(vhds.baothanhhoa.vn) - Trên những vách đá dựng đứng cao hàng chục mét ở huyện vùng cao Quan Hóa, nhiều nét vẽ còn khá sơ khai hình người, con thú mang theo thông điệp của người xưa. Hoàn toàn không phải nét chạm khắc, những hình vẽ màu đỏ như thấm sâu vào thớ đá, trường tồn cùng thời gian đã đặt ra nhiều câu hỏi chưa có lời giải với những nhà nghiên cứu và cư dân địa phương...

Dấu tích người xưa trên vách đá

Trên những vách đá dựng đứng cao hàng chục mét ở huyện vùng cao Quan Hóa, nhiều nét vẽ còn khá sơ khai hình người, con thú mang theo thông điệp của người xưa. Hoàn toàn không phải nét chạm khắc, những hình vẽ màu đỏ như thấm sâu vào thớ đá, trường tồn cùng thời gian đã đặt ra nhiều câu hỏi chưa có lời giải với những nhà nghiên cứu và cư dân địa phương...

Dấu tích người xưa trên vách đá

Nét vẽ sơ khai trên núi Pa Tém với hình 4 người dắt tay nhau (vòng tròn lớn) và 1 con chó phía sau (vòng tròn nhỏ).

Bí ẩn những bích họa trên cao

Bích họa - cụm từ dùng để chỉ các hình vẽ trên những bờ vách có tính dựng đứng. Tại Việt Nam, các nhà khảo cổ học đã từng phát hiện nhiều quần thể bích họa của người tiền sử trên các vách núi tại tỉnh Lạng Sơn, khu vực Vườn Quốc gia Cúc Phương của tỉnh Ninh Bình... Tại huyện vùng cao Quan Hóa, ngoài những nét vẽ trên núi Pa Tém bên bờ sông Mã gần thị trấn Hồi Xuân, thì gần đây, phát hiện thêm một số nét vẽ trên dãy Pa Phứng thuộc xã Phú Nghiêm.

Cùng hai nhà nghiên cứu lịch sử - văn hóa dân gian Hà Nam Ninh ở huyện Bá Thước và Phạm Văn Cương ở huyện Quan Hóa, chúng tôi đến chân núi Pa Phứng. Ngay ven con đường liên xã dẫn lên khu du lịch Hồ Vinh Quang của xã Phú Nghiêm, ngọn núi có tên khác được dịch từ tiếng Thái ra tiếng Kinh là “Núi Ong” này có vách dựng đứng cao hàng trăm mét. Do vướng tán rừng gỗ lát sum xuê che khuất tầm nhìn các nét vẽ nên chúng tôi phải di chuyển đến rừng luồng của người dân cách đó khá xa. Từ khoảng cách hàng trăm mét, nhưng dùng ống kính máy ảnh zoom lại gần vẫn nhận rõ những nét vẽ màu đỏ trên cao, nằm cách mặt đất chừng 50m. Tuy chưa thật sự sắc sảo về mặt nghệ thuật nhưng bằng mắt thường cũng có thể nhận ra đây là hình 2 người đang dắt tay nhau, một lớn và một nhỏ hơn. Kích thước hình vẽ mỗi “người” cỡ bằng gang tay người lớn, phần đầu đơn giản chỉ là hình gần tròn, không mắt - mũi - mồm, tay chân rõ ràng nhưng không vẽ chi tiết từng ngón tay, ngón chân.

Cách đó chừng 500m đường chim bay, một “bức tranh tiền sử” với những hình vẽ phong phú hơn đã được người dân địa phương nhìn thấy từ nhiều đời nay trên dãy núi Pa Tém thuộc bản Chăm, xã Xuân Phú (cũ), nay đã được sáp nhập vào xã Phú Nghiêm. Theo tiếng Thái, Pa Tém có nghĩa là “Núi Vẽ”, hay núi có những hình vẽ. Tên gọi dãy núi có từ xa xưa không ai biết, có lẽ cũng xuất phát từ những bích họa màu đỏ này. Đứng bên bờ hữu sông Mã, có thể nhìn thấy những hình vẽ trên vách đá dựng ngay bên mép nước sông phía bờ tả cách đó khoảng vài trăm mét. Tuy bị tác động của các yếu tố tự nhiên qua nhiều đời làm mờ bớt, nhưng không khó để nhận ra có 4 hình người ở trạng thái đang bước đi khá vội, hình người đi thứ 2 cao nhất khoảng 40cm, 3 người còn lại cao chừng 30cm. Cách đó khoảng gần 1m là hình một con thú có màu đỏ khá rõ, phần chân dài tương đương với phần thân. Giữa đoàn người và con vật cũng có nét vẽ đỏ nhưng bị mờ, hiện khó nhận ra dáng hình cụ thể. Vị trí các nét vẽ cũng cách mép sông gần 10m, trên vách đá nhẵn bóng, khó ai có thể lên được.

