(vhds.baothanhhoa.vn) - Nhận thức sâu sắc về ý nghĩa, tầm quan trọng của Chương trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM) là một cuộc “cách mạng” mang tính tổng hợp, toàn diện cả về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị. 10 năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, đặc biệt là sự đồng thuận, tham gia nhiệt tình, trách nhiệm của Nhân dân các dân tộc trong huyện, Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM của huyện Bá Thước đã đạt được những kết quả rất quan trọng trên các phương diện, trở thành phong trào sâu rộng, có sức lan tỏa mạnh mẽ, với nhiều cách làm sáng tạo.

Bài học kinh nghiệm trong quá trình xây dựng nông thôn mới ở huyện Bá Thước

Nhận thức sâu sắc về ý nghĩa, tầm quan trọng của Chương trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM) là một cuộc “cách mạng” mang tính tổng hợp, toàn diện cả về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị. 10 năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, đặc biệt là sự đồng thuận, tham gia nhiệt tình, trách nhiệm của Nhân dân các dân tộc trong huyện, Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM của huyện Bá Thước đã đạt được những kết quả rất quan trọng trên các phương diện, trở thành phong trào sâu rộng, có sức lan tỏa mạnh mẽ, với nhiều cách làm sáng tạo.

Bài học kinh nghiệm trong quá trình xây dựng nông thôn mới ở huyện Bá Thước

Một góc thôn Điền Lý, xã Điền Lư (Bá Thước)

Thành lập Ban chỉ đạo XDNTM từ cấp huyện đến xã, thôn, bản

Ngay sau khi có Quyết định số 119/QĐ-UBND ngày 12/1/2016 của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc phê duyệt phương án kiện toàn bộ máy giúp việc ban chỉ đạo các cấp thực hiện Chương trình XDNTM trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, huyện Bá Thước đã thành lập ban chỉ đạo từ cấp huyện đến cấp xã, thôn, có sự phân công, phân cấp cụ thể, rõ ràng. Đối với cấp huyện, thành lập Ban chỉ đạo do đồng chí Bí thư Huyện ủy làm Trưởng ban; Phó Trưởng Ban chỉ đạo là đồng chí Chủ tịch UBND huyện, Phó Chủ tịch UBND huyện phụ trách Nông nghiệp; các thành viên của Ban chỉ đạo là trưởng các phòng, ban, ngành, đoàn thể trong huyện; Thường trực Ban chỉ đạo và bộ phận giúp việc cho Ban chỉ đạo huyện đặt tại Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Cấp xã thành lập Ban chỉ đạo do đồng chí Bí thư Đảng ủy xã làm Trưởng ban, xã thành lập Ban quản lý XDNTM do đồng chí Chủ tịch UBND xã làm Trưởng ban. Cấp thôn, thành lập Ban phát triển thôn do đồng chí Bí thư chi bộ thôn làm Trưởng ban, Trưởng thôn làm Phó ban, thành viên là đại diện các đoàn thể, chi hội thôn và một số người dân có uy tín trong thôn. Theo đó, trong thời gian qua, Ban chỉ đạo XDNTM huyện Bá Thước đã phát huy hiệu quả trong lãnh chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên. Đặc biệt, Ban chỉ đạo cấp xã đã chủ động xây dựng kế hoạch, phát động phong trào thi đua XDNTM giữa các thôn, bản; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc tiến độ thực hiện các tiêu chí và tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức, thực hiện.

Bên cạnh đó, để đẩy nhanh tiến độ XDNTM, ngày 07/11/2016 UBND huyện Bá Thước ban hành Quyết định số 2967/QĐ-UBND thành lập Văn phòng Điều phối NTM cấp huyện. Tổng số gồm 08 thành viên, trong đó có 01 thành viên chuyên trách và 07 thành viên kiêm nhiệm. Đối với cấp xã có 6 xã đã bố trí được cán bộ chuyên trách phụ trách lĩnh vực nông thôn mới, 16 xã còn lại do cán bộ nông nghiệp kiêm nhiệm.

Để sớm hiện thực hóa Chương trình XDNTM, làm mô hình để nhân ra diện rộng, được sự hỗ trợ của Văn phòng Điều phối Chương trình XDNTM tỉnh Thanh Hóa, huyện Bá Thước lựa chọn thôn Tôm xã Ban Công để chỉ đạo điểm XDNTM. Sau thời gian thực hiện đến năm 2013 thôn Tôm xã Ban Công đã xây dựng thành công thôn NTM, đây cũng là thôn đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa đạt chuẩn thôn NTM.

