(vhds.baothanhhoa.vn) - Cuộc hành trình này có khó khăn, vất vả nhưng đã để lại “quả ngọt”. Bản thân cán bộ thôn phải biết thay đổi tư duy, biết ứng dụng công nghệ. Hơn thế, phải gần dân, sát dân, tạo lập thói quen số cho người dân trên môi trường số.

Cán bộ thôn thời công nghệ: “Chạy” theo công nghệ

Cuộc hành trình này có khó khăn, vất vả nhưng đã để lại “quả ngọt”. Bản thân cán bộ thôn phải biết thay đổi tư duy, biết ứng dụng công nghệ. Hơn thế, phải gần dân, sát dân, tạo lập thói quen số cho người dân trên môi trường số.

Cán bộ thôn thời công nghệ: “Chạy” theo công nghệCông chức văn hóa thị trấn Tân Phong hướng dẫn người dân cài đặt chữ ký số.

Chuyện của những cán bộ thôn cao tuổi

3 năm về trước, ông Trần Công Đảng, Tổ trưởng tổ dân phố Đông Đa 2, thị trấn Tân Phong (Quảng Xương) đã đổi chiếc máy điện thoại “cục gạch” sang chiếc điện thoại thông minh. Nhờ sử dụng chiếc điện thoại nhiều tiện ích này đã giúp ông thực hiện công việc ở tổ dân phố hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, để thực hiện một số ứng dụng trên chiếc điện thoại thông minh này, với Tổ trưởng tổ dân phố Trần Công Đảng không dễ dàng gì. Ông phải nhờ đến sự hướng dẫn của con cháu. Cũng đôi khi, ông quên cách sử dụng, lại tiếp tục sự giúp đỡ của con trẻ. Nhưng ông cũng tự nhận thấy, vì tuổi cao nên việc “chạy” theo công nghệ sẽ không tránh khỏi khó khăn. Khắc phục nhược điểm này, ông đã kiên trì học hỏi đồng thời bản thân tự mày mò, khám phá để sử dụng một cách thành thạo hơn.

“Đúng là chẳng gì bằng công nghệ” - ông Đảng với khuôn mặt phấn chấn đã thốt lên như vậy. Từ khi ông biết lướt facebook, zalo trên chiếc điện thoại thông minh, công việc của tổ trưởng tổ dân phố cũng trở nên nhẹ nhàng hơn. Thông qua chiếc điện thoại đa chức năng này, ông đã kết nối người dân bằng việc lập các nhóm trên nền tảng mạng xã hội zalo. “Tổ dân phố chúng tôi đã lập nhóm zalo đảng viên, nhóm hưu trí... Có công việc gì cũng đều đăng thông báo trên nhóm để Nhân dân nắm bắt, tiếp thu. Trước đây, cán bộ thôn cứ phải chạy đi chạy lại rất vất vả” - ông Đảng cho biết.

Ngoài ra, trên nhóm zalo, ông Đảng thẳng thắn góp ý những việc làm chưa được của người dân khi tham gia thực hiện việc chung trong tổ. Đơn cử như thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng đô thị văn minh, nếu tổ an ninh xã hội nào có thành viên chưa chấp hành tốt, ông sẽ chụp hình và đăng lên nhóm nhắc nhở. Đây cũng được xem là giải pháp hữu hiệu, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong bảo vệ môi trường.

Trẻ nhanh nhạy, già cần mẫn, kiên trì... Những cán bộ thôn thời công nghệ, cánh tay nối dài của ban chuyển đổi số các cấp, với tinh thần nhiệt huyết, trách nhiệm đã chọn cho bản thân những cách thức khác nhau để bắt nhịp với thời cuộc, hoàn thành nhiệm vụ được giao...

