(vhds.baothanhhoa.vn) - Được ví như một “ốc đảo”, từ bao đời nay cuộc sống của người dân thôn Chòm Mốt, xã Lương Trung (Bá Thước) gặp rất nhiều khó khăn do bị ngăn cách bởi dòng Mã Giang. Chiếc đò nhỏ do Nhà nước cấp trở thành phương tiện “kết nối” Chòm Mốt với thế giới bên ngoài.

Chòm Mốt - Ngôi làng biệt lập bên dòng sông Mã

Được ví như một “ốc đảo”, từ bao đời nay cuộc sống của người dân thôn Chòm Mốt, xã Lương Trung (Bá Thước) gặp rất nhiều khó khăn do bị ngăn cách bởi dòng Mã Giang. Chiếc đò nhỏ do Nhà nước cấp trở thành phương tiện “kết nối” Chòm Mốt với thế giới bên ngoài.

Chòm Mốt - Ngôi làng biệt lập bên dòng sông MãChiếc đò nhỏ này là phương tiện đi lại không thể thiếu của người dân Chòm Mốt.

Cách trung tâm xã Lương Trung chừng 3km, nhưng phải mất khoảng nửa tiếng đồng hồ, chúng tôi mới đến được thôn Chòm Mốt, nơi đây được xem như một “ốc đảo” và gần như biệt lập với các thôn khác trong xã. Bởi người dân trong thôn muốn ra trung tâm xã xin giấy tờ, con trẻ đi học chỉ có một con đường duy nhất là đi đò vượt qua sông Mã. Những ngày nắng ráo thì còn đỡ, cứ đến mùa mưa lũ, nước sông Mã dâng cao và nguy hiểm, ảnh hưởng đến việc học của con trẻ, đi làm của bà con.

Theo trưởng bản Bùi Văn Điệp: Chòm Mốt hiện có 673 nhân khẩu, dân tộc Mường chiếm 99%, việc không có đường giao thông khiến người dân ở đây gặp vô vàn khó khăn. Giao thông khó khăn, nên mọi việc lớn nhỏ từ ma chay, cưới hỏi, ốm đau, bệnh tật... phải trông chờ vào chiếc đò này. Bởi vậy, đời sống bao năm qua của người dân ở đây chẳng khá lên được. Cả thôn có 135 hộ, nhưng có đến 67 hộ nghèo.

Chòm Mốt - Ngôi làng biệt lập bên dòng sông MãƯớc mơ về một cây cầu đối với người dân Chòm Mốt quả thực còn xa vời.

“Nói thôn không có đường giao thông nối ra xã khác trong huyện cũng không hẳn, bởi hiện có một con đường nhưng là đường đất, lại nhỏ, hẹp. Vào mùa mưa thì gần như không thể di chuyển được vì đường sình lầy, trơn trượt. Hơn nữa, nếu đi đường này lên trung tâm huyện rất xa, phải mất nửa ngày. Từ xưa đến nay, người dân đều lựa chọn di chuyển bằng đò qua sông để giao thương, buôn bán. Ở Chòm Mốt, đa phần chỉ còn người già, trẻ em và một số lao động bám địa bàn làm nông nghiệp, canh tác trên đất rừng sản xuất, số còn lại đi làm ăn xa ở các công ty, nhà máy. Khó khăn là thế, song 100% trẻ em trong thôn đều được đến trường đúng độ tuổi, đây là điều phấn khởi nhất ở thôn”, trưởng bản Điệp thông tin thêm.

Thầy giáo Cao Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Lương Trung cho biết: Trong những năm qua, mặc dù đời sống bà con Chòm Mốt có nhiều đổi thay so với trước kia, hệ thống cơ sở hạ tầng, giao thông đã được Nhà nước quan tâm đầu tư, thuận lợi cho việc đi lại, con em đến trường học chữ đông hơn. Tuy vậy, do chưa có cầu vượt sông Mã nên học sinh đến trường vẫn vô cùng khó khăn, tiềm ẩn nguy hiểm. Trường hiện có 43 học sinh ở Chòm Mốt đang theo học, đều đặn hàng ngày các em phải đi đò vượt sông để đến điểm trường. Cứ vào mùa mưa bão, nước sông Mã dâng cao, các cháu không thể đi học, có đợt phải nghỉ cả tuần. Dù chỉ cách trường có gần 3 cây số, nhưng các cháu phải đi từ sáng sớm tinh mơ mới kịp đến lớp đúng giờ vào học. Các hoạt động phong trào, học sinh trong thôn cũng không tham gia thường xuyên, đều đặn được...

Chòm Mốt - Ngôi làng biệt lập bên dòng sông MãTừ bao đời nay, việc đi lại của người dân thôn Chòm Mốt, xã Lương Trung, huyện Bá Thước vẫn khá vất vả do bị chia cắt bởi dòng sông Mã.

Gần 11 giờ trưa, anh Đỗ Văn Giáp, phụ trách chiếc đò đang tất bật để đưa đón người dân qua sông. Sinh ra và lớn lên ở Chòm Mốt, hơn ai hết, anh hiểu rất rõ những khó khăn, vất vả của bà con nơi đây. Đồng lương ít ỏi, chỉ khoảng hơn 1,5 triệu đồng/tháng, chủ yếu từ nguồn hỗ trợ của chính quyền địa phương, đóng góp các hộ trong thôn, nhưng bất kể trời mưa hay nắng, ngày hè nóng bức hay những ngày đông giá rét, anh Giáp vẫn cần mẫn, miệt mài đưa người dân và học sinh qua sông một cách an toàn.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Trương Đức Tài - Bí thư Đảng ủy xã Lương Trung cho biết: Người dân Chòm Mốt sinh sống chủ yếu bằng nghề nông, lâm nghiệp theo hướng tự cung, tự cấp. Ngoài cây lúa nước, người dân còn trồng thêm ít ngô, sắn, mía... Những năm gần đây, đời sống vật chất và tinh thần của người dân từng bước được nâng lên. Người dân nhiều lần kiến nghị xây cầu để bảo đảm an toàn tính mạng của họ cũng như những đứa trẻ mỗi lần đến trường không phải đánh cược qua những chuyến đò nữa. Tuy nhiên, nguồn kinh phí địa phương hạn hẹp nên ước mơ bao đời nay vẫn chưa trở thành hiện thực. Nhiều năm qua, để đảm bảo an toàn, xã cũng đã trang bị thêm áo phao, cùng với đó là nâng cấp, tu sửa chiếc đò kiên cố, chắc chắn hơn...

Bài và ảnh: Viết Trung



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]