Đỗ Đại - khai quốc công thần triều Lê
Tham gia khởi nghĩa Lam Sơn từ những ngày đầu, Đỗ Đại (1399-1459) bằng tài năng cùng lòng trung quân, ái quốc đã từng bước có sự tin tưởng của chủ tướng Lê Lợi. Vì thế, từ một gia thần ông đã được thăng đến chức quan hàng tam công, nhất phẩm triều đình.
Di tích lịch sử cấp tỉnh, nhà thờ Khai quốc công thần Thái sư Định Quốc công Đỗ Đại ở phường Quảng Thắng (TP Thanh Hóa).
Vốn con nhà dòng dõi, Đỗ Đại (còn gọi là Đỗ Khuyển hay Lê Khuyển) người xã Diên Hào, huyện Lôi Dương nay thuộc thôn Diên Hào, xã Thọ Lâm (Thọ Xuân). Cha ông là Đỗ Lỗi, làm quan cuối thời Trần, đã tham gia đánh giặc Minh và chết ở Giao Thủy (nay thuộc Nam Định). Sớm ý thức được thù nhà, nợ nước, Đỗ Đại đã tìm đến Lam Sơn xin làm gia thần cho Lê Lợi.
Nhiều năm chinh chiến và làm quan, Đỗ Đại tận tâm tận lực trải qua 3 đời vua. Nói về thuở ban đầu, ông đã cùng với các tướng lĩnh của nghĩa quân Lam Sơn tham gia lần lượt các trận đánh, vào sinh ra tử. Từ năm 1426, ông đã cùng Trần Nguyên Hãn, Lê Thiệt phục binh tại cầu Giát nhử quân giặc ở thành Diễn Châu kéo ra càn quét. Nghĩa quân đã chém đầu tướng giặc Minh là Vĩ Phượng và tướng ngụy Nguyễn Vinh.
Đó cũng là thời điểm quân giặc ở thành Nghệ An đang trong thế mạnh. Xác định điều đó, Lê Lợi chia quân tuần tiễu đất Bắc để gây thanh thế. Đỗ Đại cùng thiếu úy Đỗ Bí đem 2.000 quân và một con voi đi tuần tiễu các xứ: Khoái Châu, Bắc Kạn, Lạng Giang để chặn viện binh ở Lưỡng Quảng sang. Nghĩa quân đi đến đâu cũng được Nhân dân các địa phương đem trâu, dê, cơm, rượu... đến khao quân và hưởng ứng giúp vây thành lũy giặc. Bởi thế quân Minh chỉ còn cách đóng chặt cửa thành cố thủ đợi quân đến cứu viện.
Tháng 9 năm Đinh Mùi (1427), viện binh của quân Minh chia làm 2 đường kéo sang nước ta. Trong khi đạo quân của Liễu Thăng đánh vào cửa ải Pha Lũy; đạo quân của Mộc Thạch đánh vào cửa ải Lê Hoa. Các tướng giặc Minh cùng 5 vạn binh và một vạn voi ngựa bị nghĩa quân do các tướng Phạm Văn Xảo, Trịnh Khả, Lê Trung, Đỗ Đại... chỉ huy chặn đánh ngay tại cửa ải Lê Hoa. Lúc này Lê Lợi gửi mật thư cho Trịnh Khả, Đỗ Đại yêu cầu “cốt cầm cự, chớ dốc toàn lực, hãy dùng quân mai phục, lấy ít địch nhiều tạo thế bất ngờ là chắc thắng”. Đúng như Lê Lợi dự đoán, trận đó, “quân ta chém được hơn 1 vạn thủ cấp, bắt được người và ngựa đều trên 1.000, số bị chết đuối ở khe suối thì không kể hết”. Ngoài ra, nghĩa quân còn thu được nhiều khí giới, của báu, xe lương... của giặc.
Chính tại nhà thờ Khai quốc công thần Đỗ Đại, chi bộ Tân Tiến - tiền thân của Đảng bộ phường Quảng Thắng đã được thành lập (Ảnh chụp những đảng viên đầu tiên của chi bộ Tân Tiến nhân kỷ niệm thành lập Đảng bộ phường).
