(vhds.baothanhhoa.vn) - Sự cạnh tranh thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, hay các chức danh chủ chốt tại các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch đang ngày càng trở nên gay gắt. Trong khi đó, trước sự vào cuộc ngày càng quyết liệt của các đơn vị ngoại tỉnh, nhiều doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đang loay hoay trước bài toán giữ chân nhân lực.

Tin liên quan

Đọc nhiều

“Cuộc chiến” giữ chân nguồn nhân lực chất lượng

Sự cạnh tranh thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, hay các chức danh chủ chốt tại các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch đang ngày càng trở nên gay gắt. Trong khi đó, trước sự vào cuộc ngày càng quyết liệt của các đơn vị ngoại tỉnh, nhiều doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đang loay hoay trước bài toán giữ chân nhân lực.

Khi các doanh nghiệp ngoại tỉnh vào cuộc quyết liệt

Thực tế nguồn nhân lực chất lượng cao quyết định phần lớn giá trị sản phẩm, thành công của hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch. Trong khi đó, hoạt động du lịch tại các địa phương trên cả nước ngày càng phát triển mạnh mẽ, mở ra nhiều cơ hội việc làm cho người lao động. Chính vì vậy, trong những năm gần đây, không chỉ là sự cạnh tranh thu hút nguồn lao động chất lượng cao của các doanh nghiệp (DN) du lịch trên địa bàn tỉnh mà còn sự tham gia của các DN tỉnh ngoài. Trong đó, các chức danh CEO (giám đốc điều hành), trưởng các bộ phận luôn là những vị trí chiến lược được đa số các DN du lịch lớn săn đón nhiều nhất. Cũng chính vì sự săn đón ngày càng “nồng nhiệt” này đã và đang dẫn đến tình trạng “nhảy việc” thường xuyên của một bộ phận nhân lực chủ chốt tại các đơn vị.

Làm trưởng bộ phận một số nhà hàng, khách sạn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, sau đó anh N.H.V được nhận vào làm giám đốc điều hành một khách sạn nổi tiếng trên địa bàn TP Thanh Hóa. Tuy nhiên, sau gần 2 năm gắn bó mức thu nhập của anh N.H.V chỉ đạt 10 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, một DN khác tại TP Nha Trang đưa ra mức giá cao hơn gấp 3 lần, anh N.V.H quyết định từ bỏ nơi làm việc hiện tại. Cũng theo anh, ngoài lý do thu nhập cao hơn, các khách sạn ở Nha Trang còn là cơ hội để anh thể hiện khả năng, kiến thức của bản thân mình cũng như nắm bắt thêm những kiến thức, kinh nghiệm mới trong công tác quản lý, điều hành. Mặt khác môi trường làm việc mới còn giúp anh có cơ hội để ứng cử vào những vị trí cao hơn trong tương lai.

Đó là 1 trong số nhiều những trường hợp "nhảy việc" khi có cơ hội tốt hơn ở những địa phương khác. Đại diện một số DN du lịch trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa cho rằng, nếu như những năm trước đây việc cạnh tranh thu hút nhân lực chất lượng cao chủ yếu là giữa các DN trên địa bàn tỉnh, thì nay với sự phát triển ngày càng nhanh chóng của hoạt động du lịch, đi cùng với đó là sự phát triển của công nghệ thông tin, sự tham gia của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, việc tuyển dụng nhân sự các chức danh chủ chốt trong DN ngày càng trở nên ráo riết hơn bao giờ hết. Trong khi mức thu nhập dành cho các chức danh như trưởng bộ phận, CEO của một số DN du lịch trên địa bàn tỉnh chỉ dao động từ 7 - 15 triệu đồng/tháng, thì không ít DN ngoại tỉnh thậm chí một số DN nước ngoài các chức danh này thường có mức thu nhập khá hấp dẫn, từ 20 - 35 triệu đồng/tháng.

Trường Đại học VH,TT&DL Thanh Hóa tập trung nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng.

