(vhds.baothanhhoa.vn) - Men theo con đường vắt vẻo một bên là hồ bán nguyệt như tấm gương soi mây trời lồng bóng núi, một bên là những ngọn núi cao nối tiếp nhau chạy dài được phủ một màu xanh mướt như một bức tranh sơn thủy hữu tình, sẽ đến Đền Đồng Cổ (xã Yên Thọ, Yên Định). Nơi đây còn lưu giữ nhiều hiện vật quý hiếm với một kho tàng các sự tích huyền thoại.

Vẻ đẹp đền Đồng Cổ

Men theo con đường vắt vẻo một bên là hồ bán nguyệt như tấm gương soi mây trời lồng bóng núi, một bên là những ngọn núi cao nối tiếp nhau chạy dài được phủ một màu xanh mướt như một bức tranh sơn thủy hữu tình, sẽ đến Đền Đồng Cổ (xã Yên Thọ, Yên Định). Nơi đây còn lưu giữ nhiều hiện vật quý hiếm với một kho tàng các sự tích huyền thoại.

Một đền Đồng Cổ huyền thoại

Theo những người cao tuổi trong làng Ðan Nê kể lại, Đền Ðồng Cổ từng có 38 gian, bề thế tựa lưng vào Tam Thái Sơn (dân làng gọi một cách dân dã là dãy núi Ðổng).

Trước kia ba ngọn núi đá bao quanh đền là rừng cây nguyên sinh rậm rạp, nhiều cây to, có nhiều chim, thú. Nhưng qua biết bao biến đổi, nay chỉ còn những ngọn núi đá với cây mọc tái sinh tầng thấp. Thuở xưa, với vị trí đắc địa nằm bên bờ hữu sông Mã, Đền Đồng Cổ đã trở thành điểm dừng chân của nhiều tao nhân mặc khách. Ngày nay, danh tiếng của ngôi đền vẫn còn âm vang, thu hút du khách xa gần tìm về với cội nguồn.

Vẻ đẹp đền Đồng Cổ

Đền Đồng Cổ nhìn từ trên cao xuống đẹp như bức tranh sơn thuỷ hữu tình.

Tương truyền, một vị vua khi đi đánh giặc qua đây nghỉ lại một đêm trên bến Trường Châu bờ phải sông Mã (nay thuộc xã Yên Thọ). Trong giấc chiêm bao, vua được một vị thần xưng là thần núi Đồng Cổ báo mộng rằng dưới chân núi có trống đồng cổ, đào lên dùng tiếng trống làm linh khí đuổi giặc. Khi vua tỉnh giấc còn nghe tiếng chuông đồng vọng từ ngôi đền dưới chân ba ngọn núi. Nhà vua làm theo những điều mà sơn thần nơi đây báo mộng. Quân giặc nghe tiếng trống đồng âm vang đã sợ khiếp vía và rút chạy. Từ đó, nơi ba ngọn núi đá chụm đầu vào nhau, tạo thế đoàn kết như kiềng ba chân, đã trở nên rất linh thiêng.

Theo bảng thuyết minh treo ở Thượng Điện: “Miếu Đồng Cổ được khởi dựng từ thời Hùng Vương (năm 2569 trước Công Nguyên), đến thời Lý (1020) được sửa sang lại, sang thời Lê - Trịnh (1630) được xây dựng khang trang, to đẹp hơn… Miếu thờ thần núi Đồng Cổ, vị thần đã giúp các triều đại đánh thắng giặc ngoại xâm và diệt trừ phản loạn như: Giúp vua Hùng đánh thắng giặc Hồ Tôn; giúp vua Lý đánh thắng giặc Chiêm Thành và diệt trừ phản loạn; giúp vua Lê - chúa Trịnh đánh tan nghịch Mạc"… Trải qua các triều đại đền thờ thần Đồng Cổ Đan Nê vẫn được coi là đền chính.

