(vhds.baothanhhoa.vn) - Tạo hóa đã ban tặng cho Sầm Sơn bãi biển đẹp mê lòng du khách muôn phương. Để qua thời gian, đến hôm nay Sầm Sơn đang từng ngày chuyển mình phát triển, xứng tầm thành phố du lịch biển xứ Thanh. Nhưng Sầm Sơn đâu chỉ có vậy, nơi đây còn đó cả không gian văn hóa biển đặc sắc với lễ hội, di tích, tín ngưỡng tâm linh... gắn liền với đời sống vật chất, tinh thần cư dân.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Về Sầm Sơn đâu chỉ có biển

Tạo hóa đã ban tặng cho Sầm Sơn bãi biển đẹp mê lòng du khách muôn phương. Để qua thời gian, đến hôm nay Sầm Sơn đang từng ngày chuyển mình phát triển, xứng tầm thành phố du lịch biển xứ Thanh. Nhưng Sầm Sơn đâu chỉ có vậy, nơi đây còn đó cả không gian văn hóa biển đặc sắc với lễ hội, di tích, tín ngưỡng tâm linh... gắn liền với đời sống vật chất, tinh thần cư dân.

Có trực tiếp hòa mình vào không gian của Lễ hội đền Độc Cước (TP Sầm Sơn) ta mới phần nào cảm nhận được hết cái náo nức, sôi động và linh thiêng bậc nhất của một lễ hội lớn của người dân Sầm Sơn.

Lễ hội gắn liền với đền Độc Cước - di tích án ngữ trên hòn Cổ Giải, hướng nhìn ra biển Sầm Sơn ầm ào sóng vỗ. Để đến di tích, nếu bạn ưa bộ hành hãy thả mình theo những cung đường thoai thoải thông reo trên dãy núi Trường Lệ. Hòa mình vào không gian của cây rừng và thì thầm bên tai tiếng sóng biển tự ngàn đời, ta sẽ thấy lòng thảnh thơi nhẹ nhõm. Và bạn cũng có thể ghé thăm di tích theo con đường tản bộ ven biển đầy nắng, gió...

Lễ hội đền Độc Cước chính thức trở thành di sản văn hóa phi vật thể thứ 8 của xứ Thanh.

Đền thờ thần Độc Cước được khởi dựng thời nhà Trần. Đến thời Hậu Lê được trùng tu, mở rộng kiên cố, chắc chắn, gắn liền với câu chuyện về cây trò khổng lồ từ thượng nguồn trôi dạt về bãi biển Sầm Sơn. Người dân cùng nhau ra đưa cây vào bờ nhưng tất cả thanh niên trai tráng trong làng cũng chẳng làm cây chuyển hướng. Chỉ đến khi một vị cao niên trong làng đến đền Độc Cước khấn rằng nếu thần giúp dân đưa cây gỗ vào bờ, người dân sẽ nguyện xẻ gỗ làm cột dựng đền khang trang. Và sau đấy, như một phép màu, cây khổng lồ đã được di chuyển vào bờ dễ dàng. Người dân Sầm Sơn càng tin tưởng vào sự linh thiêng của thần Độc Cước. Thời gian có thể khiến di tích hư hỏng, xuống cấp, nhưng cũng là sự lạ khi suốt những năm chiến tranh tàn phá, dù nằm ở vị trí “đầu sóng ngọn gió” song đền Độc Cước chưa một lần phải gánh chịu “đạn lạc, bom rơi”... Để đến ngày hôm nay, tại di tích vẫn còn gìn giữ nguyên vẹn 7 sắc phong qua các triều đại, trong đó sắc phong cổ nhất có từ thời Trần.

Cùng với việc suy tôn và lập đền thờ thần Độc Cước thì cư dân biển Sầm Sơn còn tổ chức lễ hội truyền thống hàng năm ngay tại khu vực di tích. Trong đó, bên cạnh những lễ giao thừa; chằm trâu; mở cửa đền; cơm mới; mục dục thì trong năm, tại đền Độc Cước diễn ra hai lễ hội lớn bậc nhất: lễ hội Cầu phúc (kỳ phúc) 16/2 và lễ hội Bánh chưng bánh Giầy 12/5 (âm lịch). Theo đó, nếu lễ hội cầu phúc diễn ra vào dịp đầu năm với những lễ vật dâng lên thần cầu mong cho một năm mới bình an, may mắn, nhân khang vật thịnh. Thì lễ hội bánh chưng bánh giầy diễn ra vào những ngày mùa hạ lại là hi vọng về những mưa thuận gió hòa, trời yên biển lặng để thuyền về đầy cá tôm. Và ngày nay, gắn liền với phát triển du lịch, lễ hội cũng là lời cầu chúc cho một mùa du lịch hút khách thành công.