Thêm giải pháp để giữ chân lao động

Là một trong những công ty du lịch lữ hành hàng đầu tại Thanh Hóa, đã có gần 20 năm xây dựng và trưởng thành, thế nhưng ông Đỗ Hoàng Hữu - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch Quốc tế Hữu Nghị (TP Thanh Hóa) phải thừa nhận rằng, việc giữ chân một số nhân lực chất lượng chưa bao giờ là dễ. Không ít nhân lực sau một thời gian gắn bó và giữ các chức danh chủ chốt tại công ty đã thành lập công ty riêng hoặc vươn ra các DN lớn khác.

Cũng theo ông Hữu, việc ra đi của những nhân viên này không chỉ khiến cho công ty thiếu hụt đi nhân lực và phải tuyển dụng bổ sung mà vấn đề quan trọng ở đây là sự“ra đi” của tập khách hàng mà những nhân viên đó đã chăm sóc bấy lâu nay. Chính vì vậy, để giữ chân những thành viên làm việc tích cực, có cống hiến, công ty không chỉ quan tâm đến chính sách tiền lương hay tạo cơ hội thăng tiến mà còn tạo điều kiện cho họ được mua cổ phần và trở thành cổ đông của công ty. Từ đó khiến cho họ trở thành người chủ thực sự, có trách nhiệm với sự phát triển và gắn bó với công ty lâu dài hơn.

Có thể nói, trước tình hình thực tế phát triển du lịch hiện nay của xứ Thanh thì việc giữ chân nguồn nhân lực chất lượng là cả một bài toán khó. Bởi, theo ông Vũ Văn Tuyến - Trưởng khoa Du lịch, Trường Đại học VH,TT&DL Thanh Hóa thì để nguồn nhân lực chất lượng gắn bó lâu dài, trước hết chính sách tiền lương cần phù hợp với sự cống hiến. Như vậy, buộc mức chi tiêu của du khách khi đến Thanh Hóa phải tăng, giá các dịch vụ phải theo tỷ lệ thuận. Cùng với đó là cơ hội thăng tiến và môi trường làm việc chuyên nghiệp, trong khi đó du lịch Thanh Hóa còn bị ảnh hưởng lớn bởi yếu tố mùa vụ. Và để giải quyết được vấn đề này, cần có sự vào cuộc của nhiều bên liên quan. Quan trọng hơn là, xứ Thanh phải hấp dẫn hơn, nhiều sản phẩm, dịch vụ du lịch mới, hút khách.

Cùng với sự vào cuộc của các DN du lịch, trong những năm qua, tỉnh Thanh Hóa cũng dành sự quan tâm trong công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao nhằm đáp ứng nhu cầu và thực tế phát triển du lịch tỉnh nhà. Cụ thể, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 2218/QĐ-UBND, ngày 16/7/2009 về Phê duyệt dự án Điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Thanh Hóa đến năm 2020; Quyết định 492 QĐ/UBND, ngày 9/2/2015 Phê duyệt “Chiến lược phát triển du lịch tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”... trong đó đều có các giải pháp đào tạo và phát triển nguồn nhân lực. Cụ thể: Xây dựng đội ngũ các nhà quản lý, chủ doanh nghiệp đủ năng lực điều hành các hoạt động kinh doanh du lịch có hiệu quả theo cơ chế thị trường; mở rộng hợp tác về đào tạo nguồn nhân lực với các cơ sở, tổ chức đào tạo chuyên môn nghiệp vụ du lịch; nâng cấp chất lượng các cơ sở đào tạo nghiệp vụ du lịch và thống nhất chương trình đào tạo khung tại các cơ sở chủ chốt; đẩy mạnh việc liên kết trong đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch giữa các cơ sở đào tạo trong tỉnh và ngoài tỉnh; khuyến khích các doanh nghiệp du lịch thực hiện đào tạo, tái đào tạo đội ngũ nhân viên...

Hoài Anh


Hoài Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]