(vhds.baothanhhoa.vn) - Sở hữu cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, đa dạng về văn hóa, ẩm thực và hấp dẫn bởi nhiều điểm đến, sản phẩm du lịch mới... Thanh Hoá được đánh giá là địa phương có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tuy nhiên, để làm được điều này, trước hết việc quản lý, đầu tư, kinh doanh, khai thác các khu, điểm cần được thực hiện một cách chặt chẽ, nghiêm túc.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Khai thác hiệu quả các khu, điểm du lịch

Sở hữu cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, đa dạng về văn hóa, ẩm thực và hấp dẫn bởi nhiều điểm đến, sản phẩm du lịch mới... Thanh Hoá được đánh giá là địa phương có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tuy nhiên, để làm được điều này, trước hết việc quản lý, đầu tư, kinh doanh, khai thác các khu, điểm cần được thực hiện một cách chặt chẽ, nghiêm túc.

Tạo chuyển biến trong quản lý điểm đến

Bá Thước được biết đến là một trong những địa bàn du lịch thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh. Chỉ trong một thời gian ngắn, nơi đây đã hình thành nên nhiều khu nghỉ dưỡng, homestay đáp ứng đa dạng nhu cầu của du khách trong nước và quốc tế. Cùng với việc khai thác các giá trị tài nguyên thiên nhiên, văn hoá phục vụ phát triển du lịch, việc gìn giữ, bảo tồn những giá trị này cũng được các cấp chính quyền địa phương, Ban quản lý (BQL) Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông thực hiện một cách nghiêm túc, quyết liệt.

Theo ông Lò Văn Thắng - Phó Chủ tịch UBND huyện Bá Thước, các điểm du lịch trên địa bàn huyện Bá Thước chủ yếu là du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng, do đó song song với phát triển du lịch là việc bảo vệ nghiêm ngặt các giá trị tài nguyên thiên nhiên, văn hoá bản địa, tăng cường quản lý hoạt động du lịch cộng đồng trên địa bàn huyện Bá Thước. Vừa qua, UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Quyết định số 34 (ngày 21/8/2020) về việc “Ban hành quy định về quản lý, đầu tư, kinh doanh, khai thác các khu du lịch cấp tỉnh, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa”, huyện đã triển khai trực tiếp đến các phòng, ban, ngành liên quan và các địa phương trên địa bàn huyện, các xã trọng điểm về phát triển du lịch; thực hiện quyết liệt và áp dụng các biện pháp cụ thể, hiệu quả nhằm tạo chuyển biến cơ bản trong công tác quản lý tài nguyên, cảnh quan môi trường, bảo đảm an ninh an toàn cho khách du lịch... Hiện nay trên địa bàn huyện Bá Thước đã có 2 điểm đến gồm bản Đôn (xã Thành Lâm) và bản Kho Mường (xã Thành Sơn) được phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 - Điểm dân cư nông thôn gắn với phát triển du lịch cộng đồng. Đây là cơ sở để chính quyền địa phương cũng như các nhà đầu tư, kinh doanh dịch vụ du lịch thực hiện tốt các quy định trong quá trình hoạt động.

Các cơ sở lưu trú trên địa bàn huyện Bá Thước được đầu tư xây dựng phù hợp với du lịch sinh thái cộng đồng.

Cùng với các khu, điểm du lịch trên địa bàn toàn tỉnh, khu di tích lịch sử Lam Kinh là một trong những điểm đến được UBND tỉnh công nhận là khu du lịch cấp tỉnh vào năm 2019. Nơi đây không chỉ là điểm tham quan hấp dẫn của du khách, mà còn là quần thể văn hoá, lịch sử, kiến trúc độc đáo, với ý nghĩa giá trị to lớn về mặt lịch sử, văn hoá, tâm linh của tỉnh.

Ông Vũ Đình Sỹ - Trưởng BQL Khu di tích lịch sử Lam Kinh cho biết, cùng với các cấp chính quyền địa phương, BQL có trách nhiệm thực hiện và chỉ đạo thực hiện việc quản lý, khai thác, phát triển khu di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Lam Kinh theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước; đảm bảo giữ gìn, phát triển tài nguyên du lịch, vệ sinh môi trường và an ninh trật tự, an toàn cho du khách; tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch đến tham quan. Đảm bảo phát triển hoạt động du lịch nhưng không xâm hại đến cảnh quan, tài nguyên, giá trị điểm đến.

