(vhds.baothanhhoa.vn) - Làng Quỳnh Bôi, xã Đông Thanh (Đông Sơn) xưa kia là một trong “tứ Bôn” thuộc đất cổ Kẻ Bôn. Tại đây có cụm di tích đền (nghè) thờ Bạch Vân sơn thần và phủ Mẫu linh thiêng, không gian văn hóa, điểm tựa tâm linh của người dân địa phương.

Về làng Quỳnh Bôi thăm đền thờ Bạch Vân sơn thần

Làng Quỳnh Bôi, xã Đông Thanh (Đông Sơn) xưa kia là một trong “tứ Bôn” thuộc đất cổ Kẻ Bôn. Tại đây có cụm di tích đền (nghè) thờ Bạch Vân sơn thần và phủ Mẫu linh thiêng, không gian văn hóa, điểm tựa tâm linh của người dân địa phương.

Về làng Quỳnh Bôi thăm đền thờ Bạch Vân sơn thần

Đền thờ Bạch Vân sơn thần thờ thần núi Quỳnh Lĩnh.

Di tích tọa lạc giữa làng Quỳnh Bôi, nằm dưới chân núi Quỳnh Lĩnh. Từ xa xưa, người dân trong làng đã lưu truyền huyền tích về thần núi Quỳnh Lĩnh, thường gọi là Bạch Vân sơn thần vô cùng linh thiêng, được lập miếu thờ.

Tương truyền, vào thời Lê Trung hưng, Bạch Vân sơn thần đã hiển linh phù trợ giúp Đăng Quận công Nguyễn Khải (người Kẻ Bôn) đánh thắng quân nhà Mạc. Theo đó, trong một lần Đăng Quận công Nguyễn Khải vâng lệnh vua Lê dẫn binh đi đánh quân Mạc ở địa phận thuộc làng Giàng. Khi qua núi Quỳnh Lĩnh trời bỗng đột ngột nổi giông tố. Giữa lúc mây đen bao phủ, một con cáo trắng từ chân núi chạy vụt qua trước ngựa của Đăng Quận công khiến ngựa hí vang. Cho đây là điềm lạ, sực nhớ đến vị thần núi Quỳnh Lĩnh linh thiêng, vị chủ tướng liền xuống ngựa, nhìn về phía núi mà khấn: Xin thần linh hiển ứng giúp tôi đánh thắng quân giặc trong trận giao chiến này... Lời khấn vừa dứt, trời bỗng lặng yên. Cho là thần hiển linh, Đăng Quận công Nguyễn Khải liền dẫn binh xung trận.

Về làng Quỳnh Bôi thăm đền thờ Bạch Vân sơn thần

Sau khi Đăng Quận công Nguyễn Khải qua đời, người dân Quỳnh Bôi đã tạc tượng và phối thời ông tại đền Bạch Vân sơn thần, suy tôn ông là Thành hoàng làng.

Thắng trận trở về, không quên ơn thần linh phù trợ, Đăng Quận công Nguyễn Khải đã đến ngôi miếu dưới chân núi làm lễ tạ ơn Bạch Vân sơn thần. Đồng thời, cấp tiền bạc cho người dân địa phương xây dựng đền (nghè) thờ khang trang. Về sau, các triều vua nhiều lần ban sắc phong thượng đẳng thần.

Về làng Quỳnh Bôi thăm đền thờ Bạch Vân sơn thần

Cửa chính tẩm đền thờ Bạch Vân sơn thần với những mảng chạm khắc gỗ tinh xảo, sắc nét

Khi Đăng Quận công Nguyễn Khải qua đời, tưởng nhớ ơn đức của ông, người dân Quỳnh Bôi đã tạc tượng và phối thờ ông trong đền thờ Bạch Vân sơn thần, đồng thời suy tôn ông là Thành hoàng làng.

Bên cạnh đền thờ Bạch Vân sơn thần, dân làng Quỳnh Bôi với sự kính ngưỡng dành cho Thánh mẫu Liễu Hạnh đã lập phủ Mẫu bên cạnh để đáp ứng nhu cầu tâm linh. Ngày nay, cụm di tích đền thờ Bạch Vân sơn thần và phủ Mẫu nằm dưới chân núi Quỳnh Lĩnh.

Về làng Quỳnh Bôi thăm đền thờ Bạch Vân sơn thần

Kiến trúc gỗ bên trong đền thờ Bạch Vân sơn thần.

Theo các cụ cao niên trong làng, không ai biết đich xác miếu thờ Bạch Vân sơn thần được lập dựng thời gian nào. Đến thời Đăng Quận công Nguyễn Khải (thế kỷ XVII) được xây dựng đền thờ quy mô lớn gồm tiền đường (5 gian) và chính tẩm (2 gian); bố cục chữ “Đinh” khá bề thế, kết cấu theo lối giá chiêng - chồng rường. Hệ thống cửa bức bàn làm từ gỗ lim. Trên cửa chạm khắc rồng, phượng, rùa, đội hạc, hoa lá, mây trời. Đầu đao uốn cong lợp ngói mũi hài… Tuy nhiên, trải qua thời gian, di tích đã bị phá hủy nhiều, chỉ còn chính tẩm khá nguyên vẹn và một số đồ thờ, con giống (hổ đá, chó đá).

Về làng Quỳnh Bôi thăm đền thờ Bạch Vân sơn thần

Linh vật đá đang được lưu giữ tại di tích.

Trong đó, cửa chính tẩm đền thờ Bạch Vân sơn thần nổi bật với hình rùa đội hạc chạm khắc tinh xảo; cùng với đó là hình rồng uốn lượn cách điệu và các đề tài trang trí mang phong cách dân gian đậm nét. Và dù không còn nguyên vẹn, song những gì còn lại của đền Bạch Vân sơn thần và phủ Mẫu làng Quỳnh Bôi vẫn là dấu tích nhiều giá trị về lịch sử, văn hóa và kiến trúc trong quá khứ ở đất cổ Kẻ Bôn xưa.

Về làng Quỳnh Bôi thăm đền thờ Bạch Vân sơn thần

Bên cạnh đền thờ Bạch Vân sơn thần là phủ Mẫu.

Bà Lê Thị Thìn (83 tuổi) - người dân địa phương trông coi di tích đền thờ Bạch Vân sơn thần và phủ Mẫu suốt 17 năm qua cho biết: “Từ thời ông cha chúng tôi đã có di tích này. Hàng năm vào dịp Rằm tháng Giêng và ngày 27 tháng 2 (âm lịch) tại đền thờ diễn ra lễ hội lớn. Người dân địa phương, con cháu xa quê trở về vui hội, cầu mong những điều tốt lành, may mắn".

Khánh Lộc


Khánh Lộc

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]