(vhds.baothanhhoa.vn) - Ít địa phương có vị trí thuận lợi như xã Xuân Hòa, phía trước là đường tỉnh lộ chạy qua, sau lưng là sông Chu. Với 3 km dòng sông Chu (hay còn gọi là Lường giang, Lương giang) chảy qua tạo cho mảnh đất này thế cận thị, cận giang, với một vùng sông nước hữu tình.

Về Xuân Hòa, nghe những câu chuyện lịch sử

Ít địa phương có vị trí thuận lợi như xã Xuân Hòa, phía trước là đường tỉnh lộ chạy qua, sau lưng là sông Chu. Với 3 km dòng sông Chu (hay còn gọi là Lường giang, Lương giang) chảy qua tạo cho mảnh đất này thế cận thị, cận giang, với một vùng sông nước hữu tình.

Về Xuân Hòa, nghe những câu chuyện lịch sửDi tích quốc gia Nhà ông Hồ Sĩ Nhân (cơ sở cách mạng 1940 - 1941).

Đất phù sa đã đem lại cho xã Xuân Hòa vùng bãi màu mỡ thuận lợi cho việc trồng dâu nuôi tằm, trồng mía và rau quả. Chính vì sống ở vùng đất tiện canh, tiện cư nên người dân bao đời nay gắn bó với quê hương làng xóm. Nơi dòng sông Chu chảy qua này, xưa kia thuyền bè đi lại tấp nập. Mỗi lần các vị vua nhà Lê về thăm quê hương, thuyền rồng đi dưới sông, trên bờ dân lập hương án bái vọng, chiêng trống nổi lên. Khi trở thành Hoàng đế Đại Việt, Lê Thái tổ đã 2 lần từ Đông Kinh về Lam Kinh, Lê Thái tông 2 lần và Lê Thánh tông đã 11 lần.

Chia sẻ với chúng tôi, anh Hồ Sỹ Sinh, công chức văn hóa của xã Xuân Hòa, cho biết: Người Xuân Hòa có nhiều kỷ niệm buồn vui về dòng sông Chu quê nhà. Ngày xưa, chưa có giếng cả xã phải xuống sông gánh nước về ăn, nước ngọt và trong suốt. Mùa nước lớn, nước gánh về phải để cho lắng phù sa mới dùng được. Trên dòng sông Chu, người Pháp đã xây dựng đập thủy nông Bái Thượng, công trình thủy lợi lớn nhất xứ Đông Dương thời bấy giờ đảm bảo tưới nước cho nhiều diện tích đất canh tác ở trong tỉnh.

Xuân Hòa là đất có truyền thống học hành thi cử. Trong lịch sử 1.000 năm học hành thi cử (1075 - 1919) Xuân Hòa có 2 người là tiến sĩ. Đó là đệ tam giáp đồng tiến sĩ Trịnh Văn Liên, năm 38 tuổi đỗ khoa thi Canh Tuất (1490) đời vua Lê Thánh tông, niên hiệu Hồng Đức làm quan đến chức Quang lộc tự thiếu khanh và ông Đỗ Đình Thụy đỗ đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân, đời vua Lê Dụ tông (1715) làm quan Hiến sát sứ (đứng đầu tỉnh). Cả 2 ông đều có tên trên Văn bia ở Quốc Tử Giám. Ngoài ra, rất nhiều con em trong xã ở thời kỳ phong kiến lấy việc học chữ Hán để biết chữ thánh hiền, biết làm các văn tự, khế ước, thờ cúng ông bà tổ tiên; học để làm người có hiểu biết để đối nhân xử thế, không phải học để làm quan.

