(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Trong lễ hội không thể thiếu các trò chơi, trò diễn. Đây được xem là một phần quan trọng tạo nên sức hấp dẫn, thành công của mỗi lễ hội, tạo sức hấp dẫn đối với du khách gần xa. Tuy nhiên, cũng vì nhiều lý do khác nhau mà ở một số lễ hội vẫn chưa phát huy hết tác dụng của các trò chơi, trò diễn này.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Phát triển du lịch lễ hội: Khó ngay từ cách tổ chức

(VH&ĐS) Trong lễ hội không thể thiếu các trò chơi, trò diễn. Đây được xem là một phần quan trọng tạo nên sức hấp dẫn, thành công của mỗi lễ hội, tạo sức hấp dẫn đối với du khách gần xa. Tuy nhiên, cũng vì nhiều lý do khác nhau mà ở một số lễ hội vẫn chưa phát huy hết tác dụng của các trò chơi, trò diễn này.

Thanh Hóa có hàng trăm lễ hội lớn, nhỏ, đó là nguồn tài nguyên lớn để phát triển ngành công nghiệp không khói. Mỗi lễ hội đều mang đậm nét văn hóa của mỗi địa phương. Trong bài viết này, chỉ xin đề cập đến các trò chơi, trò diễn tại các lễ hội lớn. Có thể khẳng định, đã có một số lễ hội lớn được ghi dấu ấn không chỉ bởi phần lễ mà còn ở cả phần hội. Phần hội, ở đây người dân được tham gia, người dân được hưởng thụ và không chỉ có người dân bản địa mà chính những khách du lịch cũng bị cuốn hút bởi những trò chơi, trò diễn này.

Còn nhớ, tại lễ hội Lê Hoàn năm 2015 được tổ chức với quy mô cấp tỉnh, trong phần hội, tất nhiên không thể thiếu được trò Xuân Phả, một trò diễn đậm sắc văn hóa của đất Thọ Xuân. Bên cạnh đó, các trò chơi, trò diễn khác ở các huyện trong tỉnh cũng được mời tham dự đó là Khua luống, là Pồôn Pôông, đánh cồng chiêng đến từ Bá Thước, Yên Định... Đáng mừng là du khách thập phương đã đứng vòng trong, vòng ngoài không chỉ để xem các nghệ nhân biểu diễn mà còn được trải nghiệm thực tế để hóa mình làm nghệ nhân. Dường như ai cũng “say” với các trò diễn này. Một lễ hội đã thực sự mang đậm chất văn hóa vùng, miền bởi sự góp mặt của các trò chơi, trò diễn. Ở đó du khách đã bị chinh phục hoàn toàn ở cả phần lễ và phần hội.

Hay tại Lễ hội Lam Kinh, được tổ chức vào các ngày 21- 22/8 âm lịch hàng năm cũng đã hội tụ được nhiều trò chơi, trò diễn, như: Trò Xuân Phả, múa đèn Đông Anh, múa rồng, cờ người, đấu vật... Những trò này cũng đã khiến nhiều du khách không thể từ chối với một không gian đậm chất văn hóa truyền thống.

Trò diễn Xuân Phả đang là niềm thích thú với nhiều du khách khi đến với lễ hội xứ Thanh. (Ảnh: Đình Giang)

Cũng có thể thấy rất rõ, tại các lễ hội lớn, nếu được tổ chức với quy mô cấp tỉnh thì các trò chơi, trò diễn bao giờ cũng phong phú hơn còn với quy mô cấp huyện thì sẽ có những hạn chế nhưng vẫn không thể vắng bóng trò chơi, trò diễn của chính địa phương đó. Tuy nhiên, ở một số lễ hội lớn vẫn chưa thể phát huy được hiệu quả của các trò chơi, trò diễn thậm chí là không có. Chính điều này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sự thành công trong lễ hội. Quan trọng hơn là du khách sẽ không được xem, được chơi, được hưởng thụ bởi các trò chơi, trò diễn. Đấy cũng là một sự thiệt thòi. Lễ hội vì đó mà cũng kém màu sắc, nhạt dấu ấn.