Theo ông Phạm Quang Đó, người dân tộc Thái 71 tuổi, nguyên Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh huyện Quan Hóa, người sinh ra và lớn lên ở bản Chăm - ngay cạnh dãy Pa Tém từ nhỏ: Chúng tôi lớn lên đã thấy những nét vẽ này rồi. Ông nội tôi kể, từ những đời trước nói lại đều khẳng định lớn lên đã thấy các hình màu đỏ này. Ngày nhỏ chúng tôi chăn trâu ở bờ sông Mã, mùa nước cạn còn bơi sang bên kia, thi nhau lấy đá cuội ném lên xem ai ném cao gần bức vẽ nhất. Nhiều người dân địa phương cũng cho chúng tôi biết, khi trời mưa, vách đá càng bị ướt thì những nét vẽ càng hiện ra rõ và đỏ thắm hơn.

Vấn đề đặt ra là, trên vách đá dựng đứng, lại cao chừng 50m, làm sao người xưa lên được để vẽ? Có phải những hình vẽ từ thời tiền sử, khi ấy vách núi còn thấp, sau bị biến đổi địa chất hay động đất rồi trồi lên cao như ngày nay? Chủ nhân những bức vẽ thuộc tộc người nào, họ để lại cho đời sau thông điệp gì? Chất liệu màu đỏ vẽ hình bằng thứ gì mà hàng trăm, thậm chí hàng vạn năm vẫn không phai? Và nhiều câu hỏi khác hiện vẫn còn là bí ẩn chưa có lời giải, cần được nghiên cứu, giải thích trên cơ sở khoa học.

Một vài kiến giải theo hướng khoa học

Theo nhận định của các nhà nghiên cứu, nét vẽ càng sơ khai thì khả năng chủ nhân các nét vẽ càng xa xưa về mặt thời gian với chúng ta. “Về lịch sử vùng đất Mường Ca Da - nơi có các bức bích họa nói trên, tuy nay là vùng người Thái sinh sống nhưng thuở xa xưa, cả khu vực rộng lớn gồm các huyện Bá Thước, Quan Hóa, Quan Sơn... là do người Xá (một nhánh là người Khơ Mú ngày nay) sinh sống. Tôi đã cùng đoàn công tác của PGS, TS Nguyễn Lân Cường – chuyên gia hàng đầu về khảo cổ và cổ nhân học Việt Nam khám phá hang Ma Xá cách vị trí núi Pa Tém này không xa, phát hiện bộ hài cốt táng theo tục người Xá cách đây khoảng 16.000 năm. Nhiều động táng khác đã được phát hiện trên vách đá ở các huyện Quan Hóa, Quan Sơn và Bá Thước cũng khá nhiều, có các hài cốt được táng theo kiểu người Xá. Như vậy, ngoài nhận định những nét vẽ là của người Thái, cũng không loại trừ khả năng những “bức tranh” bí ẩn nói trên là của người Xá từng sinh sống ở đây”, nhà nghiên cứu Hà Nam Ninh chia sẻ.

Ông Cao Bằng Nghĩa, nhà nghiên cứu văn hóa Thái ở huyện Quan Hóa cũng trăn trở: “Tên gọi núi Pa Tém tức “Núi Vẽ” đã có từ xa xưa, những bức vẽ màu đỏ chúng tôi đã từng tiếp cận hàng chục năm trước. Nét vẽ trên núi Pa Phứng thì gần đây mới biết do cây bụi mọc quanh, lại nằm trên cao. Còn nhiều bí ẩn vẫn chưa được giải mã, chưa thể khẳng định nét vẽ có niên đại từ khi nào, có thể đã có từ hàng nghìn, thậm chí hàng vạn năm trước”.

Quan sát bằng mắt thường, chúng tôi nhận định đây là nét vẽ bằng chất liệu màu đỏ chứ không phải trạm khắc vào đá. Vậy nét vẽ bằng chất gì mà trường tồn mãi không phai?. Trên thực tế, các vách đá có hình vẽ này đều hướng về phía Tây và Tây Nam nên cường độ ánh sáng mặt trời vào buổi chiều chiếu rọi rất lớn, chưa kể mưa gió, đá bị phong hóa... Cách đây chưa lâu, khi chúng tôi đưa ảnh để nhà nghiên cứu văn hóa Hoàng Tuấn Phổ xem, ông nhận định chất liệu vẽ có thể là “thổ hoàng”. Đây là một loại đất giàu chất sắt màu đỏ, thường được người xưa trộn với một số khoáng chất và nhựa cây để vẽ. Nó có thể thấm sâu vào thớ đá, tồn tại rất lâu.