Ban hành các văn bản hướng dẫn, cơ chế, chính sách hỗ trợ để thực hiện

Trong giai đoạn 2010-2020, Huyện uỷ Bá Thước đã ban hành các nghị quyết chuyên đề, các kế hoạch hành động chỉ đạo thực hiện XDNTM, cụ thể như: Chương trình hành động thực hiện Phát triển nông nghiệp và XDNTM giai đoạn 2016-2021 và các năm tiếp theo, nội dung chương trình hành động nêu rõ: Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; quy hoạch và tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo đề án cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh để dồn điền, đổi thửa theo hướng hình thành các vùng sản xuất tập trung, thâm canh, công nghệ cao, sản xuất hàng hóa gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Nghị quyết 06-NQ/HU về Phát triển vùng nguyên liệu mía, sắn giai đoạn 2011-2015; Nghị quyết 04-NQ/BCH về “Phát triển chăn nuôi vật nuôi có lợi thế giai đoạn 2015-2020 nêu rõ: Đến năm 2020, đưa tỷ trọng chăn nuôi trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp đạt 50%; Phát triển 6 loại vật nuôi có lợi thế trên địa bàn gồm: Trâu 22.500 con, Bò 17.100 con, Lợn cỏ 11.800 con, Gà ri 526.000 con, Vịt Cổ Lũng 52.000 con, Dê 10.500 con, Sản lượng thịt hơi vật nuôi có lợi thế đạt 10.000 n/năm. Xây dựng và đăng ký thương hiệu cho sản phẩm đặc sản của huyện Bá Thước là: Vịt Cổ Lũng. Hội đồng nhân dân huyện ban hành Nghị quyết số 04/2014/NQ-HĐND ngày 16/7/2014 của HĐND huyện về việc khuyến khích, hỗ trợ thôn đạt chuẩn NTM trên địa bàn huyện Bá Thước, giai đoạn 2014-2016 và được thay thế bằng Nghị quyết số 25/NQ-HĐND ngày 29/12/2016 về việc hỗ trợ xã, thôn hoàn thành XDNTM trên địa bàn huyện Bá Thước với mức hỗ trợ thôn, bản NTM là 30 triệu đồng. UBND huyện Ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 16 của BCH Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa về tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, bền vững; xây dựng phương án chuyển đổi đất trồng lúa năng suất, hiệu quả thấp sang các cây trồng khác và kết hợp nuôi trồng thủy sản để có hiệu quả kinh tế cao hơn trên địa bàn huyện Bá Thước giai đoạn 2017-2020.

Chú trọng và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, vận động góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trong XDNTM

Trong những năm qua công tác tuyên truyền, vận động XDNTM trên địa bàn huyện được thực hiện thường xuyên đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung, đã tạo được chuyển biến về mặt nhận thức của cán bộ và người dân; nâng cao trách nhiệm cấp ủy, chính quyền và thu hút được sự quan tâm đồng tình hưởng ứng tự giác tham gia của các tầng lớp nhân dân. Bên cạnh đó, Huyện ủy, UBND, Mặt trận Tổ quốc huyện đã huy động toàn bộ hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân tham gia các nội dung phát triển nông nghiệp XDNTM trên địa bàn huyện. Hội phụ nữ phát động phong trào thi đua “Phụ nữ chung tay XDNTM”. Đoàn thanh niên phát động phong trào “Tuổi trẻ Bá Thước chung tay XDNTM”, Mặt trận tổ quốc với phong trào “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa trong giai đoạn mới gắn với XDNTM”. Hội nông dân huyện; Hội Cựu chiến binh huyện ký văn bản phối hợp với ngành nông nghiệp về XDNTM lựa chọn các tiêu chí chỉ đạo hội cơ sở, hội viên phối hợp thực hiện.

Với cách làm đó, trong 10 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về XDNTM (2010-2019), huyện Bá Thước đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, cụ thể:

Huy động vốn phục vụ chương trình XDNTM. Giai đoạn 2019-2020 nguồn lực huy động vốn để XDNTM của huyện chủ yếu từ vốn lồng ghép của các dự án thuộc các chương trình MTQG là 909,76 tỷ đồng (chiếm 21,96%) và nguồn vốn tín dụng đầu tư cho phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập là 2.575,22 tỷ đồng (chiếm 62,15%); vốn huy động từ doanh nghiệp là 90,43 triệu đồng (chiếm 2,19%); vốn dân đóng góp là 282,81 tỷ đồng, (chiếm 6,81%).