Hướng tới phát triển du lịch bền vững

Những năm gần đây, du lịch Thanh Hóa có những bước phát triển mạnh mẽ, vươn lên trở thành một trong những điểm đến du lịch hấp dẫn nhất cả nước. Nhiều địa phương đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội, từ thế mạnh sẵn có về bản sắc văn hóa, điều kiện tự nhiên, cảnh quan, môi trường đã tập trung phát triển du lịch. Thế nhưng, bên cạnh những kết quả tích cực, trên thực tế cũng xuất hiện tình trạng một số nơi chính quyền địa phương và cơ quan chức năng chậm vào cuộc, dẫn đến tình trạng một số doanh nghiệp, cá nhân đầu tư, kinh doanh du lịch không theo hoạch định, bài bản, ít nhiều làm “méo mó” đi giá trị ban đầu của điểm đến. Lấy ví dụ, tại huyện Bá Thước, nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư, khai thác du lịch cộng đồng tại bản Đôn, xã Thành Lâm đã dẫn đến việc quy hoạch xây dựng, cơ sở vật chất chưa thực sự phù hợp, đáp ứng yêu cầu điểm đến. Gần đây nhất, khu nghỉ dưỡng Ebino Puluong & Spa, bản Đôn, xã Thành Lâm cũng xây dựng khi chưa có giấy phép, công trình xây dựng không phù hợp với quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 của điểm đến, không phù hợp với tính chất của du lịch cộng đồng. Trước sự việc này, cùng với sự chỉ đạo của các cấp, sở, ngành, chính quyền huyện Bá Thước đã kiểm tra, xử lý nghiêm sự việc, yêu cầu dừng thi công công trình.

Có thể thấy rằng, không chỉ tại các khu du lịch cộng đồng, mà bất cứ điểm đến nào trên địa bàn toàn tỉnh cũng cần được quản lý chặt chẽ, đầu tư, kinh doanh, khai thác một cách phù hợp, trước hết là sự vào cuộc của chính quyền và người dân địa phương.

Anh Bùi Việt Anh - Quản lý Jungle Lode (bản Bầm, xã Thành Lâm, huyện Bá Thước) cho biết, Jungle Lode mới đi vào hoạt động được 5 tháng, với tôn chỉ, mục đích phát triển du lịch bền vững dựa trên lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, bởi vậy mọi quy hoạch, chi tiết xây dựng toàn khu, bao gồm 5 bungalow và 3 khu nhà sàn, Jungle Lode đều hướng đến việc phù hợp với cảnh quan tự nhiên, văn hoá bản địa, tận dụng các vật liệu từ thiên nhiên cũng như các điều kiện cảnh quan sẵn có để hình thành nên một điểm đến du lịch cộng đồng lý tưởng.

Tại Thanh Hoá, du lịch được tỉnh xác định phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Để làm được điều này, trước hết phải xây dựng và thực hiện quy hoạch một cách đồng bộ, nghiêm túc. Trong đó, cần quản lý, đầu tư, kinh doanh, khai thác các khu, điểm du lịch cấp tỉnh một cách có hiệu quả. Đặc biệt, ngày 21/8/2020, UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Quyết định số 34/2020/QĐ-UBND về việc ban hành quy định về quản lý, đầu tư, kinh doanh, khai thác các khu du lịch cấp tỉnh, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá. Theo quy định, việc quản lý, đầu tư, kinh doanh, khai thác các khu du lịch cấp tỉnh, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh được thực hiện trên 4 nguyên tắc quản lý. Đồng thời, quy định cụ thể về mô hình quản lý khu du lịch cấp tỉnh, điểm du lịch do Nhà nước quản lý và do hộ kinh doanh, doanh nghiệp, hợp tác xã, cá nhân đầu tư không bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước; quy định quản lý hoạt động kinh doanh du lịch; công tác quy hoạch, đầu tư, khai thác tài nguyên, bảo tồn văn hoá và bảo vệ môi trường. Có thể nói, việc ban hành quy định về quản lý, đầu tư, kinh doanh, khai thác các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa góp phần tăng cường công tác quản lý Nhà nước, phát huy hiệu quả các khu, điểm du lịch, hướng tới phát triển du lịch bền vững.

Hoài Anh


Hoài Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]