(vhds.baothanhhoa.vn) - Không như các thôn khác của xã Cẩm Thành (Cẩm Thủy), từ bao đời nay người dân thôn Bèo Bọt biệt lập với thế giới bên ngoài, nơi đây được ví như “ốc đảo” trên cạn, ngăn cách bởi dòng sông Mã. Để di chuyển ra bên ngoài chỉ còn cách đi thuyền vượt sông hoặc phải leo núi để sang huyện Bá Thước.

Bèo Bọt - ngôi làng biệt lập bên dòng sông Mã

Không như các thôn khác của xã Cẩm Thành (Cẩm Thủy), từ bao đời nay người dân thôn Bèo Bọt biệt lập với thế giới bên ngoài, nơi đây được ví như “ốc đảo” trên cạn, ngăn cách bởi dòng sông Mã. Để di chuyển ra bên ngoài chỉ còn cách đi thuyền vượt sông hoặc phải leo núi để sang huyện Bá Thước.

Bèo Bọt - ngôi làng biệt lập bên dòng sông MãDo không có đường giao thông, nên chi phí vận chuyển để xây dựng nhà ở, công trình của người dân đội giá lên rất nhiều.

Cả thôn chỉ trông chờ vào chiếc phà máy

Trong tiết trời xuân ấm áp của những ngày đầu năm mới, chúng tôi có dịp ghé thăm Bèo Bọt – ngôi làng biệt lập bên dòng Mã giang thuộc địa phận xã Cẩm Thành (Cẩm Thủy). Theo sự chỉ dẫn của người dân địa phương, chỉ cách trung tâm xã chừng hơn 10km, thế nhưng con đường vào thôn Bèo Bọt xa vời vợi và thật lắm chông gai. Bởi để sang được thôn, chỉ có hai con đường, một là leo qua dãy núi đá vôi dựng đứng ở xã Lương Trung (Bá Thước), hai là dùng thuyền vượt sông. Từ bao đời nay, người dân nơi đây đã quen với cách di chuyển bằng thuyền, nay được thay thế bằng phà máy do Nhà nước hỗ trợ, dù đi lại vất vả nhưng chỉ có cách này mới có thể tiếp cận, giao lưu với các thôn, bản khác trong và ngoài xã.

Hơn 1 giờ trưa, ông Cao Ngọc Hoan (47 tuổi) người lái đò tất tả đưa người qua sông đi làm, đi học. Đã hơn 3 năm kể từ ngày nhận “sứ mệnh” cao cả ấy, bất kể trời mưa hay nắng, mùa hè hay những ngày đông giá rét, với những cơn mưa phùn gió bấc cắt da cắt thịt, ông Hoan vẫn ngày đêm cần mẫn, miệt mài đưa người dân và học sinh có việc qua sông một cách an toàn. Sinh ra và lớn lên ở thôn Bèo Bọt, hơn ai hết ông Hoan hiểu rất rõ những khó khăn của bà con nơi đây.

Bèo Bọt - ngôi làng biệt lập bên dòng sông MãỞ Bèo Bọt, con đường duy nhất để học sinh và người dân sang bờ bên kia lao động, học tập là lên phà qua sông.

Để phục vụ nhu cầu đi lại cho bà con trong thôn, ngoài giờ đưa đò từ 6 giờ sáng đến 6 giờ tối, ai có nhu cầu hoặc công việc muốn qua sông ông đều nhiệt tình phục vụ, có những thời điểm giữa đêm 1 – 2h sáng, dù đang nằm ngủ nhưng khi nhận được điện thoại cầu cứu của người dân trong làng, bất kể mưa rét ông đều làm công việc bằng cái tâm, lòng nhiệt huyết của mình.

Ông Hoan tâm sự: “Có hôm trời tối, tôi vẫn thường đợi để đưa các cháu đi học thêm về sau đó mới yên tâm nghỉ được. Nhiều khi bị ốm mệt hay ngoài trời lạnh giá, nếu có người gọi đò là tôi sẵn sàng chèo đò”.

