(vhds.baothanhhoa.vn) - Được bình chọn là 1 trong 10 ngôi làng cổ đẹp nhất Việt Nam, làng cổ Đông Sơn ở phường Hàm Rồng (TP Thanh Hóa) hấp dẫn du khách bởi vẻ đẹp thanh bình, yên ả, lay thức những hoài cảm...

Về thăm làng cổ Đông Sơn

Được bình chọn là 1 trong 10 ngôi làng cổ đẹp nhất Việt Nam, làng cổ Đông Sơn ở phường Hàm Rồng (TP Thanh Hóa) hấp dẫn du khách bởi vẻ đẹp thanh bình, yên ả, lay thức những hoài cảm...

Về thăm làng cổ Đông SơnCòn đó những bức tường đá rêu phong và ngõ xóm lát gạch chỉ đỏ.

Giữa cái nóng oi ả của những ngày tháng 6, con đường dẫn vào làng cổ Đông Sơn vẫn luôn mát rượi bóng cây và những cơn gió trong lành từ sông Mã thổi về. Cảm giác “vào làng” thật thú vị.

Ngôi làng nằm giữa những núi đồi hùng vĩ, hướng mình ra dòng sông Mã thơ mộng với cây cầu Hàm Rồng huyền thoại bắc qua. Phía sau làng là ngọn núi Cánh Tiên, phía trước là những thửa ruộng màu mỡ, xanh bao la. Không gian văn hóa đậm chất truyền thống chính là sức hấp dẫn để làng cổ Đông Sơn được đánh giá là 1 trong 10 ngôi làng cổ đẹp nhất Việt Nam, cùng với làng cổ Đường Lâm (Hà Nội), làng Nôm (Hưng Yên), làng tranh Đông Hồ (Bắc Ninh)... Làng cổ Đông Sơn hội đủ 5 yếu tố về khảo cổ, lịch sử văn hóa, danh thắng, cách mạng kháng chiến và kiến trúc.

Theo nhiều tài liệu, từ khoảng giữa những năm 1920, các nhà khoa học phương Tây đã phát hiện ra nhiều cổ vật của văn hóa Đông Sơn với niên đại hơn 2.500 năm. Nơi đây cũng là địa điểm đầu tiên khai quật được những chiếc trống đồng Đông Sơn cổ có từ thời vua Hùng cách đây hàng nghìn năm. Với lịch sử hình thành và phát triển lâu đời bậc nhất Việt Nam, làng Đông Sơn được xem là cái nôi của nền văn hóa Đông Sơn nổi tiếng trên thế giới.

Trải qua sự khắc nghiệt của thời gian và thời tiết, làng cổ Đông Sơn vẫn giữ đậm chất làng quê truyền thống Bắc Bộ với cấu trúc “cây đa, giếng nước, sân đình”. Hệ thống giao thông được tổ chức với trục đường chính ở giữa làng rồi chia nhiều nhánh rẽ vào xóm nhỏ. Đó là những con đường gạch lát chỉ đỏ dài hun hút, nối những mái nhà gần nhau, bên cạnh những bức tường đá rêu xanh.

Về thăm làng cổ Đông SơnChùa Đông Sơn.

Điểm “nhấn” cũng là nét riêng chỉ có ở làng cổ Đông Sơn chính là những con ngõ được đặt tên theo những giá trị đạo đức cao quý của người Việt: Nhân, Nghĩa, Trí, Dũng, điều mà đời nối đời, người dân trong làng vẫn luôn hướng đến và giữ gìn.

