(vhds.baothanhhoa.vn) - Với quan điểm phòng tránh là chủ yếu, ứng phó kịp thời, khắc phục nhanh chóng, hiệu quả, các ngành và các địa phương của tỉnh đang tích cực thực hiện các biện pháp phòng tránh, ứng phó kịp thời, hiệu quả với thiên tai.

Chủ động các biện pháp ứng phó với thiên tai

Với quan điểm phòng tránh là chủ yếu, ứng phó kịp thời, khắc phục nhanh chóng, hiệu quả, các ngành và các địa phương của tỉnh đang tích cực thực hiện các biện pháp phòng tránh, ứng phó kịp thời, hiệu quả với thiên tai.

Chủ động các biện pháp ứng phó với thiên taiĐiểm dân cư bị sạt lở tại xã Tân Thành (Thường Xuân).

Là địa phương miền núi đặc thù của tỉnh, huyện Quan Hóa thường xuyên xảy ra và chịu ảnh hưởng của các loại hình thiên tai như: lũ quét, sạt lở đất, rét hại, lốc, sét, mưa đá, sương mù... Trên địa bàn huyện có sông Mã và một số phụ lưu chảy qua, kết hợp với lòng hồ của các nhà máy thủy điện nên khi có mưa, lũ xảy ra gây ngập lụt một số diện tích đất canh tác của Nhân dân. Qua rà soát của huyện, trên địa bàn có tới 1.018 hộ với 4.458 khẩu sinh sống tại khu vực nguy hiểm, cần phải sơ tán khi có thiên tai. Ngoài ra, trên địa bàn huyện có 66 công trình ngầm tràn qua các tuyến đường thường xuyên bị ngập khi có mưa, lũ xảy ra, ảnh hưởng đến giao thương của người dân.

Trước thực trạng trên, hằng năm huyện đã tổ chức kiện toàn, phân công nhiệm vụ cho các thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự (PCTT,TKCN&PTDS) huyện, xã, thị trấn. Cùng với đó, huyện đã xây dựng phương án huy động 7.867 người tham gia công tác phòng, chống thiên tai; trong đó, lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã là 1.092 người/15 đội xung kích.

Xác định trên địa bàn huyện có nhiều khu dân cơ có nguy cơ bị lũ ống, lũ quét, sạt lở đất và ngập lụt, nên ngay từ đầu năm, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn chuẩn bị 10.460 gói lương khô, mì tôm 65.070 thùng, gạo hơn 51 tấn, thực phẩm 31.357 kg, nước đóng chai 26.533 chai... đảm bảo đủ cứu trợ trong thời gian thiên tai xảy ra (cấp xã đảm bảo đủ trong thời gian 3 ngày; các hộ đảm bảo đủ trong 3 ngày).

Chủ động các biện pháp ứng phó với thiên taiCác hộ dân bản Chiềng, xã Phú Sơn (Quan Hóa) sống cheo leo trên vách núi, nơi có nguy cơ cao bị ảnh hưởng bởi sạt lở đất, lũ quét.

Theo nhận định của Đài Khí tượng Thủy văn Thanh Hóa, tình hình thiên tai trong những tháng tới sẽ có nhiều diễn biến phức tạp và khó lường. Nhằm tránh những tình huống bất ngờ do các loại hình thiên tai gây ra, mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh cùng các Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã trực tiếp đi kiểm tra thực tế các công trình trọng điểm phòng, chống thiên tai trên địa bàn 11 huyện miền núi của tỉnh. Không chủ quan, lơ là và bị động trước thiên tai, các cấp, các ngành đã tích cực chuẩn bị các phương án, kịch bản và sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện, dự trữ thiết yếu tại các địa phương để triển khai ứng phó có hiệu quả với các tình huống thiên tai, sự cố, thảm họa; đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của Nhân dân, giảm thiểu thiệt hại. Đồng thời, kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT,TKCN&PTDS các cấp, phân công nhiệm vụ cụ thể của các thành viên và triển khai thực hiện quyết liệt các chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh về công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Cùng với đó, các địa phương tích cực tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng, chống thiên tai và hướng dẫn kỹ năng nhận biết và cách thức ứng phó thiên tai cho cộng đồng dân cư. Khi có thiên tai xảy ra, sẵn sàng huy động tổng hợp các lực lượng tham gia công tác cứu hộ, cứu nạn, cứu trợ, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.

Ông Khương Anh Tấn, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT,TKCN&PTDS tỉnh Thanh Hóa, cho biết: Từ trước mùa mưa bão, Ban Chỉ huy đã thành lập các đoàn kiểm tra chủ động đến các địa phương để nắm bắt tình hình, kiểm tra, đôn đốc kết quả triển khai công tác phòng, chống thiên tai năm 2023. Tại các địa phương ven biển, Ban Chỉ huy cũng tích cực phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra công tác quản lý người, phương tiện nghề cá hoạt động trên biển; phương án sơ tán dân khi có bão và áp thấp nhiệt đới xảy ra, phương án đảm bảo an toàn cho các công trình ven biển... Những địa phương có công trình đê điều, hồ chứa, sẽ được kiểm tra việc xây dựng, phê duyệt các phương án đảm bảo an toàn cho các công trình và chuẩn bị các điều kiện cần thiết theo phương châm 4 tại chỗ. Các đoàn công tác đã đôn đốc các đơn vị khẩn trương hoàn thành công tác tu bổ đê điều, hồ chứa, đập dâng, kênh mương, các công trình ứng phó, khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra... đảm bảo tiến độ, chất lượng và đáp ứng yêu cầu phòng chống bão, lũ. Tại các huyện miền núi, các đoàn công tác kiểm tra phương án đảm bảo an toàn cho các khu dân cư ven sông, suối, khu vực có nguy cơ ngập lụt (các ngầm, tràn, khu vực có khả năng gây chia cắt, cô lập), sạt lở đất, lũ quét; phương án sơ tán dân tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt sâu, lũ quét, sạt lở đất; phương án đảm bảo an toàn cho khu vực hạ du các hồ chứa...

Bài và ảnh: Lê Hợi



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]