(vhds.baothanhhoa.vn) - Để "bắt bệnh" một chiếc đồng hồ, người thợ phải đối diện với “hằng hà” các chi tiết, phụ kiện, nhiều chi tiết nhỏ tới mức chỉ một chút sơ ý cũng có thể bị mất, bị bỏ sót, sai lệch. Nếu cứ áp dụng theo tính chất công việc và thống kê số lượng đồng hồ đã được “cứu chữa” thành công, những người thợ sửa chữa đồng hồ được ví như “bác sĩ” thời gian.

Chuyện về những “bác sĩ" thời gian

Để “bắt bệnh” một chiếc đồng hồ, người thợ phải đối diện với “hằng hà” các chi tiết, phụ kiện, nhiều chi tiết nhỏ tới mức chỉ một chút sơ ý cũng có thể bị mất, bị bỏ sót, sai lệch. Nếu cứ áp dụng theo tính chất công việc và thống kê số lượng đồng hồ đã được “cứu chữa” thành công, những người thợ sửa chữa đồng hồ được ví như “bác sĩ” thời gian.

Chuyện về những “bác sĩ thời gianÔng Đoàn Văn Cường tỉ mỉ kiểm tra đồng hồ cho khách bằng các dụng cụ chuyên dụng.

Đi dọc con phố Cao Thắng (phường Lam Sơn, TP Thanh Hóa), bên cạnh sự đa dạng, phong phú của những cửa hàng buôn bán quần áo, phụ kiện thời trang, chúng ta sẽ bắt gặp nhiều cửa hàng lớn, nhỏ hoặc đơn thuần là những người cần mẫn ngồi bên góc phố, vỉa hè với chiếc tủ nhỏ chuyên bán, sửa chữa đồng hồ. Vì lẽ đó, từ lâu, con phố Cao Thắng đã trở thành nơi quen thuộc, nhắc nhớ người dân TP Thanh Hóa và một số vùng lân cận mỗi khi muốn tìm địa chỉ uy tín để mua bán, sửa chữa đồng hồ. Nghề bán, sửa chữa đồng hồ được xem như nghề truyền thống, trao truyền qua nhiều thế hệ. Nhiều cửa hàng, nhiều con người đã trở thành “chứng nhân lịch sử” cho sự hình thành và phát triển của nghề buôn bán, sửa chữa đồng hồ trên con phố Cao Thắng nhộn nhịp, sầm uất bán buôn.

Dừng chân tại cửa hàng bán, sửa chữa đồng hồ có tên Cường Quý trên con phố Cao Thắng, những vị khách lạ không khỏi hào hứng, thích thú khi chứng kiến ông Đoàn Văn Cường, chủ cửa hàng đang tỉ mỉ kiểm tra đồng hồ của khách mang tới sửa. Người đàn ông luống tuổi cẩn thận soi xét chiếc đồng hồ đeo tay sau đó lấy ra từ ngăn kéo một số dụng cụ, đồ nghề như: kính lúp đeo mắt, dao chuyên dụng, van mở đáy nắp, tua vít loại đầu nhọn, kìm mũi nhỏ, búa nhỏ, nhíp... Ông Cường đeo chiếc kính lúp vào mắt một cách điệu nghệ, điêu luyện, từng chi tiết dẫu nhỏ nhất của chiếc đồng hồ hiển hiện sắc nét trước mắt người thợ lành nghề. Đây có lẽ là dụng cụ độc đáo, thú vị, trợ thủ đắc lực nhất và góp phần làm nên hình ảnh nhận diện của những người thợ sửa chữa đồng hồ như ông Cường. Chiếc kính lúp này khá nhỏ, gọn nhẹ, có thể đeo trực tiếp trên mắt hoặc qua dây đeo, gọng; thân kính được ghi thông số phóng đại. Nếu chỉ nhìn theo động tác đơn giản của ông Cường, ít ai biết được rằng, việc cố định được chiếc kính lúp ấy lên mắt cũng khiến cho những người “ngoại đạo” không khỏi vụng về, lúng túng.

