(vhds.baothanhhoa.vn) - Sau 4 năm thực hiện Nghị định số 15 ngày 2-2-2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật An toàn thực phẩm (ATTP), Thanh Hóa là địa phương đi đầu trong công tác triển khai xây dựng chợ kinh doanh thực phẩm (KDTP) và có số lượng chợ hoàn thành công bố hợp chuẩn chợ KDTP theo TCVN 11856:2017 cao nhất trong cả nước.

Chợ an toàn thực phẩm và câu chuyện an toàn

Sau 4 năm thực hiện Nghị định số 15 ngày 2-2-2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật An toàn thực phẩm (ATTP), Thanh Hóa là địa phương đi đầu trong công tác triển khai xây dựng chợ kinh doanh thực phẩm (KDTP) và có số lượng chợ hoàn thành công bố hợp chuẩn chợ KDTP theo TCVN 11856:2017 cao nhất trong cả nước.

Chợ an toàn thực phẩm và câu chuyện an toàn

Ban quản lý chợ Cầu Quan (Nông Cống) kiểm tra hóa đơn hàng hóa của hộ kinh doanh tại chợ.

Tạo sự chuyển biến tích cực

Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 332/388 chợ được công nhận chợ KDTP đáp ứng các quy định về ATTP. Trong đó có 245 chợ công bố hợp chuẩn theo TCVN 11856:2017 và 87 chợ được công nhận chợ KDTP theo tiêu chí chợ tạm.

Được công nhận chợ KDTP đáp ứng các quy định về ATTP vào năm 2020, chợ Cầu Quan, xã Trung Chính (Nông Cống) có hơn 70 tiểu thương đang kinh doanh. Chợ có hệ thống cấp, thoát nước đến từng hộ kinh doanh thịt, thủy hải sản… Sàn khu vực bán thực phẩm thoát nước tốt và dễ dọn dẹp vệ sinh. Tại các quầy hàng, có biển hiệu ghi rõ tên mặt hàng kinh doanh, họ và tên, địa chỉ, điện thoại người bán. Một trong những công việc hàng ngày của Ban quản lý chợ Cầu Quan là kiểm tra nguồn gốc thực phẩm mà ở đó tiểu thương có sổ sách ghi chép, hợp đồng, hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc… Đến thời điểm này, qua các đợt thanh, kiểm tra của ngành chức năng, chợ Cầu Quan cũng như 20 chợ còn lại trên địa bàn huyện Nông Cống đã được công nhận chợ KDTP đều đáp ứng các quy định về ATTP.

Sau 3 năm được công nhận chợ KDTP đáp ứng các quy định về ATTP, chợ Phủ Thọ được đánh giá là một trong những chợ thực hiện nghiêm các quy định về vệ sinh ATTP trên địa bàn huyện Thọ Xuân. Nét nổi bật của chợ Phủ Thọ là có hệ thống phòng cháy, chữa cháy tự động, luôn hoạt động 24/24h kể cả khi mất điện, tự động phát hiện cháy thông qua cảm biến. Bên cạnh đó, các quy định về ATTP cũng được thực hiện nghiêm túc, như thực phẩm sống được bày bán cách ly thực phẩm chín; hàng hóa là thực phẩm không để chung với các loại hóa chất và hàng hóa khác… Theo ông Lê Đình Hảo, Phó trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng, UBND huyện Thọ Xuân: “26/26 chợ của huyện đã được công nhận chợ KDTP đáp ứng các quy định về ATTP. Theo định kỳ, ngành chức năng đã thực hiện lấy mẫu kiểm tra nhanh thực phẩm tại các chợ. Đến nay chưa phát hiện trường hợp vi phạm ATTP”.

Việc xây dựng các mô hình chợ ATTP, đặc biệt là hoàn thành công bố các chợ KDTP theo TCVN 11856: 2017 và chợ KDTP đối với chợ tạm đã tạo sự chuyển biến tích cực, nâng cao ý thức trách nhiệm của các đơn vị quản lý chợ và các cơ sở chế biến, KDTP trong việc đảm bảo vệ sinh ATTP, góp phần bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Những vấn đề đặt ra

Sau 4 năm thực hiện Nghị định số 15 ngày 2-2-2018 của Chính phủ, công tác đảm bảo ATTP tại các chợ KDTP đã có những kết quả rõ nét. Tại các chợ đạt tiêu chuẩn chợ KDTP, cơ sở hạ tầng được cải tạo hoặc xây mới, đầu tư trang thiết bị, dụng cụ bày bán thực phẩm theo quy định, đảm bảo vệ sinh ATTP. Các yêu cầu đối với ban quản lý chợ và tiểu thương kinh doanh trong chợ cũng như thông tin về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa kinh doanh tại chợ được chú trọng...

Tuy nhiên, tại một số địa phương, đặc biệt tuyến xã chưa có sự quan tâm đúng mức đến công tác bảo đảm vệ sinh ATTP, thiếu tính chủ động trong các hoạt động phối hợp. Theo ông Nguyễn Vũ Thắng, Phó trưởng phòng Quản lý Thương mại, Sở Công Thương: “Chính quyền tại một số địa phương chưa thật sự sát sao, quyết liệt nên công tác kiểm tra, giám sát chưa thực sự hiệu quả. Cái khó ở chợ ATTP hiện nay là công tác duy trì một số tiêu chí, đặc biệt là tiêu chí vệ sinh môi trường. Do thói quen mua bán của tiểu thương và người mua hàng, vẫn có hiện tượng xả rác bừa bãi ra lối đi, nền chợ, hết buổi chợ mới thu dọn, cống rãnh thoát nước chưa được khơi thông…”.

Chợ an toàn thực phẩm và câu chuyện an toàn

Chợ Phủ Thọ (Thọ Xuân) đã trang bị hệ thống phòng cháy, chữa cháy tự động.

Bà Nguyễn Thị Mai, Trưởng phòng Quản lý chất lượng nông, lâm thủy sản và muối, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: “Chợ Đầu Mối nông lâm thủy sản Đông Hương (TP Thanh Hóa) đã chấp hành cơ bản đầy đủ các quy định của pháp luật về ATTP trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm, nông lâm thủy sản tại chợ. Tổ giám sát của chợ thường xuyên lấy mẫu giám sát, kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc, xuất xứ. Hầu hết các cơ sở kinh doanh tại chợ có hóa đơn, bảng kê bán hàng và được tổ giám sát đóng dấu kiểm soát trên hóa đơn. Tuy nhiên, một bộ phận người mua hàng chưa có thói quen lấy hóa đơn khi mua hàng nên dẫn đến tình trạng một số hàng hóa khi về đến chợ huyện đặc biệt chợ ATTP chưa xuất trình được nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa”.

Sau 4 năm thực hiện Nghị định số 15, sự ra đời của chợ KDTP đáp ứng các quy định ATTP đã góp phần nâng cao vị trí, vai trò, tầm quan trọng của ATTP đối với sức khỏe Nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội và phát triển bền vững. Tuy nhiên, vẫn còn đó nhiều khó khăn, đặc biệt là công tác quản lý của cơ quan chức năng đối với các mặt hàng thực phẩm; cơ chế kiểm tra, kiểm soát về chất lượng, đo lường, ghi nhãn hàng hóa, công tác giám định của cơ quan chức năng còn chồng chéo, chưa theo kịp xu thế phát triển của thị trường…

Bài và ảnh: Vi An



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]