Phần thi làm bánh dầy đậm giá trị văn hóa truyền thống.

Điều đặc biệt, Lễ hội đền Độc Cước không đơn thuần chỉ trong phạm vi địa bàn xã, phường. Đó thực sự là ngày hội tín ngưỡng tâm linh của đông đảo người dân thành phố Sầm Sơn và du khách muôn phương. Vào ngày khai hội, từ sáng sớm khắp một dải bãi biển, con đường Hồ Xuân Hương rực rỡ sắc phục lễ hội với hàng dài người nối chân nhau. Những kiệu rước, kèn trống nhạc tế, rồi cờ, hoa lộng lẫy, mâm lễ trang trí cầu kì, tinh tươm... tất cả tạo nên không gian lễ hội vùng biển linh thiêng và hấp dẫn.

Và nhắc đến lễ hội đền Độc Cước nói chung, sẽ không thể thiếu lễ vật bánh chưng, bánh giầy tượng trưng cho trời, đất. Trong đó, bánh giầy dâng lễ cũng được xem là tinh túy ẩm thực của người dân biển. Bánh được lựa từ thứ gạo nếp ngon nhất với sự khéo léo của bàn tay các chị, các mẹ và sự dẻo dai, sức lực từ đôi tay đàn ông vùng biển, sau rất nhiều công đoạn đã tạo nên món lễ vật trước dâng cúng thần và sau là phát lộc cho nhân dân, quan khách. Dù là chiếc bánh nhỏ nhắn trong lòng bàn tay hay bánh giầy khổng lồ thì nó cũng được tạo nên bởi mồ hôi, công sức của cả cộng đồng. Thưởng thức bánh giầy trắng không nhân, dẻo dai chấm cùng chút nước mắm biển, món ăn dân dã mà đậm vị đến vậy.

Lễ hội đền Độc Cước độc đáo với màu sắc tín ngưỡng tâm linh đặc trưng cùng những khát khao, ước vọng muôn đời của cư dân biển. Tham dự lễ hội, du khách còn cảm nhận ở đấy, phảng phất tín ngưỡng văn hóa phồn thực...Và với đầy đủ những giá trị trường tồn và được khẳng định qua thời gian, vừa qua lễ hội đền Độc Cước đã chính thức được Bộ VH,TT&DL ký quyết định đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thứ 8 của xứ Thanh.

Nói về điều này, bà Đàm Thị Thái - Trưởng phòng VHTT TP Sầm Sơn cho biết: Lễ hội đền Độc Cước chính thức được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là niềm vinh dự, tự hào của nhân dân TP Sầm Sơn. Đây cũng là động lực cho việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản, góp phần tạo nên “sản phẩm văn hóa” độc đáo hấp dẫn du khách khi về với Sầm Sơn.

Và Sầm Sơn không chỉ có lễ hội và đền Độc Cước, còn là những di tích in dấu văn hóa và tín ngưỡng đặc trưng của người dân vùng biển. Một đền Cô Tiên tựa mình vào vách đá, trước mặt là “Vụng Ngọc” bên lưng là “Vụng Tiên” với những truyền thuyết về câu chuyện các nàng tiên ngự giáng về đây khiến biết bao chàng trai vùng biển ngẩn ngơ, đêm ngày ra “Hòn Câu” để ngóng trông, chờ đợi. Và thẳm sâu trong mạch nguồn truyền thống uống nước nhớ nguồn của người Việt Nam, cư dân Sầm Sơn cũng vậy, họ chưa bao giờ quên đi công lao của những nhân thần, thiên thần đã giúp dân khai hoang, lập ấp, làm kinh tế... Ghé thăm đền bà Triều (xã Quảng Cư và phường Trung Sơn) ta sẽ được nghe câu chuyện kể về vị tổ của nghề dệt xăm súc (dệt lưới) ở Sầm Sơn. Ngày nay, cùng với sự phát triển của xã hội nghề truyền thống có thể đã mai một phần nào, không còn thực sự quan trọng trong đời sống người dân... nhưng không vì thế mà cư dân Sầm Sơn cho phép mình lãng quên công đức của vị tổ nghề...

Bên cạnh đó còn có đền Cá Lập, đền Cá Ông... cũng vô cùng linh thiêng, gắn liền với những tích chuyện dân gian đặc sắc, là tài sản, niềm tự hào của nhân dân Sầm Sơn. Vì vậy, Sầm Sơn ngoài bãi biển tuyệt đẹp thì còn đó cả không gian văn hóa đặc trưng vẫn đang chờ bạn khám phá.

Thu Trang


Thu Trang

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]