(vhds.baothanhhoa.vn) - Vùng đất Bồng Báo (huyện Vĩnh Lộc) là nơi phát tích của các đời chúa Trịnh “Quyền khuynh thiên hạ” trong lịch sử dân tộc. Về Bồng Báo hôm nay, trong không gian của vùng đất cổ, còn đó những dấu tích văn hóa, lịch sử với giá trị lưu giữ.

Trên đất Bồng Báo

Vùng đất Bồng Báo (huyện Vĩnh Lộc) là nơi phát tích của các đời chúa Trịnh “Quyền khuynh thiên hạ” trong lịch sử dân tộc. Về Bồng Báo hôm nay, trong không gian của vùng đất cổ, còn đó những dấu tích văn hóa, lịch sử với giá trị lưu giữ.

Trên đất Bồng BáoDi tích quốc gia nghè Vẹt cổ kính, thâm nghiêm.

Theo các cụ cao niên trong vùng, tổng Bồng khi xưa bao gồm ba làng (xã) lớn: Bồng Thượng, Bồng Trung, Bồng Hạ. Trong đó, Bồng Hạ và Bồng Trung nay là xã Minh Tân; Bồng Thượng là xã Vĩnh Hùng. Nơi đây còn được biết đến với tên gọi Bồng Báo, có núi Báo gắn liền với sản vật sâm Báo nổi tiếng.

Nhắc đến vùng đất Bồng Báo, hậu thế nhớ đến quê hương của các chúa Trịnh, trong đó chúa Trịnh Kiểm với vai trò quan trọng trong sự nghiệp trung hưng nhà Lê; còn là người sáng lập vương nghiệp nhà Chúa (chúa Trịnh), đặt nền tảng cho một thể chế Nhà nước đặc biệt: Vua Lê - Chúa Trịnh.

Sinh ra trong gia đình vốn nghèo khó, nhưng ngay từ nhỏ, Trịnh Kiểm đã bộc lộ khí chất hơn người. Lớn lên, ông theo An Thanh Hầu Nguyễn Kim gây dựng cơ nghiệp trung hưng nhà Lê. Thấy ông dũng lược hơn người nên Nguyễn Kim hết lòng tin tưởng, đồng thời gả cho con gái Ngọc Bảo. Khi Nguyễn Kim đột ngột qua đời, Trịnh Kiểm trở thành người kế nghiệp. Khi Thượng tướng Thái Quốc công Trịnh Kiểm qua đời, ông được truy tôn là Thế tổ Minh Khang Thái vương.

Năm 1546, cùng với việc lập hành điện ở sách Vạn Lại (Vạn Lại - Yên Trường) thì sau đó chúa Trịnh Kiểm cũng lập dựng phủ Chúa ở đất Biện Thượng (Bồng Thượng). Phủ Trịnh tọa lạc ở vị thế sông núi bao quanh, non nước hữu tình. Đến hôm nay ở vùng đất này còn lưu truyền những câu thơ ngợi ca cảnh sắc đầy tự hào: “Dòng Mã giang mênh mang sóng bạc/ Dải Hùng Vương man mác điệp trùng/ Núi sông hun đúc khí hùng/ Sáo Sơn, Biện Thượng một vùng Thanh Hoa”. Theo một số tài liệu lưu giữ tại địa phương cũng như các cụ cao niên trong làng kể lại, Phủ Trịnh khi xưa xây dựng trên khu vực rộng lớn với đầy đủ các công trình, như: Từ Phủ là nơi các chúa Trịnh làm việc, tiếp khách; Nội Phủ là nơi các chúa ở; nơi thờ cúng; khu làm việc của các quan, hoa viên, vườn hồ... Đến thời Nguyễn, Phủ Trịnh được “đại trùng tu”. Và đến hôm nay, trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, thời gian, Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Phủ Trịnh hiện còn lưu giữ nhiều hiện vật giá trị. Hàng năm, vào tháng 2 (âm lịch) giỗ Minh Khang Thái vương Trịnh Kiểm, người dân ở khắp vùng lại thành kính về đây dâng hương tưởng nhớ tiền nhân. Đây là lễ hội có quy mô lớn bậc nhất trong vùng.