Sau khi đã “bắt bệnh” chính xác thông qua quan sát tỉ mỉ kết hợp với kinh nghiệm “chữa bệnh” cho nhiều loại đồng hồ khác nhau trong suốt mấy chục năm qua, ông Cường từ tốn lấy dụng cụ trong chiếc khay đựng, nhẹ nhàng bật nắp đáy đồng hồ, quay sang nói với khách: “Đồng hồ hết pin rồi, chú thay loại pin tốt cho yên tâm mà dùng nhé”. Khách chưa kịp “ngồi nóng chỗ”, chiếc đồng hồ đã được hồi sinh “nhịp thở”. Từ những dụng cụ tưởng như rất đơn giản, gần gũi ấy, người thợ sửa chữa đồng hồ đã “chữa trị” thành công cho biết bao chiếc đồng hồ mỗi khi “bị bệnh”, níu giữ, hồi phục nhịp thời gian trên từng chuyển động nhịp nhàng của kim giờ, kim phút... Với ông Cường, những ca thay pin, thay dây đeo hay tra dầu máy như thế này là “chuyện thường”, đều đều trong ngày. Điều làm ông khoái nhất là khi bắt gặp những “ca khó”, máy móc phức tạp đòi hỏi phải đầu tư thời gian, thử thách năng lực của người thợ.

Được biết, gia đình ông Đoàn Văn Cường có 4 thế hệ sinh sống, làm nghề sửa chữa đồng hồ trên con phố này. Ông của ông Cường là ông Cả Dư - một trong những thợ sửa chữa đồng hồ giỏi có tiếng, có bằng sửa chữa đồng hồ do chính quyền Pháp cấp. Ông Đoàn Văn Định - bố của ông Đoàn Văn Cường đã tích cực vận động, kêu gọi thành lập HTX Đại Đồng chuyên sửa chữa đồng hồ. Lúc bấy giờ, ông Đoàn Văn Định đang là Phó Chủ tịch Ủy ban Hành chính tiểu khu Hoàng Hoa Thám (phường Lam Sơn ngày nay). Thời điểm đó, HTX phát triển mạnh mẽ, thu hút hàng trăm xã viên tham gia. Phần lớn xã viên là người dân trên địa bàn thị xã Thanh Hóa (nay là TP Thanh Hóa). Ai chưa biết nghề thì vào HTX sẽ được hướng dẫn tận tình. HTX đã có những thời kỳ hoạt động sôi nổi, mạnh mẽ. Lúc HTX Đại Đồng giải thể, ông Định về mở cửa hàng sửa chữa đồng hồ Văn Định trên con phố Cao Thắng. Sau khi ông Định mất, ông Đoàn Văn Cường trân trọng gìn giữ, phát triển nghề.

Ông Cường đến với nghề sửa chữa đồng hồ một cách rất tự nhiên, gần gũi như cái cây được tưới tắm, vun trồng trong mạch nguồn truyền thống gia đình. Ông Cường chia sẻ: “Tôi có may mắn được sinh ra và lớn lên với nghề, trong những giai đoạn mà nghề sửa chữa đồng hồ đang phát triển. Đi ra đi vào, cuộc sống diễn ra xung quanh những chiếc đồng hồ, hằng ngày nhìn thấy bố cặm cụi sửa chữa đồng hồ thì thử hỏi làm sao không yêu thích, gắn bó với nghề”. Qua kinh nghiệm của mình, ông Cường nhận định: “Điều căn bản nhất của thợ sửa chữa đồng hồ là phải có kiến thức và sự tỉ mỉ, cẩn thận, kiên nhẫn. Tuy nhiên, muốn đứng vững và đi xa hơn với nghề thì người thợ sửa chữa đồng hồ cần có cả sự ham học hỏi, tinh ý, sáng tạo”. Niềm đam mê, ý thức, trách nhiệm, tay nghề cao là những giá trị cốt lõi giúp ông Cường gìn giữ, phát huy được nghề truyền thống của gia đình. Ông Cường hóm hỉnh nói: “Bây giờ người ta nâng niu những chiếc đồng hồ cơ (đeo tay, để bàn, treo tường) của Pháp, Thụy Sĩ, Liên Xô cũ rồi rộ lên thú chơi, sưu tầm đồng hồ cũ như một cách hoài niệm thời gian, lưu giữ ký ức. Vào thời kỳ nghề sửa chữa đồng hồ trên phố Cao Thắng đang cực thịnh, những loại đồng hồ ấy ở trong cửa hàng của chúng tôi lúc nào cũng có. Nhiều loại đồng hồ cơ cấu tạo phức tạp, không có linh kiện thay thế, ông nhà tôi còn phải tự chế để sửa cho khách”.

