(vhds.baothanhhoa.vn) - Nhắc đến Trường Giang (Nông Cống) người ta nhớ đến vùng quê có nghề làm nón lá nổi tiếng xứ Thanh. Nơi đây cũng là quê hương của hai văn sĩ nổi tiếng là Minh Hiệu và Xuân Sách. Trong quá trình hình thành và phát triển, miền quê được bao bọc bởi những dòng sông đã “ấp ôm” trong không gian làng nhiều giá trị văn hóa đậm nét.

Trên đất Trường Giang

Nhắc đến Trường Giang (Nông Cống) người ta nhớ đến vùng quê có nghề làm nón lá nổi tiếng xứ Thanh. Nơi đây cũng là quê hương của hai văn sĩ nổi tiếng là Minh Hiệu và Xuân Sách. Trong quá trình hình thành và phát triển, miền quê được bao bọc bởi những dòng sông đã “ấp ôm” trong không gian làng nhiều giá trị văn hóa đậm nét.

Trên đất Trường GiangNghề làm nón lá truyền thống mang lại thu nhập ổn định cho người dân Trường Giang.

Nằm ở phía Đông huyện Nông Cống, Trường Giang có vị trí tiếp giáp nhiều huyện, thị xã. “Trên địa bàn xã có nhánh sông Giang Tiên gặp sông Yên ở ngã ba Tuần. Đây cũng là ranh giới giữa xã Trường Giang và xã Quảng Trung (huyện Quảng Xương) và Trường Giang với xã Thanh Thủy (thị xã Nghi Sơn). Người xưa thường nói gà gáy cả ba huyện cùng nghe... Bến Tuần, đò Giang Tiên được hình thành từ hệ thống sông Yên (ở phía Đông), sông Thị Long (phía Tây Nam) và sông Hoàng (phía Đông Bắc)... Vào những buổi chiều tà lộng gió, thuyền mảnh ngược xuôi tạo nên cảnh trên bến dưới thuyền, trao đổi hàng hóa” (sách Lịch sử Đảng bộ xã Trường Giang).

Cũng bởi có sông bao quanh, giao thông đường thủy thuận lợi, Trường Giang năm xưa còn là phòng tuyến của quân Lê - Trịnh ngăn quân Mạc theo cửa sông Yên đánh vào phía Nam Vạn Lại - Yên Trường. Nơi ngã ba sông qua đất Trường Giang từng là trạm kiểm soát giao thông đường thủy để vào Nghệ An hay ra các tỉnh phía Bắc. Khi giao thông đường thủy còn giữ vai trò trọng yếu, người dân Trường Giang vẫn thường giao lưu, buôn bán với các vùng lân cận bằng đường thủy. Từ bến Tuần, thuyền đi cửa Ghép (thị xã Nghi Sơn) đến sông Thị Long lên mạn ngược hoặc theo kênh đào vào Nghệ An.

Theo các tài liệu lưu giữ tại địa phương, trước thế kỷ XV, Trường Giang vẫn là vùng đất phù sa, bùn lầy nước đọng hoang vắng, nơi cư trú của các loài chim cò. Đến thế kỷ XVI, các dòng họ Lê Sĩ, Nguyễn Văn đã tìm đến đây sinh cơ lập nghiệp. Nhanh chóng sau đó, vùng đất hoang vắng đã trở thành chốn tìm về của người tứ phương đến khai hoang, lập điền trại. Từng bước, nghề nông, khai thác thủy sản, nghề sông nước được người dân Trường Giang lựa chọn mưu sinh.

Ban đầu, khu vực đồng Nôn được những cư dân đầu tiên đến Trường Giang lựa chọn để lập nghiệp. Sau đó, khi các dòng họ đến đây đông hơn đã từng bước hình thành nên các cụm dân cư làng Nôn, làng Lỗi, Ngọc Cù, Quần Lẫm... Trên cơ sở đó đã hình thành nên ba làng Tuy Hòa, Yên Lai, Ngọc Lẫm cho đến ngày nay.

Làng Tuy Hòa thuở xưa còn được biết đến với tên gọi làng Nôn được hình thành từ vùng đất phù sa cổ. Người làng Tuy Hòa vẫn thường tự hào nơi đây “đất lành chim đậu” khi các dòng họ ở nhiều nơi như Nghệ An, Hà Nam, Nam Định đã tìm về sinh cơ lập nghiệp.

Từ vùng đầm lầy đầy cỏ dại, nhờ bàn tay, khối óc và sức người cần lao, những thế hệ người dân Tuy Hòa đã biến nơi đây thành vùng đất phì nhiêu, màu mỡ. Cùng với nghề nông, các nghề khác ở Tuy Hòa cũng từng bước được các dòng họ phát triển. Theo các cụ cao niên trong làng Tuy Hòa kể lại, nghề đúc bạc, nghề sơn do họ Vũ du nhập vào; nghề buôn bán, chạy chợ do họ Nguyễn Văn truyền bá, họ Nguyễn Xuân đưa nghề trồng dâu nuôi tằm vào làng, nghề nón lá do họ Lê đưa vào...

Nằm ở phía Nam làng Tuy Hòa là Yên Lai (còn có tên gọi khác là An Lai). Yên Lai cách biển chỉ khoảng 7km. Theo các tài liệu lưu giữ tại địa phương, ở Yên Lai, trên cánh đồng sông Nga, năm 1976 người ta đã tìm thấy trống đồng Đông Sơn.

