(vhds.baothanhhoa.vn) - Ngày 5/8/2020, Bộ Chính trị khoá XII đã ban hành Nghị quyết số 58-NQ/TW “Về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hoá đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (gọi tắt là Nghị quyết số 58 - PV). Liên quan đến việc triển khai, thực hiện nghị quyết gắn với phát triển du lịch, phóng viên Báo VH&ĐS đã có cuộc trao đổi với đồng chí Phạm Nguyên Hồng - Giám đốc Sở VH,TT&DL Thanh Hoá.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Phát triển Thanh Hóa trở thành một trong những trung tâm lớn của cả nước về du lịch

Ngày 5/8/2020, Bộ Chính trị khoá XII đã ban hành Nghị quyết số 58-NQ/TW “Về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hoá đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (gọi tắt là Nghị quyết số 58 - PV). Liên quan đến việc triển khai, thực hiện nghị quyết gắn với phát triển du lịch, phóng viên Báo VH&ĐS đã có cuộc trao đổi với đồng chí Phạm Nguyên Hồng - Giám đốc Sở VH,TT&DL Thanh Hoá.

Đồng chí Phạm Nguyên Hồng - Giám đốc Sở VH,TT&DL Thanh Hóa.

PV: Xin đồng chí cho biết những cơ hội và thời cơ cho du lịch Thanh Hoá có được khi Nghị quyết số 58 của Bộ Chính trị ra đời?

Đồng chí Phạm Nguyên Hồng: Nghị quyết số 58 là văn kiện có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự phát triển mọi mặt về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, là một dấu ấn rất đặc biệt trong lịch sử phát triển của tỉnh Thanh Hóa. Đây cũng là cơ hội cho du lịch Thanh Hóa cất cánh.

Trước hết, quan điểm của nghị quyết nêu rõ: “Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn” - lần đầu tiên, quan điểm về phát triển du lịch của tỉnh được thể hiện rõ trong văn kiện của Đảng. Như vậy, phát triển du lịch đã trở thành định hướng quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, cùng với các ngành có tiềm năng, thế mạnh khác như nông nghiệp, công nghiệp. Với quan điểm này, du lịch được đặt ở vị trí trung tâm, quan trọng, đây sẽ là kim chỉ nam để đưa ra các quyết sách, định hướng, mục tiêu tăng trưởng. Đồng thời, nghị quyết cũng chỉ đạo phải xây dựng cơ chế chính sách đặc thù về đầu tư, tài chính. Như vậy, nghị quyết là cơ sở quan trọng để các cấp, các ngành đề ra các chính sách cụ thể, đột phá giải quyết các khó khăn và vấn đề tồn tại trong phát triển kinh tế - xã hội nói chung và du lịch nói riêng.

PV: Mục tiêu của Nghị quyết 58 đặt ra đến năm 2030 là xây dựng Thanh Hoá là tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại; một trong những trung tâm lớn của vùng Bắc Trung Bộ và cả nước trên nhiều lĩnh vực, trong đó có du lịch. Để thực hiện mục tiêu này, du lịch Thanh Hóa gặp khó khăn, thuận lợi gì thưa đồng chí?

Đồng chí Phạm Nguyên Hồng: Thực hiện mục tiêu Nghị quyết số 58-NQ/TW đề ra “đến năm 2030 Thanh Hóa trở thành tỉnh giàu đẹp, văn minh, hiện đại” trong bối cảnh vừa có thuận lợi, đan xen với khó khăn, thách thức.