Ở thôn Yên Bái, xã Tế Lợi (Nông Cống), trưởng thôn Trần Ngọc Chương, 65 tuổi cũng có cách làm thuyết phục đối với người dân trong thôn. Thời gian gần đây, thôn Yên Bái đang xây dựng nhà văn hóa. Cùng với sự đóng góp của người dân còn có sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân, con em xa quê. Sự ủng hộ này trưởng thôn Trần Ngọc Chương công khai trên nhóm zalo thôn Yên Bái. Không dừng ở đây, ông còn quay video, chụp hình quá trình thi công các hạng mục, sau đó đăng lên nhóm zalo thôn và chia sẻ vào zalo cá nhân của những người ủng hộ xây dựng nhà văn hóa. Chia sẻ của trưởng thôn Trần Ngọc Chương: “Đăng lên để tất cả bà con trong thôn nắm rõ, phải biết được thực tế, phải được kiểm tra, rằng làm móng thế nào, đóng cọc ra sao, nguyên vật liệu có chuẩn không... Tôi cập nhật ngày một, không bỏ sót hạng mục nào. Với cán bộ thôn, việc ứng dụng công nghệ cũng cần phải có cách làm riêng để đạt hiệu quả”.

Cán bộ thôn/tổ dân phố như ông Chương, ông Đảng nói trên đều là thành viên trong tổ công nghệ số cộng đồng thôn. Đây là cầu nối của chính quyền địa phương nhằm tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác chuyển đổi số đến Nhân dân. Qua đó tạo lập hành vi, thói quen số cho người dân trên môi trường số, thúc đẩy người dân sử dụng nền tảng số, công nghệ số.

Đặc biệt, những cán bộ thôn cao tuổi thì việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số là cả vấn đề. Bằng sự kiên trì, nỗ lực, các ông đã vượt khó, nêu cao tinh thần trách nhiệm. Ngoài giải pháp, cách làm trong ứng dụng công nghệ của riêng cá nhân như đã đề cập ở trên, những cán bộ thôn còn trong vai trò hướng dẫn người dân truy cập và sử dụng trang thông tin điện tử địa phương, hướng dẫn người dân đăng ký tham gia các sàn thương mại điện tử hoặc cài đặt chữ ký số... Việc chồng việc nhưng quan trọng vẫn là sự nhiệt huyết, bắt nhịp với thời cuộc.

Chợ Bản 4.0

Chị Nguyễn Thị Dinh, 36 tuổi, là Bí thư chi bộ thôn Tân Ngữ 2, xã Định Long (Yên Định). Một cán bộ thôn trẻ, nhanh nhạy, năng động. Với người trẻ làm cán bộ thôn, việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số bao giờ cũng nhiều lợi thế hơn cán bộ thôn cao tuổi.

Cán bộ thôn thời công nghệ: “Chạy” theo công nghệKhách hàng sử dụng mã QR để thanh toán khi mua hàng tại chợ Bản.

Thôn Tân Ngữ 2 đặc biệt hơn các thôn khác, được chọn xây dựng thôn thông minh. Chính vì vậy, thôn đã xây dựng được một số mô hình về ứng dụng công nghệ số như mô hình quét mã QR Code (mã phản hồi nhanh) để tra cứu thông tin, mô hình camera an ninh hay mô hình chợ Bản 4.0.

Riêng mô hình chợ Bản 4.0, như chia sẻ của bí thư chi bộ Nguyễn Thị Dinh, với một xã nông nghiệp như Định Long, xây dựng được chợ 4.0 là cả sự cố gắng. Gần 300 tiểu thương trong chợ đều có mã QR Code, thuận tiện cho việc thanh toán không dùng tiền mặt. Trước đó, tổ công nghệ số cộng đồng xã, thôn đã phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam tổ chức tập huấn cho người dân mở tài khoản miễn phí, tạo mã QR Code cho các tiểu thương trong chợ. Bí thư chi bộ Nguyễn Thị Dinh kể lại: “Lúc đầu, phần lớn tâm lý của tiểu thương ngại làm vì câu hỏi họ đặt ra, liệu sử dụng mã QR Code thì khách hàng có chuyển đúng số tiền không, làm sao để biết được họ chuyển thật vào tài khoản của mình. Sau 1 tháng tuyên truyền, gần 300 tiểu thương đều sử dụng mã QR Code. Đối với những tiểu thương không mặn mà với mã QR Code, bản thân tôi sẽ trong vai là khách hàng không mang theo tiền mặt, tôi yêu cầu chuyển khoản. Người bán hàng không có mã QR Code, trong trường hợp này sẽ khó giữ được chân khách hàng. Đó cũng là hình thức tuyên truyền để tiểu thương thấy được tiện ích của mã QR Code”.

Bài và ảnh: Vi An



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]