Với những công lao đó, năm 1428, sau khi lên ngôi Hoàng đế, Lê Lợi đã ban cho Đỗ Đại chức Đồng Tổng tri coi quân ngự tiền thiết đột, điều khiển các đạo binh. Năm 1429, vua Lê Thái Tổ ban biển ngạch công thần cho 93 người có công lớn trong kháng chiến, Đỗ Đại thuộc 14 người được phong tước liệt hầu (theo Đại Việt sử ký toàn thư).
Năm Thuận Thiên thứ 3 (1430), Đỗ Đại được tiến phong là tổng quản, ban kim phù vẫn trông coi quân cấm vệ. Năm Thiệu Bình thứ nhất (1434) đời vua Lê Thái Tông, Đỗ Đại được phong công thần, thăng Nhập nội thiếu úy.
“Tháng 3/1441, Đỗ Đại hộ giá vua đi lại đánh tên phản nghịch Nghiễm ở châu Thuận Mỗi, bắt sống viên tướng Ai Lao là Đạo Mông cùng vợ con nó ở động La, lại bắt được con của tên Nghiễm là Sinh Tượng và Chàng Đồng. Nghiễm kế cùng ra hàng. Vua bèn đem quân về, dâng tù báo thắng trận ở Thái Miếu” (Đại Việt sử ký toàn thư). Và sau trận này, nhà vua cũng ban cho Đỗ Đại chức Nhập nội tư mã.
Để nói về Đỗ Đại không chỉ vua quan trong triều đều công nhận vai trò và lòng trung thành của ông, mà đến ngay quân Minh cũng phải nhận xét đó là “được người lắm”. Chuyện rằng, tháng 11/1429, vua Lê Thái Tổ về Tây Đô bái yết tổ tiên, khi trở lại Đông Đô lúc giờ khuya, được lệnh mở cổng thành đón ngự giá, Đỗ Đại lúc này trông coi vệ cấm binh đứng trên cổng thành nói vọng xuống: Đêm tối khó phân biệt không dám vâng theo chiếu. Vua bèn sai quân cầm đuốc sáng soi cao cho tỏ, Đỗ Đại nhận rõ đích xác là vua mới cho mở cổng thành hộ thánh giá vào cung. Sau này, năm 1443, vua nhà Minh sai chánh sứ Tống Kiệt và phó sứ là Tiết Khiêm sang dự lễ phong vua Lê Nhân Tông làm An Nam Quốc Vương. Tiết Khiêm thấy Đỗ Đại luôn luôn chầu bên hữu vua bèn hỏi: Viên quan ấy là ai? Quan lễ tân đáp: Đấy là Đỗ thái phó. Tiết Khiêm nói: Ỷ thác được người lắm.
Đến đầu năm 1459, vừa tròn 60 tuổi, Đỗ Đại bị bệnh, vua Lê Nhân Tông ban cấp tiền, sai quan ngự y tới trị bệnh. Song, do bệnh tình quá nặng, Đỗ Đại đã không qua khỏi.
Với công lao to lớn giúp 3 triều vua, trước sau như một, Đỗ Đại luôn được các vua quan nhà Lê sơ tin tưởng. Trong văn bia còn lại ở Thọ Lâm có ghi, ông là người “hết lòng trung thực, lấy thân giữ yên thiên hạ, nguy mà vẫn trấn tĩnh”; “lặng lẽ, tận tụy, không khoe khoang”; “lúc sắp mất gửi lại biểu khuyên nhà vua”; “ông thưởng phạt từ bậc quân tử đến người làm công bằng”; “khi rỗi, ông ngồi nghiêm trang ở lầu nghe giảng thư sử”...