Ước mơ về một cây cầu bắc qua sông

Bèo Bọt là một thôn đặc biệt của xã Cẩm Thành. Nơi đây bị chia cách, cô lập với các thôn còn lại bởi dòng sông Mã. Thôn hiện có 87 hộ dân với 383 nhân khẩu, đồng bào Thái chiếm trên 97%. Hàng trăm năm nay, thôn Bèo Bọt như một ốc đảo nằm tách biệt với thế giới bên ngoài bởi dòng sông Mã và những vách núi cao. Ngoài cây lúa nước, người dân còn trồng thêm ngô, tre, luồng... và nuôi cá lồng với hơn 30 hộ, nhờ kinh tế ổn định nên đời sống của bà con cũng đỡ vất vả hơn trước.

Lấy chồng thôn Bèo Bọt đã hơn chục năm nay, chị Trương Thị Linh (quê Bá Thước) trực tiếp chứng kiến những đổi thay ở nơi đây. Chị cho biết: Do không có đường giao thông, người dân phải phụ thuộc vào chiếc phà chỉ chở tối đa được 12 người, khiến việc đi lại gặp rất nhiều bất tiện, nhất là đưa đón con cái đi học. Đặc biệt là những ngày chuyển mùa, mưa rét, lũ lụt... “sự học” của con em trong thôn càng trở nên khó khăn hơn gấp bội.

Bèo Bọt - ngôi làng biệt lập bên dòng sông MãĐã ở cái tuổi “xưa nay hiếm” nhưng bà Cao Thị Phi, thôn Bèo Bọt vẫn mong ngóng về một chiếc cầu bắc qua dòng sông Mã để bà và người dân trong thôn đi lại đỡ vất vả.

Năm 2020, ông Bùi Thái Dương (57 tuổi) tích cóp được ít tiền để xây dựng ngôi nhà. Trong quá trình xây dựng, gia đình phải mang từng viên gạch, bao xi măng… bốc lên thuyền chở thành nhiều chuyến, rồi phải thuê người, phương tiện chở về thôn, chi phí đội lên, trong khi cuộc sống của gia đình còn nhiều vất vả.

Ông Cao Xuân Tuấn, Trưởng thôn Bèo Bọt cho biết: Do không có đường giao thông nên mọi việc lớn nhỏ từ ma chay, cưới hỏi, ốm đau, bệnh tật… người dân phải trông chờ chiếc phà máy, nên thường rất bị động. Đặc biệt, chỉ tính riêng việc thu hoạch, vận chuyển hàng hóa như lúa, gạo, luồng… bà con tốn rất nhiều công đoạn, thời gian và tiền bạc. Thế nên, bán được luồng thì trừ chi phí vận chuyển đi người dân chẳng còn được là bao. Đến nay, thôn còn 11 hộ nghèo.

Cũng theo ông Tuấn, dù đi lại khó khăn, song 100% trẻ em trong thôn đều được đến trường đúng độ tuổi, ở nhiều cấp học không có học sinh bỏ học.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Bùi Tiến Dũng, Chủ tịch UBND xã Cẩm Thành cho biết: Trong những năm qua, hệ thống đường giao thông nội thôn Bèo Bọt được quan tâm để đầu tư khá đồng bộ, do vị trí địa lý riêng biệt, người dân ở đây chịu nhiều thiệt thòi khi giao thông nối ra đường lớn không có. Người dân thôn Bèo Bọt mong ước lớn nhất là có chiếc cầu bắc qua sông Mã để tiện giao thương, buôn bán, đi lại được dễ dàng, thuận tiện. Khổ nỗi, vì kinh phí địa phương hạn hẹp nên câu chuyện xây cầu cho người dân không biết đến khi nào mới trở thành hiện thực.

Bài và ảnh: TRUNG LÊ



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]