Vốn là nơi diễn ra các nghi lễ của các triều đại vua chúa nước ta nên trong đền còn lưu giữ rất nhiều thần tích, sắc phong của các triều đại. Các vương triều Trần, Lê - Trịnh, Nguyễn vẫn duy trì các nghi thức quốc lễ tại đền Đồng Cổ ở Yên Định (Thanh Hóa) và phường Bưởi (Hà Nội). Thời Trần, hội thề Đồng Cổ là một hội lớn, dân bốn phương về xem hội rất đông.

Đền có nghinh môn gồm 3 tầng, 8 mái, mang phong cách kiến trúc thế kỷ XV (thời Lê), cao 9 m, rộng 3 m, được ghép bằng những khối đá vuông vức (không dùng vữa), cuốn thành vòm tò vò. Theo những bậc đá lên đến ngôi miếu cổ trên núi Xuân, du khách có thể thu vào tầm mắt phong cảnh thật tuyệt vời của dòng sông Mã. Giữa đôi bờ bạt ngàn những ruộng ngô xanh mướt đang phất cờ, dòng sông mùa khô mang mầu ngọc bích hiền hòa trôi. Xa xa, phía bên kia sông là dáng hình thành Nhà Hồ (thuộc huyện Vĩnh Lộc) ẩn hiện trong sương mù mùa đông mờ ảo. Dưới chân núi, đền Ðồng Cổ (được xây lại vào năm 1996, gồm một gian hai chái) lọt trong xanh tươi cây lá. Trước đền, hồ bán nguyệt như một tấm gương soi mây trời, lồng bóng núi.

Và lễ hội đắm say lòng người

Hàng năm, du khách về Đan Nê trong những ngày đầu tháng 3 âm lịch mới cảm nhận hết không khí náo nhiệt của bà con nơi đây, xua tan đi những bộn bề tấp nập của cuộc sống thường ngày, dân làng như đang đắm mình vào các trò chơi, trờ diễn được tổ chức trong lễ hội.

Theo dân làng nơi đây kể lại, cứ gần đến dịp lễ hội là công tác chuẩn bị phải mất cả tháng trời trước đó, từ việc tập văn nghệ, đến chuẩn bị các trò chơi dân gian, rồi tập duyệt tế lễ… Ngày 14-3 là thời điểm bắt đầu lễ hội. Từ sáng sớm du khách và bà con trong làng tấp nập đến lễ. Mâm lễ gồm có xôi, gà, thủ lợn luộc, hoa quả… và đặc sản quê hương mình dâng lên thần Đồng Cổ mong muốn mưa thuận gió hòa, một năm sản xuất bình an.

Vẻ đẹp đền Đồng Cổ

Lễ hội đên Đồng Cổ thu hút đông đảo du khách đến dự.

Độc đáo và cuốn hút người xem nhất là tiết mục bơi thuyền. Khi đoàn rước vào đến hồ bán nguyệt thì có hai chiếc thuyền rồng đậu sẵn ở góc hồ bắt đầu bơi xung quanh hồ. Trên thuyền có từ 4 đến 5 người vừa đi vừa hát dân ca quan họ thỉnh thoảng ghé vào bờ cầm khay trầu mời khách dự hội.

Vẻ đẹp đền Đồng Cổ

Bơi thuyền là tiết mục độc đáo nhất trong lễ hội.

Xen lẫn trong lễ hội còn có các trò chơi dân gian như chơi cờ, cầu lông… Có lẽ thu hút đông đảo du khách cũng như dân làng nhất phải kể đển trò chơi cờ tướng. Một nửa sân được vẽ một bàn cờ tướng, hai người chơi điều khiển các con cờ đấu trí với nhau.

Với giá trị lịch sử cùng nét văn hoá độc đáo, đền Đồng Cổ được xem là điểm đến lý tưởng cho du khách muốn trải nghiệm những điều khác lạ của một vùng đất thiêng.

Nguyễn Đạt


Nguyễn Đạt

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]