(vhds.baothanhhoa.vn) - Trong "xóm tự kỉ" mỗi gia đình là một câu chuyện nhưng vì là người đồng cảnh, đồng hành, nên mọi người xem niềm vui, nỗi buồn của người cũng là của mình. Họ động viên, an ủi nhau cùng nhẫn nại đưa con thoát khỏi thế giới cô độc.

Chuyện ở "xóm tự kỉ"

Trong "xóm tự kỉ" mỗi gia đình là một câu chuyện nhưng vì là người đồng cảnh, đồng hành, nên mọi người xem niềm vui, nỗi buồn của người cũng là của mình. Họ động viên, an ủi nhau cùng nhẫn nại đưa con thoát khỏi thế giới cô độc.

Chuyện ở “xóm tự kỉ”

Nhà trọ bà Tâm - nơi mỗi ngày chứng kiến “cuộc chiến” của những bà mẹ có con tự kỉ, cũng là nơi ấm áp tình người của những người xa lạ

Nằm sâu trong con ngõ nhỏ 910, đường Quang Trung, TP Thanh Hóa, gần Bệnh viện Nhi, xóm trọ tự kỷ ra đời khi nhiều phụ huynh có con em tự kỷ từ nhiều nơi đến trọ học và chữa bệnh. 5 giờ chiều, những cơn gió lướt qua như con dao sắc lẹm cứa vào da thịt, lạnh âm ỉ. Tôi loay hoay hỏi đường đến xóm trọ bà Tâm - nơi được giới thiệu có nhiều cặp mẹ con tự kỷ đang thuê trọ, thì “ầm” - chiếc xe đạp đang dựng đổ rầm xuống đất, bóng một bé gái chạy vọt đi.

“Ối giời ơi, gì thế này?” - tiếng người đàn bà lớn tuổi kêu lên. Mẹ của bé chạy tới ôm con rồi rối rít xin lỗi: “Cháu xin lỗi, con cháu nó nghịch quá”. “Giữ con cho cẩn thận để nó chạy linh tinh, nghịch ngợm như thế này à?. Đúng là điên”, người đàn bà gằn giọng. Người mẹ trẻ mắt rưng rưng: “Cháu nó bị tự kỷ hơi nghịch ngợm chứ không phải bị điên đâu ạ. Bác thông cảm!”. “Tự kỷ thế không phải điên à? Tốt nhất cho nó vào phòng nhốt lại, đừng để ảnh hưởng đến người khác”, lời người đàn bà cay nghiệt.

Đúng lúc này bà Tâm chạy từ trong xóm trọ ra, nói: “Giờ là thời đại nào mà bà nói vậy? Cháu nó bị tự kỷ, một chứng bệnh rối loạn ngôn ngữ, hành động quá mức chứ không phải bị điên. Không biết cũng không sao nhưng đừng nói mấy lời cay độc đó, mẹ cháu nghe lại buồn, cùng là đàn bà phải hiểu và thông cảm cho nhau. Dù gì thì cháu nó cũng là con người mà, các cháu cần nhận được sự yêu thương, đùm bọc. Chúng ta là hàng xóm, nên động viên chia sẻ với mẹ con cô ấy. Nếu chẳng may đây là cháu bà, bà có thương không?”. “Ờ thì…”, người phụ nữ có vẻ đã bắt đầu suy nghĩ lại. Đám đông giải tán, tôi theo chân 2 người phụ nữ về xóm trọ. Vừa đi, bà Tâm vừa xuýt xoa: “Ở cùng nhau nên hiểu, tôi thấy tội và rất thương những người mẹ có con tự kỷ, nhiều khi dép lê còn xỏ không kịp để chạy theo mấy đứa nhỏ đang lên cơn”.

Xóm trọ bà Tâm là 2 dãy phòng trọ chạy dài theo hình chữ L, bao lấy ngôi nhà mà gia đình bà Tâm đang ở. Ngoài những cặp mẹ con tự kỉ, xóm trọ còn nhiều sinh viên và người đi làm sinh sống. Bà Tâm cho hay: “Trước đây, nhà tôi có khoảng 10 gia đình có con tự kỷ thuê phòng. Từ năm ngoái đến nay, do ảnh hưởng dịch COVID-19, chỉ còn ba, bốn gia đình. Ngoài khu trọ nhà tôi, trong ngõ cũng có nhiều nhà trọ khác có phụ huynh đưa con xuống chữa bệnh tự kỷ sinh sống”.

Người mẹ trẻ giới thiệu mình tên Thủy, sinh năm 1994, quê ở huyện Như Xuân, còn cô con gái gọi là Cách Cách, 4 tuổi. Chị đưa con xuống thành phố chữa bệnh đã hơn 1 năm nay.

“Ở quê em ngay cả trường tư chuyên dạy trẻ tự kỷ cũng chưa có, nên buộc lòng phải bỏ nhà, bỏ việc làm, đưa con xuống thành phố ở trọ như vậy”, chị Thủy bộc bạch.

Cánh cửa phòng nơi cuối dãy vừa mở, hơi nóng xộc ra khiến người đối diện phải rùng mình. Chị Thủy ái ngại phân trần: “Trời nóng quá, phòng như một cái lò nung. Em ngồi ở ngoài cho mát”. Liếc nhìn căn phòng, bên trong chỉ đủ kê một chiếc tủ và chiếc giường cũ. Bếp ga mi ni được chị mang ra ngoài, tận dụng cái bàn cũ làm chỗ nấu nướng.

