc gia dựa trên những cơ hội, giảm thiểu những thách thức, kiến tạo nên không gian chiến lược tối ưu cho an ninh và phát triển của đất nước.

Mạc Danh (CTV)



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]