(vhds.baothanhhoa.vn) - “Gạ đề”, “găm đề”, “không đi học bị giáo viên trù dập”, “học phí cao ngất ngưởng”... là những cụm từ miêu tả về vấn nạn dạy thêm - học thêm hiện nay.

Cần chấn chỉnh việc “biến tướng” dạy thêm, học thêm

“Gạ đề”, “găm đề”, “không đi học bị giáo viên trù dập”, “học phí cao ngất ngưởng”... là những cụm từ miêu tả về vấn nạn dạy thêm - học thêm hiện nay.

Học thêm là “chính”, học trên lớp là “phụ”

Trong xã hội ngày nay, tấm bằng đại học, cao học đang được coi là “vé thông hành” giúp mọi người kiếm một chỗ đứng vững vàng và một tương lai ổn định. Vậy nên, ngoài những mối lo “cơm áo, gạo tiền” thì mối bận tâm lo toan cho việc học của những đứa trẻ trong độ tuổi cắp sách tới trường cũng được mỗi gia đình đặt lên hàng đầu. Trung bình một học sinh sẽ theo học khoảng 3-4 khóa học trong một năm, bao gồm: Toán, Tiếng Anh, Ngữ Văn... thậm chí, có học sinh còn học một môn 2 chỗ. Bởi, nhiều phụ huynh luôn có cảm giác học ở trường chưa đủ, thế là “chạy đua” tìm kiếm thầy giỏi để đăng ký, tìm chỗ dạy thêm uy tín để đưa con đến học.

Cần chấn chỉnh việc “biến tướng” dạy thêm, học thêm

Câu chuyện học thêm - dạy thêm chưa bao giờ hết “nóng”. (Ảnh minh họa)

Một tuần 2 buổi chiều sau giờ tan làm, chị P lại cuống cuồng gói ghém công việc để kịp về đưa con đi học thêm nhà cô giáo chủ nhiệm. Chị cho biết: “Con gái đầu nhà tôi năm nay vào lớp 4, ngay từ đầu năm họp phụ huynh, tôi đã được một số phụ huynh ở lớp thủ thỉ mách nhau đăng ký cho con học thêm Toán nhà cô giáo chủ nhiệm. Nghe bảo cho con đi học thêm ở nhà cô chính là để “tạo quan hệ”. Học sinh nào tới nhà cô học đều được ưu ái hơn những bạn không học. Quan trọng hơn phụ huynh không lo con bị cô soi hay trù dập. Kể cả con thấy học không phù hợp nhưng cũng không được bỏ. Lớp đông không khác gì học chính khoá ở trường. Mỗi buổi học có giá từ 100 đến 150.000 đồng/ 1 ca 2 tiếng nhưng tôi không hiểu sao các phụ huynh vẫn “nô nức” đăng ký cho con học.”

Càng lên cấp học cao, theo kỳ vọng của gia đình về việc con đỗ vào trường chuyên, lớp chọn, trường ĐH top đầu thì nhiều gia đình khác giống như chị P không ngần ngại đầu tư tiền bạc, công sức “ép” con theo học với các giáo viên có “tên tuổi”. Chị tâm sự: “Cháu nhà tôi chuyển đến 2-3 nơi học Tiếng Anh rồi, cứ chỗ nào mách thầy cô giỏi tôi lại cho cháu đi học. Giờ Tiếng Anh quan trọng lắm, nhiều người còn bảo không có Tiếng Anh chẳng làm được việc gì. Lo lắng cho tương lai sau này của cháu nên dù học phí có cao thì vợ chồng tôi cũng ráng cho cháu học.”