Thay bộ quần áo mặc nhà cho mát, chị Thủy lôi từ góc phòng ra nửa cái bắp cải đã có giấu hiệu hỏng, chuẩn bị nấu cơm, miệng lẩm bẩm than giá trên thành phố cái gì cũng đắt. Chị bảo, cuối tuần mẹ con chị về quê, đầu tuần lên thì chở luôn gạo, thực phẩm lên cho đỡ tốn. Vậy mà trung bình mỗi tháng, hai mẹ con chị cũng tiêu tốn hơn 10 triệu động, bao gồm: Tiền học, thuốc, phòng trọ, điện, nước… Ảnh hưởng dịch COVID-19 khiến thu nhập của chồng chị bị sụt giảm, tiền hỗ trợ nuôi con bị eo hẹp hơn.

Nồi canh vẫn còn sôi sùng sục trên bếp, cô con gái nhỏ đã buồn chân, buồn tay tha thẩn ra sân chơi, vài ba cô cậu sinh viên chủ động gọi, hỏi chuyện con. Chị Thủy nhanh nhảu trả lời thay con, miệng không ngừng nói lời cảm ơn.

Chị bảo: “Những ngày tôi mới đưa cháu lên đây ở trọ, buồn lắm nhưng riết rồi cũng quen. Ở đây, già có, trẻ có, người đi làm có, sinh viên có… mỗi người mỗi công việc nhưng chẳng hề thấy ánh mắt kỳ thị hay xa lánh. Ngày qua ngày chỉ có sự động viên, an ủi và nhẫn nại giúp chị có thêm động lực đưa con thoát khỏi thế giới cô độc”.

Xúc cơm, đút từng thìa cho cô con gái nhỏ, chị Thủy cho hay: “Những ngày đầu đón con trở về sau một ngày điều trị, tôi cũng sốt ruột muốn được nghe con gọi “mẹ”. Giờ thì tôi chỉ cần được thấy cháu khỏe mạnh, chơi đùa cùng các bạn trong lớp bởi tôi biết con đường mẹ con tôi đi còn xa lắm nên tôi phải kiên nhẫn. Dù đường có xa, có khó đi đến đâu thì tôi cũng sẽ không bỏ cuộc"...

Nhoẻn miệng cười là vậy nhưng ánh mắt chị Thủy vẫn không giấu được nỗi buồn.

Chuyện ở “xóm tự kỉ”

Góc sinh hoạt nhỏ của mẹ con chị Thủy

Cuộc trò chuyện của chúng tôi nửa chừng bị gián đoạn bởi tiếng nói phát ra từ phòng mẹ con chị Quỳnh. “Con nói lại mẹ nghe nào?”, “Lúc nãy con vừa gọi mẹ, mẹ không nghe nhầm phải không con?”. Lời người mẹ dồn dập hướng về phía cậu con trai. Nụ cười và nước mắt cùng xuất hiện trên gương mặt chị Quỳnh. Cả dãy phòng trọ xôn xao vây lấy người phụ nữ, ai nấy đều vui mừng. Trước mặt cậu con trai, chị Quỳnh nghẹn ngào, nói: “Con trai, gọi mẹ cho cô chú nghe đi con, nói đi con"... Nhưng đứa bé trai có khuôn mặt khôi ngô vẫn im thin thít, đôi mắt nhìn chị vô hồn, khiến biết bao hy vọng vừa lóe lên vụt tắt. Chị Thủy động viên chị Quỳnh tiếp tục kiên trì vì con đang biểu hiện rất tốt. Dường như cảnh ngộ trớ trêu khiến những gia đình có con mắc bệnh tự kỷ xích lại gần nhau hơn.

Trong khi đó, một vài cô cậu sinh viên kéo đứa trẻ ra ngoài sân chơi. Họ đã quá quen với những lần vui, buồn thất thường của người mẹ. Họ cố gắng thể hiện một cách tự nhiên nhất sự “không vấn đề gì” để người mẹ không phải suy nghĩ, ngại ngần trước những biểu hiện lạ kì của hai mẹ con. Bởi họ hiểu những người mẹ có con tự kỉ đã phải khó khăn như thể nào khi mỗi ngày trôi qua là một cuộc chiến.

Chị Thủy và chị Quỳnh chỉ là hai trong nhiều gia đình có con bị tự kỷ đang cư ngụ trong xóm tự kỷ này. Họ tuy vất vả nhưng không đồng nghĩa với bất hạnh. Bởi những đứa trẻ ở xóm tự kỷ đã và đang có nhiều cơ hội hơn những bạn bè đồng cảnh ngộ không được đến bệnh viện.

Gắn bó với trẻ tự kỷ nhiều năm, bác sĩ CKI Trần Thị Minh Anh, Đơn nguyên Tâm bệnh, Khoa Thần kinh - Tâm bệnh, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa thấu hiểu được nỗi lòng của những bậc phụ huynh có con tự kỷ. Nữ bác sĩ chia sẻ: “Có gia đình vợ chồng, ông bà thay nhau chăm con, cháu. Nhiều em vì không đủ điều kiện nên việc điều trị bị gián đoạn, quá trình can thiệp không được liên tục nên ảnh hưởng đến quá trình điều trị. Đó là điều rất lấy làm tiếc”.

Tăng Thúy


Tăng Thúy

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]