(vhds.baothanhhoa.vn) - Kẻ Chòm - làng Chòm nay là làng Đắc Châu thuộc xã Tân Châu (Thiệu Hóa) nằm bên bờ sông Chu. Nơi đây nổi tiếng với nghề làm bánh đa có tuổi đời cả trăm năm. Cùng với phát triển kinh tế, người dân làng Chòm còn chú trọng giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống.

Trên đất làng Chòm

Kẻ Chòm - làng Chòm nay là làng Đắc Châu thuộc xã Tân Châu (Thiệu Hóa) nằm bên bờ sông Chu. Nơi đây nổi tiếng với nghề làm bánh đa có tuổi đời cả trăm năm. Cùng với phát triển kinh tế, người dân làng Chòm còn chú trọng giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống.

Trên đất làng ChòmDi tích đình, đền làng Đắc Châu là nơi thờ vị Thần hoàng làng được người dân tôn kính.

Làng Đắc Châu ngày nay, kẻ Chòm khi xưa vào thời Nguyễn còn được biết đến với tên gọi làng Ngọc Hoạch. Người dân địa phương xưa nay vẫn tin rằng, làng nằm trên thế đất hình rồng cuộn. Và đến nay chưa có khẳng định chắc chắn về thời gian lập dựng làng.

Lý giải về tên gọi kẻ Chòm, ông Lê Đình Thọ, bí thư chi bộ thôn Đắc Châu, kiêm trưởng ban quản lý di tích đình, đền làng Đắc Châu, cho biết: “Theo các cụ cao niên trong làng, có thể khi xưa, những người đầu tiên đến kẻ Chòm gây dựng cơ nghiệp đã quần cư thành một chòm nhỏ bên bờ sông Chu, vì lẽ đó mà có cái tên làng Chòm chăng!?. Còn nếu căn cứ theo sắc phong đời vua Lê Dụ tông ban cho Thần hoàng làng Đắc Châu, thì kẻ Chòm hình thành cách ngày nay ít nhất trên 300 năm”.

Nằm bên bờ sông Chu, đất đai tốt tươi, bởi vậy mà kẻ Chòm đã thu hút người từ muôn phương về đây gây dựng cơ nghiệp. Có lẽ vì thế mà đến nay, ở làng Chòm có đến 37 dòng họ cùng nhau sinh sống. Trong đó, các họ như Lê, Nguyễn, Phùng, Trần, Hoàng, Đỗ... được biết đến là những dòng họ đầu tiên đến sinh sống ở vùng đất này.

Được bồi đắp bởi phù sa, bao đời nay nghề nông vẫn giữ vai trò quan trọng trong đời sống người dân làng Chòm. Tuy nhiên, không dừng lại ở hạt gạo làm ra, với sự chăm chỉ, khéo léo, người làng Chòm còn tạo ra thứ bánh đa thơm ngon nức tiếng xa gần. Bánh đa làng Chòm xốp mềm bởi gạo, thơm bùi nhờ vừng và giòn rụm sau khi nướng than hồng, ăn một lần là nhớ.

Anh Nguyễn Trọng Quang - 46 tuổi chủ cơ sở sản xuất bánh đa Quang Thu làng Đắc Châu (xã Tân Châu) cho biết: “Từ thuở bé tôi đã gắn bó với nghề làm bánh đa, lớn lên giữa những gạo, vừng, bột rồi nhìn theo cách người lớn làm mà tự biết nghề lúc nào không hay. Không rõ trước đó thế nào, nhưng gia đình tôi, từ ông bà nội, bố mẹ, tôi và con cái đã 4 đời tiếp nối làm nghề này. Làm nghề này không quá khó, nhưng phải chăm chỉ, chịu khó và phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Người làm nghề phải dậy từ sáng sớm pha bột, tráng bánh, để khi nắng lên đã có thể phơi dưới nắng gió. Vào ngày “được nắng” chỉ khoảng 2, 3 giờ chiều là đã hoàn chỉnh một mẻ bánh đa đạt chất lượng. Tuy nhiên, nếu gặp ngày thời tiết âm u, mưa nắng bất chợt sẽ ảnh hưởng nhiều đến chất lượng bánh. Trung bình, mỗi ngày gia đình tôi sản xuất khoảng 1.000 bánh, có thu nhập ổn định”.

Trên đất làng ChòmBánh đa làng Chòm nổi tiếng khắp xa gần.