Hệ thống giao thôn nông thôn trên địa bàn được đầu tư xây mới, nâng cấp, cải tạo đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. So với năm 2010, đã có 146,5km đường huyện; 112km đường xã; 260,49km đường thôn, ngõ xóm và 23,71km đường nội đồng được nâng cấp, cải tạo, xây mới. Tổng số vốn đầu tư cho lĩnh vực giao thông là 765,9 tỷ đồng.

Hệ thống thuỷ lợi trên địa bàn huyện cơ bản đáp ứng yêu cầu sản xuất và dân sinh. Từ năm 2010 đến nay, huyện đã làm mới, cải tạo, nâng cấp được 50,65km kênh mương; xây mới, sửa chữa, nâng cấp được 40 công trình thuỷ lợi.. Đến nay toàn huyện có 15/22 xã đạt tiêu chí thuỷ lợi. Tổng kinh phí thực hiện tiêu chí: 55,69 tỷ đồng.

Hệ thống điện luôn được quan tâm đầu tư, đến nay có 17/22 xã; 191/200 thôn đạt tiêu chí điện. Hệ thống điện cơ bản đảm bảo yêu cầu kỹ thuật của ngành điện. Tỷ lệ hộ sử dụng điện thường xuyên, an toàn từ các nguồn là 97,7%.

Xây dựng, nâng cấp trường học các cấp đảm bảo về cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Trong 10 năm đã cải tạo, nâng cấp, xây mới được 42 công trình thuộc ngành giáo dục quản lý. Triển khai nhiều chính sách hỗ trợ về giáo dục đào tạo. Tổng kinh phí: 54,78 tỷ đồng.

Sản xuất nông, lâm, thủy sản ngày càng phát triển góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Sản xuất nông, lâm, thuỷ sản phát triển theo hướng sản xuất hàng hoá gắn với khai thác tiềm năng của từng vùng. Giá trị sản xuất ngành nông nghiệp năm 2020 ước đạt 1.810,86 tỷ đồng (theo giá so sánh năm 2010). Tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp bình quân giai đoạn 2010 – 2020 đạt 11,05%; tỷ trọng ngành nông, lâm, thuỷ sản trong cơ cấu kinh tế của huyện chuyển dịch theo hướng tích cực giảm từ 53,4% năm 2010 xuống còn 39,2% năm 2020.

Trong chăn nuôi, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tận dụng lợi thế của địa phương, huyện Bá Thước xây dựng triển khai thực hiện Nghị quyết 04-NQ/BCH về “ Phát triển chăn nuôi vật nuôi có lợi thế giai đoạn 2015 – 2020” lựa chọn 6 loại vật nuôi là trâu, bò, dê, lợn cỏ, gà đồi, vịt Cổ Lũng chỉ đạo các xã căn cứ điều kiện cụ thể của địa phương để lựa chọn triển khai thực hiện. Tổng đàn trâu có 20.258 con; đàn bò 15.894 con, đàn lợn 19.900 con; Gia cầm 620 nghìn con. Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng năm 2020 ước đạt 15,81 nghìn tấn tăng gấp đôi so với năm 2010 (năm 2010 đạt 6,819 nghìn tấn); chăn nuôi chiếm chiếm 50% cơ cấu giá trị trong nông nghiệp.

Trong lĩnh vực lâm nghiệp, tổng diện tích rừng toàn huyện theo quyết định phê duyệt của UBND tỉnh Thanh Hoá (2016-2025) 54.439,18ha, trong đó rừng sản xuất 32.2780,81ha, rừng đặc dụng 12.057,78ha, rừng phòng hộ10.110,59ha. Đã triển khai rà soát điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng, giao đất, giao rừng đến chủ hộ, triển khai và thực hiện chương trình trồng rừng gỗ lớn.

Trong lĩnh vực thủy sản phát triển cả về khai thác đánh bắt và nuôi trồng; năm 2020, diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 270,6 ha tăng 90 ha so với năm 2010; sản lượng nuôi trồng, khai thác thủy sản năm 2020 ước đạt là 1.300 tấn bằng 179% so với năm 2010 (2010 là 724 tấn).