Do nằm ở vị trí lưu vực các con sông, có độ dốc lớn nên trong lịch sử, để trụ vững và mưu sinh trên vùng đất này, người Yên Lai đã phải vượt qua nhiều khó khăn. Theo sách Lịch sử Đảng bộ xã Trường Giang: “Dân làng tổ chức khoanh vùng lấn dần vùng đất lầy ven sông thành từng khoảnh ruộng, từng cánh đồng. Đó là đồng Đám Ráng, đồng Giữa, đồng Ngoài, đồng Đập, đồng Cống, đồng Nước Trong... Dân làng còn bỏ nhiều công sức đắp đập ngăn nước mặn để cày cấy. Dần dần, với bao công sức của dân làng qua các thế hệ đã khai phá được 30 xứ đồng, 8 cồn bãi, nối liền dải đất của làng với các làng lân cận”.

Bên cạnh nỗ lực mưu sinh, trong đời sống tinh thần, người Yên Lai cũng mong cầu sự chở che, phù trợ của các vị thần để cuộc sống được mỗi ngày thêm ấm no, đủ đầy. Các thế hệ người dân Yên Lai đã từng bước xây dựng nên các công trình văn hóa được vun đắp bởi niềm tin tín ngưỡng, tâm linh. Trước đây ở Yên Lai có đình Thượng và đình Hạ. Theo lời kể lưu truyền của người dân Yên Lai, đình Thượng thờ thần Cao Sơn - vị tướng thời vua Hùng đã có công trị thủy, đồng thời phối thờ cả công chúa Nguyệt Nga con gái vua nhà Lý; Nằm ở phía Đông làng là đình Hạ, nơi thờ Quận công Nguyễn Văn Pháp - người đã có công lập dựng làng Yên Lai. Ông cũng là người đã được vua Lê tin tưởng giao trấn giữ mặt sông Yên - vùng đất “biên phòng” của quân Lê - Trịnh để phòng quân Mạc tấn công.

Trên đất Trường GiangCác văn nghệ sĩ xứ Thanh thăm tư gia của cố nhà thơ Minh Hiệu ở xã Trường Giang.

Cùng với hai đình làng, ở Yên Lai trước đây còn có chùa thờ Phật và đền thờ vị Chúa thủy có công cứu giúp dân làng tại bến Tuần. Đến nay người dân Yên Lai còn lưu truyền những câu vè ngợi ca cảnh sắc đền, chùa năm xưa “... Nền thần, Phật ba ngôi đỏ chói/ Nhà thôn dân ngàn kể trù mật hẳn hoi/... Tả thanh long núi Phượng Trì, núi Phú Lãm chùa về cây đa, sánh càn khôn vững chắc...”. Những di tích tín ngưỡng tâm linh từng là niềm tự hào của người dân Yên Lai một thuở.

Nếu so với hai làng Yên Lai và Tuy Hòa, làng Ngọc Lẫm trên đất Trường Giang có lịch sử lập dựng muộn hơn, đây cũng là làng có đa số người công giáo sinh sống. Về làng Ngọc Lẫm, sách Lịch sử Đảng bộ xã Trường Giang viết: “Năm 1935, một số dân Thiên Chúa giáo như ông Vũ Văn Binh cùng các ông Vũ Văn Lễ, Vũ Văn Chi và khoảng 20 hộ ở Nga Liên (Nga Sơn), một số hộ ở Quần Thoi, Hải Hậu (Nam Định), Phát Diệm, Kim Sơn (Ninh Bình) tới khai phá đất phù sa phía Đông Bắc làng Quần Lẫm. Mọi người cùng trồng cói, dệt chiếu, đánh bắt thủy, hải sản, tổ chức cuộc sống lập nên làng Thanh Vân (còn gọi là họ giáo Thanh Giang). Năm 1940 đổi thành làng Tam Tổng, sau gọi là làng Ngọc Lẫm”.

Nhắc đến Trường Giang không thể không nhắc đến vùng đất của những nghề thủ công truyền thống. Trong đó, đặc biệt là nghề làm nón lá cực kỳ phát triển. Theo người dân địa phương, nghề làm nón lá ở Trường Giang đã có lịch sử gần 2 thế kỷ, ban đầu nghề do một người đàn ông họ Lê (làng Tuy Hòa) có công đưa nghề làm nón về làng. Từng bước, nghề làm nón không còn bó hẹp ở làng Tuy Hòa mà nhân rộng ra toàn xã. “Dù là nghề phụ nhưng nghề làm nón lá Trường Giang lại góp phần mang lại thu nhập ổn định cho người dân địa phương. Trên địa bàn xã Trường Giang hiện có khoảng 4.000 người lao động tham gia làm nón lá, nghề truyền thống mang lại thu nhập từ 2,5 - 3 triệu đồng/người/tháng” - ông Lê Công Tư, Phó Chủ tịch UBND xã Trường Giang, cho biết:

Và Trường Giang, còn là quê hương của hai văn sĩ tài hoa nổi tiếng: Xuân Sách và Minh Hiệu. Trong đó, nhà thơ Xuân Sách được biết đến là tác giả phần lời của ca khúc cách mạng “Đường chúng ta đi” đã khảm sâu vào tâm thức của nhiều thế hệ người dân Việt Nam. Còn với nhà thơ Minh Hiệu, ông không chỉ hăng say lao động sáng tác mà còn cần mẫn trong sưu tầm, biên dịch ca dao, tục ngữ, truyện thơ... dân tộc Mường. Với những đóng góp quan trọng, nhà thơ Minh Hiệu đã được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học và Nghệ thuật...

Về Trường Giang, hòa mình trong không gian văn hóa làng Việt truyền thống, khám phá những nghề thủ công và lắng lòng trong những câu chuyện kể, để cảm nhận đầy đủ vẻ đẹp của đất và người nơi đây.

Bài và ảnh: Trang Bùi



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]