Trong đó có một số khó khăn cơ bản là: Thanh Hóa là tỉnh có diện tích rộng, địa hình đa dạng, tài nguyên du lịch phân tán nên nhu cầu vốn đầu tư cho hệ thống kết cấu hạ tầng kết nối các điểm đến là rất lớn, dẫn đến khó khăn trong việc kết nối, hình thành tuyến, điểm du lịch hấp dẫn; hoạt động du lịch Thanh Hóa bị ảnh hưởng lớn bởi yếu tố mùa vụ... gây khó khăn trong công tác quản lý, thu hút các dự án đầu tư có quy mô, đẳng cấp, thu hút khách du lịch và thu hút nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao. Các doanh nghiệp du lịch trong tỉnh phần lớn có quy mô nhỏ và hộ cá thể, tiềm lực cạnh tranh, khả năng quản trị, tính chuyên nghiệp chưa cao. Việc khôi phục, trùng tu các di tích cần nguồn vốn lớn, thời gian dài làm chậm hình thành các điểm đến văn hóa thu hút khách. Nguồn nhân lực phục vụ du lịch chưa được quan tâm phát triển đúng mức...

Tuy nhiên, Thanh Hóa cũng có những thuận lợi cơ bản là tiền đề quan trọng phát triển thành một trong những trung tâm lớn của vùng Bắc Trung bộ và cả nước về du lịch.

Trước hết, với vị trí địa lý thuận lợi, Thanh Hoá nằm ở cực Bắc miền Trung, cách thủ đô Hà Nội 154 km về phía Nam; phía Tây Thanh Hóa giáp nước bạn Lào; phía Bắc giáp tỉnh Ninh Bình, Hòa Bình và Sơn La; phía Nam giáp tỉnh Nghệ An, phía Đông tiếp giáp với biển Đông... Địa hình của Thanh Hóa đa dạng, hội tụ đủ tiềm năng của ba vùng kinh tế: Vùng núi và trung du, vùng đồng bằng, vùng ven biển, có nguồn tài nguyên phong phú, được ví như hình ảnh thu nhỏ của nước Việt Nam.

Ở vị trí cửa ngõ nối liền Bắc Bộ với Trung Bộ, Thanh Hóa có hệ thống giao thông thuận lợi, với đầy đủ hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không.

Về tài nguyên du lịch, Thanh Hóa là một trong số ít các địa phương có sự đa dạng cả về tài nguyên tự nhiên và tài nguyên nhân văn có thể đầu tư, khai thác để trở thành những điểm đến du lịch hấp dẫn. Với 1.535 di tích lịch sử, văn hóa danh lam, thắng cảnh trong đó có 852 di tích đã được xếp hạng và 11 di sản được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia; cùng với hệ thống cảnh quan thiên nhiên, thắng cảnh kỳ thú như: Bãi biển Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hòa, Vườn Quốc gia Bến En, Xuân Liên, Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, Pù Hu, suối cá thần Cẩm Lương...

Nền kinh tế nước ta nói chung và kinh tế Thanh Hoá nói riêng phát triển tương đối nhanh và ổn định, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp và dịch vụ, trong đó dịch vụ du lịch có vai trò đáng kể; đời sống nhân dân từng bước được cải thiện; hệ thống cơ sở hạ tầng đã và đang được đầu tư nâng cấp, phát triển... là những điều kiện thuận lợi để du lịch Thanh Hoá phát triển.

Bên cạnh đó, nhận thức về du lịch không ngừng nâng lên; các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương có sự quan tâm và chỉ đạo tốt hơn hoạt động du lịch. Số lượng doanh nghiệp du lịch tăng, nhiều dự án du lịch được triển khai thực hiện, hoàn thành đưa vào phục vụ khách du lịch; hoạt động du lịch đã thu hút sự quan tâm của đông đảo cộng đồng dân cư.

PV: Nghị quyết số 58 nêu rõ “gắn phát triển du lịch với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá, dân tộc; giữ gìn cảnh quan, bảo vệ môi trường; bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội với 3 loại hình mũi nhọn gồm: Du lịch biển, du lịch sinh thái cộng đồng và du lịch di sản văn hoá, tâm linh”. Xin đồng chí cho biết nhiệm vụ, giải pháp mà ngành triển khai, thực hiện trong thời gian tới?

