(vhds.baothanhhoa.vn) - Sau mỗi dịp tết đến xuân về, đi lễ, trẩy hội tại các điểm di tích tâm linh danh thắng, để cầu mong cho một năm mới bình an, tốt đẹp, vạn sự hanh thông vốn là nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt nói chung. Tuy nhiên, trong điều kiện diễn biến phức tạp của dịch bệnh do virus nCoV gây ra thì việc phòng chống bệnh là vô cùng cần thiết. Bởi vậy, cùng với sự vào cuộc của các ngành chức năng, chính quyền địa phương thì mỗi người dân bên cạnh niềm tin tín ngưỡng cũng cần phải chủ động bảo vệ chính mình và người thân.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Du xuân trẩy hội đừng quên phòng dịch

Sau mỗi dịp tết đến xuân về, đi lễ, trẩy hội tại các điểm di tích tâm linh danh thắng, để cầu mong cho một năm mới bình an, tốt đẹp, vạn sự hanh thông vốn là nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt nói chung. Tuy nhiên, trong điều kiện diễn biến phức tạp của dịch bệnh do virus nCoV gây ra thì việc phòng chống bệnh là vô cùng cần thiết. Bởi vậy, cùng với sự vào cuộc của các ngành chức năng, chính quyền địa phương thì mỗi người dân bên cạnh niềm tin tín ngưỡng cũng cần phải chủ động bảo vệ chính mình và người thân.

Trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp, cùng với việc thỏa mãn nhu cầu tín ngưỡng tâm linh thì bản thân mỗi người đều phải học cách tự bảo vệ chính mình.

Vệ sinh môi trường không còn là “nỗi ám ảnh”

Nếu bạn vẫn thường có thói quen ghé thăm các điểm di tích, lễ hội lớn trên địa bàn xứ Thanh dịp đầu xuân thì hẳn nhiên bạn sẽ nhận ra sự thay đổi đáng kể ở không gian và môi trường lễ hội.

Khu di tích Quốc gia đặc biệt đền Bà Triệu, xã Triệu Lộc (Hậu Lộc) ngay sau thời điểm giao thừa đã có rất đông người dân, du khách đến vãn cảnh, dâng hương tưởng nhớ vị vua bà Bà Triệu và cầu mong những điều tốt đẹp sẽ đến trong năm mới. Bởi vậy, như thường lệ, dù đã có sự chuẩn bị kĩ lưỡng từ trước song trong dịp này, Ban quản lý di tích vẫn phải tích cực nỗ lực trong công tác trông coi, tuyên truyền, phục vụ khách dâng hương đi lễ nhằm tránh xảy ra những chuyện đáng tiếc. Và với tinh thần ấy, khu di tích đền Bà Triệu nhiều năm qua vẫn được đánh giá là điểm đến “ghi điểm” trong lòng người dân. Trong khi nhiều di tích vẫn phải loay hoay với tình trạng bán hàng rong tràn lan, ăn xin, mê tín dị đoan, cờ bạc trá hình, vệ sinh môi trường nhếch nhác thì di tích đền Bà Triệu gần như câu chuyện đó không còn tồn tại. Kết quả đó không chỉ do sự nỗ lực mà còn cả quyết liệt của Ban quản lí.

Thắng tích Phủ Na, xã Xuân Du (Như Thanh) được xem là một trong những trung tâm của tín ngưỡng thờ Mẫu ở xứ Thanh. Không chỉ được tạo hóa ban tặng cho cảnh đẹp hữu tình mà ở đây còn hiện hữu hệ thống di tích thờ Mẫu vô cùng đậm đặc “chi phối toàn bộ hệ thống thờ của đạo Mẫu ở khu vực chân - sườn núi Nưa tại Xuân Du”. Đặc biệt, cùng với thờ Mẫu, nơi đây cũng ghi nhận sự tồn tại của tín ngưỡng thờ thần núi Tản Viên và mẹ Âu Cơ - tín ngưỡng nguyên thủy của người Việt cổ. Trải qua thời gian, các tín ngưỡng đã dung hòa, đan xen tồn tại trong đời sống tâm linh của người Việt nói chung, người dân xứ Thanh nói riêng. Và trong hành trình du xuân trẩy hội của người dân, Phủ Na trở thành điểm đến “không thể bỏ qua”. Vì vậy, trong những ngày đầu xuân, nơi đây ước đón hàng vạn lượt khách. Trong mùa lễ hội này, một điểm sáng cần được ghi nhận tại Phủ Na chính là công tác vệ sinh môi trường. Với việc hạn chế người dân bán hàng rong và những thùng rác được đặt ở nhiều vị trí thuận tiện, các công nhân làm công tác vệ sinh môi trường thường xuyên quét dọn...tất cả khiến cho vệ sinh môi trường ở di tích đã được cải thiện khá nhiều.

