(vhds.baothanhhoa.vn) - Hình ảnh người dân sẵn sàng bỏ tiền cao gấp 3, gấp 4 lần để mua một hộp khẩu trang nhưng không được, tìm mua nước rửa tay không có; nhiều cửa hàng, đơn vị kinh doanh trục lợi đẩy giá, nguồn cung vượt cầu đang khiến cho thị trường tiêu dùng Thanh Hóa ở nhiều nơi lâm tình trạng “bất ổn”. Không chỉ thế, văn hóa, du lịch cũng như nhiều lĩnh vực khác đang chịu tác động nặng nề bởi dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona (nCoV).

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thị trường gặp khó, di tích vắng lặng vì nCoV

Hình ảnh người dân sẵn sàng bỏ tiền cao gấp 3, gấp 4 lần để mua một hộp khẩu trang nhưng không được, tìm mua nước rửa tay không có; nhiều cửa hàng, đơn vị kinh doanh trục lợi đẩy giá, nguồn cung vượt cầu đang khiến cho thị trường tiêu dùng Thanh Hóa ở nhiều nơi lâm tình trạng “bất ổn”. Không chỉ thế, văn hóa, du lịch cũng như nhiều lĩnh vực khác đang chịu tác động nặng nề bởi dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona (nCoV).

Thị trường gặp khó

Không khó để nhận ra sự ảnh hưởng rõ rệt từ dịch nCoV tới thị trường hàng hóa, tiêu dùng. Kể từ khi dịch viêm đường hô hấp cấp nCoV bùng phát tại Trung Quốc cho tới những ca dương tính với nCoV đầu tiên tại Việt Nam, người dân đã đổ xô đi mua khẩu trang, nước rửa tay... Ghi nhận đến thời điểm hiện tại, hàng loạt các hiệu thuốc, cửa hàng tiêu dùng các mặt hàng khẩu trang, nước rửa tay, xà phòng diệt khuẩn... gần như “cháy” hàng, không có để mua. Rảo một vòng các tuyến phố lớn như Lê Hoàn, Nguyễn Trãi, đại lộ Lê Lợi... ghé các hiệu thuốc lớn, các cửa hàng kinh doanh hàng hóa, tiêu dùng hỏi mua khẩu trang hay nước rửa tay, câu trả lời mà chúng tôi nhận được là những cái lắc đầu!

Chung cảnh ngộ như nhiều người dân khác, anh Nguyễn Văn Hưng (huyện Triệu Sơn) lắc đầu: “Tôi đã tìm gần như khắp cả thành phố mà không mua được khẩu trang y tế, nước rửa tay. Đến cửa hàng nào họ cũng trả lời theo kiểu mệt mỏi là không có. Không có khẩu trang y tế, buộc tôi phải mua khẩu trang bằng vải về dùng, không biết hiệu quả sẽ như thế nào, nhưng có còn hơn không!”

Lý giải cho tình trạng khan hiếm khẩu trang cũng như nước rửa tay nguyên nhân chính có thể hiểu là do “cung vượt cầu”. Cùng lúc người dân đổ xô đi mua số lượng lớn các mặt hàng trên khiến cho thị trường không kịp cung ứng. Bên cạnh đó, không ít trường hợp các hiệu thuốc, cửa hàng cố tình găm hàng, đội giá. Đơn cử như mặt hàng khẩu trang, không chỉ Hà Nội, cũng như các tỉnh thành khác mà tại Thanh Hóa tình trạng “loạn giá bán” khẩu trang cũng không ngoại lệ. Nếu như thường lệ, 1 hộp khẩu trang y tế có giá bán khoảng 40 nghìn đồng/hộp thì thời điểm phòng dịch, nhiều cửa hàng đã đội giá lên 200 đến 300 nghìn đồng/ 1 hộp khẩu trang.

Trước tình trạng trục lợi, ăn theo, tăng giá bán... lực lượng chức năng Cục Quản lý thị trường Thanh Hóa đã kiểm tra, phát hiện và xử lý nhiều trường hợp không niêm yết giá cũng như tăng giá các mặt hàng phòng dịch. Đơn cử, trường hợp 2 quầy thuốc tại huyện Nông Cống lợi dụng tình hình dịch bệnh đẩy giá khẩu trang lên cao, thu lời bất chính, gây bức xúc trong nhân dân. Cục quản lý thị trường cũng ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 2 cơ sở trên, với mức mỗi cơ sở 25.750.000 đồng.