Cũng như gia đình ông Cường, cửa hàng bán, sửa chữa đồng hồ Văn Hòa đã có tuổi đời gần 20 năm hiện diện trên con phố Cao Thắng. Chủ cửa hàng Văn Hòa cho biết: “Dù là trước đây hay bây giờ, Cao Thắng vẫn là một trong những trung tâm hoạt động thương mại sầm uất của TP Thanh Hóa, trong đó, nghề sửa chữa đồng hồ có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời”. Thời điểm những năm 80, ngay tại đầu đường Cao Thắng (chỗ giao nhau với Đại lộ Lê Lợi) từng là địa điểm hoạt động của Cửa hàng quốc doanh đồng hồ Việt Đức chuyên sửa chữa đồng hồ được đầu tư xây dựng khá khang trang. Và ở khu vực phía ngoài đồng hồ Việt Đức, một số cá nhân nhạy bén đã về đây bày bán đồ cũ, nhiều nhất là các loại đồng hồ cũ. Theo thời gian và nhu cầu thị trường, một số hộ gia đình trên phố cũng mở cửa hàng buôn bán, sửa chữa đồng hồ.

Vừa tỉ mỉ thay dây đồng hồ cho khách, chủ cửa hàng Văn Hòa nhiệt tình chia sẻ: “Nhìn những chiếc đồng hồ đeo tay nhỏ nhắn như thế nhưng được cấu tạo từ nhiều chi tiết nhỏ, kết nối chặt chẽ với nhau. Vì vậy, chỉ riêng để hiểu được nguyên lý, cấu tạo, thuộc được các chi tiết, cách vận hành, kết nối của các chi tiết cũng đã phải đầu tư nhiều thời gian, công sức, trí tuệ”. Chủ cửa hàng Văn Hòa hay phần lớn những người thợ sửa chữa đồng hồ trên phố Cao Thắng đến với nghề sửa chữa đồng hồ theo hình thức “cha truyền con nối” hoặc học nghề từ những người thợ lâu năm trong khu phố. Vì vậy, điều quan trọng nhất là phải quyết tâm, chịu khó, ham học hỏi. Vừa học vừa thực hành để nâng cao kỹ năng, hiểu biết, từng bước hoàn thiện bản thân hơn.

Giờ đây, nhiều cửa hàng trên phố Cao Thắng mở ra rồi lại phải đóng cửa phần vì thưa vãn khách, phần vì không có người kế nghiệp và muôn vàn lý do khác nữa. Nếu như trước đây, các cửa hàng phần lớn chỉ sửa chữa thì nay cũng đã kèm thêm buôn bán đồng hồ, phụ kiện đồng hồ. Chủ cửa hàng bán, sửa chữa đồng hồ Cường Quý bày tỏ: “Đời sống ngày càng nâng cao, khoa học công nghệ ngày càng phát triển. Trên thị trường hiện nay, các loại đồng hồ vô cùng đa dạng, phong phú, thu hút cả về kiểu dáng, phong cách mà giá thành lại rẻ nên không mấy ai mặn mà với việc sửa chữa. Hơn hết, bây giờ, người người nhà nhà dùng điện thoại xem giờ, máy tính để bàn, laptop, kể cả xe máy đều có hiển thị đồng hồ... nên nhu cầu mua đồng hồ đeo tay, để bàn, treo tường cũng bị hạn chế”. Hiện nay, khách tìm đến cửa hàng Cường Quý, Văn Hòa hay các cửa hàng khác chủ yếu là để thay pin, thay dây, mặt kính đồng hồ với giá dao động từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng. Chủ cửa hàng Văn Hòa thẳng thắn nhìn nhận: “Ngày nay, khách hàng thường ưa chuộng mua sắm trên các nền tảng thương mại điện tử. Mình buôn bán theo kiểu truyền thống nên khó cạnh tranh. Lợi thế lớn nhất của chúng tôi là uy tín, thương hiệu với một lượng khách quen nhất định”.

Mặc dù đã qua thời kỳ “hoàng kim”, thu nhập từ nghề cũng “thường thường” nếu không muốn nói là có phần bấp bênh nhưng nhiều cửa hàng, thợ sửa chữa đồng hồ trên con phố Cao Thắng vẫn kiên trì, bền bỉ, gắn bó với nghề. Hơn hết, với những người được mệnh danh là “bác sĩ" thời gian ấy, sửa chữa đồng hồ không chỉ là nghề “kiếm cơm” mà còn có niềm tự hào về truyền thống gia đình, lịch sử hình thành và phát triển của quê hương...

Bài và ảnh: Thảo Linh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]