Sẽ là thiếu sót nếu nói về làng Đông Sơn mà không nhắc đến 13 ngôi nhà cổ, trong đó, ngôi nhà trên 200 tuổi của cụ Lương Trọng Duệ, số 10, ngõ Trí vẫn được bảo tồn khá nguyên vẹn. Đây cũng là ngôi nhà cổ duy nhất ở làng được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận di tích kiến trúc nhà cổ cấp tỉnh năm 2006. Được xây dựng từ đầu Triều Nguyễn, dù qua 3 lần tôn tạo chủ yếu là phần gỗ bị mối mọt, nhưng phần kết cấu vật liệu của nhà vẫn được giữ nguyên vẹn với thượng lương, đường tàu làm bằng gỗ lim vững chắc, các xà được làm theo kiểu chồng rường, kẻ, bẩy. Các kèo, xà, đầu cột được chạm khắc hình cúc dây, vân mây tinh tế. Nhà cổ có 5 gian, tường được xây bằng gạch chỉ mỏng, chính giữa có mái hiên, phía dưới có rèm trúc hình vuông che phủ cửa nhà. Bức rèm trúc không chỉ nhằm che chắn nắng gió mà còn tạo thành vách ngăn hướng đi trực diện vào bàn thờ, buộc người ra, vào nhà phải đi từ hai bên, thể hiện sự tôn nghiêm, lòng thành kính đối với tổ tiên. Đây chính là quan niệm phong thủy truyền thống của người Việt xưa.

Ông Lương Thế Tập, con trai cụ Lương Trọng Duệ, cho biết: “Ngôi nhà mang kiểu kiến trúc truyền thống điển hình của người Việt xưa, thể hiện trình độ khoa học về kiến trúc, tính bền vững về mặt vật lý và chứa đựng tính thẩm mỹ trong bố cục giản dị. Ngôi nhà là niềm tự hào không chỉ của gia đình, mà còn của làng cổ Đông Sơn”. Nhìn quyển sổ lưu bút dày cộm để lại những cảm nhận của các đoàn khách đến tham quan, biết rằng ngôi nhà là điểm đến hấp dẫn của làng cổ Đông Sơn. Hiện nay gia đình ông Tập còn lưu giữ nhiều hiện vật cổ có giá trị như khán thờ, mâm bồng, bát hương sứ, lục bình gỗ, ống nhổ trầu... Ông cũng tạo dựng không gian trưng bày những sưu tập đồ cổ, vật trang trí, nông cụ lao động sản xuất đậm chất làng quê xứ Thanh.

Về thăm làng cổ Đông Sơn

Căn nhà cổ của ông Lương Trọng Duệ.

Trong không gian văn hóa làng cổ Đông Sơn, du khách không thể bỏ qua quần thể di tích, danh thắng nổi tiếng, như: đền thờ Đệ nhị Thần hoàng Trịnh Thế Lợi, Cẩm hoa thị vệ đời Lê, người có công lập nên làng cổ Đông Sơn, khi mất được người dân chôn cất tại gò cao nhất trong làng; Chùa Phạm Thông xưa kia có tượng Phật Thích Ca bằng đồng đen; Giếng cổ hơn 2.000 năm tuổi... Trong đó, đền thờ Đức thánh cả Lê Uy và Trần Khát Chân đã được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia.

Là làng thuần nông, những năm gần đây, người dân làng Đông Sơn đã trồng thêm nhiều loại cây có giá trị kinh tế cao, như: rau má, bí... Cây rau má không chỉ được bán cho các doanh nghiệp thu mua, mà người dân làng cổ Đông Sơn đã trực tiếp sơ chế, tạo thành những sản phẩm rất tốt cho sức khỏe để phục vụ du khách về thăm làng.

Ông Nguyễn Văn Vệ, Bí thư Chi bộ, Trưởng làng Đông Sơn, cho biết: “Dù hiện nay tốc độ đô thị hóa đang diễn ra nhanh chóng, nhưng hơn 90% người làng Đông Sơn là dân gốc. Từ nhỏ họ đã sống với văn hóa Đông Sơn, tinh thần Đông Sơn và đến bây giờ vẫn luôn có ý thức, trách nhiệm giữ gìn truyền thống văn hóa cha ông để lại. Đó chính là niềm tự hào của chúng tôi”.

Bài và ảnh: Phan Thị



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]