Qua tìm hiểu, tại Trung Quốc, In–đô–nê–xi–a và một số nước Đông Nam Á, các nhà khoa học cũng từng phát hiện nhiều bích họa của người tiền sử trên vách núi khá giống tại huyện Quan Hóa. Nếu vậy, người xưa để lại thông điệp gì?. Theo suy đoán của nhà nghiên cứu Hà Nam Ninh, căn cứ vào hình vẽ hai người dắt tay nhau ở núi Pa Phứng, có thể người xưa nói lên khát vọng tình yêu đôi lứa, cũng có thể đây là giai đoạn thời kỳ quần hôn chuyển sang giai đoạn tiến bộ, đánh dấu sự tan vỡ của tục quần cư trong hang đá, sinh hoạt duy trì nòi giống kiểu quần hôn lạc hậu?. Một ý nhận định khác là, sau khi được xem ảnh chúng tôi chụp, nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Phổ cho rằng, bức tranh 4 người và một con thú ở núi Pa Tém có thể phản ánh một cuộc đi săn của người xưa.

Tất cả những ý kiến giải thích trên cũng chỉ mang tính phỏng đoán, suy luận. Nếu có công trình nghiên cứu, phân tích thạch học, tìm được chất liệu và niên đại nét vẽ cùng sự vào cuộc của các nhà khoa học hàng đầu, mới có thể giải mã nhiều bí ẩn chưa được khai mở.

Sự tích bức vẽ núi Pa Tém

Trong quá trình tìm lời giải cho bích họa bí ẩn, chúng tôi cũng thu thập được câu chuyện dân gian liên quan đến nét vẽ trên núi Pa Tém. Đây là câu chuyện bằng thơ theo tiếng Thái, kể về sự tích hình vẽ 4 người và con thú trên vách đá, được truyền miệng dưới dạng văn học dân gian nên không ai biết có từ khi nào. Nhà nghiên cứu Cao Bằng Nghĩa là người dân tộc Thái địa phương nên trước đó ông đã sưu tầm, ghi lại và có thể đọc vanh vách từng câu. Nội dung truyền thuyết được dịch như sau: Thuở xa xưa, ở vùng mường Mộc, mường Sang (thuộc tỉnh Sơn La) có ông tạo mường là Chu Sang. Ông cưới được nàng Á Giâm thuộc vùng Trung Sơn (Quan Hóa) ngày nay, sau sinh hạ được người con gái có sắc đẹp chim sa cá lặn, nghiêng nước nghiêng thành. Do thời mông muội chưa thoát hẳn tư tưởng quần hôn lạc hậu nên Chu Sang đem lòng yêu con gái và muốn lấy làm vợ. Người trong Mường phản đối nên tẩy chay, không cho ở. Chu Sang đóng bè luồng, cùng con gái - cũng là vợ, những người hầu và con chó ngao ra sông để ở. Ông trời thấy việc làm của Chu Sang trái đạo nên trừng phạt cho cơn mưa lũ làm trôi bè. Bè cứ xuôi theo sông Mã, đến khu vực Mó Tôm thuộc bản Chăm, xã Phú Nghiêm, sông đổi dòng nên bè dạt vào vách đá của dãy Pa Tém. Đây là lãnh đại của Long Vương nên có tiếng nói từ vách đá vọng ra: Ngươi và gia đình muốn sống hãy từ bỏ ý xấu đó đi, nếu không ta sẽ đánh chìm bè ngay tức khắc!. Ông Chu Sang vội vàng lấy vàng, bạc, châu báu ném xuống sông cho Long Vương và xin tha mạng nhưng vẫn không muốn thay đổi ý định. Long Vương quyết không tha cho ông Chu Sang và làm nước xoáy khiến bè chìm dần, cả con gái, người hầu và con chó đã bị nhấn chìm xuống sông Mã. Hối hận trước việc làm của mình gây tai họa, trước khi bè chìm hẳn, ông Chu Sang xin Long Vương được vẽ lên trên vách đá hình con vật và người trong gia đình để truyền lại cho đời sau. Sau khi vẽ xong thì bè và tạo mường Chu Sang cũng bị nhấn sâu vào dòng nước. Những lời thơ đoạn này được nhiều người địa phương thuộc lòng: Thắn cộc tém húp nang/ Thắn cáng tém húp tạo/ Tém húp ná giá mụ, báo hé, sáo hâu/ Tém té húp má thợc pác cắm hú tó, lo thợc luống hú tắng. Tạm dịch là: Dòng một vẽ hình nàng/ Dòng hai vẽ hình tạo/ Vẽ cả hình bà mụ và các nàng hầu/ Vẽ chó ngao cụp tai, con la mồm to, tai đứng.

Những hình vẽ trên vách đá hoàn toàn phù hợp với nội dung chuyện thơ dài hàng trăm dòng vẫn còn lưu truyền ở địa phương. Theo nội dung ấy, người cao nhất đứng thứ 2 là tạo mường, người nhỏ hơn chắc là con gái và 2 người còn lại phía sau là người hầu. Con thú cách đó không xa chính là con chó mang theo. Tuy nhiên, cả nhà nghiên cứu Hà Nam Ninh và Cao Bằng Nghĩa đều thể hiện quan điểm: Đây chỉ là câu chuyện truyền thuyết, có thể có sau rất lâu các bích họa, được dân gian sáng tác để lý giải cho những nét vẽ có sẵn mà hằng ngày họ quan sát thấy.

Lê Đồng


Lê Đồng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]