Một ví dụ ở lễ hội đền Nưa - Am Tiên (Triệu Sơn). Dù lượng khách về đây đông nhưng chủ yếu để hoạt động tín ngưỡng còn để du khách được tham gia các trò chơi, trò diễn trong phần hội thì vẫn còn nhiều hạn chế. Theo ông Nguyễn Tài Tuệ - Phó trưởng phòng VH-TT huyện Triệu Sơn: “Những trò chơi, trò diễn mang tính chất vùng, miền không có mà ở phần hội thường chỉ tổ chức các môn thể thao bóng đá, bóng chuyền... Trong thời gian tới, chắc chắn chúng tôi cũng sẽ nghiên cứu, tìm tòi để đưa thêm một số hoạt động văn hóa gắn với lễ hội làm phong phú thêm nhu cầu hưởng thụ của du khách”.

Hay tại đền Bà Triệu (Hậu Lộc), phần hội cũng chỉ mới tổ chức được nấu cơm thi, kéo co, cờ tướng, cờ người nhưng tiếc là chưa thành nếp. Ông Nguyễn Văn Tĩnh, tổ trưởng tổ quản lý di tích đền Bà Triệu bày tỏ sự nuối tiếc khi các trò chơi, trò diễn đưa vào trong lễ hội vẫn còn ít. Trong khi đó, ở xã Triệu Lộc vẫn chưa khôi phục được trò múa lân và tục ăn cỗ nguội.

Còn tại lễ hội Cửa Đạt (Thường Xuân) chưa có sự hiện diện của các trò chơi, trò diễn trong lễ hội. Theo ông Cầm Bá Huyến - Trưởng phòng VH-TT huyện Thường Xuân, sở dĩ không có vì xung quanh di tích chưa có dân cư sinh sống, chỉ chủ yếu là nhân dân ở các nơi khác đến để bán hàng, vì vậy không thể sống một nơi mà lạitổ chức ở một nơi khác.

Đẩy gậy là môn thể thao hấp dẫn thường xuất hiện ở các lễ hội vùng miền núi. (Ảnh: T.T)

Trong vài năm trở lại đây, các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và nhiều địa phương trongtỉnh đã quan tâm nhiều hơn đến việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với du lịch, trong đó có phục dựng lễ hội và các trò chơi, trò diễn dân gian. Điển hình như trong năm 2016 là dự án khôi phục các trò chơi, trò diễn dân gian ven sông Mã, dự án lớp bảo tồn và truyền dạy nghệ thuật trò diễn Xuân Phả... Bà Nguyễn Mai Hương - Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh cho rằng: “Khi đời sống vật chất được nâng lên thì việc hưởng thụ văn hóa văn nghệ nói chung cũng sẽ là tỷ lệ thuận. Có lễ hội là phải có trò chơi, trò diễn. Tuy nhiên, trò chơi, trò diễn đó phải là nét văn hóa của địa phương đó, của lễ hội đó, nếu mang trò chơi của nơi khác về thì sẽ không phù hợp trừ khi được mời tham gia. Dù các trò chơi, trò diễn tại các lễ hội chưa phát huy hết tác dụng nhưng dần dần sẽ được quan tâm...”.

Và tất nhiên, để phát huy hết tác dụng thì không thể ngày một, ngày hai do còn phải tùy thuộc vào nhiều yếu tố đó là kinh phí, con người... Vấn đề đặt ra vẫn là chúng ta ứng xử với các giá trị văn hóa phi vật thể ấy như thế nào, bởi nếu thiếu trò chơi, trò diễn dân gian truyền thống trong lễ hội thì coi như đã mất đi một nửa phần “hồn” của lễ hội.

Thiện Nhân



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]