Các thư tịch cổ và các cứ liệu lịch sử cho thấy, vùng đất Xuân Hòa có người cư trú khá sớm, ít nhất là từ thời nhà Trần (cách đây hơn 800 năm) và thành đơn vị hành chính vào đầu thời hậu Lê (1428). Trên mảnh đất này, hiện có đền thờ Quốc Mẫu Phạm Thị Ngọc Trần, “bà chúa Thượng Vôi" và đền thờ bà Ngô Thị Ngọc Giao, mẹ vua Lê Thánh tông.

Từ thế hệ này đến thế hệ kia, cha trước con sau nối tiếp nhau, người dân Xuân Hòa đã xây dựng một vùng đất hoang vu thành một vùng đất trù mật, dân cư đông đúc. Những tên làng Thượng Vôi, Trung Thành, Hạ Long, Tĩnh Thôn, Phúc Thượng, Kim Phúc, Khải Đông, Kim Ốc đã đi vào lịch sử.

Về Xuân Hòa, nghe những câu chuyện lịch sử

Vào những ngày tháng Tám lịch sử này, về thôn Kim Ốc, chúng tôi được ông Hà Văn Bình, trưởng thôn, dẫn đi thăm Di tích quốc gia Nhà ông Hồ Sĩ Nhân (cơ sở cách mạng 1940 - 1941) nơi cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh từng hoạt động và tổ chức phát hành tờ báo Tự Do để tuyên truyền, phổ biến cách mạng ở Thanh Hóa.

Sau các sự kiện thành lập Hội tương tế ái hữu xã, Mặt trận phản đế cứu quốc xã, tháng 2-1940, một hội nghị quan trọng có ý nghĩa lịch sử được tổ chức tại nhà đồng chí Hồ Sĩ Nhân ở thôn Kim Ốc. Hội nghị đã quyết định thành lập Tỉnh ủy Thanh Hóa lâm thời gồm 3 đồng chí: Trần Hoạt, Đặng Châu Tuệ và Hồ Sĩ Nhân. Đồng chí Trần Bảo được bầu làm Bí thư.

Cuối tháng 5-1940 cơ quan in ấn của tỉnh Thanh Hóa chuyển về đặt tại nhà đồng chí Hồ Sĩ Nhân. Cũng tại đây các đồng chí Trần Bảo (Trần Hoạt) Xứ ủy Bắc Kỳ, đồng chí Mười Cúc (Nguyễn Văn Linh), đồng chí Đặng Châu Tuệ và nhiều đồng chí lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa lần lượt về hoạt động.

Tháng 6-1940, đồng chí Nguyễn Đức Cúc (tức đồng chí Nguyễn Văn Linh, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam khóa VI) trên đường đi công tác vào phía Nam dừng lại ở Thanh Hóa tại Phúc Bồi, xã Thọ Lập. Sau chuyển về Xuân Hòa ở nhà đồng chí Đỗ Văn Lan, Hồ Sĩ Nhân cùng với Tỉnh ủy Thanh Hóa xuất bản báo “Tự Do” và biên soạn cuốn sách “Những điều cần biết của người Cộng sản Đông Dương” để tuyên truyền hướng dẫn Đảng bộ Thanh Hóa hoạt động theo tinh thần Nghị quyết VI của Trung ương Đảng tháng 11-1939 và tạo điều kiện thống nhất các tổ chức đảng trong tỉnh Thanh Hóa. Trong thời kỳ đồng chí Nguyễn Văn Linh hoạt động ở Xuân Hòa, đồng chí ở tại cơ sở cách mạng là nhà đồng chí Hồ Sĩ Nhân, Hồ Sỹ Niệm, Đoàn Hợp (thôn Kim Ốc); Đỗ Văn Lan (thôn Nam Cường)…

Tháng 2-1941 cơ quan in ấn lại chuyển về nhà đồng chí Đỗ Ngọc Thiều (thôn Phúc Thượng). Tháng 5-1941 chuyển sang nhà đồng chí Nguyễn Văn Nhạ (thôn Kim Ốc). Từ khi tài liệu của Đảng in ấn đặt tại Xuân Hòa, các đội tự vệ lần lượt ra đời, đến tháng 9-1941 đã lên tới 121 người tham gia luyện tập vũ trang.