Về phường Quảng Thắng (TP Thanh Hóa), nhà thờ Định quốc công Đỗ Đại nằm nép mình bên con phố mang chính tên vị khai quốc công thần này, xem những tài liệu ít ỏi còn được cháu con gìn giữ, chúng tôi càng thêm hiểu rằng dù mỗi người một số phận, nhưng có được số phận hanh thông như Đỗ Đại là do ông luôn biết giữ mình, lặng lẽ mà tận tụy. Vì thế, lúc đương chức, ông được ban phù hiệu vàng, túi cá vàng, chức quận Á công; được ban họ vua, tặng thêm chức Thái phó, về sau phong chức Thái sư Định Quốc công. Đến khi gần chết, thấy ông bệnh nặng, vua cấp một vạn tám nghìn quan, sai thầy thuốc tới trị bệnh cho ông. Khi ông chết, nhà vua làm điếu văn vô cùng thương tiếc, lệnh nghỉ chầu ba ngày, sai quan nhập nội Lê Lâm chủ trì tế lễ và đại thần Nguyễn Như Đổ soạn văn bia thần đạo.
Khu lăng mộ Định Quốc công Đỗ Đại ở xã Thọ Lâm (Thọ Xuân).
Lại nói về văn bia, anh Đỗ Thế Phong, hậu duệ đời thứ 20 của cụ Đỗ Đại cho biết: Tấm văn bia hiện vẫn còn tại khu lăng mộ cụ Đỗ Đại ở xã Thọ Lâm (Thọ Xuân). Chỉ tiếc là cùng với thời gian, những dòng chữ trên văn bia đã mờ gần hết, lại cũng không có thác bản. Tuy nhiên, dựa trên bản sao chữ Hán “Khai quốc công thần Thái sư Định Quốc công Đỗ Đại bi sự tích” tìm thấy năm 1977 tại một gia đình ở thôn Mật, xã Thiệu Phúc, huyện Thiệu Hóa, đối chiếu với tư liệu lịch sử thì chúng tôi hiểu phần nào công trạng của cụ.
Tự hào cung cấp tư liệu cho chúng tôi, anh Đỗ Thế Phong còn chia sẻ: Những năm cuối đời, cụ có lời gia huấn với cháu con: “Thành kính tuân theo lễ nghĩa, tiết độ không dục vọng; Giận dữ phải kìm chế, hòa mục trong họ hàng; Chọn thầy chọn bạn, không lo được mất...” là những điều mà chúng tôi luôn cố gắng làm theo. Hằng năm, vào ngày mùng 7 tháng giêng, con cháu dòng họ lại về nhà thờ để hương khói giỗ cụ.
Theo dòng lịch sử, có khá nhiều sự kiện, dữ kiện đã bị mất đi, tuy nhiên đối với Thái sư Định Quốc công Đỗ Đại - ông mãi được cháu con ghi nhớ không chỉ vì cuộc đời và sự nghiệp của ông gắn liền với 3 vị vua nhà Lê, mà hơn hết ông đã để lại cho họ những lời răn dạy căn bản mà con người cần có.
(*) Bài viết có sử dụng các tài liệu: Văn bia thần đạo Đỗ Khuyển khai quốc công thần thời Lê Sơ (Phan Khuyển Doãn), Tạp chí Hán Nôm số 4 (71), 2005; Bốn vị khai quốc công thần và địa danh Tứ Trụ (Lê Văn Viện), Tạp chí Xưa và nay, số 287, tháng 7/2007...
Bài và ảnh: Kiều Huyền
{name} - {time}
-
2024-11-27 14:38:00
Cô gái Thái đưa hương rừng xuống phố
-
2024-11-25 11:17:00
Gương sáng nữ thẩm phán
-
2024-11-22 08:36:00
Tiến sĩ Trần Bá Tân, người giữ chức Thượng thư của 6 bộ
[WOW! THANH HÓA] Độc lạ 2 món bánh đầu tiên tại Thanh Hóa
Cô giáo Nguyễn Thị Hiền - người kiến tạo “ngôi trường hạnh phúc ”
[WOW! THANH HÓA] Chè bà cố - Vị truyền thống kết nối thế hệ
Còn sức khỏe là còn lao động!
Cô giáo khởi nghiệp từ nghề hoa lụa
[WOW! THANH HÓA] Dấu Thời Gian Trên Sóng
Thám hoa Thiều Sĩ Lâm