Cần chấn chỉnh việc “biến tướng” dạy thêm, học thêmÁp lực đè nặng lên vai của các em học sinh. (Ảnh minh họa)

Khác với số đông, anh T. (phường Tân Sơn, TP Thanh Hóa) lại cho rằng, việc cho con em đi học ngày, học đêm đang làm khổ con trẻ, khiến chúng chỉ biết ngày ngày vùi đầu vào sách vở mà quên mất thế giới bên ngoài còn biết bao nhiêu điều cần khám phá, trải nghiệm. Tuy nhiên, con gái út nhà anh cũng vẫn phải “tự nguyện” đi học tại lớp học thêm của giáo viên phụ trách môn Toán: “Vợ chồng tôi không đặt nặng tâm lý cho con học thêm vài ba ca/ngày, nhưng nhiều khi rơi vào tình thế bắt buộc phải như vậy, không muốn mà vẫn phải cố “chạy theo” bởi 2 chữ “tự nguyện” dù cháu nhà tôi chỉ mới học lớp 3. Ngoài học trên trường, tuần 3 buổi cháu phải theo học nhà cô giáo chủ nhiệm, học Tiếng Anh. Ban đầu, gia đình tôi không đồng ý cho cháu học nhưng rồi thấy thái độ cô giáo có vẻ không vui, vì thương con, sợ con lên lớp sẽ bị “chèn ép” nên tôi đành đến xin học cho con.”

Bao giờ mới chấm dứt?

“Có cung ắt có cầu” trước sức ép thành tích, chú trọng chỉ số bề nổi và tâm lý lo con mình kém “con nhà người ta” mà không ít cha mẹ đẩy những đứa trẻ đến các lớp học thêm đến tận tối muộn. Còn với giáo viên, dạy thêm là để tăng thêm thu nhập trong điều kiện lương chưa đủ sống như hiện nay. Chưa kể, những phong trào thi đua của ngành giáo dục căn cứ vào tỷ lệ học sinh giỏi, tỷ lệ đỗ đại học... đã vô hình chung tạo nên áp lực cho nhà trường. Do đó, có thể thấy, dạy thêm, học thêm như một thị trường đáp ứng cung - cầu, dù đang đứng trước nhiều hệ lụy và những đứa trẻ, vô hình chung trở thành “nạn nhân”.

Cần chấn chỉnh việc “biến tướng” dạy thêm, học thêm(Ảnh minh họa)

Trên thực tế, việc những đứa trẻ tham gia vào các lớp học bổ sung kiến thức hay còn gọi là học thêm có thể giúp nâng cao trình độ là không sai. Tuy nhiên, làm cách nào để giúp con phát triển cả về thể chất lẫn tinh thần trên “con đường” học tập và học như thế nào cho đúng, cho khoa học, hiệu quả vẫn đang là một bài toán khó!

Mới đây, Sở GD-ĐT Thanh Hóa, căn cứ quyết định ban hành kế hoạch thời gian năm học 2023 - 2024 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa và các quy định liên quan, sở đã có hướng dẫn các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn thực hiện các khoản thu, chi trong trường học năm 2023 - 2024. Trong đó nhấn mạnh, các hoạt động giáo dục kỹ năng sống, dạy học làm quen với Tiếng Anh nếu có tổ chức thì phải thực hiện ngoài giờ học chính thức, không được chèn vào giờ học chính khóa. Không vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm; không tổ chức theo lớp học chính khoá. Mức thu tối đa 12.000 đồng/học sinh/tiết học (mỗi tuần không quá 3 tiết học) đối với hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động ngoài giờ chính khoá. Dạy học làm quen Tiếng Anh đối với trẻ mẫu giáo, học sinh tiểu học, thì mức thu tối đa 12.000 đồng/học sinh/tiết học với giáo viên là người Việt Nam; 30.000 đồng/học sinh/tiết học với giáo viên là người nước ngoài.

Để ngành giáo dục thực sự là một môi trường nhân văn, lành mạnh, vì sự phát triển toàn diện của con người; cũng như, chấm dứt tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan cần có sự phối hợp giữa các cấp, ngành có thẩm quyền trong việc kiểm soát chất lượng giáo dục, quản lý chặt chẽ vấn nạn dạy thêm, học thêm, kịp thời đưa ra các văn bản quy phạm pháp luật cụ thể, đầy đủ hơn về vấn đề này. Mặt khác, rà soát và ngừng ngay việc tổ chức học thêm, dạy thêm ở các trường, ở cá nhân thầy, cô giáo đang tổ chức dạy thêm trên địa bàn trái với quy định của Nhà nước. Ngoài ra, gia đình và học sinh cần có ý thức rõ về học lực của con em mình, không tạo áp lực về việc học cho con em mình và chạy đua thành tích một cách mù quáng.

Phú Lan


Phú Lan

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]