Trò chuyện với chúng tôi, bà Khương Thị Đãi, 83 tuổi, con dâu của đồng chí Hồ Sĩ Nhân nói nhiều về quá trình hoạt động cách mạng của cha mình. Trong ngôi nhà đang còn lưu giữ nhiều tư liệu quý. Bà Đãi cho biết: “Gia đình tôi hiện vẫn cất giữ cẩn thận nhiều tư liệu quý, các kỷ vật và hiện vật chiến tranh của cha tôi, trong đó có tờ báo Tự Do”. Dù tuổi đã cao nhưng hằng ngày bà Đãi đều quét dọn, lau chùi nhà cửa sạch sẽ, chăm sóc từng món đồ, hiện vật nhằm giữ gìn nếp nhà xưa của ông cha để lại.

Anh Hồ Sỹ Sinh, cán bộ văn hóa xã Xuân Hòa, cháu ruột của đồng chí Hồ Sĩ Nhân, chia sẻ: Dân làng chúng tôi luôn tưởng nhớ, khắc ghi trong tâm trí về sự kiện tháng 6-1940, đồng chí Nguyễn Đức Cúc (tức đồng chí Nguyễn Văn Linh) trên đường đi công tác vào phía Nam, đã dừng lại Thanh Hóa và địa điểm cụ thể là làng Kim Ốc, xã Xuân Hòa.

Tự hào với truyền thống quê hương cách mạng anh hùng, nơi tổ chức và phát hành tờ báo Tự Do, suốt nhiều năm qua Nhân dân thôn Kim Ốc nói riêng, xã Xuân Hòa nói chung, một lòng tin yêu theo Đảng, đóng góp nhiều sức người, sức của cho sự nghiệp cách mạng và xây dựng Tổ quốc. Là xã đầu tiên của huyện Thọ Xuân, và là địa phương thứ 5 trong tỉnh được công nhận xã NTM kiểu mẫu, Xuân Hòa thực sự đổi thay từng ngày.

Kinh qua 2 cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ, thương binh Khương Bá Cành (1923) nay đã gần 75 năm tuổi Đảng, dù không còn minh mẫn nhưng mắt ông sáng hơn, giọng ông to hơn khi nhắc về thôn Kim Ốc nói riêng, xã Xuân Hòa nói chung với chiều dày về lịch sử văn hóa, truyền thống chống giặc ngoại xâm kiên cường bất khuất.

Thôn Kim Ốc hiện có 280 hộ dân với gần 1.000 khẩu với mức thu nhập trung bình khoảng 67 triệu đồng/người/năm. Trong đó, 44 đảng viên luôn là những người gương mẫu đi đầu trong việc phát triển kinh tế, giữ gìn vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm. Để thôn khang trang, sạch đẹp như ngày nay ngoài sự đoàn kết, lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy chi bộ còn là tinh thần nhiệt tình của bà con Nhân dân. "Chính truyền thống văn hóa yêu nước cách mạng của vùng đất bên dòng sông Chu là động lực tinh thần quan trọng để mỗi người dân trong thôn đoàn kết xây dựng quê hương ngày càng thêm đổi mới, giàu đẹp, văn minh. Hằng tuần vào thứ 7, bà con nhân dân phối hợp với Trường THCS Xuân Hòa tổ chức vệ sinh khu di tích. Bởi chúng tôi ý thức rằng, không một câu chuyện nào ý nghĩa và sống động hơn khi di tích cất lời lịch sử”, ông Hà Văn Bình, Bí thư chi bộ thôn Kim Ốc khẳng định.

Bài viết có sử dụng tư liệu trong cuốn Lịch sử xã Xuân Hòa, NXB Thanh Hóa, 2014.

Bài và ảnh: CHI ANH



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]