Đồng chí Phạm Nguyên Hồng: Để thực hiện nhiệm vụ và giải pháp Nghị quyết số 58-NQ/TW đã đề ra, thời gian tới, du lịch Thanh Hoá cần tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ và giải pháp sau:

Thứ nhất, tiếp tục tuyên truyền đổi mới nhận thức, tư duy về phát triển du lịch, nhận thức đầy đủ du lịch là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, mang nội dung văn hóa và nhân văn sâu sắc, đóng góp chính vào hội nhập kinh tế, tạo động lực cho các ngành khác phát triển, đem lại hiệu quả kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, chính trị, đối ngoại và an ninh, quốc phòng. Đổi mới mạnh mẽ tư duy phát triển du lịch theo quy luật kinh tế thị trường, đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Nâng cao ý thức người dân, doanh nghiệp, cộng đồng trong ứng xử văn minh, thân thiện với khách du lịch, từng bước xây dựng thương hiệu và sức thu hút của du lịch.

Thứ hai, phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch. Ưu tiên nguồn lực đầu tư, nâng cấp, mở rộng các tuyến đường giao thông quan trọng, có tính chiến lược, nâng cao khả năng kết nối đến các khu du lịch trọng điểm và hoàn thành các công trình hạ tầng thiết yếu tại các khu, điểm du lịch. Chú trọng phát triển giao thông hàng không; hệ thống cảng biển, đường sông phục vụ phát triển du lịch. Tăng cường thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch; khuyến khích các nhà đầu tư chiến lược đầu tư hình thành các khu dịch vụ du lịch phức hợp, dự án du lịch quy mô lớn, các trung tâm giải trí chất lượng cao tại các khu du lịch trọng điểm.

Thứ ba, phát triển sản phẩm du lịch có chất lượng, đa dạng, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hóa; có khả năng cạnh tranh cao. Đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch biển, thu hút đầu tư, từng bước hình thành hệ thống các khu du lịch với dịch vụ cao cấp, các tổ hợp khu vui chơi giải trí, các khu nghỉ dưỡng nhiều tiện nghi, có khả năng cạnh tranh về nghỉ dưỡng biển, tham quan thắng cảnh biển. Phát triển sản phẩm du lịch di sản văn hóa tâm linh; tập trung công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di sản văn hóa thế giới, các di tích lịch sử; tổ chức các lễ hội văn hóa đặc trưng, loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống, tín ngưỡng dân gian; chú trọng vào tính đa dạng, phong phú và đặc trưng của các giá trị văn hóa để hình thành sản phẩm có tính hấp dẫn mang đậm bản sắc văn hóa. Đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch sinh thái, cộng đồng gắn với tìm hiểu văn hóa, lối sống, ẩm thực, làng nghề. Quan tâm phát triển sản phẩm du lịch khác: Du lịch sông Mã; du lịch đường thủy; du lịch MICE...

Thứ tư, tăng cường xúc tiến, quảng bá du lịch, có trọng tâm, định hướng thị trường mục tiêu, hướng đến thị trường nước ngoài, coi trọng, mở rộng thị trường khách du lịch nội địa; đổi mới cách thức, nội dung, tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại, chuyên nghiệp nhằm xây dựng thành công thương hiệu du lịch Thanh Hóa; đẩy mạnh hoạt động hợp tác, liên kết với các địa phương, các vùng, các địa phương của các nước đã thiết lập quan hệ với tỉnh Thanh Hóa để phát triển sản phẩm, quảng bá điểm đến.

Thứ năm, đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực du lịch chuyên nghiệp, chất lượng cao; quan tâm phát triển lao động du lịch cộng đồng; chú trọng văn hóa ứng xử và phong cách phục vụ nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch.

Thứ sáu, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng phát triển du lịch. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển du lịch, đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ; hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp kinh doanh du lịch, nhất là ở vùng sâu vùng xa. Tạo điều kiện để người dân trực tiếp tham gia kinh doanh và hưởng lợi từ du lịch; phát huy vai trò của các tổ chức xã hội nghề nghiệp trong phát triển du lịch...

Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Hoài Anh


Hoài Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]