Bánh đa làng Chòm thơm ngon với hương vị riêng. Và không quá lời khi nói rằng, nhắc đến làng Chòm, nhớ đến bánh đa và ngược lại. Nghề làm bánh truyền thống được người dân địa phương đời nối đời phát triển, góp phần quan trọng vào việc xây dựng, thay đổi diện mạo làng quê nông thôn giàu mạnh. Ông Vũ Đình Dũng, Chủ tịch UBND xã Tân Châu, cho biết: “Nghề làm bánh đa mang lại hiệu quả kinh tế cao, thu nhập ổn định cho người làm nghề. Vì thế mà từ làng Đắc Châu, nghề làm bánh đa, bánh chả đã được “nhân rộng” ra nhiều làng xung quanh của xã Tân Châu. Theo khảo sát tại địa phương, mỗi một người làm nghề toàn thời gian, sẽ có thu nhập trung bình từ 10 - 12 triệu đồng/tháng. Hiện nay trên địa bàn xã Tân Châu có trên 200 hộ làm nghề. Ngoài làm bánh đa truyền thống, người dân còn làm bánh chả, miến gạo - các sản phẩm từ gạo. Hiện tại, toàn xã đã có các sản phẩm bánh đa vừng, bánh đa nem, miến gạo được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao”.

Cũng theo chia sẻ của các hộ làm nghề ở làng Đắc Châu, bánh đa làng Chòm hiện được đưa đi tiêu thụ khắp cả nước, thậm chí sang cả nước ngoài, là thức quà quê dân dã để người đi xa nhớ về quê hương.

Cũng như bao làng quê thuần Việt, cùng với phát triển kinh tế, người dân làng Chòm còn chú trọng vun đắp cho đời sống văn hóa, tinh thần được phong phú. Vừa dẫn chúng tôi đi tham quan quanh làng, ông Lê Đình Thọ, bí thư chi bộ thôn Đắc Châu, kiêm trưởng ban quản lý di tích đình, đền Đắc Châu, chia sẻ: “Trước đây ở làng Đắc Châu có sự hiện hữu của các công trình kiến trúc tâm linh như đình, chùa, nghè, miếu với quy mô khá bề thế. Trước Cách mạng Tháng Tám và trong hai cuộc chiến tranh vệ quốc của dân tộc, đình làng Đắc Châu còn là nơi diễn ra các buổi tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng; nơi diễn ra các lớp bình dân học vụ; nơi tập kết, đóng quân của bộ đội, chăm sóc thương, bệnh binh... Song vì nhiều nguyên do, đến nay chỉ còn di tích đình, đền làng Đắc Châu đã được trùng tu, tôn tạo vững chắc và được công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh”.

Hiện nay, tại di tích đình, đền làng Đắc Châu may mắn còn lưu giữ 3 sắc phong. Bên cạnh đó là hệ thống văn bia, đồ thờ... Chỉ tay vào chiếc kiệu rước được cất giữ trong di tích, ông Lê Đình Thọ tự hào: “Chiếc kiệu này đã có tuổi cả trăm năm, không nhiều làng quê còn giữ được, nên nói đó là bảo vật của làng quê Đắc Châu chúng tôi cũng không sai đâu”.

Di tích đình, đền làng Đắc Châu là nơi thờ vị Thần hoàng làng có công giúp nước, giúp dân đánh dẹp giặc ngoại xâm, được các triều vua sắc phong “Thượng đẳng thần”. Hàng năm vào ngày mùng 9, 10 tháng Giêng, người dân lại nô nức trở về di tích đình, đền làng Đắc Châu tổ chức lễ hội truyền thống cầu mong một năm mới tốt lành, mùa màng bội thu, cuộc sống người dân no đủ.... Lễ hội đình, đền làng Đắc Châu cũng là một trong những lễ hội truyền thống lớn trên địa bàn huyện Thiệu Hóa. Lễ hội giàu giá trị, có sức sống lâu bền, lan tỏa trong cộng đồng dân cư khắp vùng.

Viết về làng Đắc Châu, theo sách Lịch sử Đảng bộ và phong trào cách mạng xã Thiệu Châu (nay sáp nhập thành xã Tân Châu): “Làng gồm người tứ xứ về đây nên mang theo nhiều phong tục đẹp, nhiều nét văn hóa riêng và nhiều ngành nghề như làm bánh đa, bánh chả, làm kẹo, buôn bán hàng xén. Vì thế, thời phong kiến Đắc Châu không phải là làng lớn nhưng vẫn là một làng tương đối trù phú, giàu có và phong lưu trong vùng”. Tiếp nối truyền thống đó, Đắc Châu hôm nay vẫn đang từng ngày phát triển, người dân cùng nhau chung sức xây dựng để làng quê bên bờ sông Chu thực sự trở thành miền quê đáng sống.

Bài và ảnh: Khánh Lộc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]