Trên đất Bồng Báo, bên cạnh Phủ Trịnh là nghè Vẹt - công trình gỗ giá trị, khởi dựng cách ngày nay khoảng 500 năm gắn liền với công lao của các chúa Trịnh. Nghè Vẹt khi xưa vốn là nơi thờ Thành hoàng làng Trịnh Ra, về sau còn được phối thờ bài vị các chúa Trịnh. Tương truyền, tên gọi nghè Vẹt do chúa Trịnh Kiểm đặt, gắn với câu chuyện lưu truyền trong dân gian. Khi mẹ của Trịnh Kiểm qua đời, xác bà trôi trên sông Mã thì được đàn chim vẹt bay trên bầu trời tạo thành lọng tán che, đến khi trôi dạt vào bờ thì một người làng nhìn thấy thương tình chôn cất. Tuy nhiên, khi người này trở về nhà lấy dụng cụ để đào hố, đến khi quay trở lại bờ sông thì mối đã đùn lên thành mộ. Người đời cho rằng đó là thiên táng. Về sau, khi chúa Trịnh Kiểm làm nên cơ nghiệp, tưởng nhớ công ơn đàn chim vẹt năm xưa, nên khi nghè được dựng lên, ngài đã đặt tên nghè Vẹt.

Dù trải qua thời gian với nhiều lần trùng tu, nghè Vẹt vẫn là công trình gỗ bề thế với nhiều nét cổ kính, thâm nghiêm. Tại đây, cũng lưu giữ số lượng lớn hiện vật giá trị, như: vẹt gỗ cỡ lớn, ngựa gỗ, khánh đá, rùa đá, tượng phỗng, đồ minh khí thờ tự... Cùng với Phủ Trịnh thì nghè Vẹt là điểm nhấn tham quan, chiêm bái cho du khách khi về với vùng đất Bồng Báo.

Trên đất Bồng BáoVăn bia cổ trong đền thờ Thái tể Vinh Quốc công Hoàng Đình Ái trên vùng đất Bồng Báo.

Và ở Bồng Báo, còn có đền thờ vị danh tướng xứ Thanh thời Lê Trung hưng, ông là Thái tể Vinh Quốc công Hoàng Đình Ái. Ông sinh năm 1526 (có tài liệu viết 1527), lớn lên trong bối cảnh cuộc chiến tranh Lê - Mạc khiến đất nước chia cắt. Từ nhỏ, ông chăm chỉ luyện tập võ nghệ để khi trưởng thành, ông trở thành một trong những danh tướng tài ba giúp trung hưng nhà Lê. Sách Lịch triều hiến chương loại chí đã viết: “Hoàng Đình Ái có học thức, thông binh pháp, cầm quân nghiêm chỉnh, trong thì giúp mưu mô, ngoài thì đánh dẹp, tự mình trải vài trăm trận đánh, đến đâu được đấy... ưu đãi sĩ phu, giữ gìn pháp độ đi đánh dẹp, mọi người đều khen là giỏi”. Ông làm quan trải qua 4 triều vua Lê, dù ở vị trí quan văn, tướng võ thì công danh cũng bao trùm thiên hạ, sự nghiệp rải khắp biên thùy. Với những đóng góp quan trọng của lão tướng uy danh Hoàng Đình Ái nên khi ông mất, vua Lê buồn thương, nghỉ thiết triều 5 ngày (theo sách Thanh Hóa tỉnh Vĩnh Lộc huyện chí). Với công lao to lớn, ông vào hàng công thần trung hưng bậc nhất.

Đền thờ danh tướng Hoàng Đình Ái trên quê hương Bồng Thượng được lập dựng sau khi ông qua đời. Ngày nay, tại đền thờ ông còn lưu giữ được nhiều sắc phong của các triều vua ban tặng và các đồ thờ như: hương án, bát hương, bộ bát biểu, mâm bồng, cây nến... Hàng năm, nhớ tới ngày mất của ông, con cháu khắp nơi đều tìm về “vấn tổ tìm tông”.

Trên đất cổ Bồng Thượng, nằm dựa lưng vào núi Báo, soi mình xuống dòng sông Mã còn có ngôi chùa Báo Ân gắn liền với nhiều huyền tích. Trong đó, tên gọi Báo Ân được hiểu theo nghĩa báo đền ơn đức. Đến nay, vẫn chưa có khẳng định chắc chắn về thời gian khởi dựng của chùa Báo Ân trên đất Bồng Báo. Trong phong trào Cần Vương chống Pháp, chùa Báo Ân là nơi thường xuyên lui tới của các nghĩa quân Hùng Lĩnh dưới sự lãnh đạo của Tống Duy Tân. Và trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, chùa Báo Ân còn là nơi liên lạc và ẩn náu của các chiến sĩ cộng sản. Trong kháng chiến chống Pháp chùa là nơi nuôi dưỡng, chăm sóc và cứu chữa thương bệnh binh. Trải qua hàng trăm năm, tại chùa Báo Ân trên quê hương Bồng Báo còn lưu truyền lễ hội rước nước truyền thống diễn ra vào 28-2 (âm lịch), mang đậm nét tín ngưỡng văn hóa của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước...

Bài và ảnh: Khánh Lộc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]