Không chỉ Phủ Na, ở nhiều điểm di tích khác, công tác vệ sinh môi trường cũng được chính quyền địa phương, ban quản lý di tích chú trọng. Khi người có trách nhiệm không còn chỉ biết “đổ lỗi” cho du khách và ý thức người dân được nâng lên, cũng là lúc những tồn tại, hạn chế dần được khắc phục. Và khi vệ sinh môi trường tại di tích được cải thiện nó không chỉ tốt cho sức khỏe chính mỗi người đi lễ, mà qua đó còn tỏ lòng thành kính với đấng tối linh.

Trẩy hội đầu xuân không quên phòng dịch!

Theo số liệu đánh giá của Sở VH,TT&DL Thanh Hóa, lượng khách du lịch đến Thanh Hóa trong những ngày qua có giảm so với cùng kỳ năm 2019. Điều này được lý giải bởi nguyên nhân thời tiết bất thường, cùng với dịch bệnh do virus nCoV diễn biến phức tạp cũng gây ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lí khách du lịch. Tuy vậy, với không chỉ người dân Thanh Hóa, du xuân trẩy hội dịp đầu xuân đã trở thành nhu cầu văn hóa.

Để phòng ngừa, ngăn chặn virus corona lây lan, Thủ tướng Chính phủ, Bộ VH,TT&DL, Chủ tịch tỉnh và Sở VH,TT&DL Thanh Hóa đã liên tục có những văn bản chỉ đạo các địa phương, đơn vị phòng chống dịch. Trong đó, tạm dừng khai mạc các hoạt động lễ hội, hạn chế tụ tập đông người để phòng nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Ông Bùi Kim Dậu - Trưởng phòng VHTT huyện Triệu Sơn cho biết: Thực hiện công văn chỉ đạo, hướng dẫn của lãnh đạo đạo các cấp và ngành chuyên môn, việc khai mạc lễ hội đền Nưa - Am Tiên năm 2020 (còn gọi là lễ hội Mở cổng trời) diễn ra vào ngày mùng 9 tháng Giêng đã được dừng tổ chức. Cùng với đó, người dân khi đến di tích du xuân, dâng hương vãn cảnh cũng được ban quản lý di tích và nhà đền tuyên truyền nhắc nhở việc giữ vệ sinh, đeo khẩu trang... Bên cạnh lễ hội đền Nưa - Am Tiên thì hầu hết các lễ hội lớn, nhỏ trên địa bàn tỉnh diễn ra trong dịp này cũng được các địa phương nghiêm chỉnh chấp hành việc không tổ chức khai hội như thông lệ.

Cũng theo người có trách nhiệm ở một số di tích thì việc ngừng tổ chức khai hội chỉ có thể phần nào hạn chế số lượng lớn người dân tụ tập ở một thời điểm nhất định, cũng chưa có văn bản nào cấm người dân không được đi lễ dâng hương ở các di tích. Vì thế, trách nhiệm của các ban quản lý di tích chỉ có thể vừa tăng cường công tác quản lý, vừa tuyên truyền để người dân đi lễ dâng hương thỏa mãn nhu cầu tín ngưỡng tâm linh song cũng phải tự biết cách bảo vệ chính mình.

Nhìn ở góc độ người dân, việc phải thay đổi bất cứ một thói quen nào cũng là điều không dễ, nhất là khi đó lại là thói quen văn hóa, niềm tin tín ngưỡng tâm linh. Tuy nhiên ở thời điểm, chỉ cầu bình an thôi cũng là việc trên hết. Ở thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp, mỗi người đều phải tự bảo vệ chính mình thì việc chúng ta tạm dừng đến các lễ hội, nơi đông người, phải chăng cũng là cách ta cố gắng để giúp mình bình an.

Thu Trang


Thu Trang

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]