(vhds.baothanhhoa.vn) - Thuộc huyện vùng cao Quan Hóa, nhưng chính quyền và Nhân dân xã Nam Xuân đang có nhiều nỗ lực trong XDNTM. Cùng với thực hiện các tiêu chí, xã xác định lấy phát triển kinh tế để tạo tiền đề và nền tảng nhằm từng bước khỏa lấp những khó khăn thiếu thốn vốn có của địa phương.

Nỗ lực phát triển kinh tế gắn xây dựng nông thôn mới ở xã vùng cao Nam Xuân

Thuộc huyện vùng cao Quan Hóa, nhưng chính quyền và Nhân dân xã Nam Xuân đang có nhiều nỗ lực trong XDNTM. Cùng với thực hiện các tiêu chí, xã xác định lấy phát triển kinh tế để tạo tiền đề và nền tảng nhằm từng bước khỏa lấp những khó khăn thiếu thốn vốn có của địa phương.

Nỗ lực phát triển kinh tế gắn xây dựng nông thôn mới ở xã vùng cao Nam XuânNgười dân xã Nam Xuân (Quan Hóa) có thu nhập quanh năm từ trồng luồng, có điều kiện cùng chính quyền XDNTM.

Tuy nằm trên tuyến Quốc lộ 15C kết nối thuận lợi với các huyện miền xuôi, với huyện Mường Lát và cả sang Lào, nhưng không vì thế mà xã Nam Xuân có nhiều điều kiện phát triển. Như hầu hết các xã vùng cao khác trong vùng, cư dân ở đây thưa thớt, phân bố rải rác ở các chòm bản xen lẫn giữa các núi đồi. Diện tích lúa nương không nhiều, việc phát triển kinh tế của cư dân địa phương chủ yếu lệ thuộc vào rừng và cây luồng. Tuy nhiên, cây lâm sản chủ lực này cũng có giá trị không cao theo mức chung nên phần lớn người trồng rừng cũng chưa thể khá giả.

Xác định vẫn phải lấy kinh tế làm nền tảng, xã đã bắt đầu khơi dậy được những tiềm năng sẵn có của địa phương. Công nghiệp, dịch vụ và thương mại trên địa bàn đã manh nha phát triển với khoảng 100 cơ sở mở hoạt động kinh doanh, dịch vụ. Tuy mới ở cấp độ kinh doanh theo hộ cá thể, nhưng đã tạo được nhiều công ăn việc làm, tạo ra được lượng hàng hóa phong phú phục vụ nhu cầu mua bán của Nhân dân địa phương. Đây cũng là điều kiện để địa phương chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giảm hộ nghèo và cận nghèo trong xã. Đến nay, xã cũng thu hút được 1 doanh nghiệp và một số cơ sở thu mua, chế biến lâm sản, góp phần giải quyết đầu ra cho người trồng rừng.

Với hơn 2.350 ha rừng sản xuất, xã quán triệt để Nhân dân làm tốt công tác bảo vệ và phát triển kinh tế rừng. Trong đó, hơn 2.000 ha luồng đã giúp cho hàng nghìn hộ dân trong xã có thu nhập quanh năm, tuy chưa giàu có nhưng giải quyết được các khâu chi tiêu, sinh hoạt hằng ngày. Thống kê từ UBND xã Nam Xuân, hiện địa phương có 2.563 hộ dân, trong đó khoảng 97% có diện tích luồng trồng. Gia đình trồng nhiều như hộ ông Ngân Văn Xúm ở bản Nam Tân 28 ha, ít cũng một vài cho đến 5 - 7 ha và cả chục ha luồng. Nhằm nâng cao chất lượng và giá trị cây luồng, địa phương đã triển khai phục tráng được 80 ha. Đây là diện tích luồng được bón phân, chăm sóc, thâm canh nên cây to hơn, chất lượng tốt, bán với giá trị 30 - 40 nghìn đồng mỗi cây.

Chăn nuôi dưới tán rừng cũng được coi là lợi thế và là giải pháp xóa đói giảm nghèo cho Nhân dân địa phương. Đảng ủy và UBND xã Nam Xuân đều có các nghị quyết và kế hoạch cụ thể để phát triển chăn nuôi trong những năm gần đây. Các loại vật nuôi như trâu, bò, dê, lợn mán hiện là đối tượng chăn nuôi chủ lực của xã bởi có thể tận dụng phát triển cùng với diện tích rừng trồng. Đến nay, tổng đàn gia súc, gia cầm toàn xã đã đạt gần 10.300 con.

Với hệ thống cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, sạch đẹp, nhiều năm gần đây, Nam Xuân còn phát triển thành công mô hình du lịch sinh thái cộng đồng ở các bản Bút và Bút Xuân. Từ đó, các cơ sở lưu trú, nghề dệt thổ cẩm của các bản ngày càng phát triển. Qua phát triển du lịch, hệ thống công trình hạ tầng như đường điện chiếu sáng trong các bản, hạ tầng viễn thông, sân chơi thể thao, nguồn nước sạch sinh hoạt, bến thuyền phục vụ du khách... cũng được xây dựng. Đây cũng chính là quá trình hoàn thiện các tiêu chí trong XDNTM của địa phương.

Từ sự phát triển kinh tế đã giúp đời sống vật chất và tinh thần các hộ đồng bào địa phương ngày càng nâng cao, trở thành điều kiện thuận lợi để xã triển khai XDNTM. Gần đây, công tác huy động các nguồn lực cho XDNTM được xã chú trọng. Cùng với lồng ghép vốn từ các chương trình, dự án tài trợ khác, từ năm 2020 đến nay, xã đã huy động được toàn dân hiến đất, ngày công, vật liệu xây dựng và đóng góp kinh phí để nâng cấp và kiên cố mới gần 3 km đường giao thông. Đáng ghi nhận là Nhân dân đồng tình đóng góp khoảng 450 triệu đồng, hiến 13.000m2 đất các loại và gần 17.000 ngày công lao động để đưa tỷ lệ giao thông được cứng hóa ở xã vùng cao này lên hơn 98%. Hơn 2 năm qua, Nhân dân trong xã cũng bỏ kinh phí để xây dựng mới 57 nhà ở khang trang, góp phần xóa nhà tạm, cùng địa phương thực hiện tiêu chí nhà ở dân cư trong XDNTM.

Ông Cao Văn Vọng, Chủ tịch UBND xã Nam Xuân, cho biết: “Chương trình XDNTM được cấp ủy, chính quyền xã rất quan tâm. Những năm gần đây, xã phát động toàn dân chung tay xây dựng nhiều công trình công cộng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội như bê tông hóa đường liên bản, tuyến ngõ liên gia. Tuy xuất phát điểm rất thấp nhưng đến nay, xã đã hoàn thành 11/19 tiêu chí của xã NTM, gồm: giao thông, thủy lợi, điện, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, hạ tầng thương mại nông thôn, thông tin và truyền thông, giáo dục và đào tạo, văn hóa, hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật, quốc phòng - an ninh...”.

Tuy ở xã vùng cao, nhưng những tiêu chí về môi trường, văn hóa, y tế... được chính quyền và Nhân dân địa phương thực hiện tốt. Hành trình để cán đích xã NTM của Nam Xuân chắc chắn sẽ còn dài, song những nỗ lực của cả chính quyền lẫn người dân đã giúp xã trở thành đơn vị khá trong vùng trong thực hiện các tiêu chí.

Bài và ảnh: Linh Trường



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]