Trong khi đó, theo ghi nhận của phóng viên đối với hệ thống các siêu thị lớn, siêu thị mini tình trạng người dân đổ xô đi mua khẩu trang, nước rửa tay, thực phẩm tươi sống, cũng gia tăng đột biến. Việc tăng đột biến nguồn cung khiến cho nguồn cung ứng kịp thời của các siêu thị gặp nhiều khó khăn. Một khách hàng cho biết: “Đến siêu thị có lẽ là nơi các mặt hàng được ổn định giá hơn cả. So với việc mua hàng hóa tại các chợ, cửa hàng nhỏ lẻ, nhiều mặt hàng bị đội giá một cách vô tội vạ!”

Ông Lê Văn Liêm - Giám đốc Siêu thị Co.op Mart Thanh Hóa cho biết: “Dịch nCoV đã ảnh hưởng ít nhiều đến hoạt động kinh doanh của siêu thị. Ngoài việc một số mặt hàng như thực phẩm tươi sống, hàng khô lượng tiêu thụ tăng 30 đến 40% thì lượng khách đến với siêu thị về đêm giảm đáng kể, các dịch vụ vui chơi cho trẻ, ăn uống cũng gần như vắng khách”...

Di tích vắng khách trong mùa dịch nCoV.

Đến các hoạt động văn hóa, du lịch...

Rõ ràng dịch nCoV đã và đang gây ra những tác động không nhỏ trên tất cả các bình diện kinh tế - xã hội. Kể từ khi Thủ tướng Chính phủ công bố dịch và Thanh Hóa là 1 trong 3 tỉnh đầu tiên có trường hợp dương tính nCoV nhiều biện pháp nhằm ngăn ngừa, phòng dịch nCoV đã được tỉnh Thanh Hóa triển khai rốt ráo như: Cho HSSV nghỉ học, tạm dừng các lễ hội chuẩn bị tổ chức, ngừng nhập cảnh khách du lịch Trung Quốc... Tuy nhiên, song hành với những biện pháp trên là sự đìu hiu tại các lễ hội, địa điểm du lịch vắng khách; là sự thất thu từ các công ty lữ hành, các nhà hàng ăn uống và hàng loạt những lĩnh vực ngành nghề dịch vụ khác.

Cụ thể, nhiều lễ hội lớn như Lễ hội đền Nưa - Am Tiên, lễ hội Phủ Na, lễ hội phát ấn đền Trần... phải tạm dừng hoặc giảm về quy mô. các điểm du lịch như: Thành Nhà Hồ, suối cá thần Cẩm Lương, Bến En... du khách giảm mạnh. Cụ thể, tại suối cá thần Cẩm Lương sự nhộn nhịp đông đúc của những năm trước đã giảm đi trông thấy. Một lãnh đạo huyện Cẩm Thủy đánh giá: “Lượng du khách năm nay chủ yếu là khách nội tỉnh là chính. Lượng khách từ các tỉnh, thành khác cũng như du khách nước ngoài giảm mạnh”. Trong khi đó, tại di sản Thành Nhà Hồ, di tích đền Nưa - Am Tiên... cũng không ngoại lệ. Lượng du khách đến chiêm bái, dâng hương giảm rõ rệt, số du khách lưu trú gần như không có. Các nhà hàng ăn uống, các điểm vui chơi, du xuân gần như vắng lặng.

Riêng đối với các công ty lữ hành, cơ sở lưu trú... trước diễn biến vô cùng phức tạp của dịch virus nCoV, Sở VH,TT&DL Thanh Hoá đã có Công văn số 280/SVHTTDL-QLDL (ngày 30/01/2020) gửi các doanh nghiệp lữ hành, cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh về việc tăng cường kiểm soát, phòng chống dịch bệnh viêm phổi do virus nCov. Đồng thời, yêu cầu các công ty lữ hành tạm dừng việc tổ chức các đoàn khách du lịch tới các tỉnh, thành phố Trung Quốc đang có dịch, có người mắc bệnh dịch, không đón khách du lịch từ vùng có dịch vào Việt Nam.

Trong khi đó, với ngành giáo dục, để ngăn ngừa khả năng lây lan của dịch viêm đường hô hấp do virus nCoV, Sở GD&ĐT Thanh Hóa cũng như các trường đại học trên địa bàn tỉnh đã ra các thông báo cho HSSV được nghỉ học ddđến hết ngày 15/02, và tiếp tục điều chỉnh nếu như dịch bệnh chưa được kiểm soát. Việc con em nghỉ học ở nhà trong khi phụ huynh vẫn phải đi làm, đã đang khiến cho nhiều gia đình loay hoay giải pháp tìm chỗ gửi con cũng như việc quản lý, biện pháp phòng ngừa dịch bệnh...

Sơn Đình


Sơn Đình

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]