(vhds.baothanhhoa.vn) - Trong tháng Tám mùa thu lịch sử, hành trình về nguồn thăm di tích lịch sử cách mạng, kháng chiến luôn thu hút sự quan tâm của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh.

Tháng Tám thăm các di tích lịch sử cách mạng

Trong tháng Tám mùa thu lịch sử, hành trình về nguồn thăm di tích lịch sử cách mạng, kháng chiến luôn thu hút sự quan tâm của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh.

Tháng Tám thăm các di tích lịch sử cách mạngÔng Vũ Ngọc Rỡ, cháu nội mẹ Tơm, hiện đang chăm sóc Nhà lưu niệm mẹ Tơm.

Trong những ngày thu tháng Tám lịch sử, về với mảnh đất Hậu Lộc, địa chỉ được nhiều người tìm đến là Nhà tưởng niệm đồng chí Lê Hữu Lập, một trong những người chiến sĩ cách mạng đầu tiên của Việt Nam. Theo tài liệu lịch sử ghi chép lại, Lê Hữu Lập, sinh năm 1897 ở thôn Hữu Nghĩa, tổng Xuân Trường, huyện Hậu Lộc (nay là xã Xuân Lộc, Hậu Lộc) là con của một gia đình nho học có khí tiết. Ông là người có công phát triển Hội Việt Nam cách mạng thanh niên ở Thanh Hóa, là Bí thư đầu tiên của Tỉnh bộ lâm thời và Tỉnh bộ chính thức. Từ năm 2016, sau khi được khánh thành, Nhà tưởng niệm đồng chí Lê Hữu Lập đã đón hàng nghìn lượt khách đến thăm viếng mỗi năm.

Cũng trong hành trình về với Hậu Lộc, “địa chỉ đỏ” tiếp theo không thể bỏ qua đó là Nhà lưu niệm mẹ Tơm. Mẹ Tơm tên thật là Nguyễn Thị Quyển (1880-1953). Mẹ có 4 người con là Vũ Thị Diệp, Vũ Thị Dực, Vũ Văn Sồ và Vũ Đức Hậu. Mẹ Tơm và những người thân trong gia đình đã có công nuôi giấu, che chở nhiều cán bộ của Đảng như: Tố Hữu, Lê Tất Đắc, Trịnh Ngọc Điệt... Lúc bấy giờ, gia đình 6 người của mẹ mỗi người mỗi việc. Chồng bà ở nhà đan rổ, rá để canh gác cho cán bộ. Mẹ Tơm đi chợ, dưới mỗi gánh hàng của mẹ là những bó truyền đơn kêu gọi đấu tranh. Hai người con trai đi cắt tóc dạo để lấy tiền mua thực phẩm nuôi cả nhà và cán bộ, chiến sĩ cách mạng, đồng thời làm nhiệm vụ giao thông, liên lạc, đưa tài liệu, truyền đơn đến cơ sở đã định ở Nga Sơn, Hà Trung, Hoằng Hóa...

Ghi nhận công lao của gia đình mẹ, Đảng, Nhà nước đã tặng Bằng có công với nước, công nhận thiết chế vật chất của gia đình là Di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh. Ngày 22-12-2010, nhà lưu niệm mẹ Tơm thuộc Khu di tích lịch sử cách mạng nhà bà Nguyễn Thị Quyển được khởi công xây dựng và khánh thành ngày 15-9-2011. Năm 2021-2022, lăng mộ mẹ Tơm nằm trong khu di tích cũng đã được cháu, chắt mẹ Tơm tôn tạo khang trang, xứng đáng với công lao đóng góp cho cách mạng của ông bà và các con.

Hiện, ông Vũ Ngọc Rỡ (65 tuổi, cháu nội mẹ Tơm, con trai út của ông Vũ Đức Hậu) đang ở cùng gia đình trông nom, giữ gìn ngôi nhà.

Với ý nghĩa lịch sử cách mạng đặc biệt, trong những ngày tháng Tám cách mạng này, ngôi nhà luôn tấp nập du khách, nhất là các nhà nghiên cứu, sưu tầm lịch sử cách mạng.

Trong truyền thống cách mạng vẻ vang của tỉnh Thanh Hóa, không thể không nhắc đến quê hương cách mạng Hoằng Hóa. Hoằng Hóa là huyện đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa khởi nghĩa giành chính quyền về tay Nhân dân, góp phần quan trọng vào thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Hiện nay, tại các địa phương trong huyện vẫn còn lưu giữ nhiều di tích lịch sử cách mạng, là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ.

Tháng Tám thăm các di tích lịch sử cách mạngKhu di tích tưởng niệm Bác Hồ ở xã Yên Trường (Yên Định).

Trong đó, Khu di tích lịch sử Cồn Mã Nhón (thôn Đằng Trung, xã Hoằng Đạo) là dấu son lịch sử của cuộc khởi nghĩa giành chính quyền của Nhân dân Hoằng Hóa. Theo các cụ cao niên trong làng kể lại, ngày đó do đặc điểm địa hình nơi đây một bên là cây cối rậm rạp, một bên là đồng lầy, Cồn chỉ có một tuyến độc đạo qua để đi đến các thôn, làng phía Nam huyện Hoằng Hóa. Việc bố trí trận địa ở Cồn Mã Nhón tự vệ hoạt động tiến lui dễ dàng, bởi thông thạo địa hình, còn kẻ địch sẽ lúng túng khi bị tiến công. Cồn được chọn làm nơi phục kích, tổ chức tác chiến. Theo đó, lực lượng tự vệ 3 Đằng (Đằng Trung, Đằng Xá, Đằng Cao) và người đân địa phương đã dồn công sức làm đường ngang, lối tắt trong Cồn Mã Nhón, chuẩn bị lực lượng sẵn sàng chờ thời cơ bố trí trận đánh.

Khi thời cơ chín muồi, ngày 24-7-1945, tại Cồn Mã Nhón, Cồn Ba Cây, dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Đảng và Ban Việt Minh huyện đã diễn ra cuộc chiến đấu dũng cảm, ngoan cường, táo bạo của các chiến sĩ tự vệ và Nhân dân, bắt sống tri phủ và đơn vị bảo an binh, giành chính quyền cách mạng về tay Nhân dân. Đây là thắng lợi đầu tiên mở màn cho các cao trào khởi nghĩa giành chính quyền và đưa phong trào cách mạng toàn tỉnh phát triển đến đỉnh cao.

Bên cạnh đó, những di tích lịch sử cách mạng như Tượng đài Lão dân quân Hoằng Trường (xã Hoằng Trường), nơi ghi dấu câu chuyện lịch sử về những lão dân quân Hoằng Trường bắn rơi máy bay phản lực của Mỹ bằng súng phòng không; Đài chiến thắng trận đầu của Hải quân Nhân dân Việt Nam (xã Hoằng Trường) ghi dấu “chiến công đánh thắng trận đầu” của Hải quân Việt Nam...

Và còn rất nhiều di tích cách mạng trên khắp tỉnh Thanh Hóa, mỗi di tích là một câu chuyện về bản anh hùng ca của người dân Thanh Hóa trong các cuộc kháng chiến. Ngày nay, những di tích cách mạng không chỉ là “địa chỉ đỏ” giáo dục thế hệ trẻ về lòng yêu nước mà còn là điểm đến du lịch tham quan, tìm hiểu của đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh.

Bài và ảnh: Phong Vân



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]