Sản xuất phát triển làm cho đời sống vật chất tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt, thu nhập bình quân đầu người từ 9 triệu đồng năm 2010 đến năm 2020 ước đạt 30 triệu đồng/người/năm tăng gấp 3,3 lần. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh từ 46% năm 2010 xuống còn 8% năm 2020. Đến nay, có 4/22 xã đạt tiêu chí thu nhập, 6/22 xã đạt tiêu chí hộ nghèo, 22/22 xã đạt tiêu chí lao động có việc làm Bốn là, công tác vệ sinh môi trường nông thôn: Thực hiện Chỉ thị số 29-CT/HU của Ban Thường vụ Huyện ủy về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng trong thực hiện phong trào "Vệ sinh môi trường" và "cải tạo vườn tạp". Đẩy mạnh công tác xây dựng cảnh quan môi trường xanh – sạch – đẹp an toàn; các thôn bản đã xây dựng hương ước về giữ gìn vệ sinh chung, quy định lịch tổng vệ sinh đường làng, ngõ xóm ít nhất 01 tuần một lần. Toàn huyện có 05 bãi rác tập trung tại 05 xã: Ban Công, Điền Trung, Điền Lư, Lương Trung và Lũng Niêm.

Văn hóa – xã hội, quốc phòng – an ninh được đảm bảo. Huyện đã tập trung đẩy mạnh và nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá gắn với XDNTM” nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật và các quy định về văn hoá của người dân. Xây dựng, củng cố và phát triển hệ thống các thiết chế văn hoá, thể thao ở cơ sở tạo điều kiện cho người dân nâng cao mức hưởng thụ, tham gia các hoạt động văn hoá, văn nghệ thể dục thể thao.

Cùng với đó, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội hệ thống chính trị của huyện đảm bảo vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, quốc phòng – an ninh được giữ vững. Đến nay toàn huyện có 22/22 xã đạt tiêu chí số 19 về quốc phòng và an ninh.

Có thể khẳng định rằng, trong 10 năm qua thực hiện chương trình XDNTM đã làm cho bộ mặt nông thôn Bá Thước có nhiều thay đổi, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng nâng cao. Tuy nhiên, nhìn một cách khách quan thì quá trình thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về XDNTM ở huyện Bá Thước vẫn còn những hạn chế như sau:

Sản xuất nông nghiệp còn manh mún, phân tán, chưa bền vững. Chưa gắn kết giữa sản xuất với tiêu thụ chế biến, chưa hình thành được các vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, nhà văn hóa thôn xã còn thấp, chưa đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất trong đời sống. Nguồn lực vốn huy động cho đầu tư phát triển, xây dựng NTM chưa nhiều, vốn đầu tư từ doanh nghiệp còn ít, chưa phát huy được hết vai trò của người dân trong XDNTM. Đội ngũ công chức tham mưu cho ban chỉ đạo các cấp còn thiếu và yếu đặc biệt là ở cấp xã, cấp thôn.

Từ cách làm trong 10 năm qua, có thể rút ra một số kinh nghiệm trong XDNTM trên địa bàn huyện Bá Thước như sau:

Một là, làm tốt công tác tuyên truyền, đa dạng về hình thức, phong phú, cụ thể về nội dung để làm chuyển biến căn bản nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân về XDNTM, tạo ra sự đồng thuận trong đảng, trong nhân dân, phát huy tối đa mọi nguồn lực, chung sức XDNTM.

Hai là,tiếp cận Chương trình XDNTM phải kết hợp XDNTM cả quy mô xã và thôn(bản); phát huy vai trò của người đứng đầu từ thôn, bản xã đến huyện. Phân công giao nhiệm vụ thực hiện cho các thành viên trong Ban chỉ đạo các cấp rõ ràng cụ thể, gắn trách nhiệm của ngành với địa bàn phân công tại cơ sở.

Ba là, huy động sự tham gia, vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là các đoàn thể, các tổ chức chính trị, xã hội.

Bốn là, lồng ghép, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn của các chương trình MTQG khác, như nguồn vốn huy động từ các doanh nghiệp, vốn tín dụng, vốn lồng ghép từ các dự án để phục vụ thực hiện các Chương trình XDNTM.

Năm là, tăng cường hoạt động kiểm tra, giáo sát của ban chỉ đạo, định kỳ sơ kết, tổng kết đánh giá rút kinh nghiệm và biểu dương khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện chương trình.

Từ những bài học và kinh nghiệm thực tiễn, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Bá Thước vững tin tiếp tục phát huy sức mạnh, khơi dậy nguồn lực to lớn của nhân dân tập trung phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ; tạo động lực quan trọng thúc đẩy tiến độ XDNTM trong thời gian tới, phấn đấu đến năm 2030, huyện Bá Thước là huyện đạt chuẩn NTM.

ThS. Dương Bá Tiến


ThS. Dương Bá Tiến

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]